Lần trước tôi đã kể chuyện lúc mới lên trường còn ở trong Đồng Cháy vì phải học ôn cho kịp các bạn nên tôi không được đi lấy củi. Trong lòng ấm ức tiếc rẻ. Vì cho đến khi đó nói đến lấy củi là nhớ ngay phim hoạt hoạ Liên Xô. Các bạn nhảy chân sáo vào rừng, chim hót, bướm lượn vờn hoa. Thỉnh thoảng trên bãi cỏ có cành củi khô, bèn nhặt lấy mang về. Tuy ấm ức nhưng tôi cũng không cố đi, vốn là trò nghe lời thầy mà. Với lại học kịp các bạn thì đi, có sao đâu.
Đến khi sang Trại Cau thì tôi mới đi lấy củi lần đầu. Từ Trại Cau cả bọn kéo nhau sang lối bên kia đường (bây giờ vẫn vậy), đi qua suối Chì, qua khoảnh ruộng bậc thang thoai thoải trồng lúa nước. Bọn lớp 5 (k6) và lớp 6 (k5) của Kiến Quốc ở đâu đó khu vực này. Sau đó con đường mòn dẫn lối vào rừng, qua một cái khe mà sau này tôi với Thanh Minh, Tương Lai có chuyến vào câu cá đêm và bắt ếch, bên chân đồi tay phải cách một khoảnh ruộng có cây trám trắng cao vút. Lên khỏi cái khe này là đến một nhà dân mà thỉnh thoảng anh em ta vào mua sắn, mật mía nấu chè ăn tại chỗ.
Nhìn chả thấy rừng cây và thảm cỏ đâu, chỉ có những sườn đồi dốc đầy những cây gì khô mầu rạ thẳng đứng. Đỉnh đồi có những cây to và bụi rậm. Thấy mọi người bắt đầu leo lên đồi, tôi hỏi củi đâu? “Ma cũ” (chả nhớ là ai) bảo đấy, leo lên đồi, thấy củi thì lấy. Mọi người leo thì tôi cũng leo chứ đã thấy gì đâu. Theo chúng trèo lên đồi. Hoá ra đây chính là nương trồng lúa. Những cây lúa nương, sau này biết dân gọi là “lúa mố”, đã được thu hoạch bằng cách rút bông chứ không gặt, nên phần rạ, rơm còn nguyên trên đồi. Mà giống lúa mố trồng gieo hạt thẳng xuống đất, lớn lên nhờ tro đốt nương và nước trời nên cây cao và cứng. Ít lâu sau chuyến lấy củi này tôi có một kỉ niệm với cây lúa mố, kể sau. Hoá ra củi là bất kì cành cây nào có thể lấy được ở trên nương, trong rừng. Người ta hạ cây rừng, để khô, đốt rồi làm nương. Ở đó có những cây, cành to người ta không lấy về nhà làm gỗ, làm củi, cháy không hết, là “củi” của quân ta. Thường là phải chọn lấy cành vừa sức, rồi vác về.
Trở lại với chuyện leo nương tìm củi. Cả bọn tản ra, vừa leo vừa nhìn xem có củi không. Có những cây to nằm khuất trong đám lúa, to quá, không thể nào khiêng được. Cành của chúng thì đã bị lấy đi rồi. Lác đác có những cây chuối rừng nhỏ lá xanh mướt giữa đám lúa mố xỉn mầu. Chợt nghe có tiếng gọi nhau í ới. Hoá ra không biết thằng nào đi sau còn dưới chân đồi lại tìm được cây củi vừa mắt đang gọi mượn dao. Ngô Mạnh Hùng to khoẻ (chả thể mà gọi là Hùng ngựa, móng) cầm con dao quắm đã trèo tuốt lên cao. Thằng ở dưới mượn dao thằng ở trên. Ngô Hùng bảo “bắt lấy này” rồi quăng con dao xuống. Bố thằng nào dám bắt dao. Mấy thằng ở dưới hét ầm lên, tôi nhìn con dao quăng quăng từ trên rơi xuống dưới, hình như có thằng nào sợ quá hụp đầu xuống. Rồi có tiếng hét đau đớn của một thằng, các thằng khác hô ầm lên. Ngô Hùng chạy vội từ trên đồi xuống, bọn tôi cũng xuống xúm lại xem. Hoá ra anh Chí Quang nhà mình trúng dao vào chân. May mà không phải phần sắt của dao phang vào, may mà không gãy xương, chảy máu, nhưng mà đau không đi được. Thế là chuyến đầu tiên anh Chí Quang làm “củi” cho anh Ngô Hùng cõng về.
Ngó cảnh Ngô Hùng cõng Chí Quang về, rồi cả bọn lại leo nương tìm củi. Mãi chả thấy củi đâu, lác đác đã có thằng ra về, cũng sốt ruột rồi. Loanh quanh, trèo lên rồi đi ngang qua lại, cuối cùng tôi cũng thấy một cành củi. Lạ một cái là sao không có thằng nào lấy, chỗ này chắc có thằng qua rồi chứ. Mà chả phải chặt gì cả, hơi nặng một tí nhưng cũng vác được. Thế là vác lên. Vừa vác vừa kéo từ trên nương xuống, rẽ đám cọng lúa mố, mướt mồ hôi. Xuống đến đường nghỉ một chốc mấy thằng có củi rủ nhau về, cũng gần chót rồi còn gì.
Đến khi vác cành củi của mình tôi mới thấy cực. Càng đi cành củi càng nặng dần, vai đau hơn. Đất dính đầy cổ, vai. Hai tay nâng cành củi cho vai đỡ đau. Tệ hơn nữa là cành củi của tôi có hình như cái vai cày, hai đầu trũng xuống gần đến đất. Mình đi vai lắc sang phải thì hai đầu nó đu sang trái, cứ như thế. Rồi đến chỗ đường trũng giữa đồi, giữa ruộng bậc thang, đi lên thì đầu trước chọc vào đất, đi xuống thì đầu sau quết đất. Bọn cùng đi vượt trước một quãng xa mà tôi vẫn còn đánh vật với cây củi. Bỏ cũng không được, vì tìm mãi rồi bây giờ quay lại có mà tìm đến bao giờ, trong khi “đồng bọn” đã về hết. Mãi cuối cùng tôi cũng tha được cái vai cày về đến bếp đại đội.
Thế là tan một giấc mơ “hái củi”.
Sau này còn nhiều chuyến đi lấy củi, lúc thì lấy cành cây cháy dở, than bám đen nhẻm; lúc thì kiếm củi trời mưa mùa đông giá rét rồi về tắm suối. Có những chuyến vào nương cũ, cây dại đã mọc um tùm, đi trên thân cây to chặt lấy một cành vừa í. Hái mấy lá to đùng của cây mua non làm “giấy”, ngồi ngang thân cây “bom” xuống rồi về. Đến hồi tập ở Quân chính cũng đi lấy củi. Về Hưng Hoá, rừng xa, mỗi lần lấy củi đi mất cả ngày, phải mang theo bánh bao ăn trưa. Bao giờ tôi cũng chọn cây thẳng thẳng và nhẹ nhẹ một tí, về đến nhà là vừa nặng. Mà cũng chỉ có ở trường Trỗi là đi kiếm củi, sau này toàn phải mua, vì có ở rừng nữa đâu mà đi nhặt.
Thứ Tư, tháng 5 30, 2007
Chuyện Trỗi xưa: Lấy củi
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Tư, tháng 5 30, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
3 nhận xét:
Sau 30/4/1975, khi ở Trung tâm Máy tính Quân đội tại SG, bọn tôi vẫn phải đi lấy củi. Lúc đó mình không phải là "ma cũ" nữa mà là "cụ ma cũ" rồi nên kinh nghiệm lắm. Chẳng có nhiều công cụ nhưng vẫn tổ chức lấy được củi cho đơn vị theo kiểu của Trường Trỗi (té ra rừng VN ngòai Bắc hay trong Nam cũng có kiểu đốt rừng làm rẫy giống nhau), mỗi lần 1 xe GMC, đơn vị "kính nể" lắm. DMinh
À đúng. Sau này khi ở B30 tôi cũng đi lấy củi trên Sông Bé (Bình Dương+Thủ Dầu Một). Ở đấy lấy cây cao su đổ gãy vì chiến tranh, vì phá rẫy trồng sắn, ...
HữuThành nhớ dai thật.
Tội nghiệp cho thằng nhóc 13 tuổi "dân nhà tỉnh" lần đầu theo chúng bạn đi lấy củi bỗng chốc trở thành củi cho chúng nó cõng về. Lúc đó chân tôi sưng húp, tím ngắt. May có 1 người dân bản xứ đi ngang. Ông ta lật đật đốt lửa, dùng dao hơ lửa áp liên tục vào chỗ sưng. Ông nói nếu không sơ cứu, cứ để thế mà về thì bị thọt luôn. Sau vụ đó tôi bị tập tễnh cả chục ngày. Đấy là bài học về sơ cấp cứu tại chỗ mà lần đầu tiên 2 đứa tôi được tập huấn. Sau này không biết ổng là ai để mà cám ơn. Không có ổng thì nay đâu có cơ hội đi nhảy dù lấy chứng chỉ.
Thuật phi đao: Hồi xưa vua ban ruộng cho tướng sỹ có công theo kiểu thác đao điền. Cứ đứng trên đồi phóng đao tới đâu thì ruộng được chia tới đó. Qua việc Hùng móng phi dao mới biết thác đao điền không phải là ruộng nhỏ.
HCQuang, nạn nhân năm 1965.
Đăng nhận xét