Chúng tôi dừng xe tạm nghỉ tại một quán bia ven đường, thứ đồ uống biểu trưng của dân đô thị đã xâm nhập về vùng quê hẻo lánh này. Nói là hẻo lánh chứ thực ra đã là một khu thị tứ khá đông đúc, quán bia mặt tiền rộng và sâu hun hút vì đất đai thì vô tư. Chúng tôi gọi bốn cốc bia nhắm với lạc luộc, nghe chừng lạc là đặc sản của vùng đất này nên thấy thúng lạc đầy có ngọn, bia thì chắc chắn là sản phẩm của nền kinh tế địa phương, tôi và Mạnh Dũng đều có chung nhận định là không hợp vì đã quen bia hơi Hà Nội, bia này có vị mốc và không thơm nhưng Hoà Thượng thì cho rằng ngon đấy chứ, cái vị mốc đó là vị hoa hupblông, cha này sành ăn chắc nó nói không trật, có điều cố lắm cũng chỉ hết một vại là chán, ông Việt Thắng làm hết cốc thì mặt mũi thành Quan Công, lên xe làm một giấc khoẻ người.
Khi bắt đầu gặp những ruộng mía bạt ngàn thì tin chắc đã đến địa phận nhà máy đường Lam sơn, vậy mà mải vui dưới sự chỉ đạo đường đi của ông M.Dũng thì đã đi quá đến hơn chục cây số, vài lần hỏi thì rẽ đúng vào nhà máy đường, vào thăm nhà ông bạn chung của mấy bố học Tổng hợp, nhà bạn đang xây dựng dở dang vả lại cũng đã đến giờ cơm trưa nên tất cả kéo nhau ra quán. Nói vậy chứ vùng này cũng có vài đặc sản, bữa cơm thân mật diễn ra dưới cái nóng oi bức vì điện đóm lúc lên lúc xuống, mới thấy hạnh phúc cho dân đô thị lớn, tuy đôi lúc mất điện không báo trước nhưng còn tốt chán so với các vùng xa như thế này, đồ điện tử không khéo bán xô cho mấy chú mua "đồ điện bán tất đê" vẫn rao khắp hang cùng ngõ hẻm. Bữa cơm uống với rượu nếp đặc sản Thanh Hoá, thấy giới thiệu vậy. Ấn tượng nhất đối với tôi là món chim quay, những chú chim bé tẹo bằng đầu ngón tay cái được rán vàng, nó độc đáo ở chỗ lòai chim này chỉ sống ở những cánh đồng mía, bắt sâu bọ và rút mật từ cây mía bằng chiếc mỏ tý xíu mà sống nên thịt thơm ngon, tôi thì cho nó là con chim sâu bình thường, chỉ có điều nó sống thành bầy ở vùng mía này mà thôi. Món thứ hai cũng độc đáo vì thấy giới thiệu là món thịt lửng hầm lá lốt, con lửng chắc là một loại họ heo nuôi ở vùng người Mường, miếng thịt lửng hầm chỉ có thịt và da, không có mỡ, da thì dày nghe nói ăn sần sật rất ngon, tôi bó tay vì đau răng, tiếc vì không thực sự cảm nhận được vị ngon của nó. Món nữa cũng đặc sản là dê rang muối, lâu nay thường ăn tái dê, dê xào ớt tỏi chứ chưa nghe nói đến dê rang muối, thực ra có tuổi nên ăn nhạt, nghe nói đến muối thì oải nên xơi sang món đặc sản khác là món "rau tóc tiên". Chỉ nghe nói đến cây lạc tiên, ngọn nó luộc ăn cũng ngon, đây lại là ngọn tóc tiên, chả biết cây tóc tiên là cây gì, ăn cũng được, có vị ngăm ngăm nhưng không có ấn tượng gì. Rau muống, thịt gà, chấm hết. Như vậy là đi xa cũng hiểu biết thêm vài món độc đáo, hy vọng bạn bè cũng có dịp ghé Lam sơn thưởng thức các món này.
Qúa trưa thì vào đến khu di tích Lam kinh, đỗ xe gần một khu đền miếu cắm cờ xí hoành tráng, có bảng đề khu di tích Lam kinh đàng hoàng bèn bảo nhau gửi xe, mua hương vào vái các cụ, cái cổng tam quan nghe như còn mới nhưng khu miếu mạo cũng khá cổ kính. Mỗi người một bó nhang vào cắm rồi tuỳ tâm mà khấn. Tôi thắp vài nén hương cắm lên ban thờ còn khá sơ sài bên dưới bức tượng sơn son thếp vàng của vua Lê Lợi và cả Nguyễn Trãi, thành tâm khấn vái xin các cụ ban cho sự bằng an, ngó sang bên cạnh thấy các bạn cũng đang lẩm bẩm, chắc cũng đang cầu xin gì đó nhưng chắc không ông nào cầu lên chức thủ tướng, về và sắp về vườn cả rồi, đèo bòng chi cho mệt lại mang tiếng quan nhất thời dân vạn đại, cơ mà trong bụng mình lại nghĩ, nếu cầu xin mà được các cụ chấp nhận thì tội gì không cầu, đỡ mất tiền mua quan bán chức để mấy thằng em nó kèn cựa, hí hí.
Vái xong ra ngoài được mấy ông thủ đền nhiệt tình giới thiệu, đền được nhân dân xây nên để thờ cúng vua Lê đã từ lâu đời, tương truyền rằng mộ vua được bí mật táng đâu đó trong khuôn viên đền và cái ao lớn trước mặt, tin sái cổ nhưng cũng có tý thất vọng vì khu di tích gì bé tẹo. Hoá ra không phải, kéo nhau đi quá lên vài chục mét mới bắt đầu hiện ra một khu di tích hoành tráng, đường xá rộng rãi, nhà của to lớn, hoá ra đây mới là khu di tích chính, được nhà nước công nhận và bảo trợ, bên chúng tôi vừa vào là của dân chúng địa phương, ôi cái thời kinh tế thị trường lắm thành phần tham gia kinh doanh, nhà nước và nhân dân cạnh tranh kịch liệt, pó tay!
Chúng tôi vào khu nhà rộng lớn đề là nhà bảo tàng khu di tích, ở đây có mô hình toàn bộ khu di tích, vị trí lăng mộ các vua, nhà thái miếu, cầu đá qua sông, di tích thành luỹ, giếng Ngọc, Ngọ môn, Sân chầu, di tích cung điện, nhà thái miếu, khu lăng mộ và bia Vĩnh lăng v..v.. Ra thế, thật là cũng bõ công vượt hàng trăm cây số để được chiêm ngưỡng nơi phát tích của nhà Lê.(còn tiếp)
Thứ Tư, tháng 6 09, 2010
Lam kinh "phượt" ký (tiếp)
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Tư, tháng 6 09, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Có anh q.trung thuyết minh trên từng cây số, quá tốt.
Không phải là món "lửng". "Ông chủ Thỏa", tôi gọi anh bạn cùng học ĐH như thế, vào quán hỏi "có lòi không?", ý hỏi có thịt lợn lòi, lợn rừng không đấy. Anh ta còn nói nhiều khi có cả nai,... Còn cái con cầy mũi dài có sọc dưa trên lưng thì ngay ngoài sân có cái chuồng nhốt một con, muốn ăn xong ngay. Tuy nhiên tôi "thiền" rồi, không ham thịt thú rừng. "Lòi" với chim mía dọn lên là do ông bạn cố mời một món đặc sản nào đó thôi.
Đám này ăn chim sướng nhỉ, cái loại chim Trt kể là chim ri mía,có màu lông gần giống chim sẻ,tuy nhỏ con nhưng thịt chắc nịch,người ta hay dùng bẫy lưới để bắt. Hồi còn nhỏ tôi thấy khá nhiều, song gần đây chẳng thấy con mô? các ông may chán đấy.
DS
Đăng nhận xét