Thứ Hai, tháng 3 05, 2007

Bài do Nguyễn Việt Hồng (há) gửi

Thư của Phú Hoà:
Đọc bài của con gái Hồng " há " mà ông đăng ở blog mà tôi thấy khoái quá. Dậy dỗ con có được cảm tình và biết tôn trọng về trường Trỗi của chúng mình là quí lắm. Chẳng bao lâu nữa thì bọn mình sẽ ra " ra đi ". Đó là qui luật của tạo hóa, không ai có thể trốn được nhưng nếu nhờ con cháu chúng mình mà tên trường Trỗi không bị lãng quên thì tuyệt vời quá, phải không Hữu Thành. Tuy ở xa quê hương nhưng tôi cũng cố gắng kể cho hai đứa con của mình nghe về thời trẻ của bố, về cái thời thiếu sinh quân trường Trỗi để khi học ở bên Anh hồi tháng 9.2006 - 1.2007 thì con gái lớn của tôi đã cho bạn bè của nó ở bên ấy xem ảnh bọn mình hồi tôi về nước vừa rồi để khoe là dù mấy chục năm rồi mà khóa học của bố nó vẫn giữ liên lạc được với nhau.

Giới thiệu bài viết
Hồng há (viethongcauca@yahoo.com.vn) có hỏi tôi một chi tiết nhỏ, nói để viết trong một bài. Mấy hôm không thấy, tôi gọi điện hỏi thì được biết đang đi làm ... bìa. Chết, thời buổi xuất bản điện tử thế này mà còn loay hoay in với đóng bìa. Liệu ai đọc được bài của bạn cơ chứ. Thôi gửi đây, tôi cho lên mạng. Thế là Hồng há gửi tôi bài dưới đây. Không ngờ là nó lại dài thế, cả về thời gian lẫn không gian. Xin vui mừng giới thiệu với các bạn bài viết này. Hữu Thành.



TÌNH HỮU NGHỊ VIỆT-TRUNG,ẤM NỒNG CÙNG NĂM THÁNG

Tuỳ bút của NGUYỄN THỊ HỒNG TRANG


Còn nhớ,vào những năm 60 của thế kỷ trước,có một nhạc sỹ thiên tài người Việt nam -Nhạc sỹ Đỗ Nhuận -Đã sáng tác một nhạc phẩm rất thành công.

Đó là bài hát có nhan đề "Việt nam-Trung hoa". Thời đó ai cũng biết cũng thuộc, lại được dịch cả sang tiếng Trung quốc. Nhân dân hai nước đã nắm tay nhau say sưa hát rằng:

.....Việt nam-Trung hoa, núi liền núi, sông liền sông

Chung một biển Đông mối tình hữu nghị sáng như rạng đông.

Bên sông tắm cùng một dòng,

Tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây

Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng....

Dư luận đánh giá bài hát ấy giống như tấm bia bằng âm nhạc ghi nhận mối tình nồng thắm giữa hai dân tộc Việt-Trung sống mãi với thời gian, nó còn được ví như một dòng nước mát lành tưới cho cây đại thụ hữu nghị Trung-Việt ngày càng tốt tươi hoa lá.

Và cũng như nhiều gia đình Việt nam khác - Gia đình tôi -Cả ba thế hệ đều đã được hưởng mối ân tình sâu nặng của nhân dân Trung quốc trao tặng .

Trải qua những năm dài chiến tranh gian khổ chống đế quốc xâm lược để giành độc lập tự do của dân tộc Việt nam, lịch sử đã ghi nhận nhân dân Trung quốc luôn luôn kề vai sát cánh, giúp đỡ tận tình mọi mặt, chi viện tối đa sức người sức của để giúp Việt nam đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.

Đã bao lần, tôi chăm chú lắng nghe ông nội tôi kể chuyện chiến đấu, như là kể chuyện cổ tích thời nay vậy.Ở cái tuổi 83, mái đầu bạc trắng như cước, nước da ngăm đen sạm màu sương gió, trông ông tôi vẫn còn gân guốc lắm. Hướng đôi mắt sáng nhìn về cõi xa xăm như hồi tưởng lại một thời oanh liệt -Ông tôi -Nguyên trung tá quân đội - Sỹ quan quân báo của đại đoàn 312 anh hùng - Kể rằng :

- "Tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tháng 3-1954, tôi đảm nhiệm chức vụ trưởng ban quân báo của đại đoàn 312 - Biệt hiệu "Đại đoàn đồng bằng" - Quả đấm thép của bộ đội chủ lực quân đội nhân dân Việt nam. Đảm nhiệm một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là đánh trận mở màn cho chiến dịch, hướng vào mục tiêu cụm cứ điểm Him lam. Nhờ công tác trinh sát tình hình bố trí binh hoả lực của địch cụ thể tỉ mỉ nên tôi đã góp phần giúp cho ban chỉ huy đại đoàn hạ quyết tâm chiến đấu chính xác <Ghi trong cuốn sách ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐIỂM HẸN LỊCH SỬ của đại tướng Võ Nguyên Giáp -Trang 213>. Phát huy yếu tố bí mật bất ngờ cộng với tinh thần dũng cảm của bộ đội, nên trận mở màn đã thành công ngoài sự mong đợi. Chỉ trong hơn 6 tiếng đồng hồ tập kích, bộ đội ta đã tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Him lam, mở màn cho hàng loạt trận chiến đấu thắng lợi sau đó.

Trong những ngày tháng chiến dịch vô cùng ác liệt gian khổ ấy, có biết bao các đồng chí cán bộ chiến sỹ quân đội Việt nam đã hy sinh anh dũng trên chiến trường. Máu xương của họ đã đổ để cho nước nhà được độc lập tự do. Còn tôi, sau những ngày tham gia chiến dịch, tôi bị đau dạ dày nặng, người gầy gò ốm yếu lắm. Đến ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng thì cuối tháng đó tôi được lệnh bàn giao công việc, đi cùng một số đồng chí yếu sức khoẻ khác sang an dưỡng chữa bệnh bên nước bạn Trung quốc.

Nơi tôi đến điều trị là bệnh viện quân giải phóng đóng tại thành phố Nam ninh, Quảng tây. Những ngày nằm viện điều trị, tôi được sống chan hoà trong bầu không khí yêu thương đùm bọc của nhân viên y tế, như những người thân đi chiến đấu nơi xa trở về hậu phương .

Với chế độ dinh dưỡng đặc biệt, nghe nói gấp 50 lần tiêu chuẩn ăn của một người dân bình thường, nhưng khổ nỗi bị đau dạ dày nên có ăn được bao nhiêu đâu. Có hôm nhà bếp bưng lên cho tôi xuất ăn là nguyên một con gà tần thuốc bắc có gia vị đầy đủ, chỉ ăn được một tý đành đổ bỏ đi thật là phí quá .Qua một thời gian tìm hiểu tôi biết đất nước Trung quốc còn nhiều khó khăn ,mới giải phóng được 5 năm, đời sống nhân dân còn cơ cực lắm, thế mà bạn đã giành những sự săn sóc chân tình nhất cho cán bộ chúng tôi, nghĩ lại thấy cảm động, áy náy quá.

Trong bệnh viện, vào các buổi tối, các cô y tá, hộ lý trẻ là người Trung quốc còn dạy chúng tôi tập khiêu vũ, tập hát rất là vui vẻ. Tôi còn tham gia các lớp học xoá mù chữ được mở ngay trong viện. Quy định chung về xoá mù chữ cho bộ đội Trung quốc là 6 tháng, còn tôi tuy là bộ đội Việt nam nhưng chỉ sau 3 tháng cần cù chịu khó, tôi đã đọc, nói, viết khá chuẩn tiếng Trung quốc, giao tiếp ngôn ngữ một cách bình thường với nhân viên y tế và dân quanh vùng.

Sau 4 tháng điều trị,bệnh dạ dày đã khỏi hẳn, sức khoẻ tôi hồi phục nhanh chóng. Xem mấy bức ảnh chụp kỷ niệm khi tôi mặc bộ quần áo "Đại cán", đội mũ lưỡi trai có ngôi sao đỏ, ai cũng tưởng tôi là sỹ quan quân giải phóng nhân dân Trung quốc, rất điển trai.

Tôi được phép ra viện để trở về Việt nam công tác.

Không bao giờ quên được ngày chia tay với các y bác sỹ và nhân viên y tế trong bệnh viện quân đội Nam ninh, sao nó bịn rịn lưu luyến thế. Những ánh mắt chan chứa yêu thương, những cái nắm tay thật chặt ấm nóng tình đồng chí. Tôi còn nhớ, vào dịp đón xuân năm 1955, 1956 - Qua bưu điện -Tôi vẫn nhận được thư thăm hỏi và thiếp chúc Tết của các đồng chí trong bệnh viện gửi cho tôi. Đến bây giờ tôi vẫn còn áy náy và cảm động vì ngày đó chưa thể gửi thư đáp từ cho các bạn được do điều kiện bưu điện Việt nam còn rất đơn sơ "

......Vậy đến giờ này, liệu các y bác sỹ và nhân viên y tế của bệnh viện quân giải phóng nhân dân thành phố Nam ninh ngày ấy có ai còn sống, còn khoẻ để nhận lấy lời thăm hỏi, cảm ơn chân thành của ông tôi?.

* * * * *


Ở Việt nam ai cũng biết câu ca dao mới :

Lớp cha trước lớp con sau

Đã thành đồng chí, chung câu quân hành .

Tiếp nối con đường cách mạng của ông tôi, bố tôi tuy là con trai độc nhất trong gia đình, mới 17 tuổi đã xung phong nhập ngũ, trở thành một người lính, mong ước được cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.

Bố tôi lại kể tiếp câu chuyện của ông tôi :

- "Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký hiệp định Giơ ne vơ với chính phủ kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh để lập lại hoà bình ở Việt nam. Thế nhưng đế quốc Mỹ với nhũng âm mưu đen tối, đã nhẩy vào thay chân thực dân Pháp để chia cắt lâu dài đất nước Việt nam. Chúng kìm kẹp áp bức đồng bào miền Nam, gây chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tình thế bắt buộc nhân dân Việt nam ở cả hai miền Nam-Bắc phải cùng đứng lên quyết tâm đánh Mỹ.

Chủ trương của Đảng và Tổng quân uỷ lúc đó là : Để tạo điều kiện cho các bậc bố mẹ là cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng, quân đội yên tâm chỉ đạo chỉ huy chiến đấu thì con cái họ phải được bảo vệ an toàn. Vậy là trên giao cho Tổng cục chính trị quân đội đứng ra thành lập trường thiếu sinh quân, mang tên anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi. Học sinh của trường toàn là con của các đồng chí lãnh đạo trung cao cấp của Đảng và quân đội. Ví như thủ tướng Phạm Văn Đồng có duy nhất một người con trai cũng cho vào đây, đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ba con vào học......Tôi cũng vinh dự được nhà trường duyệt danh sách, học ở khoá 4 (ứng với lớp 7 phổ thông). Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu, lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt nam, Trung quốc mà đứng đầu là chủ tịch Mao Trạch Đông và chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã bàn bạc, nhất trí tạo điều kiện cho trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi được sang đóng quân tại thành phố Quế lâm, Quảng tây. Đầu tiên khi mới sang, phía bạn thu xếp cho thầy trò ở tạm trong trường trung học số 1 Quế lâm, gọi tắt là trường Y Trung. Sau một thời gian chờ nước bạn xây dựng hoàn chỉnh cho khu trường mới rất khang trang nằm trên đất Phong khẩu -Quế lâm, chúng tôi chuyển sang đó để yên tĩnh mà học tập và rèn luyện .

Ngày ấy tất cả thày trò chúng tôi ai cũng thuộc lòng câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Mao Trạch Đông :

-"Bẩy trăm năm mươi triệu nhân dân Trung quốc là hậu thuẫn vững mạnh của nhân dân Việt nam. Đất nước Trung quốc bao la là hậu phương đáng tin cậy của nhân dân Việt nam. Đế quốc Mỹ tất bại ! Việt nam tất thắng ! ".

Được sống và học tập trong sự đùm bọc cưu mang của hậu phương lớn Trung quốc, thầy trò chúng tôi đã có những ngày tháng êm đềm, đầy ắp những kỷ niệm không thể nào quên được. Tôi biết rằng nhân dân Quảng tây cũng còn nhiều khó khăn thiếu thốn, có vùng bà con dân tộc Choang còn nghèo. Nhưng Đảng, chính quyền, nhân dân Quảng tây đã dành những thực phẩm tốt nhất cho chúng tôi ăn, dành quần áo ấm nhất cho chúng tôi mặc, dành chăn bông dầy nhất cho chúng tôi đắp trong những ngày đông giá tuyết ở xứ bạn.

Tục ngữ có câu : "Một nắm khi đói bằng một gói khi no". Khi chúng tôi thiếu thốn lại được bạn tốt giúp đỡ chí tình, công ơn ấy xin khắc cốt ghi xương không bao giờ phai nhạt .

Nhớ lại mấy cái mốc thời gian :

- Ngày 1-1-1967, trên đường hành quân bằng tàu hoả liên vận để sang Quế lâm, chúng tôi được bạn tổ chức cho ăn Tết dương lịch tại ga Bằng tường. Thú thật là từ khi cha mẹ sinh ra, chưa bao giờ tôi được thưởng thức một bữa cỗ to như thế ! Và cũng được nhập tâm bài học đầu tiên về "ẩm thực" theo phong cách Trung hoa. Nghĩa là lúc đầu ăn từ từ, nếm các món có sẵn trên bàn, càng về sau người phục vụ bưng ra các món ngon hơn, món ngon nhất được bưng ra sau cùng. Lính ta háu đói chén no ngay từ đầu, đến khi bạn bưng tiếp ra món mới, ngon quá mà đành chịu.

- Ngày19-5-1968, khoá 4 chúng tôi sau khi kết thúc năm học lớp 9 đã tạm biệt mái trường Phong khẩu thân yêu, trở về Việt nam .

Với tôi, thời gian một năm rưỡi ở trên đất bạn tuy ngắn ngủi nhưng là quãng thời gian đẹp đẽ thơ mộng nhất của cuộc đời. Từ trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi luôn cầu ông Trời phù hộ cho các bạn Trung quốc được hạnh phúc, mong tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt -Trung luôn ngời sáng như bình minh buổi ban mai " .

.... Kết thúc câu chuyện cảm động, bố tôi bảo khi còn ở Quế lâm, nước bạn đang tiến hành cuộc "Đại cách mạng văn hoá ". Không khí cách mạng sôi nổi cùng với những bài hát cách mạng hùng tráng đã thấm sâu vào tâm trí thơ ngây của bố tôi. Đến giờ bố tôi vẫn còn thuộc giai điệu và lời những bài hát như "Ra khơi nhờ tay lái vững ", "Đông phương hồng ", "Mặt trời mọc trên đường phố Bắc kinh ". Đặc biệt là bài "Nhị lạng sơn ", một bài hát tuyệt vời, hiếm thấy có bài nào hay như thế.

* * * * *


Thế còn tôi - Một cô bé Hà nội vô tư - Sinh ra và lớn lên khi đất nước Việt nam đã thống nhất, đất nước hoà bình, rộn ràng tấp nập trong không khí khẩn trương của một công trường lớn đang xây dựng đi lên chủ nghĩa xã hội. Bom đạn ác liệt, gian khổ của chiến tranh đối với tôi chỉ còn văng vẳng đâu đây trong câu chuyện của ông bà, bố mẹ kể lại .

Tôi cảm nhận được rằng, lớp trẻ chúng tôi đang được thừa hưởng những thành quả ngọt ngào của biết bao các thế hệ đi trước đã đổ xương máu hy sinh vì nền độc lập tự do của đất nước Việt nam tươi đẹp hôm nay. Và để có được nền độc lập tự do vững bền ấy, tôi hiểu trong đó có phần giúp đỡ chí tình, vô cùng hiệu quả trên mọi lĩnh vực của nhân dân Trung quốc đối với nhân dân Việt nam.

Và không biết tự khi nào, đã nảy sinh trong trí óc non nớt của tôi lòng yêu mến đất nước Trung quốc rộng lớn bao la, yêu nền văn hoá vô cùng phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, yêu âm hưởng thánh thót như tiếng chim của ngôn ngữ tiếng Hán, yêu cả những nét chữ vuông vuông giầu chất tượng hình. Thế là tôi lặng lẽ theo học ngôn ngữ tiếng Hán ở các trung tâm ngoại ngữ mở tại Hà nội ngay từ dịp nghỉ hè của lớp 9 phổ thông. Trong khi ở chương trình phổ thông, các trường thuộc khu vực Hà nội chủ yếu dạy tiếng Anh. Môn tiếng Anh tôi tiếp thu chậm, kết quả các lần kiểm tra chỉ đạt điểm trung bình. Còn tiếng Hán, do yêu thích nên tôi tiếp thu rất nhanh. Bố tôi khen tôi là có năng khiếu học tiếng của một phần năm dân số trên trái đất đang sử dụng thường xuyên .

Hết lớp12 phổ thông trung học,trình độ Hán ngữ của tôi đã tương đương bằng C, đạt trình độ sơ cấp. Tôi luôn ấp ủ mơ ước từ khi còn học phổ thông rằng đến một ngày nào đó được đi du lịch thăm quan đất nước Trung quốc. Được rảo bước trên dãy Vạn lý trường thành hùng vĩ, được chiêm ngưỡng quảng trường Thiên an môn tráng lệ, được ngắm nhìn thành phố Thượng hải về đêm lung linh muôn ngàn vì sao sáng.

Nào ngờ, dịp may có một không hai ấy đã đến, nó đến nhanh và bất ngờ đến nỗi làm cho tôi nghẹt thở vì sung sướng tột độ. Đó là thông báo tuyển sinh của trường đại học ngoại ngữ Hà nội, tuyển sinh hệ "Du học tự túc 2+2 ". Với chương trình liên kết đào tạo hệ đại học giữa các trường đại học của Trung quốc với trường đại học ngoại ngữ của Việt nam. Như nắm bắt được nguyện vọng cháy bỏng của tôi, bố tôi vội xuống trường đại học ngoại ngữ Hà nội làm thủ tục đăng ký cho tôi nhập học ngay khoá đầu tiên. Vừa hay khi tôi tốt nghiệp phổ thông tháng 7-2003 thì tháng10-2003 tôi theo học hệ du học này .

Và thế là giờ đây -Tôi ở trong tâm trạng mãn nguyện - Không dấu nổi niềm kiêu hãnh mà khoe với đám bạn bè học trong nước rằng tôi đang là sinh viên khoa ngôn ngữ tiếng Hán thuộc trường đại học sư phạm Quảng tây -Quế lâm -Trung quốc, một ngôi trường danh tiếng với bề dầy lịch sử trên 70 năm hình thành và phát triển. Riêng tôi,còn có một niềm tự hào nho nhỏ,đó là tôi được học được sống trên mảnh đất nơi ngày xưa bố yêu quý của tôi đã từng có những ngày tháng êm đềm sống trong sự thương yêu săn sóc tận tình của nhân dân Quế lâm trọng tình trọng nghĩa.

Trong thời gian hai năm học ở Hà nội, rồi sang học tiếp ở Quế lâm, tôi được tận mắt chứng kiến những biểu hiện tình cảm bạn bè vô tư trong sáng của các bạn cựu học sinh trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi với các bạn cựu học sinh trường Y Trung .

Thật là cảm động, trong tôi cũng nảy sinh thắc mắc: Rõ ràng ngôn ngữ thì bất đồng, các bạn lại ở cách xa nhau cả nghìn dặm, điều kiện liên lạc hạn chế, thời gian trôi qua hàng 30-40 năm, rồi thì biến động lịch sử của mỗi nước ,biến động trong cuộc sống mỗi con người bề bộn ngổn ngang trăm mối suy tư, thế mà trong tâm khảm mỗi người vẫn nhớ như in những kỷ niệm ngọt ngào của thời niên thiếu.

Xung quanh dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (15-10-1965,15/10/2005 ), có bao câu chuyện xúc động về tình bạn đã diễn ra một cách chân thật đến nao lòng.

Tôi nhớ, trước ngày lễ kỷ niệm khoảng ba tháng, bác sỹ Trần Chí Nhân (sinh năm 1951,con trai thiếu tướng Trần Hoài Ân ,nguyên cục trưởng cục cán bộ quân đội nhân dân Việt nam ), bạn thân cùng lớp với bố tôi ở trường Nguyễn Văn Trỗi đến nhà tôi chơi, gọi tôi ra và bảo :

-Bác muốn nhờ cháu dậy tiếng Trung quốc cho bác !

-Bác học để làm gì ạ ?-Tôi hỏi .

-Bác học để chuẩn bị đón các bạn trường Y Trung Quế lâm sang thăm Hà nội, dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường

Nguyễn Văn Trỗi .

-Nhiều tuổi như bác bây giờ mới học thì vất vả lắm, sao bác không nhờ ai đó làm phiên dịch cho ? -Tôi phì cười vì phát hiện

ra ý tưởng ngộ nghĩnh của bác Nhân.

-Bác rất thích tự mình nói chuyện được với các bạn của bác bằng tiếng Trung quốc, mấy lại bác cũng chỉ cần nói những câu

thông thường thôi mà ."Nỉ sư phan lưa mấy yểu ?" (Bạn đã ăn cơm chưa?) - Bác thốt lên, cười lớn tỏ vẻ đắc ý vì thấy tôi cười gật đầu

hiểu lời bác nói gì .

-Thế ngày xưa chơi thân với các bạn Trung quốc ở Y Trung bác nói chuyện bằng cách nào? -Tôi hỏi tiếp .

-Hồi ấy trong trường Trỗi cũng có dạy ngoại ngữ môn Trung văn, mỗi tuần có vài tiết, bác biết được một ít, còn thì học bằng

truyền khẩu, cứ nói đại đi ấy mà, kể cả ra hiệu bằng tay bằng chân, làm điệu bộ bắt chước..Câu thường dùng nhất của học sinh Việt

nam : -"Nỉ sua sẩn mơ ủa pu tủng ?" (Bạn nói cái gì tôi không hiểu ?). Có lúc hiểu nhầm ý nhau, cả bọn cười lăn cười bò ra ,vui ơi là vui!

-Tôi hình dung ngay ra kiểu cười của bọn trẻ lúc nô đùa .

-Thế bác quen nhiều bạn học sinh Trung quốc không ?

-Quen sơ sơ thì nhiều, nhưng thân nhất là mấy chị em họ Mã.

-Ở Trung quốc hay quá nhỉ ! Lại có cả họ Mã ? -Tôi ngây thơ

hỏi .

-Ừ có chứ ! Họ là Mã Kinh, Mã Quân, Mã Bình, Mã Vi, các bạn ấy vô tư mà tốt bụng lắm cơ.

-Liệu mấy chục năm qua, các bạn ấy còn nhớ bác không ?

-Bác cũng không biết, nhưng bác thì vẫn nhớ và trân trọng quý mến các bạn Trung quốc, bởi đó là mảng đời thơ mộng, hồn nhiên trong sáng nhất của tâm hồn ! Bác Nhân chớp chớp mắt, xoè rộng đôi bàn tay, biểu lộ sự hài lòng vì đã chọn được những từ

ngữ diễn đạt đúng tâm trạng của mình.

Thấu hiểu tâm tư của bác, tôi đã vui vẻ nhận lời.

Thế là từ hôm đó trở đi, tuần vài buổi, mỗi buổi độ hai tiếng đồng hồ, một lớp học tiếng Hán đặc biệt đã diễn ra trong nhà tôi -Lớp học của hai thế hệ - Có một cô giáo trẻ là tôi và một học trò mà mái đầu đã điểm bạc. Không có bảng đen. Không có bàn ghế chính quy. Chỉ có một cái bàn con thấp chân kiểu Hàn quốc (chuyên dùng để kê mâm cơm ) đặt trên một cái chiếu trải giữa nhà. Giáo trình là quyển "Tiếng Hán sơ cấp", bác cháu tôi cặm cụi truyền đạt kiến thức cho nhau ..... Vậy mà thấm thoắt đã mấy tuần trôi qua, tôi ngạc nhiên vì sự tiến bộ nhanh chóng của bác học trò già. Thấy tôi biểu dương, bác rất vui thích. Thì ra khi con người ta say mê vì một mục đích gì thì họ tỏ ra sáng suốt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn bao giờ hết.

Vì hết kỳ nghỉ hè, tôi thu xếp chuẩn bị sang Trung quốc học nên "Lớp học đặc biệt " đành phải bế giảng sớm. Tôi rất lúng túng bối rối khi bác cám ơn và đưa tiền bồi dưỡng giảng dạy cho tôi. Hai bác cháu cứ đùn đẩy mãi, cuối cùng tôi cũng phải cầm. Biết diễn tả tâm trạng tôi lúc cầm cái phong bì trong tay như thế nào đây ?Thôi thì dùng cụm từ :Cảm động và tự hào. Đời sinh viên ai chả thích tiền .Tôi đã lao động bằng chính vốn chất xám ít ỏi tích luỹ được và lao động ấy có thước đo giá trị hẳn hoi....

Đến kỳ nghỉ đông bên trường bạn, tôi lại được trở về tổ ấm gia đình của mình. Và lại được nghe kể nốt câu chuyện cảm động về tình bạn Việt Trung, mà người kể là đôi bạn thân -Bác Chí Nhân và bố tôi .

- "Ngày lễ kỷ niệm thành lập trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi được tổ chức trọng thể tại Trung tâm hội nghị quốc gia trên phố Lê Hồng Phong - Hà nội ngày 9 -10-2005. Ban liên lạc nhà trường đã gửi giấy mời các thầy cô, các bạn học sinh trường Y

Trung và trường đại học sư phạm Quảng tây sang dự lễ kỷ niệm, nhân dịp này tham quan thủ đô Hà nội. Không quản đường xá xa xôi, phía bạn cử một đoàn đại biểu sang dự thật. Riêng bác Chí Nhân vui hơn cả vì biết tin cả bốn chị em họ Mã cùng đi với đoàn.

Liệu có bút nào tả nổi những tình cảm nồng ấm thân thương của con cháu hai lãnh tụ Hồ Chí Minh - Mao Trạch Đông. Họ gặp

nhau mừng mừng tủi tủi như người thân mới đi xa trở về. Có một chi tiết đặc biệt trong buổi lễ, khi đồng chí trưởng ban tổ chức dẫn lên sân khấu một vị cán bộ trong đoàn đại biểu nước bạn, người cao gầy, tóc đã bạc, đeo cặp kính trắng. Đồng chí ấy nói lớn :

-Xin giới thiệu với các bạn một người mà tất cả trường Trỗi chúng ta ai cũng biết. Vậy các bạn thử đoán xem đây là ai ?

Hội trường lặng phắc đi trong giây lát để suy đoán, nhưng chịu, chả ai đoán nổi, bởi đã 38 mùa xuân trôi qua, nửa đời người rồi còn gì. Đến khi trưởng ban tổ chức khoác tay vị cán bộ và tươi cười nói " Đây là Cao tư lệnh của chúng ta !" thì cả hội trường vỡ oà lên

trong tiếng reo vui, tiếng cười sảng khoái. Và đâu đó lại có những bác những cô kín đáo lấy khăn tay chấm nước mắt vì xúc động ".

(Cao tư lệnh là biệt danh mà học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi gắn cho đồng chí Cao Cẩm Quỳ, khi đó đang ở độ tuổi 17, học sinh trường Y Trung. Được trường cử ra làm phái viên liên lạc giữa ban giám hiệu trường Y Trung và trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Đồng chí Quỳ hiện nay đang làm giám đốc một công ty dược phẩm ở Phật sơn, tỉnh Quảng đông ).

Kể xong những diễn biến chính của buổi lễ kỷ niệm, bác Chí Nhân còn kể lại cuộc gặp gỡ thắm đượm tình bạn hữu của bác với các bạn gái Trung quốc. Riêng tôi, tai thì nghe nhưng trong đầu lại sáng dần lên một cảm nghĩ đậm mầu triết lý "Đời người ta trôi nhanh như cánh chim bay qua cửa sổ, mới đó đã 38 năm. Từ những cô cậu học sinh ngây thơ nhí nhảnh ngày nào mà thoắt cái đã là những ông bà nội ông bà ngoại. Câu chuyện họ kể ra đây nghe như những truyền thuyết lãng mạn trong dân gian, bởi nó quá có tình và quá có hậu.......

Tôi được may mắn đọc hai cuốn sách có nhan đề "SINH RA TRONG KHÓI LỬA" tập 1 và 2, do ban liên lạc trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi biên soạn. Thu thập những bài viết của các cựu học sinh nhớ về mái trường xưa, nhớ về những ngày tháng sống, học tập trên đất bạn Quế lâm. Với số lượng in có 1800 bản, ý định ban liên lạc là chỉ phân phối trong nội bộ cán bộ học sinh của trường thôi, như vậy có lẽ là chưa đủ. Tác phẩm này ví như " Quả ngọt " của cây hữu nghị Việt Trung, được trồng từ 40 năm về trước, nên để cho quảng đại quần chúng, nhất là thế hệ trẻ của cả hai dân tộc cùng được thưởng thức. Cho nên sau đây cần phải dịch sang tiếng Trung quốc, mà tôi lại đang học ngôn ngữ tiếng Hán - Chạnh nghĩ - Giá như mình đủ trình độ, đủ quyết tâm để làm việc này thì vinh dự nào bằng. Thôi cứ biết vậy, sẽ có một ngày .....

Giờ đây khi mà chỉ còn vài tháng nữa là tôi hoàn thành chương trình cử nhân tiếng Hán trên đất bạn, trong tôi cứ xốn xang trộn lẫn bao nhiêu thứ tình cảm. Vừa yêu quý mái trường đại học sư phạm Quảng tây, yêu quý các thằy cô giáo đã tận tình dậy dỗ, yêu mảnh đất Quế lâm nơi ngày xưa bố tôi đã sống và học tập. Cảm mến tình cảm hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc Việt Trung, tự nhiên tôi thấy cần phải làm một cái gì đó để góp sức nhỏ bé của mình vun đắp cho "Cây hữu nghị " này.Và để đền ơn đáp nghĩa những bậc cha mẹ thầy cô đã cho tôi vốn quý tri thức ngày hôm nay.

Trong đầu tôi vẫn ám ảnh nội dung bức thư của thày giáo Lưu Đào, hiệu trưởng trường Y Trung gửi các bạn học sinh trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi ngày 30-5-2004. Trong đó phần đầu thầy dành những dòng tâm sự thật cảm động nhắc đến những

kỷ niệm xưa khi thầy còn là học sinh của trường Y Trung, được đón các bạn học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi từ tiền tuyến trở về.

Đoạn sau thầy viết :

-"Tôi cho rằng, phải cùng nhau giữ gìn tình hữu nghị vốn có, phát triển quan hệ mới,tăng cường giao lưu và hợp tác nhiều hơn nữa. Đó chính là nguyện vọng và trách nhiệm của thế hệ chúng ta !

Về mặt này,có nhiều việc có thể triển khai :

-Thứ nhất, có thể phối hợp tổ chức tham quan du lịch. Hoan nghênh các bạn có ý định tổ chức các đoàn thầy cô giáo và cựu học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi về thăm lại Quế lâm. Chúng tôi cũng sẽ chọn thời gian thích hợp, sang thăm cảnh đẹp Hạ long và các điểm du lịch của Việt nam, kết hợp khảo sát, học tập kinh nghiệm giáo dục của các bạn.

-Thứ hai, nếu các bạn có viết những hồi ức về Quế lâm, có thể cho chúng tôi xin làm tư liệu, để bổ xung thêm vể truyền thống của nhà trường.

-Thứ ba, nhờ các bạn đứng ra làm môi giới, tìm một trường trung học phổ thông của Việt nam, kết nghĩa với trường chúng tôi, học sinh hai trường có thể triển khai hoạt động hữu hảo.

-Thứ tư ,trong trường chúng tôi có mở lớp học bồi dưỡng tiếng Hán cho học sinh Việt nam sang học, tiếp tục phục vụ cho sự phát triển của hai nước sau này.

Có mấy ý tưởng muốn trao đổi với các bạn. Có nội dung nào có thể hợp tác, mong các bạn cho ý kiến.."

(Thư này đăng ở trang 934 -Cuốn SINH RA TRONG KHÓI LỬA -Tập 2 ).

Theo luồng suy nghĩ đó của thầy Lưu Đào, tôi cũng xin mạnh dạn đưa ra một ý tưởng sau :

Nên thành lập một trung tâm đào tạo Hán ngữ ngay trên đất Hà nội, trung tâm đó sẽ có tên là :

TRUNG TÂM HÁN NGỮ NGUYỄN VĂN TRỖI.

Trung tâm này là sự liên kết xây dựng của trường đại học sư phạm Quảng tây, trường Y Trung với ban liên lạc của trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Công trình này hoàn thành sẽ đạt được tiêu chí "Một mũi tên trúng nhiều đích ".

Thứ nhất, nó là hoa thơm quả ngọt của cây hữu nghị được trồng bởi thầy trò trường Nguyễn Văn Trỗi trên hậu phương Quế lâm cách đây tròn 40 năm.

Thứ hai, là biểu hiện của hoạt động mở cửa hội nhập vô cùng phong phú giữa Quế lâm, Quảng tây với Hà nội, nhất là dịp vừa qua Việt nam được chính thức gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO.

Thứ ba,đây là hoạt động kinh tế đầy tiềm năng trong lĩnh vực giáo dục .

Hiện nay, do nhu cầu phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt nam -Trung quốc trong tình hình và xu thế mới, nên việc giảng dậy phổ cập tiếng Hán vô cùng cần thiết. Trong khi đó số lượng, chất lượng đào tạo ở các trung tâm ngoại

ngữ của Hà nội còn ít và hạn chế. Tôi biết điều đó vì qua 4 năm tôi theo học ở các trung tâm này nên biết rất rõ. Tình trạng chung là mang nặng tính thương mại, người bán chữ kẻ mua chữ, thế thôi.

Tin chắc rằng khi trung tâm này đi vào hoạt động, học viên đăng ký theo học sẽ rất đông. Tâm tư ai chả thích khi học tiếng Hán mà thầy cô giáo lại chính là người Trung quốc, giảng viên của một trường đại học danh tiếng đất Quảng tây.

Ngoài hoạt động chính là giảng dậy tiếng Hán cho các đối tượng có nhu cầu, trung tâm này còn được bố trí một phòng riêng đặt tên là "Phòng hữu nghị Việt -Trung" kiêm phòng thường trực của ban liên lạc trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Nơi đây sẽ là trụ sở để giao lưu, gặp gỡ, trao đổi tình cảm, nơi kết nối Quá khứ - Hiện tại -Tương lai giữa những người bạn của hai trường Việt nam -Trung quốc. Sẽ có nhiều điều hấp dẫn lý thú xảy ra mà trong bài viết này không thể kể hết được.

Để khởi động cho ý tưởng trên, ắt phải có những cuộc hội thảo giữa ban liên lạc trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi với lãnh đạo hai trường Y Trung và trường đại học sư phạm Quảng tây. Nhân đây tôi cũng minh hoạ cho ý trong lá thư của thầy hiệu trưởng Lưu Đào rằng hiện nay có rất nhiều cựu học sinh trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đóng trên đất Quế lâm ngày ấy nay đã trưởng thành, đang nắm giữ những cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của nhà nước Việt nam. Ví dụ như :

- Chú Trần Chiến Thắng -Thứ trưởng Bộ văn hoá thông tin-Học sinh khoá 3.

- Chú Nguyễn Thiện Nhân - Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo -Học sinh khoá 5.

- Chú Lê Văn Đạo -Thiếu tướng -Phó tư lệnh quân chủng Hải quân - Học sinh khoá 4.

- Bác Nguyễn Chiến - Thiếu tướng -Trưởng ban cơ yếu Chính phủ - Học sinh khoá 1. ..v.v...

Cho nên khi ý tưởng này được triển khai bàn bạc, thông báo tới mọi người, chắc sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của tất cả thầy trò trường Nguyễn Văn Trỗi cũng như đông đảo những thế hệ người Việt nam yêu mến đất nước Trung hoa vĩ đại.

Bản thân tôi, sau khi tốt nghiệp khoá học ở trường đại học sư phạm Quảng tây, tôi xin tình nguyện làm cầu nối, làm mắt xích cho ý tưởng tốt đẹp trên trở thành hiện thực. Và nếu được tín nhiệm, tôi sẽ đón nhận vinh dự được làm giảng viên tiếng Hán ở trung tâm đó. Để mang hơi ấm của ngọn lửa truyền thống hữu nghị Việt -Trung, truyền vào trong bài giảng, tiếp lửa cho các thế hệ mai sau, để tình hữu nghị Việt-Trung ấm mãi cùng năm tháng, cùng dòng lịch sử oai hùng của hai dân tộc chúng ta.

* * * * * *

Tôi đặt bút xuống....Lắng tai nghe sự chuyển vần của tiết trời vào cuối thu se lạnh -Hít thở một hơi dài khoan khoái - Ngắm nhìn "Tác phẩm" đầu tay của mình, trong lòng cảm thấy lâng lâng thư thái. Thì hình như đâu đó chợt vẳng lên cái âm hưởng ngọt ngào

của bài hát "Việt nam -Trung hoa ":

.....À..a..Chung một ý..chung một lòng...

......Đường ta đi hồng mầu cờ thắng lợi.

..A...á....Nhân dân ta ca muôn năm...Hồ Chí Minh -Mao Trạch Đông...


Hà nội, Thu Đông 2006.

NGUYỄN THỊ HỒNG TRANG


Không có nhận xét nào: