GIẾNG NƯỚC, GỐC ĐA
Hồi ức của Tuấn Linh k3
Cụm từ “giếng nước, gốc đa” khiến ta liên tưởng tới phong cảnh một làng quê đất Việt. Nhưng với tôi, đó là hồi ức về giếng nước, gốc đa “hồi Trỗi”.
Gốc đa
Hai từ “Gốc đa” ở An Mỹ, Đại Từ thì đã là lính Trỗi ai mà chẳng nhớ. (Trừ cánh “Trỗi con” khoá 8). Đó chính là cây đa cổ thụ (phải đến hai chục người ôm mới xuể) mọc ở trung tâm xã An Mỹ - một bãi bằng rộng chừng chục nghìn mét vuông, nằm trên ngã ba nối con đường liên huyện từ thị trấn Đại Từ vào với đường rẽ về xóm La Hiên và đường vào cửa rừng (cho cánh khai thác rừng) nơi có thác Bom Bom. Gốc đa là cái mốc xác định khu vực Hiệu bộ, nhà cung tiêu (hợp tác xã mua bán) và không xa doanh trại C11 “tụi con gái”. Đó không chỉ là nơi nhà trường tổ chức chiếu phim, hội diễn văn nghệ mà còn là tâm điểm cứ chủ nhật lính ta “ngóng” xem cha mẹ có lên thăm. (Cho tới giờ nhớ lại mới thấy tội nghiệp mấy đứa bạn - những thằng nhóc tì chưa tròn tuổi 14, thuộc diện gia đình liệt sĩ hoặc cha mẹ đi B - không có ai để mà ngóng, mà trông!).
Tóm lại “Gốc đa” là cột mốc của nhà trường - “Gốc đa An Mỹ lịch sử”.
(Vậy mà năm 2000 khi lên dự lễ trao tặng danh hiệu đơn vị AHLLVT cho xã An Mỹ thì không còn thấy Gốc đa cổ thụ năm xưa đâu nữa. Thời gian và sự tàn phá ác liệt của thiên nhiên đã làm mất đi “cái mốc lịch sử” của chúng ta. Ai cũng ngậm ngùi, nuối tiếc!).
Giếng nước
“Giếng nước” được nhắc ở đây, có lẽ chỉ cánh “cựu binh” như tụi tôi mới biết. Đó là cái giếng nước hồi đóng quân ở Trại Hoè, Hà bắc. Tự hào mà nói thì tụi tôi thuộc đợt học sinh đầu tiên lên trường, khi trường chưa mang tên “Nguyễn Văn Trỗi” mà là “Tiểu đoàn 126 – Trường Văn hoá Quân đội – Bộ Tổng tư lệnh”. (Hồi đó khoá 3 đang học cuối kì lớp 7). Giếng ở Trại Hoè là “giếng đất” nằm ngay chân đồi, thành giếng không bó gạch như các giếng làng khác. Cạnh giếng có trồng một cần vọt. (Đó là cây đòn tre dựa vào định luật Ac-si-mét, có điểm tựa ở gần gốc. Ngọn cần vọt buộc dây nối gàu, còn gốc thì buộc một tảng đá đối trọng. Nhờ vậy có thể kéo nước được dễ dàng. Nhưng cũng chỉ có tác dụng khi dây gàu không được chùng, (nghĩa là phải phù hợp với chiều dài cánh tay người lớn hay với những đứa có “bản lĩnh” và thể lực… hơn tôi). Với tôi – một thằng oắt có thể trạng dưới mức trung bình, lần đầu tiên trong đời sử dụng gàu – quả là quá cỡ!.
Lần đầu tiên ra giếng giặt quần áo là một kỉ niệm “cơ cực”. Tôi mím môi mím lợi “vít” cần vọt xuống. Gàu đụng vào thành giếng phát ra tiếng tong tong. Sao mà khó “vít” thế?! Khi gàu vừa chạm mặt nước, tay này cố giữ dây, tay kia vội giật dây gàu. (Nếu là gàu đáy nhọn thì khỏi phải bàn nhưng đây lại là cái thùng đáy bằng). Do thiếu kinh nghiệm nên phải giật qua giật lại, miệng gàu chao đảo mãi mới chịu “vào nước”. Khi kéo gầu đầy nước lên, lẽ ra phải nhoài cả người vào miệng giếng, thì tôi lại ngửa người đạp chân vào bờ giếng lôi gầu lên, làm miệng gàu “cạp” vào thành giếng, rất mất sức. Giếng sâu hun hút, mỗi lần định nhoài người vào để kéo là thấy sờ sợ. (Từng có một anh bạn, không nhớ ở khoá nào, bị ngã xuống giếng. May mà có người trông thấy!). Kéo được gàu lên tới miệng giếng thì nước đã sóng ra ngoài khá nhiều, lại thêm đất do miệng gàu “cạp” vào thành giếng. Hì hụi đổ nước vào chậu. Phần nước lẫn đất đành phải đổ bỏ – chấp nhận bỏ đi một phần sức lao động. Cứ thế mà múc, mà giặt với cái thứ nước còn lẫn đất và vương vấn chút rêu nơi thành giếng, cho tới khi tự “cho là sạch” mới thôi. Cơ cực! Tôi rơm rớm nước mắt.
Hồi chưa lên trường, gia đình vào loại khá giả nên tôi không phải làm gì. Ăn xong quăng chén đũa khắc có người rửa. Quần áo dơ ắt có người giặt. Mệt mỏi có mẹ chăm, buồn tủi có cha nhủ. Ở nhà có anh có em, tới trường có bạn bè, ra ngõ có đồng bọn, lại hoạt động trên “chiến trường” quen thuộc. Vất vả nhất cũng chỉ là theo lớp đi cuốc đất ở bãi bồi sông Hồng. Đi đâu xa nhà cũng chỉ vài ngày. Nay lên trường, tiếp xúc với môi trường xa lạ - vùng đất miền quê trung du, còn con người thì … chẳng quen ai. Ngơ ngác. Các chú bộ đội (tức các thầy) thì… nghiêm quá. (Sau mới hiều các thầy rất tình cảm). Chuyện gì cũng phải tự lập, chẳng thấy “ai” giúp đỡ. Tụi nó (cánh “quân khu” Nam đồng, Lý Nam Đế) thì có hội có phường vui vẻ, còn tôi (kẻ “lẻ loi” của khu 1A Hoàng văn Thụ) thì một thân một mình. Tôi cảm thấy cô đơn. Sau 1-2 tháng, khi khả năng tự lập đã kha khá, tôi mới thấy “cái sự” múc nước giếng chỉ là chuyện thường ngày.
Khi sang Quế Lâm, nhìn các em khoá 8 (những chú oắt 11 tuổi, cao “mét mốt”, bé hơn cả tôi hồi ở Trại Hoè) tự giặt quần áo mà thấy thương. Tuy có nước máy nhưng cái lạnh cắt da cắt thịt làm đôi tay chúng tím bầm, quần áo thì ướt sũng nước. Chỉ cần nhìn chúng mím môi mím lợi bê xô quần áo trở về nhà là đã đủ thấy gian nan. Không đủ sức vắt khô nước cái vỏ chăn, chúng trèo vào bồn giặt, dùng chân đạp đạp, nhồi nhồi. Những đôi bàn chân tê cóng vì dầm nước lạnh. Thương quá tôi đã giặt giúp một em nhỏ nhất. Sau này nhà trường tổ chức kết nghĩa khoá lớn với khoá bé thì tụi tôi mới giúp tụi “Trỗi con” được nhiều hơn, trong đó có “cái sự” giặt giũ chăn màn.
Tới nay, khi đã làm cha làm mẹ mới thấy thương cái “thằng mình” hồi đó, và đôi lúc ân hận vì xưa kia, mình là học sinh lớn mà không giúp tụi lớp bé. Với đôi bàn tay tím bầm vì cái lạnh Quế Lâm, chắc chúng đã rơm rớm nước mắt và có thể có đứa đã thầm gọi “Mẹ ơi!”.
Nhưng cũng vì đã làm cha là mẹ mà tôi thấm thía rằng, không thể ẵm bế con cái mãi được. Hãy để chúng tự lập, cho chúng có cơ hội trưởng thành.
Thứ Hai, tháng 5 28, 2007
CHUYỆN Ở HÀ BẮC, ĐẠI TỪ...
Gửi bởi TranKienQuoc lúc Thứ Hai, tháng 5 28, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Nhân xem "Giếng nước, gốc đa":
Mùa đông Quế lâm lạnh buốt, tay chân tê cóng, tắm giặt là cực hình. Có hôm tôi đụng một nhóc tì K8, quần xắn móng lợn đứng trong bồn giặt, mím môi mím lợi giặt đồ. Nó gầy gò, nhỏ thó, có lẽ nhỏ nhất trường. Hai cẳng chân nó tím bầm. Động lòng "trắc ẩn", tôi xáp vô giặt dùm. Em tên gì? Em là Long - nó trả lời mà nước mắt vòng quanh. Tôi giặt xong, nó cảm ơn rồi lễ mễ tha xô đồ về (với nó, tôi không thể nói là "bê" được). Thấy tội, tôi chạy theo, xách dùm xô đồ và đi với nó về K8. Về tới lớp, nó giới thiệu với anh em trong lớp "anh tao đấy". Nó thực sự hãnh diện. Thế rồi ông "anh tao" quên hút thằng em cho tới tận bây giờ. Tệ thật.
Cách đây vài tuần, tôi đụng mấy "thằng lỏi K8" (gọi theo quá khứ, chứ bây giờ tụi nó gìa cả, chững chạc hơn mình nhiều) uống bia ở 198 HVT. Nói qua nói lại lại vòng về chuyện "hồi Trỗi". Tôi chợt nhớ và kể cho bàn nhậu nghe "sự kiện giặt đồ". Té ra cậu em yêu quý mà tôi lãng quên mấy chục năm qua chính là chàng Long đầy bản lĩnh (nói tránh từ bậm trợn) đang cùng bàn. Anh em nhận nhau, lòng không bồi hồi xúc động.
Chuyện cũ kể lại.
HCQuang
Sao bây giờ tôi vẫn chả thấy ở Trỗi có thời kì nào cực lắm nhỉ. Sợ nhất là Lê Đại Cương và đồng bọn của chúng "đai" thôi. Mà chuyện ấy cũng chỉ đầu lớp 7. Sau đó thì "thí mạng cùi", sợ gì.
Đăng nhận xét