Thứ Sáu, tháng 3 30, 2007

Mỗi tuần một chuyến đi: 24/3/2007: chùa Dạm

Hôm qua Việt Thắng đã dóng dả xếp lịch thứ Bẩy "bạn xấu" giao lưu, việc nhà làm vào Chủ Nhật. Nói vậy nhưng không nghĩ là đi đâu, vì trời mưa gần hết ngày thứ Sáu.
Sáng nay thấy khả năng khô ráo, đi chơi được. Chợt nghĩ vợ chồng Thế Nam đang ở HN, kết hợp cho chúng đi thăm các khu du lịch quanh Ba Vì và thăm hội Trần Hà, Bình tớn ở Sơn Tây thì chuyến đi đỡ "xấu" hơn. Nhưng gọi điện thì Thế Nam đã đang trên đường đi Lạng Sơn "thiên đường mua sắm hàng Tầu".
Thế là gọi Công Minh, rồi đón Việt Thắng, đi Chùa Dạm ở Quế Võ, Bắc Ninh. Một trong những đặc trưng của bạn xấu là có người gọi là đi ngay được. Sàng lọc qua năm tháng, bây giờ chỉ có Việt Thắng (có xuống điểm chút ít từ ngày vợ về) và Công Minh (theo vợ tố cáo thường nghỉ là ngủ) là còn trụ được trong nhóm.
Chúng tôi chọn chùa Dạm để đi vì hôm nọ xem trên TV người ta nói tới một ngôi chùa cổ đang bị lãng quên. Quế Võ cũng gần, thời tiết và đội hình này chỉ nên đi gần. Đến Phố Mới trên QL 18, hỏi đường đi chùa Dạm. Người ta chỉ quay lại, rẽ theo đường đi Phố Và, có biển chỉ đường đi chùa Hàm Long. Quay xe ngược lại vài km, đến khu công nghiệp, bên phía Bắc là ống khói cao, phía Nam là đường đi Phố Và.
Cứ nghĩ chùa Dạm là chùa Hàm Long, chúng tôi hỏi đường đi chùa Hàm Long. Đến nơi, hơi ngạc nhiên vì chùa không có vẻ gì là hoang phế.
Thậm chí còn có vẻ rất thịnh vì kiến trúc khang trang, có trường trung học Phật giáo, tháp tổ to lớn bằng đá đen, người đến làm lễ tuy không đông nhưng đầy vẻ thành tâm.
Ấn tượng nhất trên con đường vào Chùa là những cây nhãn cổ thụ to chưa từng thấy. Chùa được làm trên những bậc sườn núi rộng, kè đá, dưới tán những cây nhãn. Theo bảng sự tích Chùa thì thấy chùa Hàm Long được kiến trúc ở đất có phong thuỷ tốt. Có lẽ vì thế mà Chùa được hiển linh (không biết dùng từ như thế có đúng không).
Hỏi ra mới biết chùa Dạm còn đi vào trong một đoạn nữa. Chúng tôi lại đi tiếp vào trong, theo lối người ta chỉ. Quả thật từ xa nhìn lên sườn núi sau khu dân cư dưới đất bằng có thể thấy một vài kiến trúc gì đó không phải là rừng, với một con đường xe chạy vẫn còn lở lói. Lách theo con đường đất nhỏ có bảng chỉ "đường lên chùa Dạm", chúng tôi chạy xe theo con đường đất mới làm. Rất may là người ta đã làm rãnh thoát nước bằng đá phía taluy dương nên con đường không bị nước xói mòn.
Tới một bãi rộng chúng tôi dừng xe. Đằng sau là một cái có lẽ là linga (sinh thực khí nam), vật thờ rất phổ biến của người Chăm, ở Thánh địa Mỹ Sơn.
Trong chuyến đi Đà Lạt năm 2005 tôi đã được cậu hướng dẫn bảo tàng giải thích linga có các mặt cắt trên tròn, giữa bát giác, dưới cùng hình vuông.
Mỗi khúc tượng trưng cho một thần của Ấn Độ Giáo. Trên cùng là thần Shiva, dưới là thần Visnu và một thần nữa (quên tên và vị trí). Các thần đó tượng trưng cho sáng tạo, trưởng thành và huỷ diệt. Thế nhưng hầu như ở các nơi khác người ta chỉ nói linga tượng trưng cho Shiva, thần huỷ diệt. Có lẽ đó là cái linga chỉ có một mặt cắt tròn?






Thông thường linga được đặt trên bệ thờ bao gồm cả một yoni (sinh thực khí nữ) hình vuông có một rãnh thoát. Ở hình bên (ảnh Phạm An Dương, http://vi.wikipedia.org, Tín ngưỡng Việt Nam) là một vật thờ bao gồm cả yoni, linga tròn. Cái vật thờ như vậy (sát tường) ở tấm ảnh trước tôi chụp tại Bảo tàng Đà Lạt là tương tự, nhưng không giúp nhìn được mặt cắt của yoni nên khó hình dung. Còn cái linga lớn ở tấm ảnh đó là có 3 mặt cắt.
Quay lại với cột đá ở chùa Dạm, nếu đúng là linga thì không hiểu sao lại có nó ở đây. Vùng đất Bắc Ninh có lẽ chưa hề có gì quan hệ tới Ấn Độ Giáo, tới Shiva, Visnu, ... dù rằng dân Việt nhiều nơi vẫn có tục tín ngưỡng phồn thực, có lễ hội "nõ nường" (tiếng Việt cổ chỉ sinh thực khí nam-nữ), ...
Và nếu đúng đây là linga thì phải là một linga vô cùng đặc sắc vì phần mặt cắt tám cạnh của nó mỗi cạnh có một cái hốc, phần dưới đó chạm trổ hình rồng, dưới cùng là mặt cắt hình vuông. Có lẽ chỉ giao thoa của tín ngưỡng Ấn Giáo với vị trí quân vương mới sinh ra được cái "nõ" xăm trổ đến như vậy :-)) Dưới linga này không có yoni. Còn phần Shiva của linga này đã bị hư hỏng cùng với một số chỗ tám cạnh và hình rồng. Theo người trông nom chùa thì từ ngày xưa vùng này bị đạn đại bác của Pháp cũng nhiều.
Gặp mấy bà cháu trông nom ở đây thì được biết chùa tuy có công nhận di tích lịch sử nhưng không có trụ trì, không có gì cả. Làng cắt cử mỗi ngày một cụ lên trông nom, hôm nay đúng phiên "Cụ". Cụ này chắc cũng chỉ tuổi mình nên vẫn được tôi gọi là chị.
Có lẽ ít khi có khách thăm nên cụ chị rất vui khi có dịp giới thiệu. Đây là chùa hoá của cô Tấm trong chuyện Tấm Cám, chuyện đó xảy ra ngay trong làng dưới chân núi.
Cạnh chùa có giếng ngày xưa Tấm thả bống còn ở làng vẫn còn cây thị mà quả thị "rụng bị bà". Dân vùng này không được nói tấm cám mà phải gọi trệch đi là đớn (tấm) và bổi (cám), cho đến tận bây giờ.
Chùa này đã từng là ngôi chùa có 99 gian, do Nguyên Phi Ỷ Lan cho xây dựng để thờ Tấm. Vì thế trong đền phía sau (mẫu phổ biến của chùa Việt là tiền chùa thờ phật, hậu đền thờ thánh) chính điện thờ Tấm còn bên cạnh mới thờ Ỷ Lan.
Không biết thực chùa ngày xưa bao lớn. Nhưng chỉ cần nhìn sườn núi 4 bậc, dưới rộng trên hẹp lại dần cũng thấy trước đây kiến trúc chắc là cũng bề thế lắm. Làng đã xây một đường đi bộ lên chùa, khá lớn và chắc chắn. Bậc thứ nhất không còn công trình kiến trúc nào.
Bậc thứ hai, ngoài một con rùa cõng bia đá và cái linga đặc sắc, hiện lúc đó chỉ còn cái ô tô tôi để đấy. Bậc thứ ba có chùa và bậc thứ tư có đền.
Một câu chuyện cổ tưởng như chỉ để ngợi ca điều thiện bằng cái hậu của nó, tự nhiên lại hiện ra thành thật. Một cô Tấm lấy vua trong truyện cổ lại được một Ỷ Lan Công chúa xây đền thờ lớn nhường ấy, với một cái vật thờ "nõ quân vương" đáng khâm phục cả về kích thước và xăm trổ sờ sờ ra đấy.
Cũng phải nói chuyến đi này thật là may mắn. Chuyến đi nào cũng có thú vị là nói các loại chuyện với nhau, nhìn ngó được những cảnh vật bên đường, ăn một món bình thường nào đấy (hôm nay là chim sẻ và chim cu nướng với xôi và miến). May mắn của ngày hôm nay là được biết về một hiện thực dân gian của câu chuyện cổ, cứ y như người ta bước ra từ máy TV vậy.

9 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hữu Thành đánh giá về Chùa Dạm đúng đấy. Cái cột đá Chùa Dạm không phải là "Tháp bút" mà là "linga". Nó là sự giao thoa với văn hóa Ấn. Còn lời giải thích cái cột đá có 3 tầng tượng trung cho 3 thần là không đúng đâu. Vì: 1/ Cấu trúc tháp phải tỏ ra là vững chắc, nên phía trên sẽ phải nhỏ hơn phía dưới. 2/ Thiết diện bát giác và vuông của tháp mô
tả "bốn phương, tám hướng", tức sự quảng đại (ông nghĩ là phổ cập cũng được). Ông hãy nghĩ xem, 3 trong 1, có 3 ông (1/3+1/3+1/3 = linga) trong 1 thực thể (và tóm lại là trong 1 bà) là không ổn rồi. Ấn độ cổ đại hoàn toàn ngược lại, mà lẽ ra phải là 1 trong 3. Mặt khác, người Ấn cho rằng, cuộc sống cũng như vũ trụ, vạn vật, đều trải qua 3 giai đoạn là Sinh-Trưởng-Diệt. Tương ứng, về mặt cơ cấu có 3 cơ quan quản lý với 3 lãnh đạo là Brahma (đấng sáng tạo), Vichnou (đấng bảo tồn), Shiva (đấng hủy diệt). Linga, yoni tượng trưng cho sức sáng tạo chứ không tượng trưng cho hủy diệt.
Tôi chưa tới Chùa Dạm nhưng có thể ở đó không có yoni đâu, đừng tìm cho mệt.
Mua vui cũng được một vài trống canh.
HCQuang

Hữu Thành Ng nói...

Lại phải nói thêm cho rõ với anh Chí Quang.
Cái linga bình thường chỉ có hình trụ thôi, mà nói vẫn được gọi là linga.
Cái có ba mặt cắt: tròn, tám và bốn cạnh cũng được người ta gọi là cái linga. Nhưng cái linga phức tạp có lẽ không phải là linga đặt lên bệ thờ cùng yoni? Nên không lo 3/1 hay 1/3.
Nói ra chuyện 3 thần tượng trưng trong một linga là một cậu hướng dẫn bảo tàng Đà Lạt. Tôi sẽ tra cứu thêm về chuyện này.

Hữu Thành Ng nói...

Ở trang http://lotus-sculpture.stores.yahoo.net/17g3.html có thể thấy người ta giới thiệu một vật phẩm văn hoá là "Linga Shiva với ba phần riêng biệt, Shiva, Vishnu và Brahma 18-inch". Giá $545. Chắc là cái này để bán cho khách du lịch.
Phần mô tả có đoạn thế này "Linga bao gồm hai tầng riêng biệt. Tầng trên được đánh bóng tượng trưng cho Shiva. Phần giữa là khối tám cạnh, không đánh bóng và tượng trưng cho Vishnu... Mỗi phần chiếm 1/2 chiều cao, là 6-inch... Ở phần gần cao nhất của Linga có một mũi tên hướng lên dấu hiệu ba vạch ngang. Dấu ba vạch ngang là kí hiệu của Shiva".
Như thế là có ngài Shiva ở trên cùng, ở giữa là ngài Vishnu. Dưới cùng người ta không nói, nhưng toàn bộ ám chỉ là Brahma.
Chỉ có điều tại sao họ lại nói ở trên là 3 phần, ở mô tả lại là 2 phần?
Có thể vật phẩm văn hoá thương mại nên họ nói không chính xác lắm. Nhưng mẫu khối tròn, tám mặt và bốn mặt thì rõ là đồ cổ rồi.

Hữu Thành Ng nói...

Trong trang
http://www.santosha.com/index.asp?PageAction=Custom&ID=42
có viết như sau:
Theo Stella Kramrisch thì Shiva linga có 3 mức ý nghĩa là:
1. Là biểu tượng của Shiva:
2. Linga như là sinh thực khí nam:
3. Linga như là thực chất của vũ trụ: trong chuyện kể về sự ganh đua của Brahma và Vishnu.
... tin tưởng rằng linga hàm chứa trong nó cả ba thần làm nên bộ ba đấng tối cao Ấn Độ giáo tên là Brahma, Vishnu và Shiva. Brahma chịu ở phần dưới thấp ngập trong đất. Vishnu ở phần giữa nằm trong và bị che bởi bệ (đặt linga). Và phần trên cùng nhìn thấy được là Shiva.

Như vậy có một kiểu linga tượng trưng cho ba Thần. Cái linga này không đi cùng với yoni mà đi cùng một cái bệ (pedestal). Bệ không đỡ linga mà chỉ bao bọc và che phủ phần Brahma và Vishnu; và làm cho phần Shiva nhìn thấy được ở trên long trọng hơn. Tất nhiên không chỉ để long trọng mà người ta lại làm cái bệ thủng như vậy. Cái triết lí của nó ảo diệu thế nào mình hời hợt không biết được.

Hữu Thành Ng nói...

A, xin lỗi, xem lại thì cái bệ có hai phần. Phần dưới chỉ là hình cái bệ, phần trên hình cái yoni.

Nặc danh nói...

Về cái linga của H.Thành: đ/c xơ cứng quá, sách là để tham khảo (nhất là thông tin trên mạng), nên phải xem vài ba cuốn để có sự phản biện, sau đó là xem xét tác giả có đúng không. Giáo sư Kính cấc có nói "cái gì cũng có tính logic của nó, kể cả truyền thuyết, cổ tích. Mình thấy người viết là tiền nhân đâm ra tin, tin vì sợ cái uy, cái dũng của ông ta". Tôi không biết nhiều về Ấn độ, tuy nhiên tôi biết rõ 3 ông mà chung 1 linga là "hỏng to" rồi. Mỗi ông có vài cái nghe có lí hơn. Riêng Shiva, về "nhân chủng học", ông có cả linga và yoni, nhưng cần khẳng định ông là Nam (men). Shiva có vợ là Kali (tức Parvati, tức Uma, tức Durga). Bà là thần chết kiêm phụ trách Sinh đẻ. Vì thế, có thể thấy hoặc không thấy (về mặt quang học) cái linga chồng lên yoni, nhưng đừng quan tâm, vì về mặt triết học, nó vẫn có và vẫn chồng lên nhau. Có thể nhiều người nhầm vì cho rằng Brahma, Vichnou, Shiva là sự "tam quyền phân lập" nhưng hoạt động theo cơ chế "tam vị nhất thể", do đó nghĩ rằng 3 ông xài chung 1 cái liga. Nói về thần của Ấn độ thì phải xin nghỉ phép: được xem là đấng tối cao có 5 ngài là Brahma (Sinh, Lập pháp), Vichnou (Trưởng, nhân ái), Krishna (Hành pháp), Shiva (diệt, hành pháp, tư pháp, thiện trong cái ác), Kali (luân hồi, tư pháp). Dưới là 30 vạn hoặc 3 triệu hoặc 30 triệu thần, trong đó có voi Ganesha, rắn Naga, Bò cái, Tôn hành giả. Vị thần nào cũng là một thuộc tính, một biểu tượng hay một hậu thân của một vị thần khác. Chính người Ấn chuyên nghiệp cũng không biết hết. HCQuang

Hữu Thành Ng nói...

Chết. Mình chỉ cố gắng tìm kết quả nghiên cứu Ấn giáo mà không hi vọng biết rõ về nó. Còn chuyện chọn lọc, phê phán họ thì quả thật không dám.

Nặc danh nói...

Xem ý kiến ngày 28.03.07 mới biết Hữu Thành, nom trí dũng như võ sỹ Chùa Thiếu lâm, nhưng lại nhát, tôi mới hù ông 1 chút mà ông đã "thụt lui". Ông ơi, tôi chắc gì đã hơn ông về mặt lịch sử Ấn độ. Tôi cũng chỉ trệu trạo đọc vài cuốn sách thôi, và chỉ là sách của những người không thuộc giống nòi Ấn độ viết. Hiểu Ấn độ rất khó. Theo quan niệm của ô.Ănggen thì không hề có Dân Tộc Ấn độ (Naxiônalơ), mà chỉ có hàng trăm Bộ tộc Ấn độ. Tức theo ổng, sẽ không có văn hóa Ấn độ mà có văn hóa của vài trăm Bộ tộc, nhưng có chung 1 tâm hoặc 1 trục. Ấn độ là 1 xứ sở mà người ta cho rằng, chúng bao gồm Ấn độ và Bănglađét và Pakíttăng và những xứ sở ngoại vi có ảnh hưởng sâu sắc. Nghĩa là hiểu được Ấn độ rất khó, ai cũng có thể đúng và ai cũng có thể không đúng.
Như ông biết, xã hội Ấn độ có 4 đẳng cấp (không phải 4 giai cấp), và 1 nhóm người ngang hàng với thú vật là Paria. Chỉ đẳng cấp Brahmin mới có quyền hiểu biết và duy trì tín ngưỡng, tri thức Ấn độ, tức kiểm soát tuyệt đối về mặt ý thức hệ. Các đẳng cấp khác nếu thể hiện ra là có hiểu biết về giáo lý, tri thức sẽ bị coi là tạo phản, bị xã hội ruồng bỏ (kể cả Kshatriya). Vì vừa đá bóng vừa thổi còi nên các Brahmin tha hồi viết lách, giảng giải trên nguyên tắc có lợi cho họ và cho mỗi họ. Thế là, theo thời gian, sách của Ấn độ ngày càng rắc rối, khó hiểu và mâu thuẫn nhau. Ấy là chưa kể do người dịch dịch theo hiểu biết và mục đích của mỗi họ (mà tôi với ông thì chỉ đọc sách đã qua chế biến của người dịch). Nếu có ai và dù người đó là ai phản bác ý kiến của ông thì (nếu ông muốn) ông cứ việc cãi lại cho ... sướng, cãi mạnh mẽ như nhà bác CôngMinh. Chắc gì chú đúng hơn Bọ.
Cái nữa là Ấn độ có 6 hệ thống triết học Brahmin (chưa kể triết học nhà Phật, Itxlam, ...), gồm triết hệ Nyaya, triết hệ Vaisheshika, triết hệ Sankhya, triết hệ Purva mimansa, triết hệ Vedanta (kinh vêđan nghe quen quen), triết hệ Yoga (nghe quen quen). Nghiên cứu 1 hệ thống triết học (ví dụ như triết học MacĂngLêXítMao) đã muốn nổ tung đầu lên rồi, huống hồ 6 cái. Thú thực tôi chưa đọc cái nào (hình như chưa ai dịch ra tiếng Việt một cách trọn vẹn). Riêng cái Yoga thì tôi còn lớt phớt chút đỉnh.
Khi nào rảnh và nếu ông thích thì tôi và ông lại cãi nhau tiếp.
HCQuang

Hữu Thành Ng nói...

Nhà báo khác với các nhà nghiên cứu ở chỗ chỉ nghiên cứu cái biểu hiện ra bên ngoài chứ không quan tâm tới bản chất được. Nếu có phát biểu về bản chất thì hoặc là do người khác "gà" cho, hoặc là hắn đã là người nghiên cứu thực thụ.
Thôi, khi nào cần cãi nhau với thằng nào về Ấn Giáo thì tôi nhờ anh gà là được chứ gì?