Thứ Sáu, tháng 5 25, 2007

ĐỒNG ĐỘI CỦA CHÚNG TA KỂ



CHÚ HEO MỌI GÓP PHẦN ĐÁNH GIẶC
Ghi theo ký ức của Đỗ Tấn Mỹ k5
Kiến Quốc

Đỗ Tấn Mỹ luôn tự hào về Tiểu đoàn 46 đặc công trinh sát (nay là Tiểu đoàn 47 trinh sát thuộc Quân khu VII), đơn vị 2 lần AHLLVT. Anh kể lại chuyện vui thời chiến tranh thế này:
“Tháng 3 năm 1970, ở Campuchia, bè lũ Lon Non làm đảo chính Quốc vương Norodom Sihanuc. Lập tức các đơn vị Quân giải phóng kết hợp lực lượng của Bạn tập trung đánh đuổi lính Lon Non chạy đến sát biên giới Thái Lan. Để cứu vãn tình thế, Bộ chỉ huy Mỹ ở miền Nam quyết định trả đũa bằng một chiến dịch càn lớn nhất kể từ khi vào xâm lược nước ta. Chúng tấn công khắp tuyến biên giới Campuchia, bao vây cơ quan Bộ chỉ huy miền đóng tại Xa Mát, Thiện Ngôn.
Đang là lính trinh sát của các sư 5, 7 và 9, chúng tôi được gọi tập trung về Tiểu đoàn 46 đặc công trinh sát (thuộc Phòng 2). Vừa chân ướt chân ráo về được ít ngày, bổ sung thành lập Đại đội 6, thì đụng ngay trận càn. Hàng trăm xe tăng, thiết giáp, chiến xa vận kết hợp máy bay phản lực và trực thăng UH-1 bất ngờ đánh thẳng vào căn cứ đóng quân Bộ chỉ huy. Các cơ quan của ta nằm gọn trong vòng vây. Tiểu đoàn 46 nhận lệnh phá vòng vây giải cứu các đồng chí trong cơ quan. Vì số lượng cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan đông nên phải tổ chức thành nhiều nhóm, vào từng thời điểm khác nhau bí mật vượt vòng vây ra ngoài.
Đại đội 6 nhận nhiệm vụ bám vòng trong thu hút lực lượng địch. Vì nắm vững địa hình mà từng tiểu đội bí mật luồn rừng giương đông kích tây, tập kích vào các cụm đóng quân của địch, chiến đấu trong suốt bảy ngày đêm. Từ bị động ta đã dần giành lại thế chủ động, gây cho địch nhiều thiệt hại. Trong một trận đánh cùng các chiến sĩ giải phóng, một chú heo mọi đã có đóng góp đáng khen ngợi. Chuyện thế này!
Ngày ở cứ, các đơn vị vừa chiến đấu vừa tự túc trồng rau xanh, chăn nuôi heo, gà cải thiện. Lần đó vì phải chạy giặc không mang theo kịp mà có đơn vị để lại chú heo mọi nặng chừng 5-7 kí. Bị bỏ đói chú lang thang kiếm ăn. Ban đêm đánh hơi thấy mùi thức ăn từ đống vỏ đồ hộp của lính Mỹ vứt ngoài trảng hay quanh khu vực đóng quân (lính Mỹ khi hành quân dã ngoại được học: ăn xong vứt vỏ lon đồ hộp quanh lều bạt, nếu VC mò vào vấp phải vỏ lon sẽ bị phát hiện), là chú mò tới ụt ịt giúc mõm vào đống vỏ hộp liếm láp, chân đá vào lon phát tiếng “leng keng”. Nghe tiếng động lạ, lính Mỹ hốt hoảng hô “Vici, Vici!”, rồi vãi đạn AR-15 như mưa. Nghe tiếng súng chú heo con vội quay đầu chạy. Chờ yên tiếng súng, chú lại khụt khịt đánh hơi tìm hướng có người mò đến. Có lúc chú mò cả vào gần khu vực lính ta. Nghe tiếng đụng lon sữa bò, ngỡ có biệt kích, anh em ta cũng nhả đạn. Mấy ngày đầu phải đến chục lần trong đêm hai bên ta và địch thay nhau bị chú lừa. Nhưng với linh cảm của cánh trinh sát, anh em thấy hiện tượng khác thường. Đêm sau tiếp tục bám thì phát hiện chú heo mọi chính là thủ phạm làm cho cả ta và địch mất ăn mất ngủ.
Cũng quá mệt mỏi vì mấy đêm liền mất ngủ do báo động liên miên mà không thấy bị tấn công, lính Mỹ sinh chủ quan, không phản ứng mỗi khi có tiếng “leng keng”. Phải tận dụng điểm yếu này để đánh địch! Một phương án tác chiến táo bạo được báo cáo đại đội. Đêm đó đã 2 giờ, cánh trinh sát bí mật bò sát vào khu vực đóng quân của lính Mỹ đặt hơn chục quả mìn chống tăng DH-7 và DH-10, quanh lều trại. Khi bò vào có lỡ đụng vỏ đồ hộp cũng không thấy địch phản ứng. Xong xuôi, anh em lặng lẽ rút ra, chờ đến giờ G. Có lệnh nổ súng, những khẩu tiểu liên AK đồng loạt điểm xạ vào các lều bạt. Lính Mỹ đang ngủ say giật mình choàng dậy, chạy tán loạn ra ngoài. Chờ có vậy anh em bóp mạnh tay điều khiển magnetic, kích nổ các trái mìn. Trong đêm dưới ánh chớp lòe của mìn định hướng, chúng tôi thấy rõ xác lều bạt rách toác và xác lính Mỹ tung lên kèm theo những tiếng rống. Bọn còn lại không thoát khỏi những loạt AK chính xác của lính ta. Nửa tiếng sau, đại đội trưởng lệnh cho các mũi rút ra xa khu vực nguy hiểm. Gần sáng, một trận tập kích điên cuồng của pháo binh Mỹ vào vành đai quanh khu vực đóng quân, hòng tiêu diệt lực lượng ta. Đến khi trời sáng rõ, ba chiếc trực thăng vận tải Si-núc với hai cánh quạt lớn, cắt gió từ hướng Tây Ninh bay tới, đổ xuống lấy xác chết và lính bị thương. Bọn lành lặn dìu những tên bị thương tập tễnh leo lên trực thăng rút về căn cứ. Đếm sơ bộ đến cả trăm cáng thương được đưa lên máy bay. Chúng hoảng sợ bàn giao khu vực lại cho lính ngụy. Chúng tôi còn bám trụ thêm vài ngày nữa cho đến khi các cơ quan rút hết ra vùng an toàn. Khi đó đại đội 6 mới rút. Ngày tổng kết, trận này được trên đánh giá là trận đánh hiệu quả, “tương kế tựu kế”, lấy ít địch nhiều. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong đại đội được bầu là Dũng sĩ diệt Mỹ.
Cho tới giờ khi gặp nhau kể lại chiến công này, anh em vẫn không quên nhắc tới sự đóng góp của chú heo mọi đáng yêu. Xin ghi lại kỉ niệm này để nhớ tới những đồng đội đã hy sinh và những người còn sống thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 46 trinh sát đặc công anh hùng”.
Xuân Giáp Thân 2004

Ảnh tư liệu: Ba chiến sĩ C6, D46 tại Tây Ninh năm 1974. Từ trái qua: B trưởng Đỗ Tấn Mỹ, B trưởng Ba Thanh và C trưởng C6 Hoàng Giang.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Từ đầu năm 2007, trên báo chí cấm dùng từ "mọi" nhưng các anh hai Nam bộ thì "dzô tư đi", quen rồi, nghĩ sao nói dzậy! No "dzấn đề"!