Thứ Ba, tháng 1 19, 2021

Bài của anh Thanh Minh

Có anh bạn đơn vị cũ, Duy Dân, chợt nhớ Hữu Thành gọi điện nói chuyện dài dài. Trong đó có lời trách Bán Trời của ông dạo này toàn... tin buồn. 

Cũng phân trần là anh em độ này lười rồi, toàn chơi Fb cho nó ngắn, nhưng mà rồi cũng cố kiếm mấy bài "coi được" cho vào đây. Khỏi phụ lòng người ái mộ :-) 

TỔ NGHỀ 
Trùng Khánh (Cao Bằng) có hạt dẻ rất ngon. Nó nổi tiếng đến mức bạn mình bên kia biên giới cầm lòng không đặng đã đem hạt dẻ Tàu sang trộn lẫn với hạt dẻ ta bán kiếm lời. Trung Khánh còn có gì nữa? Họ có nghề thiến gà truyền thống khá độc đáo mà tôi sẽ giới thiệu dưới đây. Hẳn các bạn từng nghe nói nhiều về mùa cam , mùa quýt, mùa hoa đào nở…nhưng đã mấy ai biết đến “mùa thiến gà”? 
Ấy vậy mà có đấy. Nó thậm chí còn có cả “thời vụ” như lúa gạo… Vào dịp trước tết 2-3 tháng, người dân vùng cao thường mua 5-7 con gà, đem thiến rồi vỗ béo cho kịp. Gà thiến- thứ thực phẩm của tương lai. Chúng cực “môi trường”, chất lượng tuyệt hảo…nên thường được hãnh diện ngự trên bàn thờ tổ tiên khi xuân về tết đến. 
Ngoài Bắc còn có mỹ tục ”thiến đào , đảo quất, nhấc dây khoai” để kích thích, điều khiển cây cối ra hoa, kết trái đúng lúc, đúng thì...công tác chuẩn bị Tết quả công phu… 
Xét về “đa dang sinh học”, chắc chỉ có thằng người là tai quái nhất. Vì khoái chất lượng ẩm thực đặc biệt ngon bổ , béo bùi mà họ sẵn sàng ra tay tước đi phần tinh túy nhất của bọn gà trống… “Ông chẳng ra ông, bà chẳng ra bà”, cuộc đời vì đâu nên nỗi? 
Vậy người ta thiến gà thế nào? Theo lời kể của bạn tôi- tác giả tấm ảnh này: Thường ở cuối chợ có 5-6 ông “đốc tờ ngoại khoa”, đầu đội đèn pin đang khẩn trương làm việc. Họ ngồi thành một dãy dài( mô hình HTX thiến gà!!!) với quy mô và chuyên môn hóa cao. Không gây mê, cũng chẳng hồi sức. Cóc cần may vá chi cả. Cứ khoảng ba phút xong một ca. Tài thế chứ! Họ rắc thứ bột thuốc màu trắng gì đó vào vết thương. Xong! Quẳng nắm thóc, chúng mổ lia. Bọn này bị “chuyển đổi giới tính”, mất béng đời giai mà sao vẫn lạc quan là vậy! Bạn mình tò mò, rón rén hỏi một “Bác sĩ ”.- Ông làm thế này có bao giờ nó bị…chết không ạ? Một câu hỏi nhậy cảm, rất dễ gây tự ái nghề nghiệp. - Chết là thế nào? Ừ, mà cũng có đấy. Nó chỉ chết khi tôi cứa “nhầm” vào cổ, vặt lông nấu cháo thôi. Kiêu phết! 
Thường, các “Bác sĩ ” giỏi nắm rất vững Lịch họp chợ các vùng trong tỉnh. Họ cơ động hành nghề theo lịch trình này. Người kiếm tiền triệu/ngày là không khó…
Các bác hưu trí nhà mình nghĩ sao với cái startup đầy hấp dẫn này ? Ờ mà sao không thấy ai thiến vịt, thiến ngỗng nhỉ? Bọn gà ngoại ( gà CN ấy) cũng không bị thiến? Xin các cao nhân chỉ giáo dùm. Thiến gà, hoạn lợn cũng là nghề truyền thống, cần được bảo tồn như bao nghề khác. Nó là văn hóa! Mà phàm đã là văn hóa thì kinh khủng lắm…mai một… mất mát đều có thể xảy ra. Một dân tộc bị đồng hóa, lai căng về văn hóa là mất nước một cách từ từ trên chính quê hương mình đang sống…quốc gia nào cũng lo quắn đít về chuyện ấy. 
Thế giới bây giờ nó “phẳng” như mặt bàn, đổ “ly nước văn hóa” xuống là nó chảy tứ tung…Nước ta có hẳn cái nghị quyết rất oách về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (NQ Trung ương 5 khóa VIII). “Bản sắc DT” thì tôi còn hiểu tí chút chứ khái niệm “đậm đà” thì điếc hẳn. Chẳng lẽ các Cụ chơi chữ? 
Bí quá, tôi tìm một bác trán hói, bụng to xin giải ngố. Chỉ bằng một câu hỏi, bác ý giúp mình sáng ra ngay: - Này, hồi chiến tranh phá hoại chú mày đã chén “phở không người lái” chưa? - Dạ thưa rồi, vị “ngọt” như nước ốc ! - Thế nêm nửa thìa cafe mì chính vào thấy thế nào? - Tuyệt hảo,sướng, ngon , ngọt, mê ly…hơn hẳn ạ!- “Đậm đà”là nó đấy… đồ ngốc ! Tôi nghiệm ra rằng, những vấn đề đậm chất hàn lâm, lý luận cao siêu( dẫu hơi tù mù), với người tầm tầm như mình chỉ cần thêm tí “trực quan sinh động” vào là dễ chịu ngay. Tầm quan trọng của văn hóa là vậy, nên muốn giữ gìn bản sắc của Nghề thì phải có ông Tổ nghề để mà nhang khói, thờ phụng, vinh danh…! Hôm nay, bao người chạy nháo nhào đi tìm “Tổ” như lần theo dấu bệnh nhân F1 covit 19 trốn trại, hòng lập hồ sơ xin công nhận, vậy mà Ngài vẫn biệt tích nơi nao? Nghe đâu, UNESCO toàn những Bọ khó đăm đăm, dễ gì! 
Thật đắc tội với tiền nhân khi để cho Nghề mai một. Nhìn Bọn trẻ ranh giờ chỉ biết cắn ngập răng vào cái tỏi gà thiến mà chẳng cần biết nó từ đâu ra. Đau chứ! Mình già đâm đa nghi. Nhìn ông bạn, cầm tấm ảnh thiến gà tay run run, đầy xúc động không hiểu hắn lo cho di sản văn hóa nước nhà hay lo cho ngày mai không còn được chén món gà thiến béo bùi nữa… 
Hành trình tìm Tổ chắc còn phải trải qua nhiều gian nan, kỳ bí… nhưng với tôi, Tổ đã được tìm thấy trong một tình huống hi hữu không ngờ. Chuyện này giống như mấy lão người cao tuổi lẩm cẩm, đeo cặp kính trên mắt mà cứ đi tìm kính khắp nơi. Nào các bạn, hãy cùng vào kho dữ liệu “ Những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội”của tôi: …Cái ngày xưa ấy, cách đây dễ mấy chục năm rồi, bọn tôi sơ tán ở một vùng quê hẻo lánh, xóm làng đìu hiu vắng hẳn bóng thanh niên- “Tất cả cho tiền tuyến”…Bộ đội cứ 2-3 chú ở một nhà dân. 
Chúng tôi giúp họ tất tần tật chẳng từ nan: đắp đê , đào hầm, thu hoạch nông sản cho đến chăn lợn, đuổi gà, quét nhà bà chủ, béo tai tụi nhỏ biếng học ham chơi . Chú nào cũng trẻ măng , “hót”vui như khiếu. Dân làng thương lắm. Trong mắt họ, chúng tôi khác nào Cô Tấm ngoan hiền, hiếu thảo từ trong quả thị bước ra! Sáng nay, chủ nhật bác chủ nhà luộc rổ khoai lang đầu vụ khao các chú, chả là cái mái tranh nát mới dặm lại. Ấm nước vối nóng là thứ không thể thiếu lúc này. Vắng nó nó thì còn gì là làng quê Bắc bộ? Bỗng bác chủ chợt hỏi sau một tuần trà nước: - Trong số các chú đây có ai biết thiến gà? Anh em nhìn nhau nhau ngơ ngác. Đám”sắp kỹ sư” quân sự bị “bỏ bom” bất ngờ choáng váng. Lỗi của Học viện đây. Thiếu hẳn nội dung “thiến gà, hoạn lợn” trong chương trình giảng dạy. Dân họ cứ nghĩ các chú bộ đội thì cái gì cũng biết mới khổ… Thế rồi một cánh tay mạnh mẽ đầy tự tin giơ lên: - Bố cứ để con. Thiến gà hử? Muỗi! À, thì ra thằng Dũng. Tay này thuộc thế hệ thanh niên “dám nghĩ , dám…liều” mà lại còn tên là Dũng nữa thì hắn còn biết sợ ai! Con gà được mang đến, hắn liếc xoèn xoẹt con dao bổ cau vào thành giếng, “y cụ” coi như chuẩn bị xong. Cậu rạch một đường nhỏ vào dưới bụng gà, cho hai ngón tay vào trinh sát, thao tác mò mẫm như công binh tháo ngòi nổ mìn trong bóng tối. Tất cả hoàn toàn dựa vào xúc giác, cảm nhận của ngón tay…anh em nín thở, hồi hộp theo dõi “ca” này. Nét mặt đầy căng thẳng, bỗng hắn kêu lên đắc thắng: “A đây rồi”! Hai ngón tay hắn giơ lên một vật gì đo đỏ kèm theo tiếng quác… ai ngờ đó lại là lời trăng trối cuối cùng của chú gà khi linh hồn về nơi chí suối. Tai nạn nghề nghiệp đã xảy ra. Thay vì viên ngọc kê , hắn đã rứt nhầm trái tim gà! Mọi người đều choáng, nhưng không sao “ thủ trưởng đã có cách”. Chú gà được chyển ngay sang “Khu hậu phẫu” dưới bếp . Anh em gom góp thêm cút diệu , chút rau dưa… hơn nửa tiếng sau là cảnh quân, dân đoàn kết trùng phùng, hoan hỷ bên nồi cháo gà thơm nhức mũi . Ai đó,cầm bát cháo nóng mà sao thấy lòng mình tê tái? Thú thật với các bạn, cái thời khốn khó ấy, hành trình từ củ khoai đi đến bát cháo gà là cả một sự chuyển đổi về chất mang tính đột phá, nó huyền hoặc như một giấc mơ… Hơi men giờ mới ngấm, mọi người lại xoay sang phần “luận công tội” thằng Dũng. Rõ ràng đây là một thất bại về mặt y học, làm toi mạng một chú gà dân nhưng thành công thì lại ngoài tưởng tượng. “Mẹ thành công” đây nó vĩ đại, quý hóa hơn nhiều. Nếu không có sự cố này, hẳn các chú chỉ còn biết ngồi miệt mài bóc vỏ khoai thôi nhá. Công tích nó như vậy thì phải tưởng thưởng chứ! Bỗng một giọng lè nhè cay cú thốt lên: Thưởng á! Thằng ấy phải phong danh hiệu “Tổ thiến gà” mới xứng. Tuyệt! Chúng tôi đã tìm được Tổ nghề như vậy đấy!

Không có nhận xét nào: