Thứ Ba, tháng 5 15, 2007

LỄ ĐÓN LÊ MINH TÂN TRỞ VỀ (Kiến Quốc)

Phóng sự: LỄ ĐÓN LÊ MINH TÂN TRỞ VỀ
Kiến Quốc k5

Như tin đã đưa trên blog, suốt sáng hôm qua, Chủ nhật 13/5/2007, Lê Gia Linh và Tuấn Anh (bạn Linh, lính của Nguyễn Quang Bắc ở Trung tâm KH-CN Bộ Quốc phòng) cùng anh Hổ (bạn LS, Trưởng Ban Quân báo QK5) và lái xe đưa hài cốt LS Lê Minh Tân về Sài Gòn. Vậy là anh đang về gần với ba má, gia đình, bạn bè sau 33 năm mất liên lạc. Linh và Tuấn Anh giữ liên lạc với tôi. 7g sáng, xe qua Cam Ranh, dự kiến 13g30 tới TPHCM. Võ Quốc Tấn k3 từ Quảng Nam luôn gọi điện về và hứa sẽ ghi lại đầy đủ thông tin lần đi tìm LS Lê Minh Tân.
Theo nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thì có thể tổ chức truy điệu cho LS từ 3 đến 5g chiều hoặc 8g sáng hôm sau. Gia đình quyết định làm ngay buổi chiều. Phía Sở LĐTBXH từ chối đứng ra tổ chức vì họ “đã làm một lần”, lần này gia đình tự quyết. Linh “chỉ thị từ xa”: Các anh phải đứng ra! OK, xong ngay! Đó không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm. Cả trưa, tôi ngồi bên lap-top thảo chương trình buổi lễ và điếu văn. (Xem file đính kèm). Tôi không quên “chỉ thị” cho thầy, cô giáo và anh em Trỗi phải mặc quân phục vì “cánh ta” có chân trong Ban tổ chức. Ở nhà không có máy in nên trên đường đi đã tạt qua quán Internet làm “dịch vụ”. Mọi việc đâu đã vào đấy.
Trời Sài Gòn lất phất mưa. NTLS TPHCM nằm ngay trên xa lộ Hà Nội, qua Khu du lịch Suối Tiên vài trăm mét. Khi xe tôi vào cổng thì cũng thấy chiếc Land Cruiser mang biển đỏ KD bám theo, đoán là xe anh Đoàn Sinh Hưởng. Cô chú Lê Bưởi rất mừng khi thấy thầy cô giáo, bạn học và bạn chiến đấu của con trai có mặt đầy đủ. Trên bàn thờ đặt hòm gỗ phủ Quân kỳ có bộ hài cốt của anh, một đầu dán tờ giấy “LS Lê Minh Tân sinh ngày 17/8/1950, hy sinh ngày 1/4/1974…”. Bức ảnh trên bàn thờ chụp Tân hơi nghiêng mái đầu, đang nhoẻn miệng cười, đầu đội mũ tác nghiệp của lính thiết giáp. Phía sau anh có đến hơn chục bộ hài cốt các LS chờ làm lễ truy điệu nay mai. Anh Hưởng phá lệ lên thắp hương trước cho bạn mình.
Sau một vài thủ tục, tôi xin phép thông qua chương trình. Khi nghe đọc điếu văn, cô chú Bưởi không kìm được nước mắt. Tôi đã cố giằn mình mà không thể… Thử tưởng tượng suốt 36 năm qua - kể từ năm 1971 khi Lê Minh Tân vào chiến trường cho đến hôm nay – không ngày nào ba má không nhớ tới anh và hôm nay mới gặp lại con. Mọi nội dung được thông qua. Tôi đề nghị anh Hưởng phát biểu. Anh đã lắc đầu sợ xúc động không nói lên lời nhưng tôi động viên: “Lính mà! Hơn nữa anh là người trực tiếp tham gia tìm hài cốt...”.
Dự kiến bắt đầu truy điệu lúc 3g nhưng vì hòm gỗ đựng hài cốt quá khổ, không thể đưa vào tiểu và cũng không thể đưa vào kim tĩnh. Tôi giục Linh tự tay xếp lại hài cốt cho anh. Mọi việc diễn ra nhanh gọn.
3g30 bắt đầu lễ truy điệu. Gia đình đứng 2 hàng phía bên trái, còn bạn bè thân hữu đứng thành một khối ở giữa. Hàng đầu là thầy cô giáo Trường Trỗi, bạn chiến đấu của cô chú và anh Đoàn Sinh Hưởng. Tôi cố kìm mình không để quá xúc động khi điều khiển lễ truy điệu. Mọi việc trôi chảy. Sau bài điếu văn là 1 phút mặc niệm. Trên nền nhạc “Chiêu hồn tử sĩ” mọi người tưởng nhớ đến người con, người anh, người em, người đồng đội, người bạn đã anh dũng hy sinh vì nước.
Đại tá Lê Bưởi thay mặt đình phát biểu: “Thật không có hạnh phúc nào lớn hơn với gia đình tôi ngày hôm nay, vì gia đình, đồng đội và bạn bè đã tìm được Lê Minh Tân sau 33 năm hy sinh, thất lạc…”. Nhiều đoạn quá xúc động không kìm được nước mắt, nhưng với bản lĩnh của người lính trận, chú nén lòng mình nói lời cảm ơn nhà ngoại cảm Bích Hằng, cảm ơn thầy cô giáo đã dạy Tân thành người, cảm ơn đồng chí đồng đội đã tận tình tìm kiếm nơi chôn cất và đưa anh về với gia đình: “Không biết nói gì hơn, tôi xin cảm ơn tất cả!”.
Tiếp đó, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng lên phát biểu. Có lẽ do đã chuẩn bị tinh thần nên anh rất bình tĩnh kể lại: “Tôi là bạn với Tân khi cùng ở C23, Đoàn A16, Bộ đội Tăng – Thiết giáp Tây Nguyên. Cùng sống với Tân, tôi thấy ở Tân là một người lính đầy bản lĩnh, thông minh, quyết đoán. Ngày anh hy sinh, chính tay tôi chôn cất anh và thề rằng: “Sau chiến tranh, tao sẽ đón mày về”. Hơn ba chục năm trôi qua, mộ LS Lê Minh Tân được quy tập vào NTLS huyện Phước Sơn, miền tây Quảng Nam năm 1984 nhưng trên bia mộ chỉ ghi 2 chữ “Liệt sĩ” và trống tên (có lẽ do thiếu thông tin khi quy tập). Lời thề nguyền theo tôi mãi cho đến khi được tin gia đình, qua sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm Bích Hằng, sẽ tìm về NTLS Phước Sơn thì tôi đi xe từ Nghệ An vào. Đây là địa bàn quen thuộc của tôi thời đánh Mỹ và linh tính như mách bảo lần này tìm thấy Tân. Cùng vào với tôi còn có đồng đội ở C23, A16 như các anh Trương Lập Thành, Đỗ Đình Thành, Lê Kinh Thông, Thái, Hổ, Đạo, Gián và Võ Quốc Tấn… Có một tình tiết đặc biệt, buổi sáng khi chúng tôi xác định được mộ thì anh em xua cho đám cào cào, châu chấu bay đi; riêng có một con muồm muỗm cứ quanh quẩn bên bia mộ Tân rồi bay lên ngực áo tôi. Sau này Linh kể lại em đã thầm khấn: “Nếu đúng là anh Tân “nhập” vào thì hãy nhảy lên vai anh Hưởng”. Con muỗm đã nhảy lên quân hàm của tôi, sau đó còn nhảy lên tay và vai Linh, làm ai cũng ngạc nhiên. Và điều này càng làm cho tôi tin là đúng mộ Tân… Khi làm thủ tục di dời hài cốt LS Tân, về nguyên tắc là không được, nhưng tôi đã viết giấy cam đoan với Bộ Chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn và cho biết: 2 nguồn thông tin về vị trí mộ LS Lê Mình Tân của 2 nhà ngoại cảm Năm Chiến (xác định năm 1994) và Bích Hằng (xác định mới đây) là trùng khớp. Chỉ khác là 2 người xác định toạ độ từ 2 phía khác nhau”.
Sau khi anh Hưởng phát biểu, Ban tổ chức đã cảm ơn người bạn chiến đấu của Lê Minh Tân đã kể lại những năm tháng chiến đấu của anh và cho chúng ta biết thêm nhiều thông tin quý giá trong lần tìm kiếm mộ phần LS.
Tôi tiếp lời:
- Sau đây là phần phát biểu của Đại tá Phạm Đình Trọng, thầy giáo của LS ở Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng, khi thông qua chương trình, thầy có nói: “Nên chăng chúng ta cùng nhau hát bài Trường ca để tiễn đưa Tân!”. Tôi rất lo vì quá xúc động mà anh em không thể hát được. Nhưng nghĩ cho cùng trong cái buồn lại có cái vui vì hôm nay chúng ta đã gặp được bạn… Vậy anh em đã sẵn sàng?
Những tiếng hô khe khẽ “Sẵn sàng!” đã động viên tôi bắt nhịp bài hát. “Sinh ra trong khói lửa, Trường ta đã lớn lên, Trường đẹp chói ngời tên anh Nguyễn Văn Trỗi. Tim ta đang thắm đỏ máu anh và đời anh… Vinh quang thay Trường Nguyễn Văn Trỗi!”. Thầy trò chúng tôi nước mắt giàn giụa nhưng vẫn hát thật dũng mãnh, rõ lời rõ chữ bài hát năm xưa. Chắc Tân đã nghe thấy và sẽ ấm lòng về nơi an nghỉ cuối cùng. (Có lẽ đây là điểm khá đặc biệt của lễ truy điệu lính Trỗi. Nếu Sở LĐTBXH đứng ra tổ chức chắc chắn không làm được như thế! Nghe kể lại ở NTLS Phước Sơn, đồng đội của anh đã hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng…” khi đón anh lên).
Lần lượt gia đình rồi thầy cô giáo, đồng đội, bạn bè lên thắp hương cho anh. Trong số đó có rất đông bạn bè của Lê Gia Linh, các em là con em gia đình “tập kết về Nam” sau 1975. Thấy lính Trỗi đeo huy hiệu rất đẹp, các em hỏi đó là huy hiệu gì thì được trả lời: Tương tự huy hiệu CCB, nhưng khá đặc biệt!
Sau này, Linh còn cho biết thêm một thông tin khá đặc biệt, khi em hỏi xem anh Tân có đặc điểm gì để “nhận dạng” thì được nhà ngoại cảm cho biết: anh Tân “nói lại” mình có hàm răng trắng đều, còn nguyên vẹn, chưa mất chiếc nào. Đến khi đón anh lên, ai cũng phải sửng sốt khi thấy cả hàm răng trắng đều tăm tắp như vẫn được đánh thuốc mỗi ngày, cả hàm chưa hề rụng chiếc nào(!). (Thông tin này đính chính lại phần đã viết trong thư lên mạng ngày thứ Bảy tuần trước).
Sau đó, chúng tôi cùng gia đình đưa anh ra nghĩa trang. Ở NTLS TPHCM quy tập mộ của 9 LS vào một khu đất rộng hơn chục m2, các mộ quây lấy nhau như đội hình một tiểu đội. Sau khi ba má và gia đình anh thắp hương là phần hạ huyệt. Hài cốt của anh được đưa sâu vào trong kim tĩnh rồi đậy nắp. Từng ngừơi lên thả cho anh một nắm đất vĩnh biệt. Trước đây đã một lần gia đình báo với Sở LĐTBXH có khả năng tìm được mộ anh và sẽ chuyển về TPHCM. Sở đã chuẩn bị mộ, bia nhưng lần đó không tìm được. Gia đình tạm đưa một số kỷ vật của anh vào mộ. Chả thế mà khi “nói chuyện” với nhà ngoại cảm Bích Hằng, anh đã thắc mắc: Vì sao tôi có đến 2 nhà?
Sau khi mồ đã yên mả đã đẹp, mọi người vào thắp hương chia tay anh. Chú Bưởi một lần nữa cảm ơn bạn bè, bằng hữu. Hy vọng rằng từ hôm nay nơi đây sẽ là địa chỉ thân quen của mọi người! Mong Lê Minh Tân yên nghỉ nơi vĩnh hằng và luôn phù hộ cho ba má, gia đình, đồng đội và bạn bè!
Sau ngày anh về TP, 14/5/2007

3 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Cám ơn Kiến Quốc và các bạn khác đã nhân danh anh em bạn Trỗi để tìm mộ phần và tổ chức rất chu đáo buổi lễ truy điệu anh Minh Tân.

Nặc danh nói...

HThanh sua giup:
Doan dau bo cau "anh Ho^? (Truong Ban Quan bao...)... va`". Vi tu Da Nang xe ve SG chi co Linh, Tuan Anh cung lai xe cua TECAPRO "cung" LS Le Minh Tan va LS Vu Chi Du~ng k4. Le Minh Tan ru Chi Du~ng ve SG cho vui. Tren duong moi khi dung xe khi an uong deu mu a5 xuat cho 5 nguoi nhung chi co 3 nguoi an. Moi nguoi xung quanh ngac nhien lam!
5 anh em tren 1 chiec xe tang ma!
(Con nhieu chuyen se ke tiep).
Kien Quoc

Nặc danh nói...

Đề nghị Quản trị mạng sửa giùm: Bỏ đoạn "anh Hổ... Trưởng Ban Quân báo QK5...và". Vì trên xe từ Đà Nẵng về Sài Gòn chỉ có Linh, Tuấn Anh và 1 tài xế của Tecapro "đi cùng" LS Lê Minh Tân, LS Vũ Chí Dũng k4. (Lê Minh Tấn rủ Chí Dũng về cùng cho vui!).
Kiến Quốc.