Thứ Ba, tháng 5 29, 2007

Chuyện Trỗi xưa

Không biết các anh thì thế nào, với tôi cái ngày đi trường Trỗi nó nhớ lâu lắm, hơn 40 năm rồi. Mấy tháng trước, khi chưa có cái blog này tôi đã nghĩ sẽ viết lần lần rồi gửi cho mọi người xem chơi. Có nhiều sự việc xảy ra cùng với nhiều người, nội trú mà. Bây giờ viết lại, rõ ràng là theo ý mình. Cái thú vị là ở chỗ cùng một sự việc, cùng một thời gian, mỗi người khi đó cảm nhận một khác. Bây giờ một ai viết ra, người kia đọc lại, như làm mới lại một chuyện cũ, như sống lại thời gian cũ. Nhưng cũng có lúc nghĩ lại, tự hỏi viết ra những chuyện như thế có phải là dở hơi rỗi việc không. Chả có ích gì cho ai, liệu có ai thích thú.
Nhân thấy anh Dương Minh kể chuyện cũ sau chuyện của Thanh Hùng, Tuấn Linh k3. Lại có lời động viên của anh Quý nhẽo, có lẽ tôi cũng sẽ lần lại thời gian, kể dăm câu chuyện cũ cho vui.


Tôi đã vào trường như thế nào

Tôi còn nhớ trước khi tôi đi lên trường, có một buổi tối ngồi nói chuyện khá lâu với Thanh Minh ở vườn hoa Tao Đàn. Chẳng nhớ được là nói chuyện gì. Bây giờ cái bọn trẻ con lớp 6 nó nói thì mình có quan tâm làm gì. Tóm lại là tạm biệt để ngày mai tao đi trường thiếu sinh quân. Lúc đó cả hai thằng chả hình dung cái trường ấy nó là như thế nào. Với tôi, sau một năm có chiến tranh phá hoại, nhiều lần gia đình tìm chỗ cho đi sơ tán, mấy tháng đi sơ tán với cơ quan mẹ, nhiều lần buổi tối đi theo ba đến những cây cầu gần HN bị đánh bom sập đang khôi phục lại, có một lần cõng ba lô một tuần theo ba đi kiểm tra đường sắt HN-Lào Cai; lúc đi tầu, lúc lội bộ, qua cả bom chưa nổ người ta đang đào, lúc máy bay Mĩ ném bom cây cầu mới đi bộ qua độ nửa giờ, ăn ngủ ở các cơ quan sơ tán dưới tán rừng Yên Bái, Lào Cai thì lên “trường thiếu sinh quân” có vẻ như sẽ có tất cả các thứ đó. Chỉ có điều là với những người khác chứ không với người nhà mình.
Thực ra mấy năm lớp 5, lớp 6 tôi không còn học cùng Thanh Minh, Chí Quang, Tương Lai, Thanh Bắc, ... như hồi ở Lê Ngọc Hân. Nhưng vì hè năm lớp 6 bạn mới thì tan tác, ai có chỗ nào đi thì đều đã sơ tán cả, bạn cũ thân thân có Tương Lai và Thanh Minh nên còn chơi, đủ cho một cuộc tạm biệt.
Ngày 13/9/65 tôi đến xưởng phim quân đội ở 12A Lý Nam Đế, anh tôi chở đi bằng xe đạp. Một cái ba lô gấp, tự may bằng vải bạt phủ tầu hàng, cũng có bát sắt, túi đựng bàn chải đánh răng, hình như còn có cả ruột tượng đựng gạo, ... theo mẫu thời chống Pháp mới 10 năm trước của các vị phụ huynh. Trời mưa mới tạnh, một lúc thì người ta nói leo lên một cái kom-măng-ca đít vuông. Trong số này có bạn cũ là Chí Quang, còn Chi Long, Phạm Tùng, Quốc Khánh và ai nữa (hôm nọ còn nhớ) sau này mới quen. Xe chạy mãi, có lúc đi ven bờ suối, có lúc lội qua suối gần cái cầu bị đánh hỏng thời chống Pháp. Cuối cùng đến gần chân núi, hai bên là ruộng, xe dừng lại ở Gốc Đa (là sau này gọi thế). Bắt đầu cuộc sống trường Trỗi bằng một chuyến đi bộ vào Đồng Cháy. Tôi nhớ nhất dáng lếch thếch của Quốc Khánh với cái túi đeo qua vai bằng vải chéo sọc nâu nhạt với đỏ, quai dài tới gần đầu gối. Trong ba lô tôi có cái vỏ chăn cũng may bằng vải ấy.
Sớm hôm sau còn đang ngủ thì bị dựng dậy tập thể dục. Bắt đầu cuộc sống “bầy đàn”. Ăn, ngủ, học ôn đều ở nhà dân. Đồng Cháy còn đọng trong trí nhớ với những cái giếng nhỏ kè bằng đá suối, miệng cuốn bằng tre, ăn xong rửa bát ở nước ruộng rất trong chảy từ mảnh cao xuống mảnh thấp. Đồng Cháy có vạt sắn thuyền trong đồi, với những bụi cây lúp xúp phía dưới. Đi lên đó để “đại bất tiện” rồi bẻ cành tuốt quả sắn thuyền ăn. Thằng nào mồm tím là ăn sắn thuyền, các thầy sẽ phê bình. Đồng Cháy, ở chả bao nhiêu, lên trường ngày 13/9, khai giảng ngày 15/10 khi đã chuyển ra Trại Cau, thế mà đã nhiều chuyện ghi nhớ. Không dưới 1 lần đi từ Đồng Cháy ra Gốc Đa xem phim, tay cầm mẩu gỗ thông nhựa xin được của nhau đốt lên soi đường ruộng. Từ Đồng Cháy còn đi ra Trại Cau trát vách đất dưới sự cai quản của anh Tăng Cường. Khi đó nhà làm đã xong, mái đã lợp, dứng đã buộc (dứng là khung buộc ca rô bằng các cây nứa tép để trát vách đất trộn rơm). Đào hố đất tơi, chặt rơm, dẫm trộn, rồi hai thằng trong ngoài đùn đất trộn rơm, trát trát miết miết. Cuối cùng chuyển ra lại được ở những cái nhà mình trát vách. Hôm nọ ai nhớ là chuyển ra ở Trại Cau còn phải trát vách, tôi thì không nhớ như vậy.
Đồng Cháy, có hôm tất cả mọi người đi lấy củi, riêng “các em mới đến ở nhà học ôn cho kịp các bạn”. Thế là ở Đồng Cháy tôi không được đi lấy củi lần nào, ấm ức mãi. Sau này mới biết lấy củi không phải là đi chơi, hẹn lần sau sẽ kể. Đâu đó gần Đồng Cháy còn có nhà Cung tiêu, sau này vẫn là “mậu dịch” của đám trẻ mỗi khi vật dụng từ gia đình gửi cho đã hết, như kim chỉ. Ba gian nhà ngói với quầy gỗ điển hình cung tiêu. Ở đó có bánh nướng bằng bột mì nâu sậm hơi ngọt mà nhân bánh không để lại cảm giác gì đặc biệt. Còn có cả thìa nhôm thỉnh thoảng vẫn phải mua vì thất lạc trong đám đông là chuyện bình thường. Khi máy bay Mĩ thả thùng dầu phụ ở khu vực An Mỹ, có lần rủ nhau về lại Cung tiêu để tháo, bẻ các cái có thể lấy được từ đấy. Cung tiêu là của tập thể, nên người ta để các thùng dầu phụ ở đó.
Tôi không nhớ rõ đã đi khỏi Đồng Cháy trước khai giảng mấy ngày. Chỉ biết 10 ngày sau, 23/9 còn ở trong Đồng Cháy, lại có một nhóm nhập lớp, có Ngô Mạnh Hùng, hình như cả Định “ba môi” và Mạnh Dũng. Khi đó tôi đã là người đi trước của chúng rồi.

Không có nhận xét nào: