Chủ Nhật, tháng 5 06, 2007

Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình

Hôm nay 5/5/2007 gia đình Trần Kiến Quốc cùng chính quyền địa phương quê hương ông Trần Tử Bình làm lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình. Nhà tưởng niệm được đặt trong khuôn viên của Nhà Văn hóa thôn Tiêu Thượng. Có lẽ gia đình và chính quyền địa phương đã thống nhất lấy phần đất hương hoả của gia đình Kiến Quốc làm nhà Văn hoá thôn, vì vậy có một tấm bia đá ghi nhận "Trên mảnh đất này của thôn Đồng Chuối xã Tiêu Động Thượng huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam vào ngày 5/5/1907 cụ Phêrô Phạm Văn Cống và cụ Maria Nguyễn Thị Quế đã sinh ra Phêrô Phạm Văn Phu, tức Thiếu tướng Trần Tử Bình, một chiến sĩ cách mạng kiên cường cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Dự buổi lễ khánh thành này có nhiều bạn Trỗi, có cả đồng đội là học viên của Trường Sĩ quan Lục Quân Trần Quốc Tuấn mà Thiếu tướng Trần Tử Bình là hiệu trưởng đầu tiên.
Anh Nguyễn Chiến được uỷ nhiệm đọc thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Bà Đặng Bích Hà, mẹ của Hạnh Phúc, và thầy Chi Phan






Các khuôn mặt Trỗi khác

























Có cả cô Khiết giáo viên tiếng Việt của Trường ĐH Sư phạm Quế Lâm hiện đang học Thạc sĩ tiếng Việt. Cô Khiết bây giờ nói tiếng Việt giỏi hơn hồi 2003 tôi gặp bên Quế Lâm. Đến nỗi các cụ cựu binh phải hỏi là người TQ hay VN. Tháng 10 ai đi chuyến sang Quế Lâm sẽ có thể gặp. Trong ảnh này còn Lê Bình, Công Minh.
Buổi lễ trang trọng, nhanh gọn và đầy tình cảm.

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

Trong các con Tướng quân Trần Tử Bình ờ Trường Trỗi xin bổ sung Trần Thắng Lợi, k3!
Thay mặt gia đình, Trần Kiến Quốc xin chân thành cảm ơn các bạn Trỗi đã có mặt dự lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình, tuy tổ chức xa Hà Nội ngót 80km. 4/7 thiếu tướng Trỗi đã có mặt: Nguyễn Chiến k1, Phạm Ngọc Nguyên k2, Bùi Quang Vinh k3, Nguyễn Quang Bắc k5, còn đại tá thì "nhiều như quân Nguyên"), chị em - trong đó có 2 bạn gái rất nhiệt tình là Võ Hạnh Phúc và Trần Châu Nguyên, 2 "gạc-đờ-co" cho mẹ Hà, tham chiến đến cùng.
Xin cảm ơn Trường Lục quân 1, Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học VH-NT quân đội và các cơ quan đoàn thể. Là việc nhà nhưng không có các bạn thì không xong!!!

Nặc danh nói...

PS: LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ TƯỞNG NIỆM TƯỚNG QUÂN TRẦN TỬ BÌNH
Sáng thứ Bảy, 5/5/2007, đúng ngày sinh thứ 100 của ông, gia đình đã cùng Đảng uỷ và chính quyền xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (quê hương ông) tổ chức trọng thể Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình - Nhà Văn hoá thôn Tiêu Thượng.
Ngay từ chiều hôm trước, cờ phướn, biểu ngữ được giăng dọc đường từ UBND xã về đến thôn Tiêu Thượng và khắp nẻo đường trong xóm. Không xa Trung tâm Văn hoá là Nhà thờ Tiêu Thượng với tháp cao vót, được xây dựng từ 1895. Ngày ông Bình sinh ra đã được làm lễ rửa tội tại đây.
Sáng trời lất phất mưa nhưng bà con kéo về dự từ sớm, kín cả sân.
Các cụ lão thành cách mạng, bà mẹ VNAH, tướng lĩnh các thế hệ về dự cùng Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Huyện uỷ và quan khách tỉnh, huyện. Xe con về dự đến 40-50 chiếc. Bạn bè Trỗi vẫn giữ truyền thống "mao trạch...".
Bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bạn với bà Nguyễn Thị Hưng từ ngày ở Chiến khu Việt Bắc 1947 nhận lời đến dự và mang theo thư chúc mừng của Võ Đại tướng. (Thầy Trịnh Nguyên Huân đã giúp thảo bức thư và trình Đại tướng kí). Hai bạn Võ Hạnh Phúc và Trần Châu Nguyên luôn bên cạnh chăm sóc bà. Khi bà vừa bước vào cổng, nhân dân vỗ tay chào mừng khi nghe giới thiệu phu nhân Võ Đại tướng cũng có mặt.
Trong phần tặng hoa và quà lưu niệm, mọi người xúc động khi được thấy Thiếu tướng Triệu Huy Hùng, 1 trong 4 đảng viên được Chính uỷ Trần Tử Bình kết nạp vào Đảng năm 1946 lên tặng gia đình kỷ niệm chương "60 năm Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946-2006". (Chú là chồng cô Lan dạy Trung văn chúng ta đấy). Sau đó Thiếu tướng Nguyễn Văn Việt Chính uỷ Lục quân 1 lên tặng bức tranh sơn dầu khổ lớn "Bác Hồ trao tặng khóa 1 lá cờ thêu 6 chữ vàng "TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN", nhân ngày khai giảng 26/5/1946".
Đồng chí Quyết, Chủ tịch xã, có bài diễn văn "Thiếu tướng Trần Tử Bình - cuộc đời và sự nghiệp" rất xúc tích nhắc lại công lao của ông và bà Hưng với Hà Nam, Bình Lục và cả xã Tiêu Động. (Bà Hưng từng lăn lộn suốt thời gian 1940-1944 ở Liên tỉnh C và Hà Nam, từng là Bí thư Ban Cán sự tỉnh thay ông, sau khi ông bị bắt cuối 1943).
Thiếu tướng Nguyễn Chiến k1, được sự uỷ quyền của bà Đặng Bích Hà, đã thay mặt ban tổ chức đọc bức thư của Đại tướng. Sau phần mở đầu khi đọc đến đoạn "Tôi xin gửi tới Đảng uỷ, chính quyền địa phương và toàn thể bà con lương, giáo xã nhà lời chào thân ái!" thì trong, ngoài hội trường vỗ tay nhiệt liệt. Thật cảm động!
Sau đó Trung tướng Đỗ Đức, cựu học viên khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn, học trò của ông năm 1946, (trò hơn thầy 1 sao!!!), đồng hương Bình Lục (và là bố của Đỗ Dũng k6), đọc bài "Thầy Trần Tử Bình với
lứa học sinh quân sự đầu tiên". Trung tướng xúc động, không kìm được nước mắt khi đọc. Với lối hành văn giản dị nhưng ấm tình đồng đội; bài phát biểu được vỗ tay hoan nghênh!
Sau phần báo cáo của thôn Tiêu Thượng về việc thực hiện thi công và quyết toán công trình, anh Trần Kháng Chiến thay mặt gia đình đọc lời cảm ơn ngắn gọn, chân thành.
Sau đó ban tổ chức mời Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Huyện uỷ, phu nhân Đại tướng, Trưởng Ban Liên lạc khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn Đỗ Hạp cùng anh Kháng Chiến cắt băng khánh thành bia tưởng niệm. Trên nền đá đen là những dòng chữ "Tại chính mảnh đất này của thôn Đồng Chuối, xã Tiêu Động Thượng, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, ngày 5/5/1907, cụ Phêrô Phạm Văn Cống và cụ Maria Nguyễn Thị Quế đã sinh ra Phêrô Phạm Văn Phu, tức Thiếu tướng Trần Tử Bình, người chiến sĩ cách mạng kiên cường hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Mấy tuần trước khi vừa dựng xong tấm bia này, bà con Tiêu Thượng thực sự tự hào, nhất là khi được xem những hình ảnh của ông trong nhà Nhà tưởng niệm. Kín bốn bức tường được treo nhiều ảnh tư liệu giá trị lần đầu tiên được công bố. Ảnh được sắp xếp công phu, rất chuyên nghiệp, theo trình tự thời gian và chủ đề. Trong đó có nhiều gương mặt bố mẹ các bạn Trỗi, chiến hữu của ông Bình, bà Hưng.
Trên bàn thờ được dâng nhiều hoa quả, nghi ngút khói hương từ lư trầm và bát hương có ghi dòng chữ "Gia đình cố Chủ tịch Trần Duy Hưng kính tặng Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình". Cạnh đó là cuốn sách "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tuyển tập" do chị Nguyễn Thanh Hà kính tặng. Mọi người như được sống lại một thời kì lịch sử hào hùng vĩ đại của dân tộc.
Ngoài anh Nguyễn Chiến, các tướng lĩnh thế hệ thứ 3 còn có các anh Phạm Ngọc Nguyên k2 (Phó tư lệnh PK-KQ), Bùi Quang Vinh k3(Cục trưởng Cục KH-ĐT), Nguyễn Quang Bắc k5 (Gíam đốc Trung tâm KH-CN BQP), Phạm Văn Quang (Phó giám đốc Học viện Quân y), Đại tá Vũ Thanh Hải (Phó giám đốc Học viện KTQS), Đại tá NSƯT Dương Minh Đức (Hiệu phó Đại học VH-NT QĐ), Dương Thành Bắc k5 (Phó chánh Văn phòng TW)... Các sĩ quan từ đại tá trở xuống đông "cả tiểu đoàn". Cựu thủ môn Thế công thầy Bùi Đức phóng xe từ Nam Định về dự, trên ngực gắn đầy huân chương. Thầy trò, bạn bè, chú cháu gặp nhau thật là vui!
Trưa hôm đó, gia đình mời khách về dùng cơm tại Nhà hàng Hòa Bình ở thị xã Phủ Lý. Lại giao lưu. Chú Thạch mang mấy thùng Vodka Standart phục vụ bữa ăn. Mọi người vui vẻ cạn li chúc mừng thành công của buổi lễ. Cô Hà ở lại đến cùng.
Tối ấy khi gọc điện về quê thì được chi hay, bà con rất ngợi khen: Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm cụ Bình được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ nhưng nhưng rất trang trọng, hoành tráng, ấm áp tình đồng chí, đồng đội.
Ở quê tôi còn có cụ Nguyễn Văn Hiếu tử vì Đạo ở Ninh Bình năm 1840 và được Tòa Thánh Va-ti-căng phong Thánh năm 1900. Ông cụ tôi được Bác Hồ phong Thiếu tướng năm 1948. Vì vậy mà bà con Tiêu Động Thượng tự hào vì được sống trên "mảnh đất phát cả Thánh lẫn Tướng"!
Kiến Quốc - Sài Gòn, 8/5/2007.

Nặc danh nói...

Việc của nhà nhưng không bạn cũng không xong!
Để đăng tải những bài viết về cụ Trần Tử Bình đúng vào dịp này, bạn bè thân thuộc ở các báo Nhân dân, QĐND, Tiền phong, Bình Phước, Hà Nam, An ninh Thế giới, các tạp chí CAND, Cao su... đã hết sức gíup đỡ. Chả thế mà các bài viết "Anh Trần Tử Bình - một tấm gương sáng" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), "Trần Tử Bình - một chiến sĩ cộng sản kiên cường" (Nhà báo Hoàng Tùng), "Trần Tử Bình từ Phú Riềng Đỏ đến mùa Thu Hà Nội..." (Nhà văn Hà Ân)... đã đến được với bạn đọc.
Xin chân thành cảm ơn các bạn! Đúng là "Việc của nhà nhưng không bạn cũng không xong!".
Kiến Quốc

tranbachai nói...

Thắp hộ tớ một nén hương trầm. Uống hộ tớ một chén rượu cay.
Bắc Hải

Nặc danh nói...

THÂN GỬI: ĐẢNG ỦY, CHÍNH QUYỀN, NHÂN DÂN XÃ TIÊU ĐỘNG, HUYỆN BÌNH LỤC, TỈNH HÀ NAM VÀ XÃ TÂN PHÚC, HUYỆN ÂN THI, TỈNH HƯNG YÊN CÙNG CON CHÁU THIẾU TƯỚNG TRẦN TỬ BÌNH

Trước hết xin gửi đến các đồng chí và bà con lương, giáo xã nhà cùng con cháu đồng chí Trần Tử Bình lời chào thân ái!

Năm 2007 kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của Thiếu tướng Trần Tử Bình - người bạn chiến đấu thân thiết của tôi. Sinh ra trong một gia đình công giáo toàn tòng, Anh Bình sớm được giác ngộ cách mạng. Đầu năm 1930, Anh đã cùng chi bộ Đồn điền cao su Phú Riềng làm nên một “Phú Riềng đỏ” lịch sử. 15 năm sau, Anh lại tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và một số tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ. Anh là một trong 9 cán bộ cao cấp được Hồ Chủ tịch kí quyết định phong quân hàm Thiếu tướng lớp đầu tiên, rồi cùng công tác với tôi trong Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh. Trong kháng chiến chống Pháp, Anh từng làm công tác thanh tra, công tác đào tạo cán bộ; sau hòa bình lại tham gia sửa sai trong Cải cách ruộng đất. Trên cương vị nào anh đều hoàn thành nhiệm vụ. Anh còn là Đại sứ của nước ta tại Trung Quốc suốt từ năm 1959 đến 1967, góp phần xây dựng quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt - Trung và tranh thủ sự giúp đỡ hiệu quả nhất của bạn cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Thật tiếc Anh ra đi quá sớm!

Được biết nhân dịp này, con cháu của Anh cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương, nhân dân xã Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam và xã Tân Phúc, Ân Thi, Hưng Yên đầu tư tiền của, công sức xây dựng Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình và Nhà văn hóa thôn Tiêu Thượng cùng Trường Mẫu giáo Trần Tử Bình – thôn Phúc Tá. Đây là một việc làm đầy ý nghĩa nhằm tôn vinh người chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tôi đánh giá cao những việc làm này.

Mong các đồng chí và bà con lương, giáo quê hương cùng các cháu học tập tấm gương sáng của Anh, xây dựng địa phương ta thật giàu, mạnh.

Chúc các đồng chí cùng bà con mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

Hà Nội, ngày 4 tháng 5 năm 2007

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nặc danh nói...

ĐÍNH CHÍNH:
Hữu Thành có viết: Nhà tưởng niệm và Nhà văn hoá trên đất hương hỏa của gia đình. Thật ra không phải vậy. Sau khi bà mẹ chúng tôi mất, tháng 8-1993, chúng tôi về thăm quê để cảm ơn bà con, họ hàng đã lên phúng viếng, tiễn đưa bà. (Vì ông bà nội chúng tôi bị Nhà thờ "rút phép thông công" do để con (thằng Phu) "làm loạn" (chống Nhà nước bảo hộ) nên các cụ phải sống tha phương, cuối cùng tá túc ở đất Ân Thi, Hưng Yên cho đến cuối đời. Vì thế mà tết nhất chúng tôi chỉ về Hưng Yên thăm các cụ, chứ ít về Hà Nam). Lần đó về chúng tôi được họ hàng chỉ 1 mảnh đất rộng chừng 16-20m2 và bảo: Đây là đất của ông Phu.
Cách đây vài ba năm nay, khi chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Bình, chúng tôi bàn với Đảng uỷ và chính quyền địa phương về ý định xây dựng Nhà tưởng niệm cho ông. Chúng tôi được Xã ủng hộ, sau đó đã xếp cho thằng em họ rời từ đây ra "mặt tiền" của thôn và quy hoạch hơn 300m2 của nó vào Trung tâm văn hoá Tiêu Thượng. Còn mảnh đất là sở hữu của ông già tôi chính là nơi đặt Bia tưởng niệm bây giờ.
Kiến Quốc, Sáng thứ Bảy 12-5-07.