Thứ Sáu, tháng 9 04, 2009

Vấn đề Đông Dương thuộc địa tại ĐH QTCS

Nhân ngày Quốc khánh, xin đăng bài phát biểu tại Đại hội Quốc tế Cộng sản VI (1928) của lão đ/c Nguyễn Văn Tạo, người vừa được truy tặng Huân chương Sao Vàng.
80 năm trước vấn đề của Đông Dương thuộc địa đã được đưa ra diễn đàn Cộng sản Quốc tế mà những nhận định, đặc biệt về địa chính trị, vẫn rất đáng được suy ngẫm.
Toàn văn đọc tại đây.

-----------------------------------------------------

Tài liệu BNCLSĐ TƯ 106 - QT
Q1 / 6.1 1 - 1

Đại hội quốc tế lần thứ VI của Quốc tế cộng sản

Phiên họp thứ ba mươi lăm
Chiều ngày 17 tháng Tám năm 1928

Khi-ta-rốp (Chủ tịch) : Bây giờ đến lượt đồng chí An ở Đông Dương phát biểu.

An ( Bí danh của Nguyễn Văn Tạo) :
Hiện nay có một xứ mà cả thế giới hình như không biết đến, một xứ mà tiếng kêu giận dữ, căm hờn, và những cố gắng của nhân dân đấu tranh để giải phóng cho mình đều hoàn toàn bị bóp nghẹt. Tôi muốn nói với các đồng chí về xứ đó, tức là Đông Dương.
Không ai có thể chối cãi được rằng Đông Dương với 20 triệu dân và bị nô dịch từ 70 năm nay, là một trong những thuộc địa đầu tiên của nước Pháp, rằng nếu "cái pháo đài đó của Pháp ở Thái Bình Dương" tách khỏi chính quốc, thì chính quốc sẽ yếu đi một cách rõ rệt. Thật cũng rõ ràng là vị trí địa lý của Đông Dương làm cho chủ nghĩa đế quốc Nhật thèm muốn, và do đó, Đông Dương trở thành một nguồn gây ra những xung đột đẫm máu ở Thái Bình Dương. Cho nên, vấn đề Đông Dương là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với chủ nghĩa đế quốc Pháp. Vì vậy chủ nghĩa đế quốc Pháp dùng mọi cách để đàn áp những cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm vứt bỏ ách thực dân.
...
Tôi chỉ muốn trình bày với các đồng chí về tình hình kinh tế và chính trị hiện nay ở Đông Dương để tìm ra những biện pháp thực tiễn nhằm giúp đỡ dân tộc đó tự giải phóng.
...
Bây giò chúng ta xét đến các tầng lớp xã hội ở Đông Dương, đến hoàn cảnh sinh sống và điều kiện lao động của công nhân và nông dân.
Người ta nói với chúng tôi rằng ở Đông Dương không có giai cấp vô sản!
Thưa các đồng chí, tôi xin phép bác bỏ điều đó. ở xứ chúng tôi, tuy không có một giai cấp vô sản đông đảo trên khắp đất nước như ở châu Âu, nhưng giai cấp vô sản rất tập trung trong các trung tâm công nghiệp lớn. Đông Dương là một xứ phát triển không đều về mặt kinh tế, nên chúng ta cần nhấn mạnh đến tình hình tập trung của giai cấp vô sản.
...
Điều bức thiết là chúng tôi phải có một tổ chức cách mạng có tính chất quần chúng để chúng tôi trở nên đội tiên phong của phong trào cách mạng ở Đông Dương.
...
Để kết luận, tôi muốn nhấn mạnh rằng ở Đông Dương, nơi mà chủ nghĩa đế quốc Pháp giới thiệu như là một xứ rất yên ổn, rất hòa bình, thì đã có những cuộc biểu tình lớn của hàng vạn công nhân, nông dân, trí thức nghèo, đã có những cuộc khởi nghĩa của nông dân làm cho bọn đi chiếm đọat ruộng đất rất lo sợ; rằng ở Đông Dương giai cấp vô sản ngày càng đông đảo, tinh thần cách mạng của quần chúng ngày càng lên, giai cấp tư sản công khai ngày càng đóng vai trò của nó, còn quần chúng cách mạng thì chưa được tổ chức, và do đó mà bất lực.
Quốc tế Cộng sản cần phải hết sức chú ý đến vấn đề thành lập một Đảng Cộng sản Đông Dương, cần phải nghiên cứu vấn đề thành lập những công đoàn để tập hợp công nhân và những tổ chức để tập hợp nông dân. Chỉ có làm như thế thì công nhân và nông dân ở Đông Dương mới có thể tự giải phóng hoàn toàn và vĩnh viễn được.
... Là dân tộc nô lệ, là những người lao động bị nô dịch, là những công nhân, nông dân bị bóc lột, chúng tôi chỉ muốn một điều là thoát khỏi ách áp bức của Chủ nghĩa đế quốc, của giai cấp tư sản ăn bám ở trong nước, để đứng trong thế giới xã hội chủ nghĩa, để đứng dưới lá cờ của Quốc tế Cộng sản./.

(1) Argue Indochinois - Tạm dịch : "Người dò xét Đông Dương"

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Các cụ nhà ta ngày xưa "ghê răng" thật, vào tuổi đó mà kiến thức, bản lãnh chính trị ở một tầm hơi bị cao.
DS