Diễn đàn thư CNTT của tôi người ta cũng lưu truyền "bức thư cảm động từ Nhật Bản". Mọi thứ đều được nói tới. Nội dung thư, sự lan truyền nó trên các phương tiện, nhìn nhận gì từ đó.
Có thể là nhảm nhí nếu đăng lại hết những lời đã trao đổi ở đó vào đây. Có lẽ tôi sẽ trích cho mọi người xem chơi. (Bấm vào tiêu đề để xem nếu có hứng thú)
Đọc câu chuyện cảm động anh gửi cho diễn đàn tôi thấy nước Nhật, nhân dân Nhật Bản đã đạt được một trình độ văn minh xa vời vợi ...
Trân trọng. LVL, itb.com.vn
-------------------------
Những năm 1960 ý thức cộng đồng của người Việt Nam cũng được như thế.
Đáng tiếc là càng ngày càng tệ đi mà chưa thấy lối ra.
Trân trọng. HXH, ĐHQG
-------------------------
Tôi cũng có các bạn Nhật và đã từng làm việc với người Nhật. Tôi rất thông cảm và đau cùng với những người dân Nhật trong những ngày này với tình yêu nhân quần nói chung.
Tuy nhiên, phải nói thật, tôi không thích Nhật bản như một dân tộc, quốc gia. Nói bây giờ có lẽ không phải lúc, nhưng tôi không thấy Nhật Bản có một trình độ văn minh gì vời vợi. Tôi chưa bao giờ tôn trọng Nhật Bản chỉ vì giàu, giỏi về khoa học công nghệ,... Tinh thần võ sĩ đạo, không chiến với Mỹ ở Thái Bình Dương, Trân châu cảng, tôi thấy là một sự cuồng tín man rợ. Việc bắt dân ta nhổ lúa trồng đay dẫn đến nạn đói 45 hơn 3 triệu người chết, mà đến nay vẫn không chịu có một lời xin lỗi chính thức (tất nhiên khuyết điểm cũng ở ta không kiên quyết như người Trung quốc nữa), thể hiện một loại văn minh lùn. Những chuyện lính Nhật mổ bụng, chém người ăn mày ngoài chợ,... tôi chẳng thấy gì là văn minh.
Nếu bây giờ họ quả thật đã văn minh, tôi nghĩ chúng ta vẫn có cơ hội văn minh, nếu có quyết tâm. Chẳng có gì là xa vời vợi. NAV, ĐHQG
---------------------------------
Tôi đã lý giải, ở một chỗ khác nay xin phát biểu lại ở đây, tinh thần đáng khâm phục của người Nhật Bản trước tai họa thiên nhiên là họ bộc lộ phẩm chất để vượt qua thảm họa khi nhận thức rõ rằng không còn cách nào khác.
Người VN ta cũng đã từng bộc lộ những phẩm chất như thế ở các cuộc KC giữ nước. Các cuộc KC còn có thể trốn tránh chứ thiên tai chỉ có đành chấp nhận. Vậy mà chúng ta còn chấp nhận hi sinh gian khổ trong hàng chục năm với hàng chục triệu người.
Nói như vậy không nhằm hạ thấp người Nhật, mà để đừng vì lớp váng bẩn vẫn thấy hàng ngày trong xã hội mà quên đi người VN ta đã từng hi sinh và cộng đồng trong điều kiện còn khắc nghiệt hơn thế.
Phẩm chất là phải trau dồi nuôi dưỡng. Khâm phục người Nhật lúc này cũng là một cách trau dồi thêm cho phẩm chất đã từng được thể hiện của người VN ta. Tôi tin trong những lúc hiểm nghèo thì nhân dân VN ta không thua kém họ. NHT, VAIP
--------------------------------
Câu chuyện này đã lan truyền rất nhanh trên mạng. Điều đáng tiếc về mặt đạo đức của một số người Việt Nam ở một số báo điện tử chính thống khi trích dẫn câu chuyện này là họ đã làm như tác giả viết ra câu chuyện này để gửi riêng cho báo của mình. Đi đầu trong phong trào này là Dân Trí với bài viết đi kèm lời giới thiệu:
"Dưới đây là bài viết cảm động một độc giả đã gửi báo Dân trí về cách ứng xử tuyệt vời trong cơn hoạn nạn ở Nhật của một cậu bé mới 9 tuổi." và bài này đã được cắt xén để cái "tôi" trong đó có vẻ là của chính "độc giả" đã gửi bài báo. Cuối bài cũng có "van bảo hiểm" là "Bài viết gửi từ địa chỉ lemac@yahoo.com". Tôi không rõ tác giả lemac@yahoo.com đã viết gì trong email gửi báo Dân Trí (tôi có cc email này cho lemac@yahoo.com), nhưng việc điều tra xem bài viết đó được viết trong hoàn cảnh nào, viết cho ai, và ai thực sự là tác giả của bài viết đó là điều mà nhà xuất bản nào cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu trước khi công bố. Nhưng dường như sự mập mờ về bản quyền này đã là thói xấu phổ biến đến mức trở thành thông lệ rồi. VML
-------------------------------
Nhìn vào người Nhật những ngày này, thật đáng trân trọng nhiều thứ trong nhân cách của họ nhưng chúng ta cũng không nên cường điệu mọi thứ vượt qua cả hiện thực, thậm chí hiện thực phũ phàng.
Trân trọng, NTH
-------------------------------
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ 1954-1973, cả thế giới đã kính phục Việt Nam, đặc biệt là người miền Bắc trong cuộc chiến tranh với không quân Mỹ. Hồi đó cả thế giới đã đứng về VN, kính phục VN cũng giống như hiện nay cả thế giới đang vô cùng kính phục nhân dân Nhật bản.
Trong các tài liệu hồi ký của chính người Mỹ đã viết về kỷ luật thép của người VN trong cuộc chiến tranh đó. Hình ảnh chiến sĩ, dân quân, TNXP tươi cười bên cạnh hố bom, bình tĩnh huớng dẫn xe đi qua khu vực bom đạn làm rung động trái tim của bao nhiêu người.
Chỉ tiếc rằng sau khi hòa bình VN đã không giữ được niềm kính phục đó và dần dần để mất hết.
Nguyên nhân vì sao chắc mọi người đều đã tự có câu trả lời. BVH, School.Net
------------------------------
Tôi thấy người Nhật rất đáng trân trọng và hơn lúc nào hết lúc này không phải là thời điểm để xúc phạm họ mà là lúc để xem lại mình.
Nếu Nhật ký của những người lính trong thời KC còn giữ được thì ít nhất 50% có nội dung suy nghĩ cũng tương tự Đặng Thùy Trâm tuy diễn đạt không hay được như Nguyễn Văn Thạc.
Thời ném bom phá hoại, nếu không được những người nông dân đùm bọc, chia sẽ thì lam sao dân thành thị đi sơ tán sống được và số đông học hành thành đạt như bây giờ?
Trước nây, nền văn hóa làng xã nước ta tạo cho mỗi người có ý thức cộng đồng rất cao. Tuần lễ vàng năm 1945 biết bao nhiêu người hiến tài sản cho quốc gia. Nếu quan chức bây giờ chỉ cần hiến 1/3 tài sản cho hà nước thì lạm phát sẽ hết và nợ nào cũng trả được.
Bao năm qua, phải chăng cái thực tế của cơ chế "khôn thì sống, bôn thì chết " và "thật thà thẳng thắn thường thua thiệt, lật lèo lếu láo lại leo lên" đã làm tha hóa con người như bây giờ?
Có lẽ đã đến lúc những ngừơi có trách nhiệm phải nghiêm túc lý giải để tìm lối ra. HXH, ĐHQG
-------------------------------
Tôi ủng hộ và ngưỡng mộ người Nhật như những gì đọc và nghe được. Lớp tôi học ở MIT có 10 bạn Nhật, cả lớp chúng tôi, nhất là các bạn Mỹ, rất xúc động về thảm họa vừa rồi và bày tỏ sự cảm thông với các bạn Nhật.
Và khi người Việt đôn đáo quyên góp giúp người Nhật, lại chạnh lòng nghĩ đến nước mình, người mình. Cơn lũ lịch sử Miền Trung cũng chỉ vừa mới đây thôi.
Người Việt ta thật vị tha, đặc biệt đối với kẻ thù cũ của mình. Người Việt ta có lẽ nổi tiếng thế giới về điều này. Pháp, Nhật, Mỹ, Hàn... Ngay nước Úc cũng không mấy ai biết, từng đưa đến 4 ngàn quân sang đánh thuê cho Mỹ ở Miền Nam Việt Nam.
Hôm nay xin không nói về người Nhật.
Thử xem chuyện người Hàn. Quân Nam Hàn trong cuộc chiến tranh Việt Nam là đội quân tàn ác nhất đối với người Việt Nam. Điều này người Miền Nam xưa rất rõ. Tôi có sống mấy năm ở vùng mà tội ác của quân đội Nam Hàn nghe nói là tàn khốc nhất - Khánh Hòa.
Nay Việt - Hàn đã nồng ấm, đầu tư nhộn nhịp, văn hóa giao hòa... ai nhớ lại tội ác của quân Nam Hàn làm gì?...
Ấy vậy mà hóa ra, người bỏ công sức nghiên cứu về tội ác của quân đội Nam Hàn tại Việt Nam là một cô sinh viên Hàn Quốc, không phải người Việt Nam. Chuyện này xảy ra cách đây khoảng 10 năm, và nó cũng bị lãng quên.
Rộng lượng khoan dung với kẻ thù cũ. Thật tuyệt vời.
Người Việt đối xử với người Việt như thế nào. Văn minh vời vợi là ở chỗ này chăng?
Về vấn đề này, các anh chị rảnh tìm đọc cuốn "Cho đất nước đi lên" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Gập cuốn sách rất sâu sắc lại, tôi chỉ còn nhớ lời: "Đừng bao giờ đeo đuổi hành hạ người mình".
Chúc mọi người một weekend bình yên. TLSon, VietSoftware
-------------------------------
Tôi có ghé qua Blog của anh Nguyễn Đình Đăng. Thấy có mấy cháu xúc động đến mức .... xấu hổ vì là người Việt Nam (???!!!). Đúng là cách học tập nước ngoài thế này đã quá xa. Người Việt Nam ta hay quên như anh Sơn nói. Quên thù hận là tổt, nhưng quên ơn nghĩa của cha anh là thiếu liêm sỉ. Tôi nghĩ đây là vấn đề có tính trước mắt, mà giáo dục của ta hình như nặng về dạy chính trị, chung chung mà trệch hướng, chứ không phải là do nước Nhật vĩ đại mà ta nhỏ bé.
Thực ra, vấn đề kỷ luật của đám đông phụ thuộc vào hai yếu tố, nhưng là mức độ so sánh của yếu tố bên ngoài (như mức độ của thảm họa) và yếu tố cá nhân. Nếu yếu tố cá nhân lớn, mức độ của
thảm họa nhẹ nhàng, tính vô kỷ luật sẽ cao. Những người Âu đi thám hiểm Nam Cực hay tìm vàng ở Alaska đều có kỷ luật cao, cho dù họ vốn là những tay anh chị, nhưng khi họ quá nhỏ nhoi trước thiên nhiên, kỷ luật sẽ được thiết lập ngay. Đạo đức khi đó chính là kỷ luật. Nếu các chị các anh nào đọc cuốn Social Animal của Eliot Aronson sẽ hiểu được ngay hiệu ứng này. Tính kỷ luật của châu Âu vẫn cao hơn châu Á ta do trải qua công nghiệp hóa. Nhật có được tinh thần kỷ luật
phần lớn là do canh tân đất nước, võ sĩ đạo chỉ là cái mồi ban đầu, bây giờ chẳng có ý nghĩa gì. Con đường đi đến được một xã hội canh tân như ngày nay. Nhật cũng trải qua những giai đoạn man rợ. Tôi trộm nghĩ xã hội Nhật tuy có nhiều điểm sáng đáng học tập vẫn có những băng đảng đen, như bất cứ xã hội nào khác.
Chuyện cậu bé 9 tuổi của Nhật có vẻ đáng kinh ngạc đối với một số người, tôi không thấy gì lạ.
Có lẽ cậu út nhà tôi cũng làm thế và các bạn của cậu ta ở Mỹ, ở Việt Nam có lẽ cũng làm thế. Các cháu này bình thường có vẻ cố chấp, máy móc, gàn dở vì rất ghét "đi tắt đón đầu". Vấn đề là xã hội có tôn vinh các cái giá trị "gàn dở" đó hay không.
Chúng ta hay nhớ lại thời chiến tranh với những hình ảnh oai hùng như cắm cở trên dinh Độc lập, phá thủy lôi Mỹ, xẻ dọc Trường Sơn,... Tôi có một vài kỷ niệm trực tiếp với chiến tranh, chuyện cũng bình thường và rất phổ biến, nhưng không sao quên được, tình người vĩ đại còn hơn câu chuyện ở Nhật nhiều. Tự nhiên thấy buồn vì tính chóng quên của chúng ta. Hôm nay xin kể với các chị các anh:
Hồi đó, tôi mới 12 tuổi, học lớp 6 trong một nhà chùa ở một làng nhỏ ven bãi sông Hồng, đẹp
như trong tranh. Hồi đó để tránh thương vong, các lớp đều phân tán xa nhau. Một buổi sáng, đang giờ dạy Văn thì có tiếng rít của máy bay, chúng tôi chạy ra hầm như bình thường. Tôi nghe tiếng bom rít rất ghê chỉ kịp nhảy xuống một hố rác, úp mặt xuống. Tiếng nổ và sức ép chát chúa, như muốn bóp nghẹt tim phổi. Mùi khói bom khét lẹt xộc vào đắng cổ họng. Tôi chỉ nghe tiếng lào xào "Chạy đi không chết". Tôi ngửng đầu lên thì lớp học và cả ngôi chùa đã bay mất. Lớp tôi bị trúng một loạt 5 quả bom 250kg, cách tôi chưa tới 10m. Xung quanh là lửa cháy như trong hỏa diệm sơn. Tiếng nổ của tre nứa cháy lẫn với tiếng bom bi. Cách bỏ bom sát thương của Mỹ tính toán rất khoa học, bom nổ bao giờ cũng kèm theo một loạt bom bi. Các bạn tôi còn sống sót chạy ra bị bom bị đều phải dạt vào. Chúng tôi gom được hơn 10 đứa, cùng thầy giáo chủ nhiệm ngồi dưới một lũy đất để tránh lửa và bom bi. Nguy hiểm hơn là chúng tôi ở bên cạnh một dãy xe chở tên lửa của bộ đội phòng không đang cháy rừng rực và có thể nổ bất cứ lúc nào. Khi đó tôi thấy cậu Toàn cùng lớp, quần áo tả tơi chạy vào mếu máo gọi "Thầy ơi, ra cứu anh bộ đội". Khi đó có một anh bộ đội vượt vòng vây bom bi vào cứu chúng tôi bị trúng bom bi nát hết cả tứ chi. Thế rồi thầy tôi và Toàn vượt bãi bom ra đưa anh bộ đội vào, dù bom bi nổ liên tiếp xung quanh. Toàn vừa khóc vừa kêu rất lớn "Ai cứu chúng tôi không". Cũng phải đến 1 giờ sau, dân quân xã mới mở được đường an toàn đưa chúng tôi ra, một cách rất kỷ luật và nhường nhịn nhau và theo sự điều khiển của Toàn và thầy tôi. Trận đó lớp tôi thương vong khá nhiều.
Chuyện này có lẽ không có gì đặc biệt. Nhưng tôi nhớ tới 3 người: anh bộ đội, Toàn và thầy tôi. (Xin nói thêm thầy tôi tên là Thành, cha đẻ của ca sĩ Thanh Huyền). Tình người, đến mức kỷ luật của họ thật vĩ đại. Họ xứng đáng có một đất nước vĩ đại. Lý do để chúng ta không có một đất nước vĩ đại sau gần nửa thế kỷ ắt hẳn cũng phải từ một sức mạnh khác vô cùng ghê gớm. NAV, ĐHQG
Thứ Bảy, tháng 3 19, 2011
Nhìn sang nước Nhật, vươn lên hay hạ xuống
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Bảy, tháng 3 19, 2011
Nhãn: Cuộc sống và suy ngẫm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
TQ sưu tầm được những ý kiến vừa rồi sau khi toàn dân đọc được các bài viết về nước Nhật là quá hay.
Các tác giả nối về nhân cách Việt rất đúng, chỉ tiếc là đến ngày nay nó mai một đi quá nhiều rồi.
Đăng nhận xét