Thứ Sáu, tháng 6 11, 2010

Truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Hoàng Kim Giao

(Về một cử nhân Vật lý ĐHTH Hà Nội)

QĐND - Thứ Sáu, 28/05/2010, 17:15 (GMT+7)

Sáng 28-5, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức trọng thể Lễ truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho liệt sỹ Thiếu uý Hoàng Kim Giao. Dự lễ có cán bộ, chiến sỹ của Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, đại diện thân nhân gia đình đình liệt sỹ và các cựu chiến binh trước đây đã từng chiến đấu, công tác với liệt sỹ Hoàng Kim Giao.
Thay mặt cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, Đại tá Phạm Trọng Hiền, Chính ủy Viện Điện tử-Viễn thông (đơn vị của liệt sỹ Hoàng Kim Giao công tác) đã nêu bật những thành tích, chiến công xuất sắc và đức hy sinh quên mình vì đồng đội của liệt sỹ Hoàng Kim Giao trong cuộc đối đầu với các loại bom thế hệ mới của đế quốc Mỹ. Không quản ngại gian khổ, với trách nhiệm của một nhà khoa học, Thiếu úy Hoàng Kim Giao đã trực tiếp phá 32 quả bom nổ chậm, tháo ngòi nổ của 40 quả bom từ trường phục vụ công tác nghiên cứu. Ngoài ra, để giúp quân và dân ta đối phó có hiệu quả với bom đạn “thông minh” của đế quốc Mỹ, anh và các đồng đội còn có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu tháo và thu đầu nổ MK-42 của bom từ trường MK36, lập bảng tính khung dây cung cấp cho các đơn vị, viết tài liệu về bom chống tăng MK20, bom vướng nổ hình cầu, góp phần xứng đáng vào chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Thiếu uý Hoàng Kim Giao đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt I năm 1996 về đóng góp giải pháp khoa học công nghệ vào công trình phá thuỷ lôi từ tính, bom từ trường bảo đảm giao thông giai đoạn 1967-1972 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.


Ghi chú: Hoàng Kim Giao (sinh 1941) học ĐHTH Hà Nội trước k14 có lẽ tới 10 khoá? Khi quay trở lại trường trong một việc gì đó thì thầy Nguyễn Hữu Chí, khi biết tôi về công tác tại Viện Kỹ thuật Quân sự, có nói về Hoàng Kim Giao như một tấm gương học tập rất tốt ở trường. Khi đó thầy biết HKG đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, 1968.
Xem thêm Truyền thống trường ĐHTH Hà Nội

Không có nhận xét nào: