Thứ Sáu, tháng 4 30, 2010

Diễu binh 30/4/10

Nhân dịp ngày “giải phóng thủ đô 30/4” “thống nhất đất nớc”
(xem hình từ Hà Nội), sáng nay tôi cũng ráng dậy sớm xem diễu binh ở Sài Gòn (qua TV!).










Thật là “hoành tráng”. Dân quân thì miễn bàn, nhưng lính thì dàn hàng 10 tiến bước hùng tráng, chỉ phải cái không đều.













Có khối quân chính quy (quân đoàn 4) là khá nhất, nhưng cũng chỉ là khá nhất. Thật là thua xa đám người mẫu mặc quân phục đi duyệt binh trong lẽ Quốc khánh TQ vừa rồi. Chán thật!





Nhìn lính tráng, đứa nào cũng trắng bóc. Đám da dẻ đen nhất, có vẻ dạn dày nhất lại là tụi Thiếu sinh quân QK7 ở Củ Chi!!!






Mới hôm qua được xem vũ khí hiện đại đăng trên trang tin chính thức – VnExpress, nên hy vọng hôm nay có thể có vài cái xuất hiện ở cuộc diễu binh này chăng(?). Chẳng dè cái xe hiện đại nhất lại là cái xe tăng làm từ ô tô … Thất vọng!



Tội nghiệp cho đám quần chúng phải có mặt từ 3 giờ sáng đợi tới 7 giờ mới khai mạc nghe các lãnh đạo đọc cái gì đó cho tới gần 9 giờ mới diễu binh tới 10 giờ dưới cái nắng Sài Gòn chưa tới 36 độ!
Không biết ngày 2/9 hay 10/10 có diễu binh ở Hà Lội để lại được xem không nhỉ?

Nhảy dù mừng 30/4



Hình 2: Hai cậu cháu "hùn hạp" chào mừng ngày 30/4.


Hình 1: Cửa máy bay đã mở, cô cháu cùng đồng bọn chuẩn bị rời cửa máy bay. Tất cả đều tươi cười vui vẻ (mừng ngày chiến thắng mà, không thể ... sợ).

Thứ Năm, tháng 4 29, 2010

Tin giao ban Vườn Treo mừng 30/4

Giao ban Vườn Treo mấy năm nay thành thông lệ, chả đưa tin bao giờ. Nhưng đợt này hai tuần liền nghỉ làm việc vào ngày giao ban làm cho mọi người thấy lâu không có dịp nói chuyện ba lăng nhăng đâm sinh bệnh trong người.
Đã có một số hẹn hò, đặc biệt là các anh chị đã nghỉ việc, để ngày mai Thứ Sáu vẫn giao ban.
Kể ra tinh thần giao ban là mở, hẹn cố định vào chiều ngày Thứ Sáu hàng tuần, để ai không mắc việc gì thì đến nói chuyện cho vui. Chiều Thứ Sáu với ý nghĩa là sau buổi làm việc, trước kỳ nghỉ hàng tuần.
Vậy có thể vào buổi gặp ngày mai mọi người cho ý kiến chuyển buổi giao ban Vườn Treo từ chiều Thứ Sáu sang buổi làm việc cuối tuần? Như thế các cuộc giao ban sẽ ít bị ảnh hưởng bởi lịch nghỉ của mọi người khi có những ngày nghỉ liền mà dính vào ngày Thứ Sáu.
Giao ban năm nay lại trùng 30/4, thế thì nhân thể Mừng luôn đi.

NGÀY NÀY NĂM 1975

Thời gian sau 35 năm ,chiều 29/4 năm 1975 các đơn vị hổn hợp mũi nhọn của QĐ2 trong khí thế hừng hực,say sưa chiến thắng,được lệnh hành quân hướng về phía Sài Gòn.Từ đầu chiến dịch C15 -A72 thuộc F673 của chúng tôi luôn bám sát đội hình.Trung đội do Tôi phụ trách có 3tiểu đội thì 1 tiểu đội đi phối thuộc cho F304,1 tiểu đội bảo vệ cho lữ Tăng 203,Tôi được trực tiếp phụ trách một tiểu đội bảo vệ QĐ bộ.Thực ra thì nhiệm vụ này được bắt đầu từ sau cái ngày 17/4,ngày bắn được cái F5E.Khoảng 17h đội hình chiến đấu hợp đồng quân binh chủng xuất kích từ căn cứ Nước Trong đã ra đến lộ 15.Ngay từ chiều mặt dù các lực lượng Ta đánh rất mạnh,nhưng địch vẫn chống trả quyết liệt.Các loại máy bay phản lực F4, F5 vẫn gầm rít trên bầu trời .Đã nhiều lần vác đạn trên vai,đã thay nhiều nguồn pin đến nóng rát cả bàn tay,nhưng không thể bắn được vì chúng bay quá cao, đã là lính thì nếu có cơ hội là nhả đạn.Các loại pháo cao xạ lúc này sẵn sàng nổ súng .Chúng quần lượng không đánh vào đội hình rồi theo hướng Biển bay thẳng.Lúc này vào khoảng 21h đoàn quân đã ra gần đến xa lộ thì được lệnh dừng lại.Phía trước bộ đội Đặc Công đang chiến đấu quyết liệt với địch giữ cầu xa lộ.Từ các đài quan sát địch vẫn theo dõi các hướng tiến công của ta.BTL quân đoàn ra lệnh các loại pháo hạ nòng bắn thẳng vào hỏa lực đich.Suốt đêm 29/4 chúng tôi vẫn phải chờ phía trước mở đường.Lúc này anh,em cử nhau cảnh giới còn lại tranh thủ nghỉ dưới gầm xe và bờ bụi quanh đó.nói là nghỉ nhưng không ai ngủ được,súng đạn lúc nào cũng lăm lăm trong tay,vì tàn binh địch đâu đó còn nhiều lắm.
-Mờ sáng ngày 30/4 tất cả đã sẵn sàng.Khoảng 9h có lệnh hành quân ,cả đoàn quân ào ào như Thác đổ,ra đến xa lộ các loaị xe lao vun vút tiến về hướng Sài Gòn trong tiến reo hò,vẫy chào cũa nhân dân hai bên đường,nhưng cũng không tránh khỏi những ánh mắt sợ hải,những khuôn mặt cúi gầm xuống lầm lủi đi bên lề đường, đó là những lính ngụy lột hết quân phục để thoát thân,xác giặc chết ngổn ngang nằm dọc xa lộ đầu hướng về thành phố.Không thể nói hết được cái rạo rực lúc bấy giờ.
-Trước mặt chúng tôi là cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ trước đó ít phút,lúc này, dân Sài Gòn đổ về đây đông nghịt,họ tranh nhau xin được chụp ảnh với bộ đội,xin được làm những gì gì đó nhiều lắm.Khó có thể nói hết những gì vào cái ngày lịch sử này.Đã 35 năm trôi qua nhưng những ngày này, kỷ niệm về một thời đi đánh giặc vẫn còn đó

NỢ NƯỚC NỢ NHÀ

Truyện ngắn của Văn Chinh
HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
(http://vanvn.net/)

***

Quân hỏi Thiện, giọng hơi gắt như chính Thiện là người có lỗi:
- Sao không có tên cậu Chẩn?
- Tôi cũng hỏi thiếu tá Năm cái câu anh hỏi. Nhưng Năm nói kỳ này chúng ta chỉ lấy những chiến sỹ tình nguyện, mà Chẩn không làm đơn.
- Ông gọi cho cậu Năm bảo thằng Chẩn lên gặp tôi. Nhạc chuông điện thoại Giạt giào biển mênh mông sóng vỗ nhịp thân tầu…cắt ngang câu chuyện của họ. Alô, tôi nghe? Tốt quá, tốt quá. Phải khao, phải rượu thịt chó lên bờ xuống ruộng? Thế à, thôi cũng được, tôi sẽ lên ngay.
Khi đã đi được mấy bước, Quân quay lại dặn Thiện, lúc Chẩn lên bảo nó lên chùa. Tôi ở đấy cho đến chín giờ tối. Con thằng Phương vừa giành học bổng băm mốt nghìn đô cho năm học tới, mẹ nó, con thế mới gọi là con. Nó khao cơm chay. Bảo hôm nay rằm, hẵng khao cơm chay diện hẹp đã, khao họ hàng rượu thịt chó sau. Đợi lúc thằng Chẩn ra, ông cũng lên chùa một thể.
Chùa Thiên Phúc từ dưới đồng chuyển lên đồi chưa lâu. Mới xong nhà tổ, chùa hạ nằm chênh chếch mé phải ngọn đồi. Chùa trung vừa san xong nền, chùa thượng thì mới chỉ là cái lán tôn, thưng tôn, cửa sắt nhưng đã có bức tượng Phật bằng đồng ngồi ở đấy. Miệng ngậm, mắt nhắm, không nhìn thấy vết nhăn vậy mà từ gương mặt phúc hậu vẫn thoang thoảng một nụ cười vừa cởi mở vừa bí ẩn. Cũng có một nét thoang thoảng cười như thế nếu đứng theo hướng chùa mà nhìn qua rặng thông non thưa xuống sông Giá đang lăn tăn trắng dưới chiều tà. Những mái ngói đỏ, những bức tường sơn vàng, những khuôn cửa sổ cửa chính mầu cánh dán cũng ánh lên rờ rỡ như cũng chuyển động cùng những cặp gái trai ôm nhau hớn hở phóng xe trên đường làng.
- Nam mô a di đà Phật, bác Quân đã lên viếng chùa?
- Bạch thầy, chùa chưa xong đã thiêng. Các cháu ở cái làng hẻo lánh này đã có mấy đứa đỗ đại học, con chú Phương giành học bổng tới năm trăm triệu. Nói Phật độ e có hơi nặng về duy tâm, nhưng tôi thấy công quả này có mối liên hệ nào đấy, xin sư thầy cắt nghĩa giúp cho?
- Nói Phật độ cho con bác Phương thì hoá ra Phật chỉ độ cho con cháu những người góp nhiều công của dựng chùa? Phật mà vị kỷ thế làm sao mà thành Phật? Nhưng mấy đời thân phụ tổ bác Phương đựng chùa, gần gụi kinh kệ, nhẫn nhịn khoan hoà chịu thương chịu khó thì không chỉ bây giờ mới vậy. Các cụ được thờ trong nhà tổ, là thờ cái đức ấy. Giáo hoá bao giờ cũng lấy gương mà soi. Các cháu con em trong làng ngoan hơn, chăm hơn là vì chúng nó có cái vọi mà trông.
Nhìn thẳng, Quân thấy gương mặt sư Tịnh Châu nhang nhác mặt tượng Phật trên kia. Nghe nói khuôn tượng lấy từ Nêpan? Mầu nhiệm? hay hết thẩy những người tu hành đều ăn như nhau, nghĩ như nhau nên dần dà họ đều có diện mạo giống nhau?

Phần tiếp theo mời xem tại đây.

Tới 11g30 ngày 30/4 miền nam chưa được giải phóng hoàn toàn?

Chỉ tính ở trung nam bộ (Khu 8):
(vắn tắt vài số liệu để "dẫn chứng" về sự khốc liệt của cuộc chiến)

- Tháng 4/1975, QK8 nhận 3 nhiệm vụ: 1/ Mở một mũi tiến công vào Saigon, đánh chiếm Tổng nha cảnh sát. 2/ Cắt đứt hoàn toàn lộ 4 và kênh Chợ Gạo. 3/ Tự giải phóng toàn Khu.
- Lực lượng địch ở khu vực Khu 8 có trên 300.000 quân, gồm f7, f9, các e, d, và nhiều đơn vị Tăng - thiết giáp, Pháo binh,… Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, địch ở Khu 8 đã tăng cường phòng thủ đồng thời quyết giữ lộ 4.
- Tỉnh Mỹ tho: đa số các Chi khu, căn cứ địch đã đầu hàng từ trưa ngày 30/4 nhưng căn cứ Hậu mỹ tới trưa ngày 02/5 mới đầu hàng. Địch co cụm ở căn cứ Đồng tâm tới 00g ngày 01/5 mới đầu hàng.
- Tỉnh Gò công: giải phóng lúc 14g30 ngày 30/4.
- Tỉnh Bến tre: giải phóng lúc 18g ngày 02/5. Các tàu chiến địch rút ra co cụm ngoài biển, tới ngày 04/5 - 05/5 mới lần lượt vào đầu hàng.
- Tỉnh Kiến tường: giải phóng vào sáng ngày 01/5.
- Tỉnh Sa đéc: giải phóng lúc 00g ngày 30/4 nhưng Chi khu Mỹ an tới 9g ngày 02/5 mới đầu hàng. Ngày 06/5, khu vực chùa Tây Cổ Tự, mảnh đất cuối cùng của Khu 8 được giải phóng.
- Riêng vùng Long Châu Tiền (địa bàn đạo Hòa hảo): ta tiến hành vây ép làm tan rã toàn bộ lực lượng vũ trang địch. Sau 7g ngày 03/5 "bộ máy nửa đạo nửa chính quyền” Hòa hảo tuyên bố tự giải thể.

GIAOBAN CAFE

Mời các bantroi và những người bạn tham dự buổi gặp mặt-giao ban.
Địa điểm Café MẮT VÀNG 21/3 Lý Chính Thắng Q3 TP. HCM
Thời gian : Chủ nhật,sau 08 giờ ngày 0 2 tháng 5 năm 2010
ĐÔI KHI – MẮT VÀNG…Kính mời

Trung Liêm

Các binh chủng Việt Nam

Không phải mới, nhưng là lần đầu tiên các hình ảnh vũ khí mới xuất hiện trên trang tin chính thức. Mời các bạn xem tại đây.

Thứ Tư, tháng 4 28, 2010

Giờ này 35 năm trước

Có một vài ý kiến đề xuất làm một tấm bản đồ Việt Nam để các bạn Trỗi điền vào "giờ này 35 năm trước" bạn làm gì ở đâu.
Điểm sơ qua những người tôi biết thì lính chiến thực thụ như KVk7 sau khi giải phóng Huế ngày 25/3 cũng nằm lại đó; anh ĐC có lẽ là Trỗi duy nhất vào tới SG, dinh Độc lập ngày 30/4. Hội Ak7, dathb,... không biết có ở các mũi nhọn giải phóng hay đã chốt ở đâu rồi.
Đám tiếp quản sớm như M.Dũng, S.Dương cũng đọng lại đâu đó Sơn Trà, Đà Lạt,... muộn nhất là chúng tôi đi sau lính chiến cả tháng, ngày này 28/4 năm đó vẫn còn ngủ ở... Đà Nẵng. Q.Trung chắc đang ở Trường Sa?
Liệu có đáng làm cái bản đồ ấy không?

Bom đạn ở hậu phương


Nhân ngày 30 tháng Tư, xin đưa một số liệu (trên mạng) về sự tàn khốc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đó là lượng bom đạn của Mỹ đã đánh phá miền Bắc (trích):

Ở miền Bắc, một công việc nặng nề và cấp bách là rà phá thủy lôi, bom mìn. Thực hiện Hiệp định Pa-ri về trách nhiệm của Hoa Kỳ trong việc "quét sạch tất cả mìn các loại mà Hoa Kỳ đã đặt tại vùng biển, các cảng, sông ngòi nước VNDCCH", Mỹ tổ chức một lực lượng đặc nhiệm số 78 gồm 4.684 người, do một phó đô đốc (tướng 2 sao) chỉ huy, mang theo nhiều phương tiện rà phá thủy lôi. Sau hơn 6 tháng rà quét (từ 6/2/1973 đến 20/8/1973) ở các vùng biển Nam triệu, Đồ sơn, Hòn gai, Cửa hội, Cửa sót ... phía Mỹ chỉ phá nổ được 3 quả thủy lôi. Liên đội 78 bị tổn thất khá nặng với 3 máy bay trực thăng bị rơi, 1 chiếc khác bị hỏng nặng, có 1 người chết, 9 người bị thương.

Trên đất liền, số bom chưa nổ còn rất lớn. Chỉ tính ở khu vực Hà nội, Quân khu Tả ngạn và Quân khu Hữu ngạn còn 10.580 quả bom to, trên 280.000 quả bom bi và bom nhỏ khác. Từ năm 1969 đến năm 1973, trên miền Bắc đã xảy ra 484 vụ tai nạn chết người do bom chưa nổ của địch. Công việc rà phá bom mìn đã được tiến hành từ năm 1969, sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ. Từ năm 1973, công việc này được xúc tiến mạnh mẽ hơn, các địa phương đã thu nhặt, phá hủy bom bi và các loại bom nhỏ, đạn rốc két, đồng thời tổ chức các đội đào tìm những quả bom chưa nổ chui sâu dưới lòng đất, trọng điểm là các khu công nghiệp, khu dân cư ...

Đội phá bom 93 của BTL Công binh là đơn vị duy nhất có máy dò tìm bom. Liên tục trong hai năm 1973 - 1974, đội đã tham gia đào, dò tìm bom ở một số khu vực như Đông anh, Yên viên, Nhà máy xe lửa Gia lâm, ga Hà nội, khu gang thép Thái nguyên, Nhà máy điện Uông bí ... Đội đã phá gỡ được 251 quả mìn từ trường, gần 800 quả bom phá. Trên địa bàn Hà nội, Quân khu Tả ngạn, Quân khu Hữu ngạn, các lực lượng vũ trang địa phương tháo gỡ được 4.050 quả bom to và thu nhặt, tiêu hủy hàng chục vạn quả bom bi. Ở Quân khu 4, trong 6 tháng đầu năm 1973, công binh và dân quân tự vệ phá gỡ được 700 quả bom to, gần 2.000 quả mìn từ trường, trên 4.000 quả bom bi. Có nơi việc đào tìm bom gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều công sức như ở Nhà máy điện Uông bí, đào tìm quả bom số 8 kéo dài gần hai năm, hết 21.000 ngày công, hoặc ở phố Nguyễn Khuyến Hà nội phải đào sâu 7,5m, hết 2.450 ngày công (không tìm được bom) …

Nó "nhầm", người ta nhầm, Ta cũng... nhầm?

Phát hiện từ trang mạng QSVN về cái sự NHẦM trên báo Hà Nội Mới.

Thứ Ba, tháng 4 27, 2010

Chữ "duyên" trong một kỳ nghỉ dài

Như để tô đậm bản thân là một kẻ "đi chơi chuyên nghiệp", kỳ nghỉ này tôi "tự chế" thêm hai ngày trước chuẩn để đi với hai tay bạn mạng là Phong Quảng (KVk7) và Lixeta của QSVN.

Thực ra nếu có thể thu xếp được thì tôi đã vào sớm hơn với ý định rủ KV và lixeta vào Quy Nhơn. Ở đấy cả bạn Trỗi và QSVN đều có những người bạn nhiệt tình. Nhưng không thực hiện được. Đấy là cái "chưa duyên".
Nhưng nhờ chưa có duyên đi Quy Nhơn mà KV và lixeta lại có một ngày, theo tự nhận, không biết làm gì dù họ không biết ý định của tôi như vậy. Để rồi họ lại đi Điện Ngọc ngày thứ hai, gặp được "thầy Sáu", những việc sau đó gây dựng nên niềm tin sắp tìm được hài cốt người anh vợ lixeta hi sinh năm 1969 ở cồn Khe hồi đó là cứ điểm Mỹ. Chi tiết câu chuyện với những điều vô tình mà khớp không lý giải được, thường gọi là duyên. Cái duyên này duyên hơn chuyện gặp bạn Quy Nhơn. Hi vọng mọi sự suôn sẻ như mong muốn với gia đình nhà vợ anh Lixeta.
Trước khi đi tôi đã "tính sổ" các điểm đến có thể đóng góp cho chuyến đi ké vào các điểm hai ông CCB "ùng oàng" thủa trước. Đà Nẵng có các bạn Trỗi mà đầu mối là HH.Dũng, Huế có Chí hâu, Nghệ An có Ngô H.Thành, thậm chí Thanh Hóa có anh bạn Thỏa cùng học ĐHTH. Những cuộc gặp này đối trọng với sức lực, thời gian và tiền bạc mình phải bỏ ra, tính có "lãi" mới đi. Theo cách đó thì chuyến này "lãi", không gặp anh bạn Thỏa nhưng lại gặp ở Huế Quế Mafia và Thủy em của EGk9; biết thêm anh bạn Chí hâu của mình vốn là bạn với QMf từ nhỏ. Lại còn gặp các thành viên QSVN ở Đà Nẵng (fanlong74), ở Đồng Hới (conechgia); họ đều là các bạn trẻ, đến điểm hẹn với đám già mới biết mặt nhau. Đi vậy, gặp vậy, cũng là cái duyên "bỏ vốn" đi chơi có "lãi".
Cái "duyên" cuối cùng, ban đầu KV tính chuyến đi này hai anh em thay nhau lái, cuối cùng lại có lái xe đi. Được một chuyến đi xa mà không phải lái xe nhiều, cũng là một sự sung sướng nho nhỏ.

Thứ Hai, tháng 4 26, 2010

Chúc thọ Thầy VỌNG

Nhân sinh nhật thầy 80 tuổi ,Qua trang bạn Trỗi em xin chúc thầy mạnh khỏe
Sống lâu cùng với các thế hệ học sinh của thầy.Chúc thầy luôn hạnh phúc bên
gia đình và những học trò yêu quí của thấy. Nhân đây em làm bài thơ tặng thầy.

" Không thầy đố mày làm nên"
Chúng em ghi tạc không quên bao giờ
Đông.tây.kim cổ.Văn thơ
Nhân loại kính trọng tôn thờ thánh nhân
Thờ người vì nước quên thân
Vì dân hiến trọn tuổi xuân cuộc đời
Là người dân Việt Nam ơi
Nhớ cụ Đồ Chiểu một thời dậy ta
" Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà."

Berlin 25.4 2010 ( Các thầy đã dậy chúng em sống làm người như vậy)

Thứ Sáu, tháng 4 23, 2010

Chuyến tháng Tư, tiếp theo và hết

Tiếp theo không có gì nhiều. Ngày về thường là vậy, hết việc mới về.
Từ tối hôm trước mọi người đã nói "để xem phát biểu thế nào" về cháo bánh canh sẽ ăn sáng nay. Theo đánh giá của cậu bạn QSVN sở tại thì đây là quán cháo bánh canh suất sắc của Đồng Hới. Nó ở đằng sau KS Du lịch ĐH.

Tôi thì vẫn không ưng cháo ở đây: có dùng nước mầu bằng cách xào, có lòng cá. Bởi thế nước cháo không thanh, có mùi cá, gần như không dùng củ ném. Chưa nói bột hơi mỏng nên bánh mỏng và mềm.
Sau khi ăn xong chỉ có chạy về là hết ngày. Tuy thế cũng còn một cuộc gặp đã được bố trí: ghé thăm nhà NgôHT ở Quỳnh Lưu. Mấy hôm nữa Ngô.HT lại đưa bà thị xã đi đặt thêm một ống thông mạch. Ngô.HT và Lixeta trước đây đã gặp nhau ở nhà KV. Trong bữa ăn nói chuyện 30/4 mới biết ngày đó vợ Ngô.HT cũng tới Dinh Độc lập trong đội hình một đơn vị vận tải. Đáng lý bức ảnh này phải có thêm bà ấy, một cựu binh có chiến hẳn hoi. Dù sao khi đó mọi người cũng đã nâng ly cho cuộc gặp của hai CCB có mặt dinh ĐL ngày 30/4.

Tháng Tư đi chơi, ngày thứ Ba

Rời Huế quãng gần 7 giờ sáng sau khi có bữa bún bò giò heo do QMafia đãi, chúng tôi đi lên A Lưới. Đây là vùng tập kết của đơn vị lixeta quãng năm 72 cho tới 75 tham gia chiến dịch giải phóng Huế cho tới SG.
Trong lúc lixeta chạy tìm vị trí cứ 108 gần A Sầu, tôi và KV thả bộ trên đường HCM. Con đường ở trên cao so với sông A Sáp ở bên dưới trông như một suối lớn đầy đá vào mùa này. KV nhặt những ngọn rau tầu bay, bần thần nghĩ về những ngày đã xa. Tôi thì rất ngưỡng mộ những cây sim cao quá đầu người đang kỳ nở rộ.

Nhớ đến những cây sim đã thấy hồi trước, ở đây chúng thật sự hoang dã ra hoa dưới nắng rực rỡ, không lo bị người ta chặt về làm củi.
Hoa ngũ sắc trông cũng tươi tắn.
Mời KV đứng làm mẫu đo cây sim.
Với các cháu học sinh người dân tộc, vùng này là Vân Kiều.
Trông chúng có điều gì giống như những bông hoa kia.
A Lưới buổi trưa vắng vẻ, mà chắc giờ cao điểm cũng không lấy đâu ra nhiều người với trục là đường HCM và nhánh xương cá chạy tít ra thung lũng.
Có người mẫu trọc đầu,
cả phở Hà Nội ở một cái nhánh nhỏ tập trung dân Phong Điền, Thừa Thiên lên đây từ mấy chục năm.
"Mặt tiền" thị tứ miền núi vắng hoe, với đủ các loại cơ quan, nhà văn hóa.
Lixeta đi tìm dốc Mèo, con đường đưa xe tăng trở về lại từ Tây TS. Hóa ra cũng là con dốc ngày xưa KV, ba anh em, đi ba ngày về ba ngày để xin hom sắn cho đơn vị trồng.
KV nhớ rõ khi đó đến đây là có nhóm thông tin, hỏi M.Thắng, họ nói không biết. Chắc cùng thông tin nhưng không cùng đơn vị.
Ở chỗ này của con dốc chưa phải là cao nhất, 880m theo GPS. Đầy dấu vết sạt lở, cả ta luy âm lẫn dương. Bám theo hộ lan mà đi thì xuống vực.
Hoặc ủi vào đống đất mới gạt ra. Một bên là vực sâu, có phải đi vào lúc trời mưa thì thật may rủi.






Không chỉ con đường, đất núi tự nhiên cũng lở lói.


Những cột khói đốt rẫy vẫn còn trong vùng cắm biển "không đốt rẫy, săn bắt,..."

Và trên sông Đak Rông người ta vẫn hi vọng kiếm được vàng.

Buổi chiều tầu cá về trên cửa sông Nhật Lệ.
Lại một khuôn mặt thành viên QSVN tại Đồng Hới.
Gió mùa về làm thành bão cát giải tán hết các bàn nhậu ven biển trong tán loạn.

Thứ Năm, tháng 4 22, 2010

Ảnh họp lớp cách đây 3 năm

Có vài bức hình chụp họp lớp ở bánh Tôm hồ Tây cách đây vài năm (vào Tết đầu năm 2007)



Ngày thứ hai: Đà Nẵng - Huế

Sớm thứ Tư theo hẹn KV chạy từ trong Hội An ra đón tôi ở Đà Nẵng, bắt đầu chuyến về lại HN. Chuyến đi này thực ra do cậu cháu muốn mời ông cậu KV vào làm việc ở một cuộc đầu tư mới ở Hội An. Trùng với dịp 30/4, trên mạng Quân sử VN KV và anh bạn Lixeta (nick) vừa có những trang hồi ức về giải phóng Huế, Đà Nẵng. Như mọi sự kiện nào khác, KV và Lixeta đều cho là ngày 25/3 Huế đã giải phóng trong khi sử lại ghi 26/3. KV vào Huế từ phía Bắc, Lixeta vào Huế từ phía Tây Nam. Cả hai cuối cùng đều đến Thuận An, kẻ ở mũi Bắc, kẻ ở bãi xe bỏ lại bên bờ phá Tam Giang.

Cả ngày thứ Tư, theo kế hoạch, hai ông cựu chiến binh đi theo những địa danh của ngày chiến thắng ở Huế. Tôi, cựu binh không chiến, đi theo chơi. Tình cờ Lixeta lại là người Chí Linh, Hải Dương, nhà ở quá Sao Đỏ mấy cây số. Nói đến bạn Trỗi là anh ta, khi đó học lớp 6 lớp 7 gì đó, biết ngay là các tay quậy, đánh nhau ở Phả Lại với dân hải giang gì đó. 
Gặp một thành viên QSVN trẻ tại ĐN. Cậu ta hẹn gặp khi biết có chuyến đi của các nick nổi tiếng Phong Quảng, lixeta. Đây cũng là anh bạn được tôi ủy thác việc tìm lại bạn chiến đấu ở Lữ 126 của QT. Nhưng nhìn qua cũng biết việc này không dễ. Cả mấy chục số nhà theo địa chỉ QT đưa nay nằm trong dãy đã giải tỏa xây dựng công trình mới trên đường Hùng Vương.
Lixeta thăm lại cây cầu bị đánh sập trên đường vào giải phóng ĐN,
để nhanh chóng, đơn vị xe tăng của cậu phải bò qua trên cầu đường sắt.
Điểm ra đường 1 của sư 325 để bọc lại Huế và phát triển vào ĐN được đánh dấu bởi một bia kỷ niệm.
Gần Huế hơn, đơn vị xe tăng của lixeta trong đội hình sư 324 đi qua Truồi ra đường 1 sau khi đánh cứ điểm núi Bông.
Mỗi cây cầu dường như đều có kỷ niệm với lixeta, kẻ xuyên Việt năm 75 bằng xe tăng mà điểm cuối là dinh ĐL cùng với C trưởng Bùi Quang Thận.
Buổi chiều đi Thuận An, ra tận mũi Nam, nơi có sân bay trực thăng mà đơn vị KV tập duyệt binh mừng chiến thắng Huế. Giờ người ta đang làm cảng.
Bãi xe ngày xưa đơn vị lixeta có năm xe tăng và một dúm người thu hàng trăm xe cơ giới và gọi hàng hàng nghìn binh sĩ VNCH giờ một phần là đồn biên phòng.
Chí hâu nói ra Thuận An mà không tắm thì... kém tắm.
Buổi tối ăn giao lưu giữa các "anh giải phóng" với đồng bào địa phương gồm em gái của EGk9 và con, cùng với Quế Mafia.
Chí hâu, đại diện Trỗi quậy ở Phao Sơn, đang hòa hợp hòa giải với Lixeta, đại diện đồng bào Chí Linh, Hải Dương.

Thứ Tư, tháng 4 21, 2010

Các lãnh đạo quân sự miền Nam thời chống Mỹ

Sau Tập kết

1955-1957 : Nguyễn Hữu Xuyến (8 Kiến Quốc) – CB QS cấp cao nhất (Tham mưu trưởng phân liên khu miền Tây Nam bộ) ở lại hoạt động ở miền Tây Nam bộ.

Bí thư xứ ủy Nam bộ : Lê Duẩn (3 Duẩn)

1957-1961 : Nguyễn Hữu Xuyến (8 Kiến Quốc) – Trưởng ban QS miền Đông Nam bộ

Thường vụ xứ ủy Nam bộ : Phạm Văn Xô (2 Xô)

20.12.1960 : Mặt trận DT GP MN ra đời

Từ 01.1961 : thành lập TW cục miền Nam - Nguyễn Văn Linh (10 Cúc) - Bí thư

01.1961-10.1963 :

Trung tướng Trần Lương (Trần Nam Trung – 2 Hậu) - Trưởng Ban Quân sự TW Cục miền Nam

Phạm Thái Bường (3 Bường) - Chính ủy Ban Quân sự TW Cục miền Nam

Thiếu tướng Trần Văn Quang - Chỉ huy Trưởng Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam

10.1963 : thành lập Quân ủy và Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam

Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Quân ủy

10.1963-1964 : Nguyễn Văn Linh (10 Cúc)

1964-1967: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6 Vi)

1967-1975: Phạm Hùng (2 Hùng)

Tư lệnh

10.1963-1967: Trung tướng Trần Văn Trà (4 Chi)

1967-1973: Trung tướng Hoàng Văn Thái (10 Khang)

1973-1975: Trung tướng Trần Văn Trà (4 Chi)

Tham mưu trưởng

1964-1968: Đại tá Lê Đức Anh (6 Nam)

1969-1970: Đại tá Nguyễn Minh Châu (5 Ngà)

1970-1974: Đại tá Hoàng Cầm

1974-1975: Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu (5 Ngà)

Hình (từ trên xuống - từ trái qua) : ô.Nguyễn Hữu Xuyến - ô.Phạm Thái Bường - ô.Trần Lương - ô.Nguyễn Văn Linh - ô.Phạm Hùng - ô.Nguyễn Chí Thanh, ô.Trần Văn Trà, ô.Hoàng Cầm - ô.Hoàng Văn Thái - ô.Lê Đức Anh - ô.Nguyễn Minh Châu