BÁC ĐÃ NGHE CHÚNG TÔI HÁT BÀI “TRƯỜNG CA”
(Nguyễn Tường Vân k6, C11)
Mùa hè năm 1969, học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi được về nhà nghỉ hè. Một chiều tháng 7, bố đưa tôi và em Việt Liên k8 vào Phủ Chủ tịch thăm Bác. Đến nơi thì gặp chị Châu Nguyên k4 và Trần Tuấn Quảng k6 – con bác Trần Đăng Ninh, hai chị em Việt Hồng k6 và Việt Hằng k7 – con bác Nguyễn Sơn. Tất cả đều là học sinh của Trường Nguyễn Văn Trỗi cùng được vào thăm Bác lần này. Chú Vũ Kỳ đón chúng tôi ở sân và nói:
- Các cháu vào đi, Bác đang chờ các cháu đấy!
Mấy chị em tôi líu ríu theo chú Kỳ vào gặp Bác. Vừa trông thấy Bác, chúng tôi đồng thanh chào: “Chúng cháu chào Bác ạ!”. Bác đang đọc tài liệu, ngẩng lên nhìn chúng tôi, ánh mắt Bác như cười. Bác nói: “Bác chào các cháu.”. Rồi Bác bảo chúng tôi ngồi quây quần bên Bác. Tiếng là thiếu sinh quân nhưng đến khi gặp Bác thì đứa nào cũng rụt rè, chỉ im lặng nhìn Bác. Bác cười thật hiền rồi như người thân trong gia đình, Bác ân cần hỏi thăm về tình hình ăn, ở, học tập, rèn luyện và sinh hoạt ở trường. Bác hỏi chúng tôi đã quen với cuộc sống như bộ đội chưa? Các thầy cô giáo có quan tâm đầy đủ đến mọi sinh hoạt của chúng tôi không? Bác đặc biệt quan tâm và hỏi kĩ đến ý thức chấp hành kỷ luật và tinh thần đoàn kết của chúng tôi. Thât hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào lại chu đáo, tỉ mỉ đến như thế! (Mãi sau này, qua chuyện kể “Bác Hồ viết di chúc” của chú Vũ Kỳ, chúng tôi mới biết Bác có ý định đến thăm trường ta vào dịp Tết cổ truyền Kỷ Dậu (1969) vì Bác nghe nói có một số bạn trong trường ý thức kỷ luật còn kém, đoàn kết nội bộ học sinh còn có hiện tượng cục bộ địa phương).
Bác bảo: “Các cháu là những chiến sĩ tương lai của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nếu không biết nghiêm túc rèn luyện và học tập thì sau này không thể phục vụ tốt quân đội, nhân dân và nước nhà. Mà muốn làm tốt những việc ấy thì phải biết đoàn kết tốt, các cháu phải đoàn kết với nhau, thương yêu bảo ban nhau như anh chị em trong một nhà, phải biết nghe lời dạy bảo của các thầy cô giáo. Các cháu còn là “bộ đội Cụ Hồ” nên đóng quân ở đâu cũng cần biết dân vận, xây dựng tình đoàn kết quân dân thật tốt…”. Rồi Bác bảo chúng tôi hát cho Bác nghe. Mấy chị em “hội ý” nhanh và chị Châu Nguyên thưa với Bác:
- Thưa Bác, chúng cháu xin hát bài “Trường ca” sáng tác của thầy Hồng Tuyến ạ.
Nghe giới thiệu, Bác tủm tỉm cười và hỏi:
- Thế trường ca là bài thơ hay bài hát dài? Hay là bài hát ca ngợi trường của các cháu?
- Thưa Bác, đây là bài hát ca ngợi trường chúng cháu ạ.
Nghe xong Bác bảo:
- Các cháu về trường nói với thầy cô giáo, lần sau nếu đặt tên cho bài gì thì cũng cần rõ ràng, chính là để các cháu dễ hiểu. Đừng dùng chữ nghĩa khó hiểu!
Và chúng tôi đồng thanh hát bài “Trường ca” cho Bác nghe. Khi hát xong, Bác khen bài hát hay nhưng Bác cũng phê bình chúng tôi hát chưa thật nhiệt tình. Rồi Bác thưởng kẹo cho chúng tôi.
Trước khi chia tay Bác, Bác cho phép lần lượt từng đứa ôm hôn tạm biệt. Quả thật, không ai trong chúng tôi nghĩ rằng đây là lần cuối cùng mình được ôm hôn Bác.
… Chuyện xảy ra cách đây đã hơn 30 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại, trong tôi như còn giữ nguyên cảm xúc của lần gặp Bác đầy kỷ niệm năm ấy và luôn cố gắng thực hiện tốt những lời Bác dạy.
Hà Nội, mùa hè 2002
Thứ Tư, tháng 5 23, 2007
KỶ NIỆM CỦA BÁC VỚI TRƯỜNG TA, CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
Gửi bởi TranKienQuoc lúc Thứ Tư, tháng 5 23, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Cám ơn blog này, cám ơn Hữu Thành người có công "sáng tạo" ra "bantroi", vì chúng ta đã có điều kiện được đọc nhiều bài và nhiều tin quá xúc động và tình nghĩa. Cám ơn Tường Vân về câu chuyện quá hay và quá nhiều ý nghĩa đối với Trường Trỗi. Kiến Quốc mà không nhanh chân cho ra SRTKL tập 3, thì chỉ cần đăng bài trên blog cũng cần hàng nghìn trang đấy! Dương Minh
Đăng nhận xét