Thứ Bảy, tháng 3 10, 2007

Gặp mặt Xuân 2007

Sáng nay trời mưa phùn rất nhẹ, đặc trưng của mùa xuân miền Bắc. Đi xe máy, những chỗ không thấm nước như gương chiếu hậu, đèn xe máy thì ướt. Còn những chỗ thấm nước như mũ, áo bằng vải bông thì ... khô. Cái kiểu khô mà người miền khô gọi là ẩm. Nhưng cũng chỉ mưa nhẹ buổi sớm chứ khi mọi người tới Cửu Long Sơn Trang của nhà Chấn Định thì hết mưa. Nhiệt độ cũng không còn lạnh như mấy hôm trước. Thời tiết có vẻ chiều lòng người.
Đợt này đi xa, một số người chủ động đi xe riêng, một ít còn lại đi xe chung do Thanh bọ bố trí để chắc ăn thực hiện đúng kế hoạch.
Cửu Long Sơn Trang là một trại rộng có lẽ phải tới năm, bẩy hec-ta. Có vườn cây ăn quả chủ yếu là vải, có ao nuôi cá kể cả cá sấu, có chuồng lợn siêu nạc (không sử dụng) và chuồng đà điểu. Mô hình VAC đủ. Chỉ có điều hiện nay dường như không có cái nào được sử dụng hết công năng. Tuy nhiên để làm nơi gặp gỡ cho nhóm người vốn gắn bó nhau cùng với rừng, với thiên nhiên như bọn Trỗi mình thì chỗ này thật thuận tiện và hoà hợp.
Sau màn chào hỏi mọi người tản ra từng nhóm vừa tham quan vừa nói chuyện. Lê Hồng Triều lần đầu tham gia các sinh hoạt Trỗi, làm cho mọi người mới gặp không thể đoán được là ai. Hồng Triều "đi sau về trước", hình như chỉ học với anh em mình có mỗi năm lớp 8. Nếu so với Quang Thắng thì hình như vẫn là nhiều hơn.
Tuấn hủi, Ngọc Dũng giở cần ra câu cá. Hồi lâu chả được con nào, Việt Hồng nóng mắt nhẩy vào biểu diễn, cũng không được nốt. Tin mật là hình như ao này mới vét.
Số đông còn lại không có chuyên môn nghiệp vụ gì, lang thang đi "thám hiểm". Anh Chí Quang may mắn hơn người, không bị gãy ván sập cầu như anh Tương Lai, khá đau tối về phải dùng mật gấu.
Một hồi hết chỗ tham quan, chán đứng ngoài trời mọi người vào gầm nhà sàn nói chuyện chờ cơm. Hoàng Ngọc Dũng (Diêu) bao năm lang thang theo các công trình, bây giờ cho hay sẽ không phải đi công trình nữa, ở Hà Nội để "chờ nghỉ hưu". Nhờ vậy mà sẽ tham gia vào các hoạt động Trỗi nhiều hơn. Nhìn Ngọc Dũng, một gã chuyên lăn lộn ở các công trình mà vẻ ngoài còn "ngon" hơn đồng đội, tóc còn xanh, mới thấy cuộc sống quân ngũ của hắn tuy có vất vả nhưng hình như ít có dịp phải lo toan hơn đời thường. Liệu rồi đây hắn sẽ thay đổi thế nào?
Anh em Trỗi nói chung và k4 nói riêng được xem là không có nhiều thành đạt hơn người. Ấy là mình cứ tự đặt chỉ tiêu cao thôi. Chứ nếu lấy tỉ lệ theo tổng học sinh trên dân số của thời 30 triệu đồng bào thì chắc là cũng không đến nỗi tệ. Năm anh có mặt trong tấm ảnh bên thì 4 anh vào hạng có tiếng trong "giang hồ".
Chuẩn bị vào ăn, mọi người chụp một bức ảnh kẻo ăn xong rồi thì chả tập hợp được. 34 Trỗi, trong ảnh chỉ có 33, thế quái nào Quốc Dũng lại bị lấp sau Tương Lai. Quốc Khánh, Hữu Cường thì trốn ra sau, chỉ thò một phần mặt trên cho người ta nhìn. Không hô lên thì không ai biết để chụp lại. Tám bà phu nhân và hai cháu. Tổng cộng 44 người. Có lẽ bây giờ mọi người đã biết mặt nhau, chả cần giới thiệu nữa.
Riêng các bà thì nên điểm tên cho mọi người biết. Từ trái qua phải: bà Mạnh Dũng, bà Chí Quang, bà Nhân ve, bà Thanh bọ, bà Thịnh cá, bà Chấn Định, bà Tương Lai và bà Trần Hà. Có hai cháu ở trong ảnh, cháu nhỏ là của Tự Thành và cháu lớn của Việt Hồng.
Sau ảnh Đại hội đồng Trỗi xuân 2007 là ảnh riêng của các bà. Chuyến này các bà đi khá đông, làm cho Việt Thắng tiếc rẻ đã không đưa vợ đi cùng. Có lẽ sẽ thành một "phong tục" các bà đi vào dịp đầu xuân. Ảnh do Chí Quang cung cấp.
Ăn trên nhà sàn, ngồi phệt. Mọi người nói đủ các thứ chuyện, rất vui vẻ và hài lòng. Đại biểu miền Nam là hai cặp vợ chồng anh Nhân ve và anh Chí Quang rất được mọi người quan tâm. Nhiều người lâu quá mới gặp, gặp rồi lại có dịp hỏi thăm về nhiều người nữa còn chưa có dịp gặp lại được. Một trong những chuyện đáng được quan tâm là làm sao để ngoảnh đi ngoảnh lại vẫn còn nhìn thấy nhau. Tuổi này ai biết được sẽ như thế nào, dù chưa dám và chưa đáng lên cụ. Nhưng mọi người ai cũng đã thấy cuộc sống tự nhiên bắt đầu khắc nghiệt với mình.
Tôi nói với Nhân ve tôi ghen tị vì nó có mặt trong tấm ảnh chụp ở bãi bóng Trại Cau. Giá mà những người có mặt tại đây mà đã từng có trong tấm ảnh ấy chụp lại một cái thì hay. Ở đây hôm nay có Nhân ve, Hồng há, Mạnh Dũng, Tự Thành, còn ai nữa nhỉ? Nói vậy thôi, vào ăn rồi, uống rượu rồi, nói chả ai nghe, chả ai lưu tâm để mà nhớ lại.
Trước khi ra về các bà chụp thêm tấm ảnh kỉ niệm nữa. Rất tiếc là thiếu mất hai bà Chấn Định và Tương Lai. Một bà chắc lo chuyện chủ nhà, một bà mải nói chuyện với các đồng nghiệp ngành y bạn của chồng? Hình như các bà đã hẹn nhau vụ đi Quế Lâm tháng 10?
Tối về nhà tôi nhận được thư của Tôn Gia Quý gửi lời chào tạm biệt các bạn miền Bắc. Quý nhẽo muốn tham gia cuộc gặp này lắm. Nhưng kế hoạch đã lên rồi. Ba tuần về VN đã được khớp lịch, không thể đổi vé ở lại như Chí Quang. Đành chia tay lưu luyến với lời nhắn nhủ (dùng máy lạ nên không biết gõ tiếng Việt thế nào):

Hom nay tao phai len duong vao Nam ,sau do se bay di Duc luon,co le phai mot thoi gian lau lau nua moi mong gap lai chung may.Thoi gian that la ngan ngui.Cung con rat nhieu nguoi chua gap lai.Cuoc song ma ,bao gio trong ta chang co doi dieu tiec nuoi.That ra noi ra thi hoi khach sao,nhung tao thanh that cam on tat ca anh em ban be da danh cho tao nhung tinh cam vo cung am ap.Mot lan nua qua H.Thanh xin chuc tat ca anh em ta luc nao cung vui ve va hanh phuc.Rat mong ngay gap lai.
Chúc Tôn Gia Quý vui vẻ những ngày còn ở trong nước với anh em miền Nam. Dương Minh đã lên lịch Trỗi cho Quý rồi. Hẹn lần sau gặp lại.

Không có nhận xét nào: