Thứ Năm, tháng 4 30, 2009

Gặp mặt 30/4

Anh em mình đa số là bộ đội tuyến sau. Nhưng cũng tự hào là bộ đội trong ngày toàn thắng (xin một ít vinh quang của những anh hít khói súng như ĐC, KV, Đ.Cường,...). Bởi thế chiều 30/4 cũng tổ chức gặp mặt. Gồm HHải, VThắng, HThành, TNgữ, VinhNQ, VTMai, ĐCương và con gái, TLai, sau có thêm KViệt và bà thị xã cùng với ĐNghĩa và cháu Mýk9, Bình mèo k7C11.
Ngồi với nhau từ hơn 17h tới hơn 20h mới giải tán cho một số anh đi uống cà phê với VHùng k7.
Xin chúc mừng các anh bộ đội các chiến trường, các anh bộ đội tuyến sau yểm hộ và cả đồng bào tộc Việt chúng ta.
Chuyện cũ không nói nhiều, nói về mấy ngày đi ĐBP vừa qua, cũng lắm chuyện vui.

NHỚ VỀ TRẠI HÒE

TRẠI HÒE
Có dịp về phố Thắng
Hỏi thăm đến trại Hòe
Bâng khuâng buồn ...Muốn khóc
Trường cũ giờ . Vắng hoe

Chỉ còn vài cây Trẩu
Lơ thơ mấy bụi tre
Một vài đôi sáo nhỏ
Ngơ ngác giữa nắng hè.

Có lẽ đây lần cuối
Về thăm lại trại Hòe
Thăm một thời xa cũ
Trẻ thơ giữa bạn bè.

Có lẽ đây lần cuối
Tôi thăm lại trại Hòe
Tiễn tôi chiều buổi ấy
Cả một trời ...Tiếng ve.

Tiếng ve kêu hàng Trẩu
Râm ran cả buị tre
Tiếng ve gọi chiều hè
Nhắc bạn bè thủa ấy
Đừng quên nhé ...TRẠI HÒE.

Berlin 30.4.09

"Bắn" nhau

Trên cầu Hang Tôm, "bắn" được TQ một phát.


EGk9 bảo một "bắn" một thì thường quá. E một "bắn" ba, chấp ba "bắn" một mới là giỏi.

Ấy, ĐH xem ai lợi hơn ai?

Thứ Tư, tháng 4 29, 2009

Một bài báo nên xem, nhân ngày 30/4

BA MƯƠI THÁNG TƯ VÀ TÔI
TỪ KIẾN THỨC ĐẾN LẬP TRƯỜNG


Trần Chung Ngọc

"...Ngày 30/4/1975 không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể là họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào. Tại sao, vì đó là ngày đánh dấu thêm một trang sử chống xâm lăng oai hùng của nhân dân Việt Nam. Tôi ở phe thua trận, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như ngày 30/4/1975, đã mang đến cho tôi một niềm hãnh diện được làm một người Việt Nam, một người Việt Nam không Quốc Gia không Cộng Sản, không Nam không Bắc, một người Việt Nam không từ bỏ gốc gác tổ tiên, không từ bỏ lịch sử khi vinh khi nhục của quốc gia, và lẽ dĩ nhiên rất hãnh diện với lịch sử chống xâm lăng của dân tộc..."

Thông tin về thầy Đinh Công Bắc dạy Sử

Sáng nay mưa ướt nên chỉ ra Cung Văn hoá Việt-Xô tập thể dục. Gặp thầy Lương cũng đi bộ ở đây. Chạy vài vòng thì ra ngồi tâm sự với thầy. Có nhiều chuyện nhưng có thông tin về thầy Bắc muốn báo ngay với anh chị em.
Thầy Bắc dạy Lịch sử và phụ trách k5. Sau này thầy về dạy ở Đại học Sư phạm HN. Có 1 lần cuối những năm 80 khi tập trung ở Bờ Hồ để lên xe đi sân bay Nội Bài bay vào SG thì gặp thầy chạy quanh hồ. Thầy, trò gặp nhau mừng rỡ và biết thầy sẽ đi chuyên gia ở Ăng-gô-la. Sau này gọi điện thoại tới nhà thầy thì biết thầy là chuyên gia giỏi chuyên môn và tiếng Bồ nên còn đi thêm lần nữa.
Thầy Bắc năm nay 74 (kém thầy Lương 3 tuổi). Vì già yếu và bị bệnh Ei-ze-mơ nên thầy không còn nhớ gì, mọi sinh hoạt chỉ còn theo bản năng. Gia đình gửi thầy vào Trại dưỡng lão Tp ở Cầu Diễn cùng với 4 triệu/tháng để trại chăm sóc. Thầy được ở 1 phòng riêng, có TV, ăn uống đủ dinh dưỡng. Buồn là vợ và con trai thầy vào thì thầy cũng chỉ hỏi: "Bà là ai? Anh là ai?".
Biết tin, thầy Lương đã xuống thăm. Đến nơi thầy Bắc cũng không nhận ra. Thầy Lương dẫn bạn mình đi 1 vòng quanh trại. Nếu có thời gian, các bạn qua thăm thầy. Cách đi: Qua Cầu Diễn thì rẽ phải vào Trại dưỡng lão Tp HN.
Có 1 điều ước - chả hiểu có đạt được - thầy Bắc khỏi bệnh này!


Nguồn Ảnh gốc k4: từ trái qua phải, thầy Cừ, thầy Bổng, cô Ngần, thầy Bắc, cô Lan, thầy Đoan (1991?)

Thứ Ba, tháng 4 28, 2009

Thầy Khoát dậy môn Hóa học

Đỗ Xuân Khoát (vợ Đào Thị Tánh)
Địa chỉ: thôn Lương Trạch, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng
Điện thoại: 031-358-4213

Nhận điện thoại của Đức Cường báo đang ở Bắc Ninh cùng Ngọc Việt, khi nào về đến HN sẽ gọi đi gặp thầy Khoát dậy môn Hóa của trường Trỗi. Cho đến lúc nó gọi lần nữa thì tôi đã xong mọi nhẽ, bình thường chỉ còn có việc nằm xem TV kết hợp... ngủ.  
Gặp rồi mới vỡ lẽ đường dây mối nhợ. Đ.Cường cùng bộ đội 559 với anh Thụ (1950, cán bộ UB Thanh tra Chính phủ, đã nghỉ hưu), anh Thụ là chồng chị Đỗ Tuyết Đạt nuôi quân Trỗi, chị Đạt là em kết nghĩa của thầy Khoát vì bác Quỳnh nói hai anh em họ Đỗ, anh giúp em tiến bộ phấn đấu vào Đảng.
Thầy Khoát (áo trắng ngồi sát tường) nghỉ hưu năm 92 từ QK3, thượng tá. Trong thời gian từ 82 đến 87 thầy làm chuyên gia xây dựng Trường Văn hóa Quân đội CPC, rồi sau đó về QKTĐ, QK3.
Chị Đạt 10 năm nay ở Berlin với con gái.
Thầy Khoát khỏe, tóc đen hơn khối anh em mình. Ngồi nói chuyện, trông thầy vẫn còn oách hơn anh Ngọc Việt. Thầy gửi lời chào và mời anh em bạn Trỗi khi nào có dịp về nhà thầy chơi.
Nói chuyện, thầy nhớ nhiều trò k5, k6 như Kiến Quốc, chị em Tuấn Quảng,... Có lẽ k4 không học thầy nên tôi chỉ nhớ loáng thoáng.
Anh em các khóa, nếu có dịp nào tiện hoặc có thời gian thì về thăm thầy.
Vụ này kinh nhất là hai ông ĐCường và Ngọc Việt, 22h10 hai cậu lại... ngược Bắc Giang 70km, vì "chỗ lạ không ngủ được".

TRĂNG SÁNG MẮT ĐEN



TRĂNG SÁNG MẮT ĐEN
Thơ Ngô Long Phúc Chiến – Nhạc Trần Bắc Hải
*
Một đêm vầng trăng sáng
Sa vào đôi mắt đen
Mắt đen thành trăng sáng
Thành ba vầng trăng lên
*
Người trai vừa thấy trăng
Bàng hoàng như trong mộng
Toan ôm trăng vào lòng
Đã nghe trời xế động
*
Từ ấy người trai đi
Vượt lau ngàn gió bấc
Dù đêm trăng quên mọc
Vẫn thấy lòng trăng soi
*
Một đêm vầng trăng sáng
Soi vào đôi mắt nhau
Thấy năm vầng trăng sáng
Cho ai mãi nhớ nhau

Thứ Hai, tháng 4 27, 2009

Trên Anh-tẹc- nét có tên anh.

Dịp 30/4, các cựu chiến binh thường gặp nhau, ôn lại kỷ niệm chiến tranh. Chúng tôi thường hóng hớt, lượm lặt như những kẻ "ăn mày quá khứ". Có những anh kể chuyện như thật ( vì đó là kể lại chuyện của những người trong cuộc), còn chuyện của Anh là chuyện thật 100% có ghi trên báo chí và cả trên Internet nhé. Chỉ cần gõ tên anh ( không dấu) và chữ A72 , sẽ có ngay đường link tới bài có tên anh (http://www.qdnd.vn/qdnd/baongay.ntqsvn.36291.qdnd). Theo tôi biết it nhất đã có 2 bài nhắc đến Anh. Quan trọng hơn, anh là bạn của chúng ta! Nhân dịp 30/4, xin tái đăng ảnh Anh để mọi người cùng "hân hoan"

Có phải suýt rơi... cục vàng???

Nhân ngày chiến thắng 30/4, Báo QĐND hôm qua đăng bài "Tên lửa A-72 ám ảnh phi công ngụy". Trong đó ghi lại hồi ức của giặc lái nguỵ trước lưới lửa phòng không của ta, nhất là tên lửa vác vai A-72. Hay hơn trong bài có hẳn 1 đoạn viết về Lê Đại Cương, bạn của chúng ta, 1 xạ thủ A-72 từng hạ máy bay ngụy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

"... Là vũ khí do Liên Xô viện trợ, tên lửa A-72 trong tay các xạ thủ VN đã phát huy cao hiệu quả tác chiến. Tên lửa A-72 của Binh đoàn Hương Giang tham gia chiến đấu tháng 4/1975, bằng 1 phát đạn A-72, đ/c Lê Đại Cương bắn rơi tại chỗ 1 máy bay phản lưc F-5E bổ nhào ném bom, bảo vệ đội hình của binh đoàn. Xạ thủ Nguyễn Văn Thoa thuộc đại đội 3, tiểu đoàn chủ lực 172 Phòng không với tên lửa vác vai A-72 đã bắn rơi tổng cộng 13 máy bay địch, trong đó có chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ-ngụy bị bộ đội ta bắn rơi".

Quá là tự hào! Thành tích của bạn Trỗi, gần như thế mà ít ai biết. Cả cục vàng lớn như thế, ngay bên ta, mà suýt bị bỏ rơi!

Chủ Nhật, tháng 4 26, 2009

Cứu Net!

Cũng phải nói ngay vụ cứu Net này mang tính "vụ lợi nghề nghiệp". Nhưng không vì thế mà mất tính "hào hiệp kiểu 8x". Có điều lại cứu phải... bà BD nhà TN mới "đau" chứ!

Như những tên khoái công nghệ thực dụng khác, tôi vẫn chờ ngày phát hành bản mới nhất 9.04 phần mềm nguồn mở Ubuntu vào ngày 23/4. Hôm ấy thì mình đang còn rong ruổi trên nẻo đường Tây Bắc. Bởi thế về đến nhà, một trong những trạm mạng (website) đầu tiên tôi vào là ubuntu.com. Rồi vào cái trang đăng ký nhận miễn phí đĩa CD phần mềm này từ chính hãng gửi cho. Cái bọn này cũng lạ, phần mềm đã miễn phí, lại còn gửi miễn phí đĩa CD tới những người đăng ký; tôi đã từng nhận được như vậy rồi. Bất ngờ là cái trang ấy, http://shipit.ubuntu.com, hiện đang đóng. Lý do vì có sự quan tâm "quá đáng" sau khi phát hành. Kiểu như là cửa hàng vàng đóng cửa vì khách quá đông. Chả cần, đằng nào thì đăng ký của tôi cũng được chúng nó nhận và chuyển sang công ti gửi hàng. Chờ là chờ cái thông báo đã gửi hàng của công ti này thôi. Muốn là muốn cái đĩa xịn từ hãng gửi cho để làm oai, chứ tải trên mạng về thì... chuyện nhỏ, bây giờ đường thông hè thoáng rồi.

Quay trở lại chuyện cứu Net. Gần trưa gọi điện đến nhà TN, chỉ gặp bà BD vì "chàng" còn phải ngủ phục hồi công lực sau chuyến đi ĐBP vừa rồi. Bả than "cái máy, về đến nhà bật lên thì hỏng. Gọi chúng nó tới sửa, xong để đó coi bài. Hôm nay bật lên lại chết, Chủ Nhật biết làm sao". Ha ha, có kẻ mắc Net rồi, cứu thôi!

Tôi được biết anh Tiểu Xìu (Micro-tiểu soft-xìu) bắt đầu đòi nợ những ai dùng hàng không trả tiền theo cách "không ăn được thì đạp đổ". Nửa năm trước là thị trường TQ, bây giờ bắt đầu đến ta? Nói cho công bằng thì tại mình "măng-giê nông" hàng của nó trước, giờ nó đá cho thì phải chịu thôi.

Rót vào tai bà BD lời đường mật "có hàng xịn mới ra hôm kia, không phải trả tiền, không lo chết bất tử vì virus,...". Chỉ có gật đầu chứ còn gì nữa. Tôi phi ngay về cơ quan, tải bộ phần mềm gần 700MB mất hơn tiếng đồng hồ, ghi vào đĩa. Mang đĩa CD đến nhà cài vào máy, mọi nhẽ chạy ngon.

Thế là Net đã cứu xong, chắc có lẽ bà BD đang dùng hàng mới xem bài. Mà ông TN đang đi vắng chả biết gì xảy ra ở nhà, thế mới là... cứu Net.

"Con ong" chăm chỉ.

Trong lúc mọi người nghỉ ngơi , giải trí. TQ vẫn miệt mài làm việc, đưa tin kịp thời đến anh em ở nhà.

Cầu Thia (Nghĩa lộ)

Buổi sáng ngày cuối cùng của hành trình ĐBP. Trước khi lên xe về HN, TQ nhắc: "khi qua cầu Thia nhớ "lấy" mấy hình ảnh cho bác TTXVH". Khi xe qua cầu, kịp ghi được hình cầu Thia với 2 bên bờ.

Thứ Bảy, tháng 4 25, 2009

Chuyến ĐBP, ngày thứ tư và năm, về nhà

Chuyến đi về, cuối cùng, lại không có gì đáng nói. Bởi vì hi vọng cảnh đẹp Mù Căng Chải, Tú Lệ,... không thành hiện thực. Mùa này chưa thấy ruộng bậc thang nổi sắc. Không có cảnh đậm nét sinh hoạt của đồng bào ít người. Hơi thất vọng vì những địa danh mờ ảo sương khói kia lại quá giống những nẻo đường khác.
Nghỉ lại Nghĩa Lộ cho khỏi mệt 400km/ngày, có đường núi. Định ghé thăm đèo Lũng Lô, một địa danh lịch sử. Nhưng đầu đường rẽ có thông báo "đường hỏng tại km(xxx) đèo Lũng Lô, các phương tiện đi lối khác". Thế là thôi.

Buổi trưa hẹn với "đồng bào Trỗi" tại Sơn Tây ăn trưa "báo cáo kết thúc chuyến đi".
Thế là xong một chuyến đi chơi vui vẻ, thành công... không mỹ mãn. Có một chút tai nạn, có một chút bực mình, có một chút yếu mệt,... Tuy nhiên đã có một chút thì thầm những dự tính cho chuyến đi sau.

Chuyến ĐBP, ngày thứ ba, ĐBP-Lai Châu

Ngày thứ ba của chuyến đi đã được biết trước với nhau là ngày mệt mỏi nhất. Thăm một số di tích điển hình, sau đó theo đường 12 đi Lai Châu. Đường 12 có đoạn qua Mường Lay sẽ bị ngập khi thủy điện Sơn La tích nước vào năm sau. Bởi thế người ta đang khẩn trương làm đường mới trên cao với chiều dài 36km, với 1 cầu lớn qua sông Đà thay cho cầu Hang Tôm và nhiều cầu con qua khe núi. Rất may chúng tôi đã không bị mưa trên đoạn đường này.

Buổi sớm trên TP ĐBP, KS Him Lam.


Tượng đài kéo pháo, trên vị trí tập kết pháo để kéo vào trận địa năm xưa.


Từ trên tượng đài nhìn thấy bên trái là đường vào TP ĐBP, bên phải là đường kéo pháo, đang được làm thành di tích. Từ đây theo con đường đó khuất ra sau núi 4km là nơi AH Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo.


Trong hầm chỉ huy cứ điểm của Pháp, phòng Đờ Cát-tơ-ri.


Nóc hầm, nơi có tấm ảnh phất cờ chiến thắng.


Cầu Mường Thanh với khẩu trọng liên 4 nòng đã bị "hư hao".


Tướng ngoài quan ải không cần nghe lệnh, TV thuyết minh như thế.


Bế Văn Đàn làm giá súng.


Dân công hỏa tuyến.


Tô Vĩnh Diện chèn pháo. Nói thực là cái tượng trông rất... chán.


Các CCB với huân huy chương chống Mỹ chụp hình lưu niệm.


Vũ khí của địch.


Vũ khí của ta.


Đồi A1, dưới kia là Nghĩa trang LS ĐBP


Sau lưng là hố bộc phá công đồn A1.


Tượng đài chiến thắng.


Mộ LS tại Nghĩa trang Đồi Độc Lập. Mặt trước tấm bia thường là để khuyết danh, nhưng ở mặt sau một số bia đã khắc tên liệt sĩ.


Đài Tổ Quốc Ghi Công nghĩa trang LS Đồi Độc lập. Có lẽ đây là nghĩa trang đẹp, đơn giản mà trang nghiêm nhất trong các nghĩa trang LS đã từng thấy.


Lối vào vừa đủ rộng với hai hàng long não nhìn ra tam quan gợi cảm giác thân thuộc như chùa chiền.


Cầu Hang Tôm do TQ giúp xây dựng đã lâu, vào thời của nó được xem như cây cầu hiện đại và đẹp bậc nhất VN. Bây giờ nhìn vẫn đẹp. Năm sau cốt cầu sẽ bị ngập dưới 20m nước. Còn trước đó có lẽ cây cầu sẽ được tháo dỡ, hoặc tệ nhất cũng phải phá sập để sau này không ảnh hưởng đến giao thông thuỷ trong lòng hồ thủy điện. Thay cho nó sẽ là một chiếc cầu bê tông dầm hộp dự ứng lực đúc hẫng ở phía thượng lưu 800m


Hoàng hôn trên sông Nậm Na bên đường 12 đi Lai Châu. Năm năm trước con sông này hoang vu sâu thăm thẳm từ trên mặt đường nhìn xuống. Bây giờ trên sông nhiều thuyền đãi vàng sa khoáng hoạt động, bên sông nhiều khu tái định cư dân lòng hồ, công trường nâng đường lên cao hoạt động nhộn nhịp làm mất vẻ hấp dẫn. Nhưng nó vẫn có những góc nhìn đẹp. Sau này, khi nước dâng có lẽ trông nó sẽ giống một chiếc hồ dài chứ không còn dòng chảy với những bãi cát xen đá tảng như bây giờ.


Một trong số nhiều cầu dân sinh nối bản với đường giao thông.

Thứ Sáu, tháng 4 24, 2009

Người chiến sĩ ấy...

Xin trân trọng thông báo: Cuối tháng 5 lịch sử này, tại nhà hát trường Đại học VHNTQĐ, Hà Nội, sẽ có buổi biểu diễn của Đại tá NSƯT Dương Minh Đức với tên gọi "60 năm - Một chặng đường "Người chiến sĩ ấy...".

Chỉ đạo nghệ thuật: Thiếu tướng nhạc sĩ An Thuyên.

Biên tập và dàn dựng: NS Đức Trịnh, NS Ngọc Minh, Nhà văn Chu Lai.

Đạo diễn truyền hình: NSƯT Trịnh Lê Văn.

Chỉ huy biễu diễn: Đặng Chí Thông.

MC: Mạnh Cường, Lan Hương.

Với các tác phẩm: Người chiến sĩ ấy, Bài ca Trường SƠn, Mời anh đến thăm quê tôi, Trở về Suriento, Chiều trên bến cảng, Người thầy, Năm anh em..., Điều giản dị, Chiều hải cảng, Đường chúng ta đi, Mặt trời của tôi... do ca sĩ Dương Minh Đức cùng các nghệ sĩ Quang Thọ, Doãn Tần, Hoàng Chè, Quang Huy, Mạnh Chung, Mạnh Tuấn, Bích Việt... cùng dàn nhạc giao hưởng và dàn kèn đồng của nhà trường đại công diễn.

Rất mong sự có mặt của các chiến hữu, bạn bè!

Chuyến ĐBP, ngày thứ hai, Sơn La - ĐBP

Rời Sơn La sau một chuyến đãi phở sáng của GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng Tỉnh, Mr. Dũng. Chuẩn bị qua Pha Đin, xăng dầu đổ đầy. ĐC luôn lanh chanh đi đầu, nhưng đến chân đèo thì "nhường" cho tôi đi trước. ĐC lo với tính cách "chưa hô đã xung phong" thì rớt có lúc... rớt xuống vực. Trách nhiệm nặng nề, tôi không có dịp "sáng tác" ảnh. Chú VinhNQ độc quyền ảnh Pha Đin, không lo bị đụng hàng.

 Quảng trường 55 năm trước duyệt binh mừng chiến thắng. Năm nay mới có tượng đài. TN sau một hồi nhìn ngắm hô lên với HP "kia, ô.TG còn đằng sau là bà già". Dễ hiểu thôi, thế hệ trước của chúng ta ít nhiều đều có đóng góp với ĐBP. Các vị đều có thể hóa thân là một ai đó trong nhóm nhân vật tượng đài. Với tôi, những người dân công hỏa tuyến xe đạp thồ, xe trâu kéo thật gần gũi.

Lối vào Di tích Sở CH chiến dịch ĐBP.

Trong hầm Đại tướng, ngầm trong đồi dẫn từ lán Đại tướng sang lán TTM Trưởng HVT.

Trong lán giao ban Tác chiến.

Các CCB nhận ra HP, hỏi thăm Võ Đại tướng, chụp ảnh, ghi địa chỉ. Rồi sau cả VTM, TV cũng được chăm sóc.

Ruộng bậc thang từ Mường Phăng về ĐBP.

Nghiã trang LS ĐBP, ngay dưới chân đồi A1.


Ban QL Dự án Di tích ĐBP mời ăn tối tại bản Ten. Thực đơn món ăn của người Thái, cơ bản giống tối qua ở Sơn La, trừ màn hát giao lưu.

Người Thái, và các dân tộc ít người khác, vẫn hồn nhiên hơn người Kinh tinh khôn?

KS Him Lam ở ngoại vi TP ĐBP. Hôm nay chật đoàn đại biểu TNXP VN, các bác đi thăm chiến trường ghi dấu TNXP thế hệ trước.

Thứ Ba, tháng 4 21, 2009

Chuyến ĐBP, ngày thứ nhất, HN-Sơn La

Ngoài việc phải bỏ lại một xe, san 4 người ra 3 xe thành đội hình 5-5-4, hành trình ngày thứ nhất thuận lợi hơn dự kiến: tới Sơn La vào 14h30. Chương trình tại đây đã được TV chuẩn bị sẵn, tới thẳng Nhà tù Sơn La, được cô Dung, cán bộ có thâm niên 25 năm bảo tàng này hiện phụ trách thuyết minh và nghiên cứu, tiếp đón và trực tiếp hướng dẫn đi tham quan, trả lời các thắc mắc.

Mọi người đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt những người có cha đã qua "trại". Một người trong đoàn hỏi tôi "cha cậu qua đây năm nào, ở đây bao lâu". Tôi không trả lời được, thì lại được cô Dung cho biết: từ 41 đến 42, chính xác 1 năm 2 tháng theo hồ sơ chuyển trại. Thực sự bất ngờ vì sự chuyên nghiệp của những người làm bảo tàng ở đây, ghi nhớ chi tiết sử liệu có liên quan dù nhỏ và dùng được ngay khi có cơ hội.

Sau khi thăm nhà tù chúng tôi sang viếng nghĩa trang LS hi sinh tại nhà tù Sơn La. Nghĩa trang tù chết do Pháp lập trông thẳng lên nhà tù, ở một khe đất hẹp bao bọc bởi vòng cung núi mà với kiến thức phong thủy cà cộ của mình chúng tôi đều thấy là rất đẹp.

Tối được cơ sở của TN đưa đi ăn món của người Thái, đoàn ta thanh toán. Sau đó còn được bạn chiêu đãi một tuần trà/cà phê/sinh tố tự chọn. Rồi về đi nghỉ để mai lại lên đường sớm.


Cô Dung (cạnh VTM) đón tiếp và giới thiệu chung về bảo tàng và lịch sử Nhà tù Sơn La.
VinhNQ, Út, được thay mặt đoàn ta viết mấy dòng lưu niệm.
Trước cổng nhà tù.
Từ vọng gác nhìn xuống, mọi người đang bên cây đào Tô Hiệu. Nhà tù bị bom Mỹ phá hỏng.
Hậu duệ tù nhân cùng hậu thế cai quản "nhà tù" lưu niệm.
Nghĩa trang LS hi sinh tại Nhà tù Sơn La.
Hoa ban trắng là như thế này. Hoa ban đỏ là cây hoa bướm?
Thắp hương và chụp ảnh kỷ niệm.
Sau tượng đài là mộ Tô Hiệu và 6 ngôi mộ chung.
Chuyện về những người tù liệt sĩ bên những gốc đào cội và hoa đại già.
Bia ghi danh LS tù nhân, chưa chắc đã đủ. Còn cốt thì chắc chắn không đủ vì nhiều trường hợp chết trong khi lao dịch bị bỏ lại trong rừng.
Lá hoa ban là một món ăn ngon, bất ngờ nhỉ.
Trong khách sạn Công đoàn thời gian này rất nhiều cựu chiến binh chống Pháp, Mỹ đi thăm ĐBP. Đây là các CCB Thái Nguyên, họ đi cả tuần.
Các món ăn của người Thái: từ dưới lên, trái qua: nộm rau gồm rau ban, rau bướm, cỏ lự; thịt lợn hun khói; lòng già lợn hong khói; da trâu+nước măng chua+thịt trâu; còn thiếu thịt lợn băm gói lá dong nướng, canh đuôi bò nấu lá vón vén chua.
KS Công đoàn thật văn minh. Trong các phòng đều có dây mạng sẵn, chỉ cần các chú có máy, cắm vào là xài miễn phí.
Ngày mai sang Điện Biên Phủ chắc gì đã có mạng Internet!
Kết thúc một ngày tốt đẹp. Nhờ lo toan và quan hệ của TV với Bảo tàng. Lại thêm được chút kiến thức ẩm thực người Thái nhờ quan hệ của TN.