Thứ Hai, tháng 5 28, 2007

CHUYỆN TẢN MẠN NGÀY CHỦ NHẬT


Chuyện chưa biết về
NSND Trần Hiếu

Hầu hết trong chúng ta đã từng nghe, xem NSND Trần Hiếu biểu diễn, nhất là anh em Trỗi ở phía Nam cứ vào dịp họp mặt toàn trường thì "thầy" Hiếu đều đến góp vui. (Ta gọi là "thầy" vì NSƯT Dương Minh Đức, bạn của chúng ta là học sinh của thầy mà thầy của bạn mình dĩ nhiên là thầy mình rồi. Nói vậy đừng nghĩ anh em Trỗi "thấy người sang..." nhé! Còn thầy cũng vậy, đồng ý ngay).
Quen thầy Hiếu nhưng không phải ai cũng biết thầy từng được đi biểu diễn đón Cụ Hồ tại ga Hàng Cỏ khi Người từ Pháp trở về tháng 10/1946 (lúc đó thầy mới 10 tuổi) và là đội viên Thiếu sinh quân cảm tử Thủ đô 1947. (Vậy thầy cũng như anh em ta!). Đầu những năm 50 thế kỷ trước, là học sinh Hà Nội nhưng thầy từng làm cho bọn Tây ngán: "Cánh học sinh tụi tớ rất ghét lính Tây. Trong túi tớ lúc nào cũng thủ quai-nhê (vũ khí này cánh Trỗi quá quen!) đúc bằng chì. Hễ có cơ hội, thấy thằng Tây nào đi một mình bắt gái hay nhậu nhẹt là tụi mình đánh tap-lô liền. Mỗi cú đấm có đeo quai-nhê mà dính vào quai hàm hay vào cánh tay cũng làm tụi nó đau ê ẩm mấy ngày". Sau hoà bình, thầy tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên Hà Nội rồi đi học Trường Nhạc VN do Giáo sư Tạ Phước làm Hiệu trưởng.
Từng hỏi: "Bề dày cuộc đời tham gia cách mạng của thầy cũng ghê đấy chứ. Thầy có báo cáo tổ chức để làm chính sách?". "Báo cáo mà làm gì! Chỉ cần giọng ca của mình lưu mãi trong lòng người nghe là hạnh phúc! Thế là đủ". Đã qua tuổi "thất thập" nhưng cái giọng ba-ri-rông của thầy thì vẫn khỏe như mới "ba, bốn xị". Suốt 60 năm làm công tác nghệ thụât, từng đi nhiều nước trên thế giới, từng biểu diễn cho nhiều nguyên thủ quốc gia và trong thầy lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp.

Kỷ niệm với Bác Hồ
Chuyện khó quên nhất là lần thầy được vào biểu diễn cho Bác và khách quý cuối năm 1960. Trước khi biểu diễn, Bác tới thăm anh chị em diễn viên. Thấy tóc tai Trần Hiếu quá lứa, Bác phê bình: "Là diễn viên, các cháu phải giữ cho mặt mũi sáng sủa, tóc tai gọn gàng, dễ nhìn, gây thiện cảm cho người xem!". Trần Hiếu gãi đầu gãi tai: "Thưa Bác, vợ cháu mới sinh nên chăm vợ mà quên chăm mình". Bác hỏi ngay: "Thế vợ cháu sinh con trai hay gái?". "Dạ, cháu trai ạ". "Vậy các cháu định đặt tên con là gì?". "Dạ, tên là Hoàng ạ". Bác nghĩ một hồi rồi nói: "Hoàng, cái tên này nghe chưa thật hay?". "Dạ, chúng cháu định đặt Vũ Hoàng với ý sẽ là chú chim vàng anh...". "Được, thế thì được! Cháu sau này sẽ hát hay như bố Hiếu." Trần Hiếu khi về đã kể chuyện này cho vợ. Chị rất cảm động trước sự quan tâm của Bác.
Bẵng đi một năm. Vào dịp cuối năm, Trần Hiếu cùng đoàn lại vào biểu diễn cho Bác và Chính phủ. Vừa gặp Bác đã hỏi: "Thế nào, Vũ Hoàng của Trần Hiều đã làm được gì rồi?". Thật không ngờ bận trăm công nghìn việc mà tòan việc đại sự; vậy mà vị Chủ tịch nước vẫn nhớ tới sự kiện nhỏ nhoi trong cuộc sống của người nghệ sĩ. Trần Hiều lặng người đi vì xúc động...

Cái bắt tay với nguyên thủ
NSND Trần Hiếu vui vẻ kể trên chuyến xe về thăm Trường Thiếu sinh quân Tp.HCM: "Mình từng được biểu diễn rồi lại được bắt tay các nguyên thủ, và chuyện bắt tay các nguyên thủ quốc gia cũng là một chủ đề hay. Tay mỗi vị nguyên thủ cũng rất khác nhau. Bàn tay của Mao Chủ tịch thì mềm, ướt và khi bắt thì không chặt. (Có lẽ vị cụ già rồi?). Còn cái bắt tay của Thủ tướng Phi-đen Cat-strô thì rất chặt, khỏe và nồng ấm... Không những vậy mà có lần mình bị kỷ luật vì bắt tay nguyên thủ".
Năm 1965, Đoàn văn công Trung ương có chuyến sang Bắc Kinh biểu diễn. Buổi biểu diễn đó có Mao Chủ tịch đến xem. Cuối buổi ông cho phép anh chị em diễn viên chụp ảnh chung làm kỷ niệm. Chụp xong, ông bắt tay cảm ơn từng diễn viên. Ban tổ chức bố trí cho Mao Chủ tịch đứng trên bục cao, còn anh chị em xếp hàng lần lượt đi tới, giơ hai tay nắm lấy tay ông. Đến lượt Trần Hiếu anh vô tư trèo hẳn lên bục, nắm lấy bàn tay ông. Mao Chủ tịch mỉm cười vì thấy có chàng trai trẻ, không giống các diễn viên khác, trèo hẳn lên bục bắt tay mình.
Chuyện không chỉ dừng ở đó. Cuối năm khi bình bầu khen thưởng, Trần Hiếu đã bị cắt thi đua vì khuyết điểm "dám trèo lên bục ngang với Mao Chủ tịch để bắt tay ". Mà cắt thi đua có nghĩa là mất kha khá phần dành nuôi vợ con. "Giời ạ, cụ Mao còn vui vẻ cười với tôi chứ có gì là phạm thượng đâu! - NSND kể lại - Thế mới biết sự ấu trĩ ngày xưa làm khổ khối người...".
(Ghi chép của Kiến Quốc)

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đêm qua, 27/5, ông bạn Dương Minh Đức lại "diễn" mấy tiếng liền trên VTV3 trong ban giám khảo "Sao mai điểm hẹn 2007". Bạn mình ở gần ít thấy giá trị, đến khi lên sóng mới thấy "oách"! Trỗi có khác!

Nặc danh nói...

Tôi cũng đã từng(tự nhận)là một "fan" hâm mộ Ca sĩ Trần Hiếu với những bài hát rất "hài"(như:"Tôi,lê anh nuôi" hay "Con vỏi con voi..") nói về người lính.Hôm nay mới biết thêm "Những chuyện chưa biết về NSND Trần Hiếu " do KQ cung cấp.Rất hay và lí thú.
Còn Minh Đức bây giờ "Oách" thật đấy,nhưng KQ không được chứng kiến cái cảnh lần đầu tiên MĐ biểu diễn ở Đại đội 7 khi sống ở Trại Cau-Đại Từ.Tối hôm đấy c7 (K4) tổ chức Lửa trại tại sân bóng của đại đội(gọi là sân bóng cho oai chứ thực ra là cái bãi tha ma cũ trên đỉnh đồi của dân địa phương đã được dọn đi,C7 cải tạo thành sân đá bóng.Tôi vẫn nhớ cú vô lê "cực đẹp" của Trung Nghĩa trong trận giao hữu giữa B tôi và B nó-lại chuyện nọ xọ chuyện kia,xin lỗi).Minh Đức lên hát và nó hát rất hay(tuy có chỗ cũng còn hơi "phô"-theo từ chuyên môn),nhưng phong cách biểu diễn thì chẳng "oách" tí nào mà hơi "ngồ ngộ",vì hai tay của nó cứ như khư khư "giữ của quí"...(xin lỗi MĐ,nhắc lại chuyện này để thấy rằng lúc mới lên trường Trỗi,không chỉ riêng ai mà tất cả mọi người còn "ngố" lắm.Được như ngày hôm nay là nhờ vào các thầy cô trường Trỗi).Quang xèng.

Nặc danh nói...

Trường Quân chính - Chuyện về MinhĐức:
Năm 1968, K4 và K3 về trường Quân chính Quân khu Tả ngạn tập huấn, "đụng" dịp QK tổ chức hội thao. Cánh Trỗi tham gia các môn thi không có gì xuất sắc, nhưng riêng cái vụ văn nghệ thì số dách. Tốp ca nam Trỗi (tốp ca thế kỉ, có a.ToànThua) đọat giải nhì, được phần thưởng là cây Tâybancầm. Đơn ca nam (NSƯT DMĐức - nhưng hồi đó chắc chắn y chưa biết là sẽ được danh hiệu này) giải nhất, được cây ắccoọc. Trường QC rất vui vì trường chưa bao giờ được giải văn nghệ, kể cả giải khuyến khích. Cũng không có gì lạ vì truờng QC là lính chuyên nghiệp đánh đấm, đâu có màng cái vụ "xướng ca vô loài". Hát "vì nhân dân quên mình" còn sai nhạc. Sau cánh Trỗi tặng 2 giải thưởng đó cho trường QC để làm vốn văn nghệ (hồi đó đơn vị cơ sở có cây ắccoọc là quý lắm).
Trường Quân chính - Chuyện về K5:
Hồi đi QC, trường Trỗi có cử mấy em K5 đi theo học ké với các anh K4, tôi nhớ hình như có Đức Dũng, Đông Nhân (hồi đó y láo lắm, chứ không đại tá chững chạc, bản lãnh như bây chừ). Nên chăng xem họ là đại biểu của K5 đi QC.
Ta là đại biểu dân khóa 5,
Tìm đến quân chinh (quân chính) để học hành.
Lúc đó ở Phả lại có tụi hàng giang, nổi tiếng ngổ ngáo, phá phách đồng bào, chọc ghẹo phụ nữ, đánh nhau với dân quân, có lúc giã cả chú bộ đội. Thấy việc bất bình chẳng yên, các đại diện không chính thức của trường Trỗi xông vô can thiệp. Can thiệp riết thành giền, các đại diện xông vô "bản doanh" của chúng đánh phá tứ tung, thắng lợi giòn giã. Đánh nhau là sai rồi, nhưng trong trường hợp này lại được đồng bào yêu mến. Xin nói tốp lính K5 là lực lượng xuất sắc trong chiến dịch.
HCQuang