Thời đại @ con người ta có thêm một cách diễn đạt bản thân mình, là qua ngón tay gõ phím. Nghĩ được như thế thì ai cũng có thể thấy thật cần phải gõ ngon lành thành thạo. Ấy thế mà thật ít người và cơ sở đào tạo coi trọng việc gõ phím 10 ngón. Bọn trẻ có thể chat rất nhanh với ngón tay mổ cò, mắt dán vào bàn phím. Nhìn cũng biết sai, hỏng.
Phân thân vốn là một phép thuật rất thú vị trong các loại chuyện thần tiên. Nếu gõ phím thành thạo tới mức như nhân viên bưu điện gõ telex thủa nào thì có gì khác với phép phân thân: mắt nhìn bản điện, tay gõ rào rào như tiếng mưa rơi, miệng nói chuyện dưa cà mắm muối với đồng nghiệp ngồi máy bên, thỉnh thoảng còn cùng nhau cười rú lên nữa.
Đọc đến đây liệu các anh có nghĩ "gớm nói cứ như thật, làm có được không?" Thật thì là cái chắc, ít ra các cô nhân viên bưu điện thì đúng là vậy. Còn tôi? Cũng gần như thế. Mấy cô nhân viên trong cơ quan đã qua tập đánh máy 10 ngón còn phải nể. Ngoài việc tôi đánh chữ nhanh, không nhìn màn hình trừ khi liếc qua kiểm tra mỗi khi thấy có thể sai thì còn đánh phím kêu khẽ. Những kỹ năng ấy tôi không hi vọng các anh bây giờ có thể luyện được, nhiều tuổi rồi. Nhưng dù sao cũng nên tập.
Nói thêm, thời vào tiếp quản trong SG không có việc gì làm tôi đã tập gõ máy chữ một cách nghiêm chỉnh. Mà gõ máy chữ thì rất khác gõ bàn phím máy tính. Vừa nặng vừa phải nhấn sâu mới "vật" được con chữ đập vào rulo phía trước. Sau này khi ra dân sự, có lúc tôi đã phải giúp văn thư gõ tài liệu, thậm chí gõ giấy nến để in rônêo, không có băng mực vì thế không kiểm tra được gõ đúng hay sai.
Đầu tiên cần phải biết về bàn phím. Nói chung mỗi quốc gia đều có một bố trí các con chữ trên bàn phím theo cách riêng phù hợp với ngôn ngữ của mình. Riêng Việt Nam ta thì không có(!), dù vấn đề đã từng được đặt ra. Cái này cũng là một biểu hiện tính dễ tương hợp của người Việt (hay là tùy tiện bất cần?)
Bàn phím thông dụng của ta được gọi là bàn phím kiểu Anh(Mỹ), còn gọi là QWERTY theo bố trí phía trái hàng phím trên cùng. Bàn phím tiếng Pháp là AZERTY, vì bố trí của nó thế. Tại sao lại có sự bố trí khác nhau như vậy? Là vì người ta phân bố những chữ có tần suất lớn vào các vị trí dễ gõ, dành riêng, phù hợp với "năng lực" của các ngón khác nhau. Ngoài phía trái hàng chữ trên cùng còn có nhiều chữ bố trí khác, nhưng người ta lấy cái góc ấy để phân biệt Anh Pháp. Sưu tầm thêm bàn phím Hung: QWERTZ.
Người Việt ta dùng luôn bàn phím Anh(Mỹ) đơn giản là vì nó sẵn, thứ hai là vì không kịp nghĩ làm bàn phím riêng thì người ta đã có cách sử dụng cái có sẵn nên... cho qua luôn, khắc phục bằng cách bê nguyên luật gõ telex điện cơ sang. Việc thể hiện trên màn hình như thế nào đã có phần mềm làm nốt.
Biết về bàn phím rồi thì cần biết thêm thao tác cơ bản:
Đặt ngón: bốn ngón của mỗi bàn tay đều được đặt ở hàng giữa mà ngón trỏ trái đặt vào chữ F, ngón trỏ phải đặt vào chữ J. Hai chữ ấy có hai nốt nhựa lồi để chỉ cần sờ là biết đặt tay có đúng không. Từ hai ngón chuẩn đó dãn ra hai bên sát nhau là vị trí của các ngón còn lại, trừ ngón cái để gõ thanh dài (Space Bar). (Ảnh lấy từ http://www.learn2type.com)
Cách gõ: nguyên tắc không bao giờ nhấc hết các ngón tay ra khỏi bàn phím. Khi ngón út vươn lên gõ các hàng trên thì ngón trỏ phải bám hai điểm chuẩn. Tương ứng khi ngón trỏ vươn lên thì ngón út phải bám vị trí. Như vậy sau khi gõ một ký tự thì các ngón luôn có thể về lại vị trí gốc của mình mà không đi lạc, không phải dùng mắt nhìn để biết ngón tay rút lại đặt vào đâu. Tốt nhất là tập để không phải là "gõ" như vẫn nói mà là "nhấn". Ngón tay mềm đưa nhanh, sờ đến phím, rồi nhấn thì sẽ không mệt mỏi ngón tay, đầu ngón không bị "chối". Chính những người gõ máy chữ cơ khí phải nhấn như thế, vì nhanh mà ta tưởng như gõ nhưng thực ra phát lực có khác nhau đấy.
Nếu tuân thủ các điều lưu ý trên, mọi người chịu khó tập theo các bài trên mạng sẽ nhanh có tiến bộ. Chỉ sợ các anh không rỗi hơi như tôi mấy chục năm trước để có thể luyện được mấy ngón tay... già.
34 nhận xét:
Báo cáo các anh, các chị là có một thời khi hai con gái tôi cứ cười bò ra khi thấy tôi gõ bằng 2 ngón nên vì tự ái ( hay sĩ? ) tôi cũng tập tọe thử bằng 10 ngón. Chu cha, khó quá. Tập mãi mà vẫn lóng ngóng nên tôi đành trở về kiểu gõ mổ cò bằng 2 ngón ( như phần lớn anh em mình và thế hệ cùng lứa ), thỉnh thoảng sài thêm ngón cái rồi chặc lưỡi cho qua. Quả thật là cũng ổn ( an ủi mình một chút ). Nhìn hai con dáng bàn phím mà thèm. Bọn nó chả cần nhìn, vừa gõ vừa nói chuyện mà chẳng sai. Ai có con ở tuổi teen mà nhìn bọn nó nhắn SMS trên mobile thì chắc hoa mắt.
Đấy, chưa chi đã bàn ra. Anh QT cho một lời động viên đê.
Tao cũng không gõ 10 ngón dù có ... mong muốn học cách gõ này. Có lẽ cũng nên luyện. Không phải là già hay trẻ như P.H nói mà là có "chính quy" hay không thôi chứ nhỉ?
TT
Tôi gõ năm ngón rưỡi ma vẫn chậm lắm,sẽ cố học theo.Nhưng phân công ngón như nó vẽ thì thấy đẹp , mà "sờ thực địa" hơi khó,nó gượng gượng thế nào ấy .Mấy tay chơi đàn phím thì nó có sờ được nốt chuẩn đâu, mà phải định vị bằng âm và thế tay. Nhất là đánh Accoordeon,tay trái có thế đánh để không sai,còn tay phải lại rất khó.
Trì trệ, đó là cách nói đúng ở tuổi chúng ta, không thầy đố mày làm nên, các cụ bảo vậy, tôi tự mình mò mẫm mãi thành quen chẳng khác gì PH ,do vậy mà hôm qua nhắc TQ hướng dẫn anh em mới vào NGHỀ các kĩ năng cơ bản ngay từ đầu để tránh cái sai của mấy thằng đi trước, HXT hay anh em nào bắt đầu tập chơi bàn phím nên làm theo cơ bản mà HT hướng dẫn, còn chúng tôi trót quen tay mất rồi đành chịu vậy.
Tôi in lại bài này cho sinh viên vì chương trình dạy gõ ( lấy từ trên mạng )hơi khô khan.
tv
"Chịu khó tập" như TQ hướng dẫn khó quá. Lúc "rỗi hơi" anh em còn fải luyện "cầm ( bác Quang Trung),kỳ ( bác TRANBÂCHI), thi (bác Đức Dũng), hoạ" để có bài đăng blog và "gia đình" ( Bác Phú Hoà) chứ!!!
@anh TV: sợ anh em đọc chán nên không dám kể thêm chuyện bàn phím. Chứ riêng chuyện phím với chữ cũng có khối thứ hay hay.
Thí dụ: nghe nói bàn phím Dvorak mới là khoa học nhất, tốc độ gõ chữ Anh(Mỹ) đạt được cao nhất, vì nó phù hợp nhất với thể chất con người và tần xuất con chữ (thiết kế tốt nhất theo công thái học, ergonomic).
À, mà anh TV là thầy, tôi đề nghị anh đưa vào chương trình học tất cả SV phải biết gõ thành thạo. Lập thành phong trào theo kiểu "bình dân học vụ" ngày xưa.
Tôi cười mấy thằng mới vô nghề toàn xài "nhất dương chỉ".chúng lại bảo bọn xài 10 ngón là kém vì chúng chỉ cần dùng 1/10 lực lượng mà vưỡn "hoàn thành nhiệm vụ"!?
Thực ra giờ này tay ae mình "hỏng" cả rồi, còn bao nhiêu "tật "khác nữa các bố có sửa được quái đâu. Tôi thì chỉ muốn"đi tắt-đón đầu", nghe nói PC đời mới chỉ cần nói, đọc chúng vẫn hiểu và thực hiện lệnh. Cái khó là phải nói bằng tiếng Anh, thế mới thấy bọn TB thâm độc.
TM
* Tin mới nhận : IT ViệtNam đã chế được phần mềm để máy hiểu tiếng Việt. Riêng tiếng ..."Bọ", khi thử thì máy "điếc" và tê liệt hẳn.
Tôi gõ được cả 10 ngón, các ông ạ, nhưng mỗi lần gõ chỉ dùng đúng 1 ngón thôi, còn lại giải lao.
HCQuang
Tại sao các anh bụng đầy chuyện hay như TM ít có bài? Đơn giản là hắn không gõ nhanh được. CPU vừa phải xử lý gõ vào đâu cho trúng, vừa nghĩ chuyện, mất cả hứng. "Táo bón" chữ trong bụng mà không mở được lối ra. Thấy thế nào là lợi hại chưa?
Quả có thế! Nhưng mấy anh bụng bự lại giải quyết vấn đề" tốc độ gõ" theo hướng khác, rất hiệu quả:
THÔNG BÁO
"...Cần tuyển một nữ thư ký tuổi từ 18-22 ngoại hình đẹp,trình độ Anh văn bằng E,,biết đánh VT 10 ngón...".
TM
"...tao về tao méc bà thị xã... TM".
Bao giờ cho đến cái ngày xưa ấy hả Anh HT ?!
tv
Gõ bàn phím 10 ngón là nghề của thư ký. TQ muốn chúng tôi trở thành thư ký à???
GM.
Học ngoại ngữ là nghề của phiên dịch, học lái xe là nghề của tài xế,...
Mỗi nghề là một bậc tự do của con người. Ai cần tự do?
TQ nhà ta biết chanh chua từ khi nào ấy nhỉ? Sợ quá ta.
Hồi mới xóa mù, tên HT cũng bắt tôi phải tậpgõ 10 ngón cho đúng điệu .Tôi nói làm ơn quên đi, tập gõ như vậy biết bao giờ mới lú mặt ra với ae , thế là cứ 2, 3 ngón mà phang. Mình đâu có đi thi ngạch thu ký đâu , nó (HT) là thu ký tòa soạn ,nên mới cần đánh cho nhanh , cho đẹp .
Mất công sưu tập,viết bài, hướng dẫn mà không được ủng hộ thì xì dấm ra là phải quá còn gì nữa. Bài này gói gọn cho đối tượng là các anh mới nghỉ hưu bắt đầu cuộc chơi mới thôi vậy, các vị khác thích mổ cò cứ việc mổ cò . Anh nào có điều kiện thuê người mổ hộ cũng tốt,rãnh tay làm việc khác ,chơi cả 10 ngón ,cả lòng bàn tay luôn! hé ...hé ...!
Nói thì nói vậy nhưng nếu ai kiên trì tập viêt vi tính cả bằng 10 ngón tay là điều đáng hoan nghênh vì nó chuẩn hơn và nhanh hơn. Anh em mình do lười và quen gõ mổ có rồi, khó sửa quá thì đành phải ngậm ngùi chịu thôi.
Các anh đừng "tự ái" vì làm công việc của Thư kí. Hồi xưa ông Tố Hữu lái xe cho Bác Hồ có sao đâu (chuyện dân nhậu Đất phương Nam):
Trong thơ của ông có đoạn "...Bác bảo đi là đi, Bác bảo thắng là thắng...". Đấy, nếu không phải là tài xế thì sao Bác lúc hô "thắng" (phanh lại, dừng lại), lúc hô "tới luôn" (cứ đi tiếp).
Chả biết ông Tố Hữu lái 10 ngón hay 1 ngón?
HCQuang
He he !Gõ một ngón lợi hại lắm pác TqHT ơi !Em đã từng học chiêu gõ 10 ngón và làm đc.Nhưng sau khj thi với mấy nhóc nhà mjnh (Thua nó 1/100 s)thì rút kết luận 1 ngón vẫn lợi hại hơn.Này nhé, em đã từng chứng kiến một ôg chỉ bằng 1 ngón gõ nhanh k kém 10 ngón.Tay còn lại dùng để sửa mục kỉnh hoặc nâng ly Votka hoặc cầm Micro hoặc...dời sang vị trí khác.Quá siêu !
Gõ 1 ngón thôi chứ, chín ngón còn khối việc để làm.
Hồi mới giải phóng, tôi cũng đã chứng kiến các cô thư kí người Nam đánh máy bằng đuôi bút chì hoặc tẩy (sợ hỏng móng tay) mà nhanh cực.
VTM
Thôi, coi như thất bại "đề án 112". Nhưng mà các anh nên biết để dạy đám cháu nội ngoại, hoặc để tuyển nhân viên,...
Nhưng mà đừng nói với đám nhân viên "chú chỉ gõ được bằng có 1 ngón" là chúng nó sợ đấy!
gõ một ngón là đúng rồi, các ngón còn lại phải cầm thuốc, ngoái mũi nữa, có thế nó mới ra văn.
Ấy, thất bại làm sao được, các bác ấy nói vậy chứ biết đâu lại ngậm tập hoặc dậy cho con cháu học.
TM à, ông mà dùng "nhất dương chỉ" thì không mất mấy "thành công lực" đúng không?.
VTM
Chị VTM bập bập đi không thì dễ bị hố lắm đó.
Để dùng "nhất dương chỉ" để gõ, TM ít nhất cũng phải dùng 13 thành công lực. VTM không mất tý công lực nào vì không có, à quên không dùng "nhất dương chỉ".Phụ nữ chân yếu tay mềm ,dùng "thập âm chỉ" là tốt nhất đấy!:8-D
Chị em không cần dùng nhất dương chỉ của họ Đoàn , vì đã có hấp tinh đại pháp của Nhậm giáo chủ.Các ông có bao nhiêu công lực cũng thua.
HQK
PH ơi, bập bập rồi...
VTM
@Chị VTM: Muộn rùi,đừng pập...pập nữa,mấy lão già đó hết nội lực đâu còn "Nhất dương chỉ".Bỏ đó, đi uống rượu với em!
3 "Trâu" vừa ĐT: Thằng Trần Chí Thành (trường SQPB)bị bệnh nặng(kêu đau đầu và lưỡi bị rút vào,nói năng rất khó).Hiện cấp cứu tại BV Q.Đ ở Nha trang.
Trần Chí Thành, tôi nhớ là CS hình sự chứ nhỉ? Chắc có lẽ lại bị gì về mạch máu não?
Anh em mình già rồi, dễ bị mấy cái chuyện "hết đát".
Pác TqHT:Chính xác là CSHS.Nhưng trước có học VH ở trường SQPB.(là lúc đó có chị VTM ở đó)
Đăng nhận xét