Chủ Nhật, tháng 4 01, 2007

Mỗi tuần một chuyến đi: 31/3-1/4 Mộc Châu

Chuyến đi Mộc Châu lần trước (11/2006) chúng tôi được một cháu người Dao nhân viên khách sạn Công Đoàn nói khoảng tháng 3, tháng 4 hoa mận nở trắng. Hi vọng có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp này Việt Thắng và tôi quyết định tuần này lên đó. Tương Lai và lão Hợp (cùng cơ quan tôi) cùng đi. Thực ra chuyến đi này có Tương Lai là mới chứ mấy thành viên kia đã cùng tôi trong chuyến trước rồi.
Sau khoảng 4 tiếng rưỡi đi xe chúng tôi đã lên đến gần thị trấn cao nguyên Mộc Châu. Điều bất ngờ là những vườn mận, mà ban đầu chúng tôi tưởng là đào, xanh um lá. Và bên đường người ta đang bán ... mận.
Hoá ra, ở khách sạn người ta nói cho biết, mận ra hoa vào đúng dịp Tết. Tôi cũng thấy như vậy mới có lí, vì hồi đi Sa Pa cách đây 6, 7 năm vào quãng tháng Tư, Năm gì đó thì mận Bắc Hà đang mùa bán rộ. Cây mai (mơ) giống giống mận cũng nở hoa dịp Tết, ngay trong nhà vườn tôi có hai cây. Cả bọn cười vì chuyện ngớ ngẩn này. Nhưng dù sao chuyến đi cũng còn những mối quan tâm phát sinh khác.
Thời tiết Mộc Châu không mát như hồi tháng 11, nhưng không khí vẫn mát mẻ, trong lành hơn Hà Nội. Buổi chiều chúng tôi đi xem thác nước nhưng mùa này đang khô nên không có gì để mà chụp ảnh. Lần mò vào Khu Du lịch Sinh thái Mộc Châu thì thấy vẫn còn là một công trường đắp đập, kè hồ quanh mấy quả đồi trồng thông. Khu du lịch này chắc phải một năm nữa mới có thể đón khách. Nhưng không hiểu ở đây người ta làm khu du lịch này cho ai thăm, nếu có thu tiền?
Điều thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là phát hiện ra những cây hồng leo, trồng vắt qua hàng rào của nhiều nhà ở Mộc Châu. Những ngôi nhà đơn sơ, khiêm tốn bên đường thỉnh thoảng lại có một nhà với những bông hồng thắm trên cành rủ ngoài rào rất lạ. Cũng có hồng nhạt, hoặc tầm xuân, chúng không gây ấn tượng bằng, nhưng tạo nên một nhận xét rằng hoa gì ở đây cũng thích hợp
Nhìn kĩ , không thể nghĩ cây hồng leo mà hoa to và thắm như hồng cắm ở Hà Nội. Có lẽ khí hậu và chất đất ở đây rất thích hợp cho cây hoa hồng nên nó mới có thể phát triển như vậy. Tôi xin một cành về Hà Nội giâm, hi vọng nó mọc thành cây. Nếu mọc thì rồi sẽ xem nó sẽ cho hoa thế nào.
Cuộc đi chơi Mộc Châu nhanh chóng kết thúc, vì cũng không có gì nhiều để xem. Trước bữa ăn tối chúng tôi tranh thủ đi vào một xóm giống như một đội sản xuất bò sữa ở gần chân núi. Một bãi cỏ cho bò ở vùng đất thoải. Sát phần núi dốc hơn là vườn mận xanh um, cao hơn nữa là núi trọc và cây hoang. Ngày Tết có lẽ cả dải cây chân núi là cả một mầu trắng hoa mận, chắc là đẹp lắm.
Người ta vẫn nói ngày Tết Sa Pa thật là đẹp với hoa đào. Bắc Hà thì đầy hoa mận. Một chuyến đi ngày Tết tới những nơi đó, bây giờ thêm Mộc Châu, vẫn là dự kiến nhiều năm qua. Có khi nào thực hiện được?

7 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hồi xửa hồi xưa, vào năm 1981, tôi có đợt làm công trình thông tin cho sân bay Nà sản (Sơn la), "dây dưa" "ân oán" với xứ Tây bắc gần năm trời. Lúc rảnh (mà lúc rảnh rất nhiều), tôi hay lang thang, và vì vậy, đất Mộc châu cũng không đến nỗi quá lạ với tôi. Qua "báo cáo" của Hữu Thành, thấy đất Mộc châu "của tụi mình" thay đổi quá nhiều. Hồi đó đi xe đò (hoặc xe vận tải Zin 130) từ Kinh đô lên Mộc châu phải xế chiều mới tới. Còn từ Mộc châu đi vùng trung tâm của xứ Tây bắc tự trị như Sơn la, Lai châu thì phải ròng rã trong ngày hôm sau. Đường lên tây bắc xa xôi..., qua qua đèo 46, dốc Phạ đin (chị gánh em thồ)... quanh co khúc khủynh, thậm chí có lúc thụt lùi; đôi lúc đôi nơi phải thổi cơm giăng võng chờ dọn sụt lở. Nghe đã vất vả huống hồ đi. Đ/c Chín Lợi (Bộ TTM) nói, bây giờ từ kinh kỳ lên Phủ Điện biên chỉ trong ngày (tất nhiên y đi xe 4 chấm). Nghe mà thèm. Hồi đó, có lần tôi vào thị xã Sơn la, thấy có xe khứ hồi Mường la, bèn nhảy lên đi. Không quen ai, cũng chửa có chuyện gì, chẳng qua muốn biết quê của "em bé Mường la" (tức Lò Văn Muôn); lần khác nhảy xe đi tuyến "Sông Mã" chỉ muốn ngửi mùi "Sông Mã gầm lên khúc độc hành" trong "Tây tiến" nó ra răng. Thấy đâu chưa thấy, chỉ thấy đường xá gập ghềnh, lổn nhổn, có lúc phải hè nhau đẩy tảng đá lười biếng sưởi nắng giữa đường. Gặp 2 xe ngược chiều nhau thì thằng tiến thằng lùi tìm chỗ rộng, dùng đủ thủ thuật để "trườn" qua nhau. Đi từ sớm tới trưa mới tới, tốc độ bình quân không hơn cánh ta chạy vũ trang hồi ở Quân chính. Nếu so sánh sự cách biệt về đường xá giữa Đồng bằng với Sơn la là 5 lần (tạm cho như vậy), thì cách biệt giữa Sơn la với huyện Sông Mã, Mường la là 5 lần; giữa 2 huyện lỵ nói trên với cấp Xã là 5 lần; giữa cấp xã với bản làng là 5 lần. Nói chung đi vào vào làng bản chỉ có 2 phương tiện mà loài người đã sử dụng cách đây hàng vạn năm, là mã lực (1 HP) hoặc cước lực (1 nhân lực). Mới biết tại sao xưa kia người ta thích luyện khinh công.
Cám ơn Hữu Thành đã giúp tôi nhớ về "hồi đó" (con tôi có nói, hơi một tí là ba nói "hồi bộ đội, hồi Trỗi, bộ hết hồi khác rồi sao").
HCQuang

Hữu Thành Ng nói...

Nói thêm cho anh Chí Quang biết là đường 6 của năm 1981 có thể đã không còn là đường 6 của anh Cù Chính Lan đánh xe tăng. Vì hồi đó người ta đã khởi công thuỷ điện Hoà Bình, có những đoạn bị ngập trong nước nên phải mở đường mới.
Còn cái đường 6 bọn tôi đi mấy chuyến vừa rồi cũng không còn là đường 6 của trước năm 2004 nữa. Họ sửa sang nâng cấp đường 6, nắn thẳng một số chỗ nguy hiểm. Thậm chí gần Mộc Châu là tuyến mới. Vì thế bản đồ quân sự 1:50.000 cũ là đường 6 Cù Chính Lan, bản đồ hành chính, giao thông sau 2000 là đường 6 mới cũ, chỉ có bản ghi máy định vị vệ tinh mới là đường 6 hiện tại. Nếu anh muốn tôi sẽ có thuyết trình riêng về đề tài này.

Nặc danh nói...

Tôi ở Tây bắc gần năm trời (tuy đi đi về về) nên có nhiều tình cảm với nơi này (trừ tình yêu đôi lứa - hồi đó chưa hư, chứ như bây giờ thì khỏi bàn). Thậm chí tôi đã cứu 2 người dân tộc qua cơn thập tử nhất sinh. Có một buổi tối, tôi đã chạy một hơi 22Km từ TX Sơn la về Nà sản theo kiểu khinh công. Tóm lại là có nhiều chuyện.
Hữu Thành cho 1 bản thuyết trình nhé.
HCQuang

Hữu Thành Ng nói...

Thực ra thuyết trình về bản đồ thì không có gì nhiều. Chỉ cần trưng chúng nó ra thôi. Tôi sẽ làm sau, nhưng thấy trước là nó không hấp dẫn bằng chuyện của anh đâu.
Có phải chuyện trị bệnh cứu người mà anh đã đăng trong SRTKL?
Chuyện của Thành mèo, tôi nói và HQ đồng ý cho lên đây mà chưa thấy.

Nặc danh nói...

Đúng đấy, tôi đã gửi cho anh và KQuốc bản thảo, sẽ có trong SRTKL tập 3 (nếu có tập 3 và nếu bài đạt yêu cầu). Chuyện mới nghe thì như bịa nhưng lại thật 100%, không chút hư cấu. Chuyện thuộc chủng loại "ngáp phải ruồi" nên cũng vui vui. Tôi không có chiến tích gì, chẳng được cái huân chương nào, toàn "đi men" chiến trường chứ đã vào chiến trường nào đâu. Chỉ được mấy cái huân chương "niên hạn". Vậy thì lấy nó làm chiến tích vậy. Chẳng ai khen thì mình tự khen, và biết đâu được thêm phiếu bình chọn của ông bạn già Hữu Thành, Quang xèng. Ông có khi còn khó tính, chứ Quang xèng ok ngay, nó thương tôi lắm.
HCQuang

Nặc danh nói...

Nghe các ong tan chuyên mà phát ham,lòng tự nhủ lòng phải một lần đi Mộc châu.Tây bắc đối với tôi sao quá xa xôi và lạ lẫm.
Quý nhẽo

Nặc danh nói...

Chào ông bạn già Quý nhẽo. Rất vui là tôi và HThành đã lừa được ông. Nhà văn nửa mùa, cả mùa, 1/10 mùa đều như nhau về mức độ hư cấu. Tây bắc hoa ban nở trắng rừng. Cô em khăn phiêu thêu chỉ màu vờn bay trong gió dưới ánh hoàng hôn đang trầm xuống. Nước suối reo hay nỗi lòng ta đó. Bâng khuâng. Tây bắc đẹp hơn cả rừng lá vàng trong "Lẵng quả thông" của Pautopxky. Mặt trái của chiếc Mề đay: Mùa hoa ban cũng là mùa bọ chét. Toán công tác của tôi bị chúng chích nát nhừ, sưng mọng, suốt từ bàn chân lên tới gần bụng không còn một chỗ nào trống. Nghiến răng mà ngủ. Có bữa ngủ nhờ nhà sàn của đồng bào, mùi phân trâu, phân lợn kích thích mạnh mẽ khứu giác. Nhưng ông vốn là kẻ lãn mạn (tất nhiên lãn mạn CM) thì Tây bắc chắc chắn thơ mộng. nếu ông có dịp du ngoạn xứ Thái Mèo tự trị thì chắc chắn ông sẽ gặt hái được nhiều điều thú vị. Và khi về, ông sẽ có dịp lừa Quang xèng.
HCQuang