Hưng Hóa. Tôi được chọn đi giúp bếp vào ngày chủ nhật. Chẳng hiểu cái luân phiên giúp bếp giữa các Trung đội, Đại đội như thế nào, nhưng cứ mỗi khi có “suất” giúp bếp là đứa nào cũng xung phong ngay và nếu không được thì phải “đấu tranh” cho bạn cùng mâm được “trúng tuyển”, bởi đây đúng là một “ân huệ” … Đi giúp bếp! Trước hết là có được một ngày no căng (điều hiếm có cho anh em mình khi còn ở tuổi 14, 15 ăn bao nhiêu cũng không đủ) mà không cần tới suất cơm nhà trường và như vậy là tụi cùng mâm bớt được một miệng ăn, không những thế, mâm mình chắc chắn sẽ được “ưu tiên” hơn … Sướng là thế!
Tôi cùng mấy đứa lãnh nhiệm vụ xuống nhà bếp. Việc đầu tiên là giúp các cô nuôi nhặt rau. Mấy gánh rau muống to tổ đùng được các cô nuôi nhặt theo từng bó một. Cầm mốt bó rau, cô kê lên tấm ván để sẵn dưới đất rồi dùng dao nhanh nhẹn cắt một phát ngay chỗ có sợi dây chuối buộc ngang, cách đuôi bó rau khoảng 2 đốt ngón tay. “Bụp!” Thế là xong một bó, rồi bó nữa … Trong nhấp nháy, 4 thúng rau đã nhặt xong được giao cho tụi tôi mang đi rửa.
Rau được rửa ngay giếng sau bếp, tại đây đã có sẵn mấy chậu rửa bằng xi măng xây sẵn. Một thằng có trách nhiệm múc nước từ giếng lên đổ đầy mấy chậu. Cũng may là giếng ở nhà bếp có cần cẩu để kéo lên chớ không thì “chết tức khắc” vì nước được múc bằng cái thùng uống nước Trung đội (cao khoảng 8 tấc, chu vi một thằng ôm không hết). Thay bằng đổ rau vào chậu rửa, tụi tôi nhúng cả thúng rau vào để lát khỏi phải vớt ra. Hai đứa leo đứng trên thành chậu cầm thúng rau lắc lắc trong nước rồi “hai…ba!” cùng nhấc thúng rau lên đưa sang chậu bên cạnh rửa nước 2. Cứ như thế, 4 thúng rau được rửa “kỹ càng” 2 nước sạch sẽ chẳng còn … cục gạch nào lọt lại trong đó! Sau cùng lại còn chồng cả 4 thúng lên nhau rồi dội nguyên một thùng nước giếng sạch cho đi hết bụi bặm … bên ngoài!
Xào rau muống cho cả Đại đội thật là không dễ. Tôi đã cố gắng “nắm bắt” rất kỹ mà sau này khi “áp dụng” ở nhà vẫn bị bà xã la nhoai nhoái(!). Trong bếp có 2 cái chảo to đùng cỡ 2 thằng tôi nằm vô đậy nắp lại chắc vẫn còn rộng. Mấy cái chảo này hình như đã được gắn chết vào bếp lúc nào cũng có lửa cháy rừng rực, chẳng bao giờ tôi thấy nó được lấy ra để rửa ráy gì cả. Một cô nuôi có vẻ là đầu bếp chính đứng trên bếp kế miệng chảo múc một muôi mỡ lớn đổ vào chảo nghe cái “xèo” bốc lên mùi thơm lựng muốn phát ham. Nhưng chỉ trong chốc lát, cô múc thêm một gáo nước (gáo là cái nồi quân dụng vẫn chia cơm cho từng mâm được buộc vào một cái cây dài làm cán) đổ ào vào chảo khói bốc lên mù mịt … Cầm cái xẻng công binh mà anh em mình vẫn thường dùng để dọn vệ sinh quanh nhà, chỉ khác chút xíu là cái xẻng này có cán dài tới gần 2 mét, cô khoắng khoắng nước trong chảo cho tan vào với mỡ và tráng đều chảo. Đồng thời lúc đó, tụi tôi theo lệnh của một cô khác, đổ rau vào chảo. Cứ 2 thúng vào một chảo và 2 chảo đã đầy rau. Mỗi chảo 2 cô nuôi cầm xẻng ngoáy lên ngoáy xuống đống rau muống trong khói nước bốc lên mù mịt. Lâu lâu lại thấy một cô đổ một muôi muối vào, rồi lại cả nước trà (?) màu nâu nâu nữa chớ (sau này tôi mới biết thì ra là nước mắm pha chung với muối và nước cháy rang) …
Trong chốc lát, một cô ra lệnh : Xong! Tôi thấy một cô múc một muôi mỡ cho vào một nồi quân dụng nước sôi đã chuẩn bị sẵn, quậy quậy cho tan ra rồi đem rưới đều lên đống rau trong chảo bóng nhẫy mầu mỡ lúc này đã xẹp xuống chỉ còn một nửa (nhìn mà thấy tiếc!). Đống rau lập tức được múc vào một cái nồi to tổ mẹ để sẵn sàng chia ra từng mâm. Trong chảo thứ 2, một ít rau được để lại để nấu canh. Mấy thùng nước giếng được đổ vô rồi đậy nắp lên đợi giờ hoàn chỉnh ….
Các món khác, nhất là món thịt thì tụi tôi chẳng bao giờ đuợc “quan sát” chứ nói gì phụ giúp! (hình như từ xưa tới giờ chỉ có Định “cà” là được phép mon men tới mấy món này vì uy tín đầy mình trong các lần giết mổ heo Đại đội). Nhưng đâu có sao, quan trọng là thời điểm chia ra các mâm.
Thật ra thì mấy cô nuôi chia hết, tụi tôi chỉ được phép bưng ra để trên giàn chuẩn bị phát ra thôi. Nhưng với tinh thần “tự chủ”, tụi tôi luôn luôn kiểm soát kỹ càng và nhắc các cô khi phát hiện vài đĩa có phần hơi ít cần phải bổ sung cho công bằng. Các đĩa ít này thực chất là kết quả được san ra cho một vài đĩa đặc biệt (tất nhiên là có nén xuống để không ai phát hiện được) cất riêng vào những góc chỉ mình mình biết. Trong lúc bưng bê, đứa nào cũng tranh thủ bốc, nếm, ăn thử (mà là thiệt) … Nhưng đó là món rau thôi, chớ thịt thì không được vì mỗi mâm 6 thì chỉ có đúng 6 miếng thịt cỡ ngón chân cái nhưng chỉ dầy hơn cái móng tay chút xíu nổi lều bều trong cái thứ nước “trà” được gọi là nước thịt! Lúc này là phải nhanh tay, nhanh mắt, lựa lúc mấy cô nuôi mải chia không nhìn tới (hay giả vờ lơ đi ?) tôi thò tay bốc ngay một vốc từ trong nồi nhét vội vào miệng, ngậm chặt để không ai biết rồi từ từ quay đi mới vươn cổ nuốt chửng. Nhìn sang thằng bạn thấy nó đút mấy miếng thịt vào túi quần, mỡ chảy ra ướt nhoẹt trông như đái dầm vậy …
Vừa bưng đĩa thịt ra tới giàn, bỗng thấy khuôn mặt quen thuộc của thằng cùng mâm ló lên bên cửa sổ mấp máy ra hiệu. Tôi đẩy ngay 2 đĩa thịt ra cửa sổ cho nó rồi bình tĩnh làm bộ đếm đếm và la lên : Còn thiếu 2 đĩa nữa! – Sao lại thiếu được? Một cô đứng dậy ra đếm lại rồi nói : Ừ, thiếu thật! Liếc ra ngoài cửa sổ thấy 2 cái đĩa nằm chỏng chơ trên bãi cỏ mà ruột tôi cứ thót lên …
Qua đến phần chia cơm thì không thể ăn gian được vì mỗi nồi quân dụng chỉ đúng 2 xẻng là đầy ắp và nóng hổi, không thể thò tay bốc ngay được. Rồi sau đó các “cục bột luộc” cũng được phân phát đều cho các mâm (thứ này thì tôi không ham). Nhưng cháy thì đúng là món “quà khuyến mãi” cho tụi tôi. Ôi, những miếng cháy thơm vàng rực cạy lên từ chảo được bẻ ra chia vào các nồi. Một loại thực phẩm không thể đong đếm được. Tuyệt vời! Lúc này thì tụi tôi tha hồ vừa bẻ, vừa ăn, vừa chia vào các mâm. Và tất nhiên là phải có các mâm đặc biệt với những miếng cháy đặc biệt cho “quân ta” rồi. Cứ bốc đi bốc lại như thế mà thằng nào cũng thấy no kềnh.
Rồi giờ cơm tới. Các Trung đội tới xếp hàng trước cửa nhà ăn nghe Trực ban nhắc nhở rồi từng Tiểu đội thứ tự vô lãnh cơm (vô theo Tiểu đội, nhưng lãnh cơm theo mâm, bây giờ nghĩ lại chẳng hiểu cái “trật tự” đấy nó ra làm sao ?). Vai trò của tụi tôi lúc này mới là quan trọng nhất. Mâm nào lấy đĩa nào (đầy hay vơi), nồi nào (nhiều hay ít cháy) là do tụi tôi dúi vào tay cô nuôi để phát cả. Gặp mâm mấy thằng “cà chớn” là đẩy ngay đĩa ít, còn tới “quân ta” thì mấy đĩa “ém” sẵn sẽ được đưa ra, nhiều khi còn thẳng tay bốc cháy từ mâm này thảy sang mâm kia trong sự la ó của quần chúng, nhưng thường là các cô nuôi không nói gì … và thế là qua chuyện. Đợi lần sau tới lượt nó giúp bếp chắc là mâm mình “chết” (?).
Nói chuyện giúp bếp mà bỏ qua việc rửa nồi, rửa đĩa sau khi ăn thì đúng là mất phần “kỹ thuật” nhất. Công đoạn này được tụi tôi thực hiện có bài bản theo “dây chuyền công nghệ” đàng hoàng. Sau khi gom tất cả nồi, đĩa của các mâm đã ăn xong xếp thành chồng ở giếng sau bếp, việc đầu tiên là phân loại nồi ra nồi, đĩa ra đĩa. Đối với đĩa thì đơn giản, một thằng cứ thế múc nước giếng đổ đầy 2 chậu xi măng, thằng thứ 2 bỏ từng xấp đĩa vào chậu thứ nhất, thằng thứ 3 lại vớt ra bỏ sang chậu thứ 2, thằng cuối cùng vớt ra xếp thành chồng ngay ngắn. Thế là xong! Nhưng rửa nồi thì có phức tạp hơn vì nó to và nhất là còn dính nhiều cơm trong đó. Do vậy tụi tôi xếp nồi thành 2 chồng 2 bên chậu, rồi 1 thằng leo ngồi chồm hỗm trên chậu, 2 tay với 2 nồi một trên 2 chồng đưa vào chậu nước múc lên lắc một cái cho cơm ra hết rồi đổ nước trở vô chậu và thảy qua chậu thứ 2. Tai đây một thằng khác có nhiệm vụ nhanh chóng vớt nó ra xếp thành chồng bên thành giếng. Tốc độ rửa tăng lên tới mức 4 cặp nồi 1 phút! Khi đã hoàn thành các chồng nồi ngay ngắn, tụi tôi múc một thùng nước sạch từ từ dội lên từng chồng với một đứa tay cầm giẻ đồng thời lau sạch phía bên ngoài nồi, trông láng coóng, sạch sẽ! Rất may là anh em ta ăn sạch bong, nên chẳng còn mấy hạt cơm dính lại trong nồi, còn mỡ thì có đâu mà sợ không sạch!
Vậy là hoàn thành nhiệm vụ. Đống nồi quân dụng sạch bóng sẽ được chuyển vào nhà bếp đợi ngày hôm sau sẽ có bọn khác tiếp tục … Kết thúc một ngày giúp bếp thật “lý tưởng”!!
Chưa hết, thằng bạn tôi bốc được mớ thịt bỏ túi mang về. Tới tối, sau khi tắt đèn, nó mới trùm chăn kín mít, đốt một cái đèn dầu, từ từ nướng từng miếng một hòng nhâm nhi thưởng thức món “đặc sản” đời lính…. Nhưng nó quên mất, mùi thịt nướng bốc lên thơm ngào ngạt làm không đứa nào ngủ được. Và chỉ trong chốc lát cả phòng (2 tiểu đội) đều xô vào giường nó … Báo hại thằng bạn chỉ mới xơi được có một miếng thì chăn màn, chiếu gối rách toang, may mà cái đèn dầu đổ ngay từ đầu và tắt ngóm, nếu không chắc sẽ có chuyện hỏa hoạn trong phòng. “Phước bất trùng lai” là vậy !!!
10 nhận xét:
Giúp bếp là đề tài nhiều chuyện. Kể cả phiên gác đêm cũng có thể "giúp" chứ không cần chờ tới lúc được phân công.
Hay thật! toàn là các tay tổ hảo hán cả. những chuyện đời thường bao giờ cũng hấp dẫn, cộng với cách viết kiểu "xào rau" của HM nên tôi rất thích.
Nhân đọc bài này của HM, tôi lại nhớ tới hồi học ĐHKTQS. Khi đó bọn tôi ở khu 125. Một lần gác ca 4 giờ tới sáng, vị trí gác ở đầu dãy lớp học phía ngoài là ruộng và cách bếp ăn không xa mấy.
Trời tháng sáu gần sáng nóng như rang. Thấy tiếng lạch cạch từ bếp vọng sang nhìn qua phía đó tôi thấy một em nuôi quân chỉ mặc độc có cái quần "con" trên ngực đeo cặp "kính", hai chân đứng dạng ra bên chiếc vạc nấu cơm, tay cầm xẻng múa, hơi nước bốc mù mịt lúc mờ lúc tỏ như tranh thủy mạc.
Sáng lên lớp kể cho tụi bạn chúng nó nghe bọn nó bảo tôi bốc phét. Tôi thề đó là chuyện thật 100%
Hình tượng đẹp,tiếc thời đó không có "chụp hình",bây giờ đấu giá thì khủng.
Thương bọn Trỗi con quá đi mất.
"Mèo mù vớ cá rán" chưa chắc đã hạnh phúc bằng Hà mèo vớ được cọng rau muống dính mỡ!
TM
Với cách rửa rau muống của các chú, thì có người ăn phải rau muống sào với "con gì đấy" lẫn trong rau là phải rồi.
VTM
Hồi học trên Lạng sơn.ĂN cơm với rau muống luộc,tôi còn gắp được con sâu cước to bằng cả ngón tay trong đó.Dù đói cũng chẳng dám ăn cơm nữa.Đủ biết các chú bộ đội giúp chị nuôi nấu cơm thế nào.Còn rửa rau thì cách rửa của HM còn sạch rất nhiều.Hồi đó rau không như bây giờ,nếu không thì đi cấp cứu cả loạt vì ngộ độc thực phẩm!Nước mắm là nước tráng chảo cơm cháy cho có màu,pha thêm tí mỡ ,hành cho có tí chất đạm.Làm gì có nước mắm mà pha?
Hồi ĐHKTQS, có anh gắp miếng dưa chua xào, nhấc đũa lên mới lộ ra con chuột chù be bé, ướt nhẹp, nằm còng queo bên dưới. Phải chăng nó là "sản phẫn đính kèm" của món dưa chua? Anh em hất thằng nớ xuống đất, không quên gắp các cọng dưa nằm xung quanh thằng chuột để quăng luôn một thể, rồi ... ăn tiếp. Chả sao, chuyện nhỏ, lính mà.
Có anh gặp trường hợp gắp phải miếng dưa cần có dính tí giấy (chắc anh em vẫn nhớ hồi xưa lính tráng chăm bón rau cần như thế nào), bèn hất xuống đất, rồi thong thả gắp tiếp miếng khác, không chút phàn nàn.
Và cuối cùng, tôi cho rằng, sự trưởng thành của mỗi chúng ta không hề có sự thúc đẩy của các nội dung nói trên.
HCQuang
HCQuang
Giúp nhà bếp có nhiều "đặc quyền".
Hồi ở QLâm 29 Tết bị phân công đi giết lợn, làm nhiệm vụ đi bắt và đè giữ để chọc tiết, bẩn hết quần (quần để diện Tết), sợ không có quần diện đành mặc nguyên quần đi gột rồi ngồi cạnh chảo than sưởi hơ khô, không ngờ trời quá rét nên cháy mất bên ống quần mà không biết. Tết đàng diện quần thủng lỗ ở một bên chân.
Còn một lần giúp bếp bê được cả một chậu đầy trứng gà non, không có nồi và nơi luộc đành đút cả chậu vào gầm bếp, khi lôi ra trứng sống và vỡ lung tung vì không có nước, đành nhấm mắt nuốt chửng vài quả, nghẹn đành phải bỏ ra ngoài cho lũ bạn hôi vậy.
Bên trường mới thỉnh thoảng ăn trứng kiểu mỗi người một quả "ốp-lết". Rửa bát vào ngày ấy, lấy cái vớt lùa từ đáy chảo mỡ lên được mấy tộ vụn trứng, đủ vui rồi. Hồi đó ăn bếp tiểu đoàn mà.
Đăng nhận xét