Thứ Ba, tháng 5 22, 2007

CHUYỆN ĐI TÌM MỘ LS LÊ MINH TÂN

Mộ liệt sĩ Lê Minh Tân tìm được
nhờ nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và đồng đội

Võ Quốc Tấn k3

Lê Minh Tân quê ở xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là học sinh Khóa 3 Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi và là kỹ thuật viên Lữ đoàn xe tăng 273. Anh hy sinh ngày 1/4/1974 tại chiến trường Khu 5 trong Chiến dịch xuân hè 1974.
Việc đi tìm mộ LS Lê Minh Tân, gia đình và đồng đội đã thực hiện từ nhiều năm nhưng không có kết quả, kể cả việc nhờ một số NNC. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng Tư lệnh Quân khu 4 (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, C trưởng C23 của Tân) và là người trực tiêp chốn cất Tân năm 1974 đã cùng đồng đội trở về chiến trường xưa nhưng địa hình, địa vật đổi thay nên không tìm được.
Gần đây, đồng đội Tăng - Thiết giáp của Tân đã tìm gặp NNC Phan Thị Bích Hằng và được NNC nhận lời giúp đỡ. Chỉ với một tấm ảnh, NNC đã ”nói chuyện” đươc với LS. Lê Kinh Thông - lính cùng đơn vị, người trực tiếp liên hệ với NNC Bích Hằng đã ghi lại toàn bộ “cuộc nói chuyện”. Tôi không nhớ được hết nhưng nội dung chính là: Tân nói anh hiện đang ở NTLS huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tân chỉ đường đến đó rất cụ thể (có sơ đồ chỉ dẫn). Khi vào đến nghĩa trang đi về phía bên trái qua Đài liệt sĩ đến cuối nghĩa trang thì quay mặt ra phía cổng. Mộ anh là mộ thứ 13, nằm ở hàng thứ 2 từ phải sang. Cô Hằng hỏi làm thế nào nhận biết được anh thì Tân “nói”: “Cứ nhìn hàm răng thì biết, răng anh còn nguyên, đẹp”. Cô Hằng lại hỏi anh có muốn được đồng đội đưa về, thì Tân nói “Anh em cứ lên tới nơi rồi tính”.
Sau khi có được thông tin từ NNC, đồng đội hẹn nhau đi tìm mộ Tân và điện báo cho tôi. Sáng ngày 12/05/2007, tất cả tập trung và xuất phát từ Đà Nẵng. Riêng tôi đang ở Tam Kỳ nên lên thẳng NTLS. Đồng đội của Tân gồm các anh Đoàn Sinh Hưởng, Lê Kinh Thông, Trương Công Đạo, Đỗ Đình Thành, Hoàng Đức Gián, Trương Lập Thành, anh Thái, anh Hổ (Trưởng phòng Quân báo Quân khu 5)… Một số từ Hà Nội, Vinh, Quảng Trị vào, số đang sống ở Đà Nẵng. Lê Gia Linh, em ruột Tân, từ TP Hồ Chí Minh bay ra.
9 giờ 30, chúng tôi hội quân tại NTLS. Tất cả cùng tìm đến ngôi mộ thứ 13, hàng thứ 2, như trong sơ đồ chỉ dẫn. Mọi người đứng quanh mộ, không ai nói câu nào. Rồi anh Thông gọi điện cho cô Hằng thông báo mọi người đã đến đúng tọa độ chỉ dẫn, Hằng trả lời: “Các anh chờ em 10 phút!”. Lát sau Hằng gọi lại nói “đã gặp được anh Tân”, anh Tân “nói” rất mừng vì các anh đã đến. Anh Thông hỏi: “Tân có muốn được đưa về không?”, Hằng nói: anh Tân muốn bạn bè đưa về gần ba má. Lúc này, tất cả đều tin đây là mộ Lê Minh Tân, người bạn thân thiết, người đồng đội cùng đơn vị. Mọi người thắp hương cho Tân và các LS trong nghĩa trang rồi bàn việc đưa Tân về. Anh Thông liên lạc lại với NNC. Khi Bích Hằng nói gì, anh đều nhắc to cho anh em cùng nghe: “Anh Tân nói nhờ thủ trưởng Hưởng đốt cho 28 nén hương và 28 điếu thuốc vì hôm nay Tân mời các bạn về để chia tay, nhưng có một người bạn thân nhất là Ngô Ngời không về được”. Nghe đến cái tên “Ngô Ngời” tự nhiên tôi rùng mình, nước mắt ứa ra vì nhớ ngay tới người bạn Trỗi rất thân hy sinh ở mặt trận Tây Nam mà chính mình tham gia đưa bạn về quê.
Tôi và anh Hưởng cùng thắp hương và đốt thuốc cho Tân và anh em. Khi mọi người đứng vòng quanh mộ, anh Hưởng bắt nhịp cho anh em cùng hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay trên một bàn tay...”. Ai nấy nước mắt giàn giụa nhưng cố gắng hát tròn vành rõ chữ cho Tân nghe.
Lúc sau, Linh mới cho chúng tôi xem mảnh giấy viết tay ghi lại lời của NNC Năm Chiến chỉ dẫn cách tìm mộ Tân. Năm 1994, chú Lê Bưởi, ba Tân, đã tìm gặp ông ở Thăng Bình, Quảng Nam. Ông hướng dẫn khi vào NTLS Quế Sơn thì rẽ trái đến hàng cuối cùng rồì tìm ngôi mộ thứ 6 thuộc hàng thứ 2, từ trái qua. (Lần đó ba Tân không tiếp tục đi tìm vì nghĩ không lẽ Tân hy sinh ở gần sân bay Khâm Đức ngay Phước Sơn mà lại được quy tập về NTLS Quế Sơn, cách xa những 70km?! Có thể đây là một nhầm lẫn?). Khi đến mộ, Linh không nói với ai điều này mà thử tự xác định và thấy có hoàn toàn trùng khớp giữa ngôi mộ này với ngôi mộ thứ 13 từ phải qua theo chỉ dẫn của NNC Bích Hằng. Đúng là một sự trùng hợp kì diệu từ sự xác định của 2 NNC, ở 2 nơi và vào các thời điểm khác nhau! Lúc này mọi người đều tin chắc đây là mộ Lê Minh Tân. (Chuyện con muồm muỗm cứ quấn quýt quanh mộ Tân làm anh em chúng tôi cảm thấy rất lạ xin được kể sau).
Chúng tôi cùng vào làm việc với Huyện đội Phước Sơn. Sau khi nghe trình bày quá trình tìm mộ cùng một số thông tin của NNC Bích Hằng và NNC Năm Chiến, các đồng chí ở Huyện đội rất cảm thông với cuộc tìm kiếm đầy tình nghĩa này; nhưng vì chưa có chính sách cho phép di dời mộ ở các NTLS về nên các anh đề nghị Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng viết giấy bảo lãnh. Anh Hưởng viết ngay. Sau đó, chúng tôi bắt tay vào làm công tác chuẩn bị.
14 giờ, trở lại nghĩa trang. Đèn hương, hoa quả, tiền vàng được sắp lên bàn thờ Nhà tưởng niệm và ngay trên mộ Tân. Linh sắm cho anh nhiều thứ. Anh em chia nhau đi thắp hương cho tất cả các LS. Khắp nghĩa trang hương khói nghi ngút. 15 giờ, bắt đầu mở mộ. Chỉ đào một lớp đất thì tới bọc ni lông đựng hài cốt. Chúng tôi nhẹ nhàng đưa bọc ni lông lên cho vào áo quan bằng gỗ rồi hồi hộp mở từng lớp. Hài cốt Tân hiện ra với hàm răng còn nguyên vẹn, đều đặn. Sau đó hài cốt được xếp lại theo thứ tự. Aó quan được đóng lại, phủ quốc kỳ rồi đưa ra xe. Vì tôi đang công tác ở Tam Kỳ nên không cùng anh em đưa Tân về nhà được. Tôi nói với Tân vài lời rồi chia tay đồng đội của anh.
Mặt trời dần lặn sau dãy Trường Sơn. Xe phóng trên đường lắc lư. Trong lòng tôi trỗi dậy bao cảm xúc, nhớ thương Tân và những người bạn đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Buồn đấy nhưng xen lẫn những niềm vui. Vui vì một người bạn thất lạc lâu ngày đã trở về. Như vậy LS Lê Minh Tân sau 33 năm nằm ở chiến trường, được nhân dân các dân tộc huyện Phước Sơn chăm sóc, hôm nay đã trở về với gia đình, bạn bè và đồng đội.
Việc tìm được mộ LS qua các NNC có những điều kỳ diệu khó lý giải, nhưng nhờ đó mà hàng ngàn LS đã trở về với quê hương. Xin cảm ơn các NNC và đồng đội của anh!
Tam Kỳ, 14/05/2007

7 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hôm nay 19/5 - sinh nhật Bác, anh em Trỗi ta gửi bài "Người tốt việc tốt" này lên Blog cũng được coi là quà mừng sinh nhật đấy chứ!

Nặc danh nói...

Email của Trương Lập Thành, bạn Tăng Thiết giáp của LS Lê Minh Tân gửi Linh và Tuấn Anh:
Sang nay, Bao Nhan dan da dang loi cam on cua anh em T-TG. Chung toi cung da den tham va cam on nha ngoai cam Phan Thi Bich Hang o Ha Noi. Moi viec tot dep va an long.
Cam on cac anh Truong Troi da to chuc le truy dieu Tan o Sai Gon long trong.
Thanh.

Nặc danh nói...

Đề nghị các đ/c "ẩn danh" ghi rõ danh tính mỗi khi có nhời vào "lời góp", để bá tánh biết quý tính, chứ cứ "âm thầm đảng viên" thế này thì phiền quá. HCQuang

Nặc danh nói...

Các lời góp về cơ bản là "hiện danh" nhưng có những lời góp phải "ẩn danh" (coi như là sự khiêm tốn).
Tin mới: Ngô Phúc Chiến k5 (tức Ngô Văn Long, đang sống ở Vũng Tàu cùng Xuân Lăng, Bạch Quốc Đòan, thầy Hồng Tuyến) đã nhắn tin về sau khi đọc các bài về LS Lê Minh Tân: "Lê Minh Tân và mình học với nhau từ lớp 3 ở Trường Học sinh miền Nam số 21, Hải Phòng. Nó là con chú Bưởi, cô Lục mà cô chính là giáo viên chủ nhiệm lớp. Lên lớp 5, Tân học với Võ Quốc Tấn, Ngô Ngời... Nghe tin Tân đã về với gia đình, anh em Trỗi ở Vũng Tàu mừng lắm. Nhờ các bạn chuyển lời chúc mừng đến gia đình!".
Kiến Quốc đưa tin (viết thế này chắc CQuang hết thắc mắc?).

HữuThành.Nguyễn nói...

Mãi vẫn chưa thấy ảnh ở NTLS Phước Sơn đâu. Hoặc là chưa đến K.Quốc, hoặc là đến rồi nhưng K.Quốc luyện mãi vẫn chưa ra được chiêu chèn ảnh vào bài, mà lại không muốn ra chiêu (cũ) gửi ảnh cho bạn làm hộ.

Nặc danh nói...

Vi may thang em dua a?nh muon qua. May ngay nay chung no lo tiep khach (nhau nhet). Nen chieu nay vo chong toi toi tham gia dinh LS Le Minh Tan va noi chuyen voi co Luc va Linh, biet nhieu thong tin moi. Co a?nh roi!
KQuoc

Nặc danh nói...

Cảm ơn anh em Trỗi và Tăng - Thiết giáp đã viết những bài về việc tìm và đưa LS Lê Minh Tân về TP.HCM. Tôi chờ đợi và đọc ngấu nghiến từng từ một. Từ chuyện của gia đình tôi - sẽ kể ngắn gọn dưới đây - tôi khẳng định khả năng của các NNC đã làm là hòan tòan chính xác.
Bố tôi ở BTL 559, bị thương vào đầu do bom B52, đưa vào Bệnh xá Đòan 559 thì mất, chôn tại Nghĩa trang của BTL ở trong rừng. Sau 30/4/1975 được đưa về Nghĩa trang LS xã Khương Hà (khu vực Phong Nha hiện nay). Được các bác, các chú ở BTL cung cấp thông tin tôi đã tìm vào tận nơi thăm bố. Những tháng năm sau đó đời sống khó khăn, gia đình tôi rất ít khi vào thăm được nên bàn tính đưa bố tôi về. Tuy nhiên đưa về đâu thì có nhiều ý kiến lắm: đưa về quê để gần ông bà, đưa về Thủ đô để đời các cháu sau này dễ viếng thăm (vì ai mà chẳng có dịp về Thủ đô), đưa về TP.HCM vì tôi đã định cư ở đây ... Cuối cùng cả đại gia đình thống nhất "hỏi ý kiến bố tôi" mà người trực tiếp hỏi là mẹ tôi và tôi. Mẹ tôi hỏi bằng cách gọi hồn (cũng là một hình thức ngọai cảm), bố tôi nói nhiều chuyện với mẹ tôi trong đó có đề nghị "tôi đã chuyển mấy nơi, nay ở đây đang đông vui, đẹp đẽ và quen rồi nên bà và con cứ để tôi ở đây". còn tôi nhờ NNC (chính là người anh cọc chèo với tôi) "giao lưu" với ông để biết ý kiến. Anh đã tả nơi ông ở rất đẹp, rất đông, rất vui, ông không muốn chuyển đi. Quả thật gia đình tôi rất hoang mang vì NTLS xã Khương Hà nhỏ và ít mộ phần (ai đi Phong Nha, sau khi qua cua rẽ bên phải vào Phong Nha sẽ thấy NTLS xã Khương Hà ở bên trái). Cả gia đình kéo vào Khương Hà thì chẳng thấy mộ phần bố tôi đâu, hỏi Ủy ban Xã mới biết đã được qui tập về NTLS tỉnh Quảng Bình ở Ba Dốc. Từ khi đi đến lúc vào Khương Hà mưa tầm tã, nhưng khi quay ra Ba Dốc, trời nắng, cả Nghĩa trang trên đỉnh đồi cao với hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ hồng rực dưới ánh nắng và gió trời lồng lộng. Quả là "rất đẹp và đông vui". Thuận theo ý ông, gia đình tôi vẫn để bố tôi ở Quảng Bình. Thế đấy, gia đình tôi còn chưa biết gì, bằng ngọai cảm, 2 NNC đã biết chính xác bố tôi đã chuyển sang nơi ở mới! Cám ơn các NNC đã góp phần rất lớn trong việc hàn gắn những vết thương chiến tranh vẫn còn đang âm ỉ mặc dù đất nước đã thống nhất hơn 30 năm! Dương Minh