Theo truyền thống mới gần mươi năm nay Tết nào anh chị em chúng tôi cũng đi chơi xa trong phạm vi về được trong ngày, trong buổi. Những năm trước, khi thì đi đền Và ngay Tp Sơn Tây (mới xuống cấp thành thị xã), khi thì đền thờ bà Âu Cơ xã Hạ Hòa, Phú Thọ giáp Yên Bái, hoặc các chùa vùng kinh Bắc (chùa Bút Tháp), Hải Dương (chùa Thanh Mai), Thái Bình (chùa Keo), ... Chỉ tránh các lễ hội dịp Tết thu hút đông người đi lễ, ngại đông.
Năm nay thấy bảo xuất hành hướng Đông Nam thì tốt, dưng mà không ai đề xuất được điểm nào hay. Cuối cùng chọn theo Cụ Hồ, đi Thạch Lâm xã đầu của Thanh Hóa trên đường HCM. Điểm đến là ngã ba sông Bưởi với sông Ngang, nhà của mr. Quang hiệu trưởng trường PTCS Thạch Lâm (đường mầu tím là chuyến đi thăm tại địa phương, ghi lại bằng GPS).
Ngay sau khi chào hỏi chủ nhà cho con trai, cậu sinh viên ĐHBK năm thứ 3 về hóa dầu, đưa chúng tôi đi thăm di tích lịch sử hang Con Moong.
Đến rồi mới biết đây là một di chỉ khảo cổ mà theo người ta nói các đoàn khảo cổ quốc tế đã đến, đào các hố thám sát phần tầng và phân tích các hiện vật để có đươc kết luận người cổ đại đã ở đây từ 21 nghìn năm trước.
Không có chuyên môn nên những hiện vật và kết luận không làm cho mọi người sự xúc động thường thấy trước các cổ vật chỉ mới có cách nay rất gần.
Trở về nhà anh hiệu trưởng, trong khi chờ ăn trưa tôi tranh thủ chụp ảnh khu vực. Thực ra tôi không lạ gì con sông và cái thác này. Ba bốn năm trước trong một vài chuyến khảo sát công trường đường HCM tôi đã đến đây, đã chụp ảnh cái thác này, và cuối cùng phải quay trở lại vì không thể đi tiếp con đường đang còn thi công với các rãnh sâu do xe tải nặng tạo ra trên nền đất mượn.
Bây giờ thì chiếc cầu đã hoàn thành, và không phải ai quá bộ qua đây cũng có thể hồi tưởng đến chiếc cầu sắt ngày trước ở bên trái sát mặt sông mà chúng tôi đã vượt qua nhưng không thể đi tiếp với con dốc đất trơn trượt rãnh sâu sẵn sàng độn gầm nếu lái chệch đi một chút.
Đ/c hiệu trưởng chủ nhà người Mường, vốn ở đây từ ngày "hai con chim làm tổ", có vẻ như đã khai thác được lợi thế mặt tiền rất vui vẻ mở tiệc chiêu đãi các đặc sản không hẳn là lạ nhưng cũng có đặc trưng riêng. Tất nhiên đoàn chúng tôi cũng chiêu đãi lại họ đặc sản "phong bì" để cho không ai nợ ai. Rượu sắn khô tuy không nặng nhưng chắc nhiều độc tố nên sau đó làm cho tôi trông như quả sim chín. Mình có thể uống hoặc không, rượu của mình hoặc của họ, dù sao tận hưởng cái riêng có của nơi đến ở một mức vừa đủ cũng là cái thú của những chuyến đi.
Sau bữa trưa là chuyến đi vào xóm theo con sông Ngang. Mùa này nước đã cạn, nhiều cây cầu qua sông trở nên không cần thiết, đặc biệt là các cây cầu dành cho mùa lũ lớn. Một vài người trong bọn thử đi trên cầu với kiểu bàn chân ngang của vua hề Sác-lô, một cách chậm rãi. Nếu bên dưới là dòng nước lũ cuộn chảy thì quả thực đi qua chiếc cầu rung rinh bập bềnh theo chân bước này thực sự là việc chẳng đặng đừng.
Đồng bào dân tộc ở men theo bờ sông, chủ yếu trồng mía hàng hóa và một phần đất phẳng gần sông trồng lúa ngô, rau mầu tự cấp. Mía sẽ bán cho nhà máy đường Đài Loan cách đây trên 20km, phía huyện Hà Trung. Trông không có vẻ một vùng kinh tế phát triển, nhưng nói chung có vẻ không đến mức quá nghèo khó. Đặc biệt với những người có vai vế, việc làm một chiếc nhà sàn mới gầm cao với toàn bộ là gỗ tốt, ít nhất 4 chiếc cột gian chính là gỗ nghiến đỏ sẫm, là việc trong tầm tay.
Điện có cho tất cả các gia đình, công tơ treo ngoài cột, nhưng đun nấu thì vẫn dùng củi, rừng ở quá gần và dễ khai thác.
Rau, thịt lợn, cá nướng, bánh trái ngày Tết, đúng như câu được học ngày xưa "ba mươi Tết có thịt treo trong nhà".
Rất nhiều cháu nhỏ mặc đồng phục trường học. Hai cháu học sinh lớp 12 nghỉ Tết. Trường học ở xa 20km, bình thường các cháu ở trọ, vài tuần về một lần bằng xe đạp, còn thì bố mẹ có xe máy đi tiếp tế.
Người dân ở đây rất quý khách, đặc biệt là ngày Tết. Dừng lại chụp ảnh mấy đứa trẻ là có người mời vào nhà uống nước. Ở tận cùng con đường, có mấy chị mời vào nhà, hát bài tiếng Mường cho nghe, mời rượu. Không có nghiệp vụ "ba cùng" nên đành chúc Tết, cười trừ và xin kiếu để còn về. Nói chung trừ những cụ bà thật già mặc đồ dân tộc, hầu hết mọi người đều ăn mặc kiểu Kinh. Tạm biệt, họ mặc đồ dân tộc để chụp ảnh, sẽ phải tìm cách đưa ảnh cho họ. Nói đến chuyện này lại nhớ món nợ ảnh mấy cháu nhỏ nhà Vương trên Đồng Văn, Hà Giang chụp từ hơn năm trước.
Ngày Tết ngoài các trò thể thao mới như đá bóng, bóng chuyền, đồng bào còn chơi các trò dân tộc. Trò đánh mảng chỉ thấy phụ nữ chơi, hỏi ra thì nam giới cũng chơi nhưng chắc là bây giờ không còn hứng thú. Dù sao bọn đàn ông cũng dễ biến chất hơn phụ nữ, họ luôn có cơ hội cập nhật xã hội hơn về mọi mặt. Trò đánh mảng này chơi bằng hạt của một loại dây leo trong rừng. Trong ảnh này là hạt nhỏ, có chỗ khác thấy hạt khá to, bằng đít chai nước La Vie.
Về đến đường HCM, chào anh chị chủ nhà, được biết hôm sau chị cũng đi luyện trò đánh mảng để chuẩn bị thi đấu các xóm.
20h mới về đến nhà, lỡ một cuộc nhậu với đám bạn xấu gọi ời ời từ chiều.
Thứ Sáu, tháng 1 30, 2009
Mùng Ba đi chơi xa đến nhà người dân tộc
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Sáu, tháng 1 30, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Đầu xuân xuất hành hướng Đông Nam là hên lắm đó.
HCQuang
Thích quá nhỉ? Thế mới gọi là du Xuân chứ.
Đăng nhận xét