KV
Các bác K4 năm nay rủ nhau lên Tây Bắc, vui quá hè. Đi bằng xe nhà là nhất rồi, chủ động, muốn dừng đâu là theo ý mình, nơi nào khách sạn không như ý chạy rốn một tý kiếm nơi khác chuyện nhỏ, bí lắm thì khò tại xe. Muốn theo các bác lắm nhưng gia cảnh không cho phép, đành ở nhà gặm nhấm chút quá khứ của chuyến đi trước, viết mấy dòng gọi là cổ động các bác mong các bác có một chuyến đi vui vẻ và ý nghĩa.
Vâng, tháng 11 năm 2007 em cũng có một vòng Tây Bắc nhưng cũng chưa hết vòng vì oải quá. Mặc dù khi đi em rất háo hức, thú thực em đi cũng nhiều nơi vậy mà chưa hề biết Tây Bắc với Tây Nguyên nhà mình thế nào. Nên khi quĩ có chương trình hỗ trợ các cô giáo vùng cao em chọn Tây Bắc đầu tiên. Em vạch một lộ trình : Hà Nội_Lào Cai_Lai Châu_Điện Biên_Sơn La_Hòa Bình_Hà Nội, đi theo dạng ta ba lô. Xét về tính chất chuyến đi nó cũng khác với lộ trình Bác Thành vì điểm dừng chân của em lại căn cứ vào hồ sơ giáo viên cần hỗ trợ.
Người đi cùng với em là phóng viên ảnh Phùng Anh Tuấn, cháu gọi Sùng Hải K8 là Cậu. Là phóng viên lăn lóc Tây Bắc nhiều mà không rượu, không thuốc làm chuyến đi thiếu khí thế hẳn. Hành trang của hắn là 2 máy ảnh đều loại xịn. Một cái hắn làm ảnh thời sự để lĩnh lương, một cái làm nghệ thuật kiếm thêm trong những chuyến đi. Hắn tâm sự :” Nhà em mấy tàu há mồm loại hàng hiệu cả, trông vào mỗi lương thì toi.” Được cái hai anh em đều cùng chịu khổ được khi cần thiết.
Sau một đêm tàu đến ga Lào Cai, cửa ga đông nghịt người mời chào, xe ôm, taxi, xe đi Sapa…Thấy có xe đi Lai Châu em không ăn sáng nữa mà nhảy lên đi luôn. Chuyện ăn uống tính sau, cốt được việc đã. Xe chạy sớm lên đến Sapa thấy sương mù mờ mờ ảo ảo cũng muốn chụp vài kiểu mà chịu. Qua đèo Ô Qui Hồ thì xe phải dừng vì vướng công trường, thấy lều quán có mấy cái, hai anh em mò xuống xem có gì ăn thì tranh thủ ăn sáng. Lều quán rất tạm bợ hình như nó ăn theo tiến độ mở rộng mặt đường thì phải. Mọi thứ đều gọn nhẹ, có thể di chuyển nhanh bằng xe Misk. Hàng có vài chai nước, chè chén và trứng nướng, cơm lam. Thằng em cũng biết thừa cái cơm lam dọc đường này không chuẩn nhưng cũng phải làm hai ống để chống đói, trứng nướng làm hai quả. Riêng trứng nướng thì được, cảm giác nó thơm hơn luộc. Không biết xuất xứ ở đâu nhưng ở Cao Bằng cũng hay có món này. Nhìn xuống đèo có rất nhiều cơ sở nuôi cá hồi, không biết ở Hà Nội anh em mình thường ăn cá Hồi có phải nguồn ở đây không?
Đích đến là phòng giáo dục huyện Tam Đường, xe đổ đèo lao rầm rầm cũng hãi vì cái xe nó cũ quá (tiêu chuẩn chất lương Lai Châu mà). Tuấn nói vào địa phân Lai Châu rồi, nhưng đến Tam Đường còn mấy chục cây nữa. Qua ngã ba Bình Lư, nhìn nhà cửa bên đường thấy họ đề thị trấn Tam Đường. Thắc mắc, người dân trên xe bảo đây là Tam Đường mới, thế có chết không. Hai thăng vội ới bác tài xin xuống, thật may lỡ quá trớn thì mệt lắm. Đấy! Đi bụi nó dở thế các bác ạ, vất lắm.
Huyện mới Tam Đường còn đang xây, các cơ quan đóng tạm ở khu nhà cấp 4 giữa đồi trọc. Chắc là doanh trại quân đội cũ, gồm nhiều dãy nhà, mỗi phòng ban chuyên môn một dãy. Nữ trưởng phòng GD còn trẻ xấp xỉ 30 cao như người mẫu, em chỉ chê cái tội gọi em là chú. Phải công nhận mấy tay tổ chức huyện, tỉnh nó chọn chuẩn. Trao đổi công việc mươi phút bọn em đi luôn xuống một trường cơ sở là Bản Bo. Phòng cử hai giáo viên trẻ chở xuống, lại ngược dèo rồi rẽ về đường đi Than Uyên cách huyện khoảng 7_8 cây. Cụm trung tâm GD xã Bản Bo có 3 trường Mầm non, cấp 1 và cấp 2. Riêng mầm non và cấp 1 còn các lớp nhỏ ở các bản làng xa nếu đi bộ mất ít nhất nửa ngày. Cô giáo dạy một lúc mấy lớp trong một phòng học, thế mới biết cái hệ thống GD của bác Nhân nhà ta sâu rộng là thế, em không dám bàn đến chất lượng. Khu trung tâm GD (cụm 3 trường học) khá khang trang, toàn nhà xây mái ngói. Tiếp bọn em là hiệu trưởng trường mầm non, tụi em làm việc như “cán bộ trên về”. Nắm bắt tình hình, gặp gỡ cá nhân điển hình sau lại còn chụp ảnh nữa. Xong việc đã thấy mâm cỗ phòng bên không thể từ chối nổi. Đoạn này là em nói thật lòng đấy, hai anh em xác định mình đi làm từ thiện nên thống nhất là không ăn ở đâu cả. Cứ nghĩ đến câu “Bộ xuống thì tỉnh mổ trâu/ Tỉnh lên Bộ hỏi đi đâu đấy mày” là thấy ngượng thay nhưng lúc ấy cũng chả biết tìm chỗ nào mà ăn, toàn non cao núi biếc, đành vậy. Ăn bữa cơm với xã cũng vui, lại cụng ly, lại 100% rồi bao giờ cũng phải có cái đặc sản là bắt tay. Đi các tỉnh phía Bắc em thấy cái món này có bản sắc nhất, các bác đừng cười em nhé.
Về đến huyện, Nữ trưởng phòng mời chiều dự mít tinh nhân ngày 20/11 sau đó dự liên hoan với phòng. Bọn em chối khéo nào ngờ về “khách sạn” mới hay phòng GD đặt liên hoan tại đây. Hai đứa mằn bẹp trong phòng, chờ mãi cái đám liên hoan vẫn Dzô đều. 8h tối vãn vãn mới lẻn xuống gọi cơm ra một góc khuất ăn. Đang ăn nữ trưởng phòng và mấy CB chủ chốt phát hiện được kéo sang trách, phạt làm hai anh em được bữa bắt tay mệt nghỉ. Khổ cậu Tuấn, không biết uống, người cứ lả ra.
Hai đứa lên phòng mãi chả ngủ được, cái quạt kêu sòng sọc cáu tiết lại bật đèn ngồi dậy tán phét. Em lôi chai rượu mang sẵn từ nhà, thằng Tuấn pha ấm trà mỗi thằng một phách, vẫn cụng ly. Nhìn cái phòng “khách sạn” cũng choáng, bàn, ghế, tủ, giường, của tất tật là gỗ pờ mu nhưng đóng thì chẳng ra sao, nghĩ mà tiếc. Mới thấy dân đây giàu mà nghèo.
Ngày đầu Tây Bắc là thế, cũng là lạ. Nghe các bác K4 lần đi cùng các chị nhà, thôi thì chia buồn với các bác trai, rượu suông vậy! Và em xin được kính các chị nhà vui vẻ, để ý nhắc mấy ông anh đừng quá chén.
Thứ Tư, tháng 4 01, 2009
MỘT THOÁNG TÂY BẮC
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Tư, tháng 4 01, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
3 nhận xét:
Hóa ra mình về Mỹ Yên cũng gặp cụm giáo dục 3 trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2. Không nghe KV kể thì làm sao biết được.
Sau lời góp của TTXVH, tá hỏa đi tìm thông tin đường sá. Hóa ra cái đại công trường thủy điện Sơn La rơi vãi đất đá, cầy xới quốc lộ mấy ... tỉnh xung quanh cũng khá là nhiều. Hơi lo một tí.
Nhưng nghĩ lại sau này cảnh đẹp thì nó vẫn đẹp. Khi ấy có muốn xem công trường như bây giờ cũng kiếm đâu ra. Ầy dà, thế thì phải đi thôi.
Tôi cũng vừa đi chuyến Tây Bắc theo kiểu tây balô như KV, nhưng quy trình ngược HN-SLa-ĐB-LChâu-Sapa - LCai. Đi như vậy thì khi kết thúc một đợt đi dài mệt mỏi sẽ được nghỉ ngơi kết thúc ở SAPa hợp lý hơn. Cảnh thì đẹp nhưng xe khách thì quá tệ, toàn xe HN thải ra lên đó tất.
TQ đã dứt khoát như vậy là rất hay vì khg nhanh khi thủy điện SLa hoàn thành là nhiều cảnh đẹp đã nằm dưới lòng hồ rồi, vẫn nhắc lại với TQ khi lên ĐBiên nếu cần thổ dân dẫn khám phá những điểm mới (nếu đã chán những cái điểm cũ) thì gọi tay phóng viên đài ĐBiên là Linh Phong ĐT: 0912579546. Tay phóng viên này cũng rất hay và tôi nghe nói bọn nó đang chuẩn bị một chương trình về Tướng Giáp để phục vụ 7/5.
TTXVH
Cảnh báo: Một đoạn khoảng 4-5km ở Phong Thổ cũng cực tệ, nếu dính mưa thì kể cả xe bán tải của TQ cũng toi.
TTXVH
Đăng nhận xét