Thứ Sáu, tháng 12 26, 2008

Nỗi buồn 58 năm

Anh rể tôi là Lê Văn Tấn, sinh năm 1939. Cha anh ,ông Lê Văn Vân, là công nhân đồn điền cao su ở Trảng Bom . Vì tham gia cách mạng nên cha anh bị địch bắt và đày ra Côn Đảo . Sau khi ông bị địch bắt, gia đình phải chuyển chỗ ở. Sau một thời gian đến chỗ ở mới thì anh thoát ly theo cách mạng vào năm 1950 (khi anh mới 11 tuổi). Khi ấy anh có một người em gái là Lê Thị Tới . Năm 1954 anh tập kết ra Bắc và từ khi thoát ly (1950) đến nay anh không nhận được một tin tức gì trực tiếp của người thân . Chỉ có một lần , một người cũng là bộ đội miền Nam tập kết có kể với anh rằng có gặp mẹ anh là bà Cao Thị Đầm, bà đã đi bước nữa và có một người con gái nữa tên là Ngọ. Anh nhớ rằng khi anh thoát ly thì cô anh , bà Lê Thị Nhuần đang công tác ở tỉnh đội Biên Hòa. Anh rể tôi luôn khẳng định anh quê ở Trảng Bom.
Từng ấy thông tin đối với một cậu bé 11 tuổi , mà trước đó vài năm đã sống thiếu cha, đã là quá nhiều. Nhưng nó lại vô cùng ít ỏi cho một cuộc tìm kiếm, nhất lại là một cuộc tìm kiếm sau 58 năm với biết bao nhiêu là bom đạn, chia cắt, chiến tranh, giặc giã…Bản thân anh rể tôi cũng đã có nhiều lần cất công tìm kiếm hàng tháng trời nhưng kết quả thì ngày càng vô vọng.
Những điều anh nói ra anh tin là như vậy, cả gia đình tôi đều tin như thế . Chắc là những người quen biết anh cũng tin như thế. Anh rể tôi , nhất là từ sau khi về hưu thì hay ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi xem còn chỗ nào mà mình chưa tìm tới .Và khi có chương trình NCHCCCL trên VTV1 thì anh chị tôi quyết định nhờ đến chương trình coi như là còn nước còn tát. Những người làm chương trình đều không thấy có hy vọng nhiều. Tuy nhiên đội tìm kiếm của chương trình cùng với anh tôi ròng rã nhiều tháng trời đã quần nát khu vực Đồng Nai , Trảng Bom . Nhưng vô vọng vẫn hoàn vô vọng. Và câu hỏi „Mình là ai?“ đã hành hạ anh tôi trong suốt 58 năm trời.
Nhưng cho đến ngày 3-5- 2008 khi chương trình „Như chưa hề có cuộc chía ly“(NCHCCCL) số 6 được phát sóng trên VTV1 thì có một người đã phát hiện ra những sai lầm „chết người“ của anh rể tôi. Và kỳ lạ hơn, người đàn ông này ra đời sau anh rể tôi những 8 năm và quê lại tít tận Nam Định.

Trong chương trình NCHCCCL Số 7 phát ngày 7-6-2008, người đàn ông này đã bay từ Nam Định vào TP HCM và tại trường quay ông đã trình bày một bản gia phả to bằng cái chiếu . Ông tự giới thiệu ông tên là Lê Văn Tự, trưởng chi họ Lê thôn Trung Phụng xã Hải Quang, Hải Hậu ,Nam Định . Bố ông là ông Lê Văn Toán.là anh cả của gia đình có 5 anh em .Ông Toán có 3 người con. Hai con đầu là liệt sỹ. Do vấy ông Tự tuy là con út nhưng bây giờ lại là trưởng họ. Sau giải phóng nhờ sự gặp gỡ với 1 anh bộ đội quê ở Nam Định đóng quân gần nhà cô Nhuần , đại gia đình họ Lê đã cử người vào tìm được cô Nhuần và cô em họ Lê Thị Tới . Đồng thời cũng biết được tin bà Cao Thị Đầm đã đi bước nữa ở Long Khánh. Ông Tự chỉ vào bản gia phả và nói: chú Lê Văn Vân , vào năm 1940 , đã đưa vợ là bà Cao Thị Đầm là người cùng làng và con là Lê Văn Tấn (lúc đó mới 1 tuổi) cùng với cô là bà Lê Thị Nhuần vào Nam làm phu cao su. Năm 1960 gia đình ông đã nhận được bưu thiếp của bà Cao Thị Đầm báo tin chồng đã bị giặc bắn chết tại Suối Đen , Biên Hòa và con trai là Lê Văn Tấn thì thất lạc, hoàn toàn không có tin tức gì. Gia tộc họ Lê cũng rất để ý tìm kiếm anh Tấn nhưng tuyệt nhiên không có một tia sáng mong manh nào… Cho đến tận ngày 3-5 -2008 ông Tự đã ngồi trước tivi để xem chương trình NCHCCCL số6… Và sau đó thì mọi chuyện chỉ còn là vấn đề kỹ thuật của đội tìm kiếm dưới sự điều hành của Thu Uyên…
Vậy là với lòng tha thiết mong mỏi đến tột cùng tìm được người ruột thịt, sự kiên quyết bền bỉ quyết không để cho gia phả bị đứt mạch của một dòng họ lại gặp được những tấm lòng cao thượng của những người làm chương trình NCHCCCL, anh rể tôi sau 58 năm đã gặp lại được 4 người em ruột và cả đại gia đình trong Nam ngoài Bắc. Điều đặc biệt là các em của anh dù hoàn toàn sống ở trong Nam nhưng lại nói tiếng Bắc (chắc là vì được sống với mẹ), chỉ có anh có 21 năm sống ngoài Bắc nhưng lại nói rặt tiếng Nam . Và bây giờ anh mới biết rằng quê anh là ở Hải Hậu, Nam Định . Thật là đáng tiếc vì mẹ anh chỉ vừa mới mất cách đây 6 năm , còn cô anh chỉ vừa mới mất cách đây có 3 năm. Nếu như hàng bao nhiêu lần trước đây và gần đây cùng với đội tìm kiếm khi đến Trảng Bom anh không rẽ phải mà rẽ trái (em gái anh ở xã Quảng Tiến nằm ở bên trái Trảng Bom). Nếu như ngay sau giải phóng ở những nơi anh đã đi tìm gia đình : Biên Hòa , Đồng Nai, Long Khánh , Vũng Tàu anh đến gặp chủ tịch xã(vì cô ruột anh lúc ấy là chủ tịch xã của 1 trong những xã mà anh đã đi qua )…Nhưng thực ra chữ" nếu" chỉ có trong suy nghĩ của con người chứ lịch sử thì làm gì có chữ nếu!
Suốt cả cuộc đời, anh rể tôi chỉ hy vọng tìm được một người thân cũng được, nay anh đã tìm được 4 người em ruột . Mỗi người đều có 7-8 người con và 14-15 cháu nội, ngoại . Vừa rồi chị tôi viết thư cho tôi kể về chuyến đi về quê Hải Hậu, Nam Định là "họ hàng đông không kể xiết". Cuộc đoàn viên kỳ lạ này sẽ được phát trên NCHCCCL vào ngày 03-1-2009 . Ở vào tuổi 70 anh rể tôi mới biết quê của mình là ở miền Bắc chứ không phải miền Nam . Bốn người em của anh đều theo đạo, vì theo nếp nhà , còn anh lại là người vô thần .

Tôi viết những dòng này vào dịp Noel 2008. Vào tối hôm Noel cứ 2 người Đức thì có một người đi đến nhà thờ. Cả những người cựu giáo và tân giáo đều tin có Chúa trời . Tôi không hiểu có Chúa trời thật hay không ? Nhưng có lẽ có tồn tại một thế lực quyền năng nào đó . Quyền năng này không phải là con người nhưng lại rất thấu hiểu con người . Không phải là con người vì con người thì làm sao có đủ kiên nhẫn để bày ra một thử thách cho một con người khác đến những 58 năm ? Nhưng quyền năng này lại rất thấu hiểu con người nên nó có thể biến những giấc mơ tưởng chừng như không tưởng, nhưng hợp đạo lý đất trời, thành hiện thực.

Ảnh : Hai anh em gặp lại sau 58 năm (Ảnh nguồn Thanh Niên Online )

6 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Quyen nang hay niem tin vao 1 the gioi (hay 1 nhan vat truyen thuyet nao do) tao cho con nguoi ta co ban linh hon trong cuoc song. Nhan dan ra, du luong hay giao cung vay, luc nay can niem tin lam lam!!!

HữuThành.Nguyễn nói...

Bao nhiêu năm chiến tranh làm đảo lộn số phận con người. Một may mắn trong vô vàn trường hợp.
Chương trình này của VTV thật là tốt, không làm được hết vì không có sức nhưng cũng đã có lòng.

Hòa Bình nói...

Chương trình này giống y chang 1 chương trình của Truyền hình Nga (HB không nhớ tên CT là gì). Không biết Đài ta có phải mua bản quyền không?

Nặc danh nói...

Chúc mừng sự gặp mặt sau 58 năm.
Hồi xưa, tập kết theo Giơneo, sau 22 năm đằng đẵng mới gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Trường hợp này là 58 năm ... gần hết một đời người.
HCQuang

Nặc danh nói...

Năm 98, gặp thầy Chi Phan định bàn lập một diễn đàn để tìm người thân thất lạc trong chiến tranh. Sau đó cùng Chiến "dế" đến Cục Người có công ... Nhưng những ai làm công chức thì đều tôn trọng qui định, cần trình bẩm, bây giờ mình mới hiểu rõ. Khi đó chỉ trách mọi người không ủng hộ.
Dẫu vậy cho đến bây giờ sâu thẳm trong lòng vẫn thấy xót xa. Giá mình có cách làm được, chắc đã giúp hàn gắn được một số mảnh đời. Mà có cuộc đời nào không đáng quí phải không?
Tự Thành

Nặc danh nói...

Xin được kể những chuyện bên lề cuộc sống: 1. Ngoài định luật bảo toàn năng lượng người Anh cho rằng còn có định luật bảo toàn thông tin -" Thông tin không mất đi mà nó chỉ chuyển từ dạng này qua dạng khác"
Người sắp chết thì lạnh dần từ chân lên, trán thì nóng . Người Anh cho rằng lúc này thông tin chính từ não bộ người sắp chết đang chuyển ra ngoài. Những thông tin không quan trọng sẽ bị xóa ( tạo nhiệt ở não bộ ). Họ khuyên những người đồng cảm thì đừng lại gần nguời sắp chết vì não bộ của họ có thể bị kích thích "xung " xóa phát ra từ người chết.
Tục lệ ta thì khi nhập quan , có một số tuổi kỵ thì không được vào.
2. Theo phong tục ta thì các cụ từ 5 đời trở về trước thì gọi chung là cụ đại, khi cúng giỗ chỉ khấn tên những người chết đời gần hơn.
Người Anh thì cho rằng : đến đời thứ 5 thì xương người chết mới thôi không phát thông tin ra ngoài.
Ta thì thường làm lễ cúng ma để báo cho người chết biết là họ đã chết để mời họ đi xa , đừng ở nhà mà mang vận xui cho gia đình.
Ở Đức , sau khi làm lễ trọng ở nhà thờ và ra nơi quàn để vĩnh biệt người quá cố thì gia đình người quá cố mời bà con làng phố về nhà uống trà và ăn một loại bánh xốp tròn như cái bánh đa ( chuyên cho lễ tang ). Họ giải thích mỗi hành động của khách quan bẻ cái bánh để ăn giống như cấu vào da người quá cố để báo cho họ biết là họ đã chết rồi để họ biết mà đi khỏi nhà.
3. Chẳng lẽ không gian chỉ có ba chiều. Người Anh cho rằng có nhiều chiều hơn và đến chiều thứ 5 thì người ta thấy ma đi cuồn cuộn.

4.Bây giờ đã ở tuổi "đầu năm đít dài vô tận" thì tôi cho rằng người ta có số. Trước những việc đời khó hiểu thì tôi tự giải thích là nên quay về điều 1 " Nhất mệnh nhì vận...".
5. Năm 1986 ,Chú Nguyễn Đình Ngọc nói em Mai của tôi nên cưới vào tháng 4 vì tháng 8 nhà các con có chuyện rất xấu xảy ra. Tháng 8 , Bố tôi mất. Trong sổ tay Bố tôi viết vào đầu 1986 có dòng chữ " Những ngày cuối cùng ".trang sau viết : "mấy ngày nay thấy trong suy nghĩ có nhiều xáo trộn". Những ngày sắp mất Ông viết : "Hôm nay Ngọc ( con của tôi )chắc có linh cảm gì nên đòi ở lại chơi với Ông lâu hơn ".
Tạ Vinh