Thứ Tư, tháng 5 23, 2007

THẦY TRÒ TRƯỜNG TA

TRIỂN LÃM TRANH CỦA THẦY PHẠM LỰC

Vậy là 1 tuần đã qua kể từ ngày khai mạc Triển lãm tranh Phạm Lực. Bận rộn với công việc, lúc nào đó giật mình thấy mình vô tâm quá với thầy. Thầy từ Hà Nội vào, lại đơn thương độc mã... Vội nhấn số máy 0904376490 đã thấy trả lời: "Tôi Phạm Lực đây!". Biết là trò hỏi thăm, thầy kể rằng rất đông khách đến thưởng thức tranh, họ mua nhiều lắm, nay đang phải dừng lại. Thật là mừng!
Ban Liên lạc dự kiến: ngày chủ nhật 10/6/2007, Trung Liêm sẽ mời thầy về nhà rồi một số lính Trỗi mê tranh "đồng họa" cùng thầy một, hai bức sơn dầu, kỷ niệm ngày thầy vào Sài Gòn. Sau đó anh em ta liên hoan chia tay thầy (dự kiến ở JODEE BEER). Theo kế họach, ngày 15/6/2007 sẽ kết thúc triển lãm.
Kiến Quốc

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cuộc sống muôn màu trong tranh Phạm Lực

TT - Được CLB sưu tập tranh của mình hỗ trợ, họa sĩ Phạm Lực vừa có cuộc du Nam đầy ấn tượng. Triển lãm cá nhân hết sức qui mô của ông mang tên “Cuộc sống muôn màu” có gần 300 tác phẩm, đa số là tranh khổ lớn (đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - 97A Phó Đức Chính, Q.1).

Vẽ, để đừng quên...
Đây mới chỉ là một phần rất nhỏ so với số lượng tranh khổng lồ mà Phạm Lực đã vẽ trong suốt mấy chục năm qua. Người ta ước tính con số này có thể lên đến hàng vạn bức. Ngay chính họa sĩ cũng không biết mình đã vẽ bao nhiêu tác phẩm và triển lãm bao nhiêu lần. Ông chỉ nói rằng vẽ đã trở thành hơi thở, là cuộc sống hằng ngày của ông. Bất cứ một ý tưởng nào hiện lên trong đầu là ông thể hiện ngay lập tức bằng tranh và vẽ lên bất cứ thứ gì tìm thấy bên cạnh: trên bao tải, bao bột mì và cả giấy chống ẩm. Ông bảo “làm như vậy để khỏi quên”. Sơn dầu, sơn mài, màu nước, lụa, khắc gỗ... ông đều đã vẽ và tự làm một mình, không ai phụ cả. Có người so sánh sức vẽ của ông bằng một xưởng cả trăm người.
Ông đưa người xem trở lại với tuổi ấu thơ, trở về với làng quê được bao bọc bởi những lũy tre xanh, những mái nhà tranh, dòng sông, bến nước, cây đa, con đò... Nhưng đặc biệt nhất vẫn là những số phận, cảnh đời. Ông nói: “Đối với tôi, cái đẹp trong hội họa phải bắt nguồn và gắn bó với cuộc sống, xuất phát từ những cái thực. Đó là cuộc sống của những người lao động, người chiến sĩ, và cả những đứa trẻ lang thang...”.

CLB những người yêu tranh Phạm Lực
Nhà sưu tập Ngô Quang Tuấn: “Tôi đặc biệt yêu thích những bức tranh của Phạm Lực vẽ về người mẹ”.Ở VN có lẽ Phạm Lực là một trong số họa sĩ ít ỏi có cả một CLB sưu tập tranh của ông. Ông có một lớp công chúng đủ mọi thành phần với nhiều quốc tịch, họ yêu tranh của ông, yêu con người nhân hậu trong tranh. Sau bốn năm hoạt động, CLB này giờ đổi tên thành CLB Sưu tập tranh Phạm Lực với hơn 60 thành viên. Trong đó có người đã sưu tập cả ngàn bức tranh.
Anh Ben Wikinson - phó giám đốc của Chương trình VN tại ĐH Harvard (Mỹ), một thành viên của CLB - cho biết: “Tôi cũng như bao người nước ngoài khác dù không sinh ra trên đất nước này nhưng lại yêu tranh Phạm Lực và coi những tác phẩm của anh như một di sản văn hóa không biên giới. Tôi đã học hỏi được rất nhiều về kho tàng văn học và văn hóa VN qua tranh của anh. Hơn nữa, qua tranh Phạm Lực tôi cũng hiểu được phần nào một thời chiến tranh mà trời đã cho tôi cái ân huệ sinh sau. Tôi không chỉ học tập từ tranh của anh mà còn học rất nhiều từ chính con người của anh Lực.

Bây giờ anh được giới mỹ thuật trong nước cũng như ở nước ngoài đánh giá như một thiên tài. Các nhà sưu tập đua nhau “xí” tranh của anh. Nhưng anh Phạm Lực không bao giờ quên những người kém may mắn hơn. Mới gần đây báo chí có nói anh ấy đã tặng tranh để gây quĩ cho Quĩ nước sạch và môi trường VN. Ngoài ra anh ấy còn nhiều hoạt động từ thiện khác mà báo chí chưa biết đến”.

Họa sĩ Phạm Lực tâm sự dù ông đã triển lãm không biết bao nhiêu lần nhưng lần này thật sự là một dấu ấn trong đời. Ông quyết định đăng ký triển lãm suốt một tháng (đến 16-6-2007) để có dịp nhìn ngắm lại những “đứa con” của mình.
HỒNG SƠN