Thứ Năm, tháng 5 24, 2007

THẦY CÔ GIÁO CỦA CHÚNG TA

VỚI THẦY NGUYỄN ĐỖ CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT...

Sinh năm 1929 tại Tiền Giang, chàng học sinh Nguyễn Đỗ đã có mặt cùng dân tộc đấu tranh trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, tập kết ra Bắc, thầy được cử đi học Sư phạm rồi về làm giáo viên văn hóa của Quân khu Hữu ngạn. Rồi cả cuộc đời thầy gắn với nghề dạy học, từ Trường Văn hóa quân đội Lạng Sơn đến Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (TCCT) rồi Trường Văn hóa Quân khu VII. Học sinh của thầy nay đã trưởng thành, nhiều người là sĩ quan cao cấp trong quân đội, đang đảm đương những cương vị trọng trách.

Nghỉ hưu, về sinh hoạt tại phường 17, Gò Vấp nhưng vốn say mê văn nghệ, thầy quy tụ anh em thành lập đội Văn nghệ CCB Gò Vấp. Đội văn nghệ xung kích mang lời ca tiếng hát, những điệu múa truyền thống đến vùng sâu vùng xa, đến các hội nghị, trường học để biểu diễn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng. Hai vợ chồng cùng yêu thơ và thầy từng gánh trách nhiệm Chủ tịch Hội thơ Người cao tuổi.

Năm rồi khi phát hiện trọng bệnh, thầy chủ động tìm thầy, tìm thuốc chữa trị. Khi đã nặng, thầy mới chịu vào viện nhưng thấy bạn bè, đồng đội vào thăm nhiều thì trách: “Báo cho mọi người làm gì, họ đến thăm vất vả vì đường xá, nắng nôi… Thầy còn lâu mới đi!”. Thấy miệng đã cứng nói ngọng ngịu khó nghe, thầy lo lắng: “Miệng bị cứng thế này thì làm sao giảng bài cho các em được?”. Thật cảm động vì đến phút cuối thầy vẫn không quên cái nghề dạy học vẻ vang! Thầy còn hóm hỉnh đọc cho thầy Trọng và chúng tôi nghe “Bài thơ cuối đời”, sáng tác trước hôm ra đi chẵn chục ngày: Trời bày chi cái bệnh ung thư/ Nó phá, nó hành tớ đến nhừ/ Mẹ kiếp, nửa đêm căng muốn chết/ Cha đời, sáng sớm tức nằm thừ! Với mi đối mặt ta đâu sợ/ Cùng nó sống chung, tớ biết dư!/ Sống chết – luật đời đành phải chịu/ Ra đi thanh thản, cũng vô tư!

Gặp gia đình mới biết: Thầy đã lo hết mọi chuyện và dặn lại “Tôi rất tự hào vì gần 80 năm qua đã sống có ích cho đời. Nếu tôi có đi thì đừng quá lo lắng, đau buồn, tổ chức thật đơn giản, tránh lãng phí - không kèn, không trống, không chấp điếu … đừng làm phiền đến ai”. Thầy coi “chết không phải là hết mà chết vẫn phải làm điều có ích” nên đã động viên gia đình ủng hộ ý định hiến xác nhân đạo…

Đúng một tuần nằm viện, được các y, bác sĩ Bệnh viện trung ương quân đội 175, nhất là lứa thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, tận tình chăm sóc, nhưng vì tuổi cao sức yếu mà trái tim thầy đã ngừng đập lúc 6 giờ 40 phút, sáng Chủ nhật 19/2/2006. Đúng theo kế hoạch, thi hài được chuyển ngay về gia đình. Thầy nằm trên giường thanh thản như đang say giấc nồng. Bàn thờ giản dị nhưng trang nghiêm, nghi ngút khói hương. Họ hàng, bà con khối phố, đồng chí đồng đội nghe tin đến vĩnh biệt.

Chiều hôm ấy, nhiều đồng nghiệp và học trò của thầy ở Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi về đông đủ. Sau lời vĩnh biệt của Đại tá Phạm Đình Trọng là những lời tâm huyết của Ban Liên lạc: “… Trong chúng em, có bạn đeo quân hàm đến cấp tá, cấp tướng; vậy mà không thể nào quên được cái giọng sang sảng của thầy khi lên lớp. Đọc áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”: Đánh một trận sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông…, thầy đã trao cái hồn văn học, trao cái hồn của dân tộc cho chúng em. Sau này có những bạn khi lãnh trách nhiệm chỉ huy đơn vị ở mặt trận Tây-Nam, trước giờ ra trận, đứng trước hàng quân nhớ đến bài giảng của thầy đã dùng cái thần ấy khích lệ binh lính lao vào trận…”.

Trước giờ đưa thi hài thầy đi, mấy chục anh chị em trong đội Văn nghệ CCB có mặt đông đủ. Anh chị em làm theo “ý nguyện của Anh Hai”: "Đừng kèn, đừng trống nhưng nhớ hát chia tay mình bài “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho và “Mỗi bước ta đi” của Thuận Yến!". Những CCB, có người đầu đã bạc trắng, đứng trước thi hài ông, nước mắt chảy dài trên hai gò má mà miệng khẽ hát: “Vừng đông đã hửng sáng… “ và “Đồng chí ơi, người chiến sĩ giải phóng quân!...”. Ngoài sân, nhiều người nén đau thương cùng hòa giọng hát theo.

Đến giờ chia ly, Bí thư Đảng ủy phường thay mặt phát biểu: “Đồng chí Nguyễn Đỗ kính mến! Di chúc đồng chí dặn lại “đừng đọc điếu văn” vì coi công trạng của mình không là gì so với những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; nhưng xin cho phép chúng tôi được nhắc lại quá trình chiến đấu của đồng chí để tôn vinh đồng đội của mình!...”.

Đón nhận chiếc quan tài kẽm từ tay gia đình, đồng đội, đồng nghiệp và học trò của thầy, chiếc xe tang từ từ lăn bánh về Trường Đại học Y Dược TPHCM… Trong tôi trào lên một cảm xúc… Thầy ơi! Đến giờ chót mà thầy vẫn nghĩ về người khác nhiều hơn về mình. Cuộc đời thầy là tấm gương sáng cho chúng em noi theo!

TPHCM, 20-2-2006

(Kiến Quốc)

Không có nhận xét nào: