Trung Liêm
Đến với những khu đô thị mới luôn cảm nhận sự hiện đại, sạch sẽ và an ninh. Nhưng luôn thấy thiếu thiếu một cái gì đó.
Ở đó, không có một quán nước chè lụp xụp, mọi người bình đẳng, tự động xích chỗ nhường cho kẻ đến sau một chỗ ngồi chen chúc, chật hẹp trong những buổi sáng giá lạnh, và xuýt xoa uống từng ngụm trà nóng hổi, ồn ào bàn tán bình luận trận bóng tối qua. (Ảnh: tranh Bùi Xuân Phái)
Cũng không thể có một quán phở lại bé hơn thế, chiều dài chỉ khoảng 2-3m, chiều rộng chỉ kê được vài chiếc bàn nhỏ đủ cho hai người ngồi chật. Bà chủ quán béo ục ịch luôn càm ràm đủ chuyện và nồi nước phở chiếm gần hết lối đi. Nhưng với tô phở nóng hổi của bà thì ngon thiệt là ngon.
Nếu buồn, rỗi ngồi ở quán góc hẻm vừa cắt tóc , vừa nghe ông thợ khua môi, múa mép cùng tiếng lách cách của chiếc kéo, thôi thì đủ thứ chuyện: Từ chuyện chiến tranh Iraq đến thằng Tư xích lô trúng con đề thắng vài trăm ngàn, đến thằng con út nhà bà bún chả vừa đi bộ đội về trông chững chạc lắm.
Chỉ một khoảng trống nho nhỏ – có một cây bàng luôn tỏa bóng mát vào mùa hè. Buổi sáng ngày nào cũng như ngày nào, dưới gốc cây, hai ông già râu tóc bạc trắng điềm tĩnh chơi cờ bên ấm trà. Có lúc bọn trẻ bu quanh “cờ ngoài bài trong” ầm ĩ. Mấy hôm nay chỉ còn chiếc ghế đá vắng lặng, vương mấy lá bàng vàng úa. Nghe nói một cụ vừa đi xa…
Một căn nhà cũ kỹ, mái nó còn cũ kỹ hơn bởi vì trên nó phủ một lớp rêu dày. Giữa những lớp rêu dày mọc xen kẽ những bụi cây nhỏ dại nở hoa bé li ti. Lớp rêu đó cũng biết biểu cảm màu sắc, chúng biến đổi “trạng thái” khác nhau: lung linh từ lúc bình minh đến tím thẫm lúc hoàng hôn về. Rực rỡ vào xuân hè, xám bạc xấu xí về mùa đông…
Quán cafe đã tồn tại cả nửa thế kỷ nay. Đến bây giờ nó vẫn cũ kĩ như xưa dù rất nổi tiếng. Nó nổi tiếng bởi quán là nơi lui tới của giới họa sĩ gian khó của thời bao cấp – Trên tường đầy tranh của các họa sĩ nổi tiếng của Việt nam. Bức thì do “cắm nơ”ï, bức thì tặng cho chủ nhân. Một gia tài khổng lồ trên nền tường loang lổ, xám xịt.
Đi xa lại càng nhớ da diết mùi khói xe lẫn mùi thức ăn đường phố hòa quện. Nhớ những đêm mưa rả rích, tiếng rao mì gõ càng làm ta ấm lòng….
Hình như những thứ vớ vẩn ấy đã ăn sâu vào máu và tâm hồn mình mà ta khó diễn tả được , chỉ có thể cảm nhận mà thôi. Phải chăng đó là HỒN PHỐ?
Thứ Sáu, tháng 12 11, 2009
HỒN PHỐ
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Sáu, tháng 12 11, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
8 nhận xét:
TL thật là có một tâm hồn quá nhạy cảm trước sự biến đổi chóng mặt của thời đại với đặc trưng là những khu phố mới ,hiện đại biểu hiện của sự phát triển. Nhưng trong tâm tưởng của chúng ta , những kỉ niệm xưa cũ vẫn luôn tồn tại và nó mãi là những kí ức không quên.Hà Nội vẫn còn những nơi như TL nói, tôi vẫn hi vọng rằng nó còn tồn tại lâu dài theo năm tháng, để chúng ta còn có cái để nhớ để thương và cảm hoài.
TL trong kí ức của tôi là một ông bạn hiền lành ,tóc loăn xoan và có nụ cười rất ngây thơ.Trong một buổi họp, anh ta đã vẽ lên tay tôi một cái đầu con gái mà tôi thấy thật tài hoa. Điều không nghĩ đến là anh ấy lại thật đa tài và cũng thật hào hoa. Đó mới thật là một lãng tử.
vậy là bây giờ các TP không còn "hồn" rồi.
"Hết hồn" hay "mất hồn" đây?
HMK6
Hết hồn hay mất hồn thì có gọi hồn được không nhỉ ?
Đọc kỹ thì hình như TL có hồn phố nhưng lại nhớ đường. Những nồi phở chiếm gần hết bề ngang với bát phở nóng, những quán cà phê tường loang lổ xám xịt,... là những "đặc sản" đang mất dần đi của phố Hà Nội. Còn mùi khói xe lẫn thức ăn với tiếng mì gõ trong đêm lại đặc trưng của đường SG.
Chắc khi ở đường thấy mình có hồn phố, khi về phố lại thấy nhớ đường. Kiểu như bên ta bên địch gì đấy.
- Quý nhẽo: Về nguyên tắc "gọi hồn" thì được nhưng "giữ lại" thì không vì bây giờ mọi cái đã quá khác xưa.
TM
Hồn phố văn xuôi hay lắm. Bác tài làm tới đi cho anh em một bức hồn phố mực tàu hay chì màu hay dầu dầu gì đó càng hay...
Hẹn gặp TL nhé giữa SG!
Cạnh nhà TL có quán Phở Hòa, nghe nói là có thời nổi tiếng lắm nhưng giờ chắc chỉ còn giữ được thương hiệu cũ thôi chứ chất lượng thì kém xa mấy quán phở vỉa hè.
Quán Phú Hòa chỉ bán đá cây thôi. Iem chã!
Đăng nhận xét