Thứ Tư, tháng 11 09, 2011

Ballad of a Soldier | Bài ca người lính

Ngày 6-11 , theo lời báo trước của anh TC k3, chúng ta đã được xem lại bộ phim " Bài ca người lính". Xem lại nhưng cảm nhận mới mẻ, phim Nga nhưng cũng rất gần gũi với Việt nam. Có một bài giới thiệu về bộ phim này khá hay, xin mời anh chị em đọc:
"Ballad of a Soldier" do xưởng phim Mosfilm sản xuất năm 1959 là một bộ phim đề tài chiến tranh của Điện ảnh Xô Viết do đạo diễn Grigori Chukhrai đạo diễn. Bộ phim là một trong số ít các phim Liên Xô nổi tiếng ở nước ngoài. Phim lấy bối cảnh chiến tranh thế giới thứ II với nhân vật chính là chàng lính trẻ Alyosha và chặng đường về nhà thăm mẹ của anh. Trên đường đi anh đã gặp và tiếp xúc với nhiều người, nhiều cảnh ngộ trong chiến tranh. Mặc dù có đề tài chiến tranh nhưng các cảnh chiến tranh trong phim không nhiều, thay vào đó là những góc quay tuyệt đẹp và mối tình lãng mạn giữa Alyosha và cô gái Shura nảy nở ngay trong chiến tranh. Bộ phim đã giành được nhiều đề cử và giải thưởng trong các LHP danh tiếng trong đó có giải BAFTA năm 1961, giải đặc biệt (Special Jury prize) của LHP Cannes năm 1960 và các đề cử giải Oscar cho Kịch bản hay nhất và đề cử giải Cành cọ vàng cho phim hay nhất.( Xem thêm)

Khi tham gia bộ phim cả 2 diễn viên chính là Vladimir Ivashov và Zhanna Prokhorenko đều mới chỉ 19 tuổi, bằng tuổi với nhân vật của họ trong phim, và không có nhiều kinh nghiệm diễn xuất. Sau này Grigori Chukhrai có nói về sự lựa chọn của ông: "Đúng là rất mạo hiểm khi lựa chọn 2 diễn viên thiếu kinh nghiệm vào vai chính, nhưng sự mạo hiểm đó đã không làm tôi hối hận. Vladimir và Zhanna đã mang lại một gam màu quý giá cho bộ phim, tình yêu và lòng nhiệt tình của tuổi trẻ."

"Ballad of a Soldier" rất khác với các bộ phim chiến tranh của Liên Xô, không mang nặng tính chất tuyên truyền, nhưng bộ phim vẫn giữ nguyên vẹn tinh thần Liên Xô trong nó, với cách thức làm phim đậm chất điện ảnh Xô viết với các đột phá trong góc quay. Bộ phim được cả các nhà phê bình phim của Mỹ (vốn không ưa thích phim Châu Âu) ca ngợi là một bộ phim kinh điển và được tờ New York Times đưa lên thành một biểu tượng điện ảnh.

Thế chiến thứ hai là đề tài bất tận của điện ảnh thế giới, tất cả những nước có liên can đến cuộc chiến này đều cho ra đời những bộ phim theo góc nhìn của họ. Theo số đông lựa chọn, phim Mỹ vẫn luôn hấp dẫn và hoành tráng; nhưng với góc nhìn của VH Cuối tuần, thì đó phải là phim của Liên Xô. Bởi chỉ có đất nước đã hy sinh 20 triệu sinh mạng cho hòa bình thế giới (gần bằng ½ tổn thất của các nước tham chiến cộng lại), mới đủ sức làm lay động lòng người bằng những bộ phim cho nhân loại thấy cái giá của chiến tranh là đắt như thế nào! Trong số đó, Ballada O Soldate (Bài ca người lính), đến giờ vẫn là đỉnh cao của điện ảnh Xô viết một thời lừng lẫy…

88 phút đầy nhân văn và cảm xúc

Trong một trận chiến ác liệt bảo vệ Stalingrad, chỉ còn anh lính truyền tin 19 tuổi Alyosha duy nhất sống sót. Anh sợ hãi bỏ chạy khi bị đuổi sau lưng là cả đoàn xe tăng Đức. Cùng đường, Alyosha nhặt đại một khẩu súng chống tăng và chỉ 2 phát anh đã bắn hạ 2 chiếc xe tăng, đẩy lùi quân Đức. Alyosha được trao tặng huân chương vì hành động anh dũng trên mặt trận. Thay vì nhận huân chương anh xin đổi bằng 6 ngày phép để về thăm nhà thăm mẹ và nhân tiện sửa lại cho mẹ cái mái nhà. Trên chuyến tàu về nhà, anh quen với Shura – một cô gái trạc tuổi anh, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi đôi bạn trẻ đã cảm mến nhau. Trong quãng thời gian ngắn ngủi, Alyosha gặp rất nhiều biến cố xảy đến trên đường về nhà, khiến quỹ thời gian dành cho mẹ chỉ còn là cái ôm từ biệt rồi phải vội vã lên xe trở lại mặt trận… Và Alyosha vĩnh viễn không bao giờ trở lại!
Từ đề cương kịch bản vỏn vẹn chưa đầy hai trang đánh máy của nhà biên kịch Valentin Yezhov, đạo diễn Grigory Chukhrai đã cùng tạo nên câu chuyện xúc động về anh lính Hồng quân trẻ tuổi. Và dường như trái với quy luật thông thường, ngay từ cảnh phim đầu tiên, tác giả đã nói thẳng với người xem rằng nhân vật chính đã không còn nữa. Alyosha đã hy sinh ở nơi nào đó ngoài mặt trận. Giờ đây, nhân danh những người bạn của Alyosha, tác giả bộ phim kể lại câu chuyện về anh.
Cũng giống như những kiệt tác Khi đàn sếu bay qua (đạo diễn Mikhail Kalatozov) hay Số phận một con người (Sergei Bondarchuk), Bài ca người lính không miêu tả chiến công của người lính Hồng quân ở ngoài mặt trận, tuy rằng việc Alyosha bắn hạ xe tăng Đức chính là cái cớ để câu chuyện phát triển về sau. Chukhrai đã làm một cuộc cách tân thực sự : từ góc độ nào đó, Bài ca người lính có vẻ giống như một phóng sự điện ảnh mang tính chất phiêu lưu, mạo hiểm
Hình ảnh người lính Hồng quân với những phẩm chất trong sáng tuyệt vời hiện lên trước mắt người xem như biểu tượng của cái đẹp và sự cao cả trong thế giới đầy máu lửa và chết chóc. Giữa hoàn cảnh chiến tranh. Alyosha vẫn hồn nhiên, ngây thơ tốt bụng và đầy lòng nhân ái trước bao nhiêu biến đổi của cuộc đời. Vì thế mà mục đích cuối cùng của anh trong chuyến về phép hiếm hoi, lợp lại mái nhà cho mẹ, đã không thực hiện được. Để rồi cùng với giọng nói trầm buồn của tác giả trên nền những hình ảnh kết thúc phim, hàng triệu lượt người xem trên thế giới đã phải rơi nước mắt và nhận ra rằng Alyosha đã mãi mãi không còn nữa, lẽ ra anh có thể làm được nhiều điều, nhưng anh chỉ kịp làm người lính. Hình ảnh của nhân vật đại diện cho cả tầng lớp thanh niên Xô viết trong chiến tranh, mà hoàn cảnh khốc liệt vẫn không thể biến họ thành những cỗ máy giết người vô cảm.
Cuộc hành trình chông gai của một kiệt tác
Khi đạo diễn Chukhrai hoàn thành kịch bản Bài ca người lính, một hội đồng nghệ thuật được triệu tập để xem xét thông qua việc làm phim. Có rất nhiều người không tán thành, mọi người phê phán ông về tính nông cạn của kịch bản (chỉ duy nhất Mikhail Romm – thầy dạy của Chukhrai ở trường điện ảnh VGIK – là ủng hộ ông). Giám đốc xưởng Mosfilm Alexander Fyodorov phê bình Chukhrai kịch liệt: “Nên nhớ ông đang làm phim về trận chiến vĩ đại ở Stalingrad, mà câu chuyện này chỉ nói về một chàng trai và cô gái, rồi nào là lợp lại nóc nhà... Chẳng có gì nghiêm túc cả! Ông đã từng làm Người thứ 41, một bộ phim rất hay được nhiều người yêu thích và từng đoạt Giải thưởng lớn của Ban giám khảo LHP Cannes (1957). Vậy mà bây giờ ông lại làm một bộ phim nói toàn những chuyện tầm phào!”. Chukhrai phản ứng: “Đây là câu chuyện có thật của cuộc đời tôi, của một số người bạn mà tôi đã mất trong chiến tranh. Họ đã hi sinh, dứt khoát tôi phải làm bộ phim này dành tặng cho họ”.
Cuối cùng ban giám đốc vẫn quyết định để Chukhrai làm phim Bài ca người lính. Và ông bắt tay ngay vào việc tuyển chọn diễn viên. Hai diễn viên nổi tiếng lúc đó là Oleg Strizhenov (từng đóng vai chính trong phim Người thứ 41 của Chukhrai) được chọn đóng vai nam chính, và Alyoshnikova vào vai nữ chính, trông hai người thật đẹp đôi và đáng yêu. Chukhrai cảm thấy rất hài lòng và tự hào về việc đã chọn. Thế nhưng có một sự cố đã xảy ra làm thay đổi tất cả...
Ngay ngày quay đầu tiên, Chukhrai bị một tai nạn nghiêm trọng vỡ mắt cá chân và phải nhập viện. Ông chẳng có việc gì làm ngoài việc suy nghĩ về Bài ca người lính. Linh tính mách bảo ông hình như bộ phim có một điều gì đó chưa ổn, có điều gì đó mà ông đã sai. Cuối cùng thì Chukhrai cũng nghĩ ra, đó là tuyển chọn diễn viên không phù hợp, bởi khuôn mặt của họ quen thuộc và nổi tiếng quá. Một tháng sau quay trở về Mosfilm trên nạng, ông tuyên bố: “Chúng ta phải thay diễn viên!”. Cả xưởng phim gầm lên: “Ông có điên không? Đến đạo diễn bậc thầy Sergei Eisenstein cũng chưa bao giờ thay diễn viên giữa chừng, chưa ai làm vậy cả!”.
Mặc kệ tất cả, Chukhrai tập tễnh đi tìm diễn viên khác. Ông đến trường điện ảnh VGIK thăm lớp diễn viên năm thứ hai của thầy Mikhail Romm. Chukhrai chấm Vladimir Ivashov một chàng trai 19 tuổi trông khá bảnh bao, sáng sủa và hiền lành, y hệt như vai diễn Alyosha. Ông nói với thầy Romm: “Thầy có phiền không nếu tôi mời chàng trai kia đóng vai chính?” Romm nói: “Tôi sẽ không giao cậu ta cho bất kỳ ai trừ anh!”
Còn nhân vật nữ chính Shura, sau nhiều lần thử vai, ông quyết định chọn cô gái xinh xắn 19 tuổi, Zhanna Prokhorenco sinh viên năm thứ nhất Trường nghệ thuật sân khấu Moscow – Trường đào tạo nghệ thuật danh tiếng nhất của Liên bang Xô viết. Do chỉ mới học năm thứ nhất, nếu Zhanna nhận đóng vai này cô sẽ bị đuổi học! Mẹ của Zhanna rất tự hào và đồng ý để Zhanna bỏ học đóng phim vì bà rất thích phim Người thứ 41 của Chukhrai. Để đền bù cho Zhanna, Chukhrai đã xin cho cô được đặc cách vào học năm thứ nhất, khoa diễn viên Trường điện ảnh VGIK, của nhà làm phim lừng danh Sergei Gerassimov.
Chọn diễn viên mới xong, Chukhrai cũng được xuất viện và tiếp tục chuẩn bị cho việc quay phim. Sau tất cả những rùm beng của việc thay diễn viên, ông cảm thấy rất vui vì cuối cùng ý đồ vẫn thực hiện được.
Nhưng một cơn sóng dữ khác lại ập đến. Nhiều cuộc họp kín đã diễn ra và đoàn làm phim từ chối làm việc với 2 diễn viên mới Zhanna và Ivashov. Toàn bộ đoàn làm phim đã được mời tới gặp giám đốc của Mosfilm, họ nói rằng chỉ làm một bộ phim đích thực với 2 diễn viên nổi tiếng Alyoshnikova và Strizhenov, chứ không làm việc với 2 đứa trẻ ranh! Nếu không họ sẽ rút khi bộ phim. Chukhrai bình thản: “Được thôi, quý vị cứ rút. Chẳng ai ép quý vị phải làm một bộ phim mà quý vị không thích nó. Một nửa đoàn làm phim đã ra đi. Chukhrai phải tuyển thêm người mới và tiếp tục cuộc hành trình gian nan.
Khi quay đến bối cảnh đoàn tàu xe lửa, nữ quay phim Savelyeva đã sơ ý gây tai nạn cho cô thư ký đạo diễn. Và chính lúc này Chukhrai mới biết được chính Savelyeva, trong lúc ông nằm viện, là người chủ mưu tổ chức hai cuộc họp kín để phản đối kịch bản Bài ca người lính và dàn diễn viên nghiệp dư của đạo diễn.
Quá giận dữ, Chukhrai quyết định sa thải nhà quay phim Savelyeva: “Một vài cảnh cô quay tôi rất thích. Một vài cảnh thì không. Nhưng vấn đề không phải chỗ đó, tôi từng là một người lính nên không thích những kẻ phản bội! Cô đã không thích bộ phim thì cút ra khỏi đoàn này, đừng ở lại làm kẻ phá hoại!”
Nhà quay phim Nikolayev, cũng là một cựu chiến binh đã tình nguyện đến giúp đoàn phim hoàn thành nốt tác phẩm. Tiến độ phim đã quá chậm song Nikolayev đã lên kế hoạch và làm rất tốt cho đến khi quay xong.

Suýt nữa thế giới mất đi một kiệt tác

Khi bộ phim hoàn thành, đạo diễn Chukhrai chiếu cho giám đốc mới của xưởng Mosfilm lúc đó là Surin xem, và xin thêm kinh phí để quay lại một số cảnh đoàn tàu. Surin không những từ chối cấp thêm kinh phí – với lý do bộ phim quá dở, mà còn yêu cầu Chukhrai phải cắt đi một số đoạn nếu muốn phát hành rộng rãi. Chukhrai nhất định không chịu nhượng bộ và chấp nhận mọi hình phạt!
Sau đó vấn đề nghiêm trọng hơn khi bị đem ra bàn bạc ở Hội đồng của xưởng Mosfilm. Và họ đã thống nhất rằng Chukhrai đã làm một bộ phim chống lại nhân dân, chống lại nước Nga Xô viết, đích thực đây là một bộ phim phản động! Hội đồng đã bỏ phiếu khai trừ ông ra khỏi chi hội điện ảnh. Chukhrai uất ức vì một nửa trong số những kẻ đang phán xét ông chưa hề được xem Bài ca người lính. Bộ phim bị xếp xó và không được chiếu cho bất ai xem.
Một tháng sau Chukhrai được triệu tập đến Hội đồng của xưởng Mosfilm và được biết rằng Bài ca người lính được phép chiếu, nhưng không phải tại các thành phố lớn và thủ đô, mà chỉ giới hạn ở các câu lạc bộ ở nông trường, nhà máy, hợp tác xã, câu lạc bộ của công nhân… Chukhrai phát điên lên: “Nếu bộ phim phản động thì tại sao lại mang đi chiếu cho công nhân và nông dân xem, mà không chiếu công khai ở các thành phố lớn? Các người đang phạm pháp đấy!”. Câu trả lời là: “Nếu chiếu ở thành phố lớn nó sẽ gây nhiều tranh cãi!”
Hai tuần sau, vào một buổi sáng năm 1960, đạo diễn Chukhrai nhận được điện thoại từ Bộ văn hóa yêu cầu ông mang Bài ca người lính đi LHP Cannes gấp, vì ban tổ chức đích thân mời! Lúc đó cả LHP Cannes chỉ nói đến bộ phim vừa mới hoàn thành của đạo diễn Ý nổi tiếng Fellini La Dolce Vita, còn Chukhrai thì cho rằng bộ phim của mình chỉ như là… một thứ quê mùa. Khán giả ở Cannes là những người giàu có, quý phái với những chiếc cravat sang trọng, ai thèm quan tâm đến một bà mẹ Nga mất đứa con trai trong chiến tranh. Nhưng ông đã nhầm…
Bộ phim ngay lập tức giành được Giải thưởng lớn của ban giám khảo LHP Cannes, vượt qua rất nhiều tên tuổi lừng danh Antonioni, Fellini (Ý), Bunuel (TBN), Bergman (Thụy Điển), kể cả bộ phim “bom tấn” vĩ đại của điện ảnh Mỹ lúc ấy là Ben Hur! Sau thành công tại Cannes, là Giải Sói vàng LHP Bucharest (Rumani), Giải BAFTA (Anh) cho phim hay nhất, Giải David Donatello (Ý) cho phim hay nhất, Giải Bodil phim châu Âu hay nhất. Đặc biệt đây là bộ phim Liên Xô đầu tiên vượt biên giới vào Mỹ ngay trong thời “Chiến tranh lạnh”. Các nhà phê bình phim New York đã gọi Chukhrai là “Đạo diễn thiên tài”. LHP San Francisco đã trao 2 giải Cổng Vàng cho Đạo diễn và Phim hay nhất. Tại giải Oscar 1961, Bài ca người lính đã được đề cử Oscar kịch bản hay nhất!
Tại Liên Xô, dù đã được chiếu hạn chế từ 01/12/1959, nhưng phải đợi đến những vinh quang quốc tế ập đến dồn dập, thì Bài ca người lính và đạo diễn Grigory Chukhrai mới được tôn vinh như những anh hùng với con số khán giả kỷ lục 30,1 triệu người xem!.
Dưới đây là một số hình ảnh trong phim






















Các bạn có thể xem lại bộ phim hoặc tải về ở đây:
xem online
DOWNLOAD

7 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Phải ghi tiếng Nga mới đúng cái thời xa xưa ấy chứ anh QT :-)

Thắng k5 nói...

Bộ phim này đã được chiếu ở VN những năm 62 ~ 64 mà sau đó được liệt kê vào hàng ngũ xét lại.
Sao bây giờ lại được xét "xét lại" rồi sao ?

TQtrung nói...

Tôi copy nguyên văn bài viết về chứ không phải mình viết nên tôn trọng tác giả- bê nguyên sy, họ viết tên tiếng Anh như giới thiệu ở Liên hoan phim.
Ngày xưa do lập trường "vững chắc" để toàn tâm toàn ý đánh giặc nên các cụ nhà ta không thích "loại" phim này, bây giờ con cháu thoáng hơn các cụ, lại thấy nó hay "dã man" luôn.
Tôi thì thấy bộ phim rất nhân văn, và hiện thực.

HữuThành.Nguyễn nói...

Thoáng. Mà thoáng cực luôn. Lè phè cỡ mình không nói, cỡ siêu cao siêu sao con ta lấy con địch luôn mà :-)

Thắng k5 nói...

Còn tôi thì thấy bộ phim này rất hiện thực và nhân văn.

hadongtran nói...

Ở trang bô xít , bài " vụ án đàn áp khoa học..." của Vũ Cao Đàm có khái niệm " học phiệt " - nó tung-tác làm khổ bao nhiêu nhà trí thức trung thực . Còn ở đây mấy ông " nghệ phiệt " nó hành cho Chukhrai lên bờ xuống ruông ...he he !!!

TQtrung nói...

Quân phiệt" trong văn học- nghệ thuật có thể gọi là "Nghệ phiệt" như Hà Đông nói, không riêng gì ở Nga trước đây, ai đã xem "Bác sỹ Zivago" của B.Patecnac, được giải Nobel, nhưng ở Nga thời đó đã chịu một số phận cay đắng, cho tác phẩm và tác giả, ở Việt nam đang tái hiện việc đó khi mới đây tập chuyện ngắn "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông" đang bị Sở thông tin truyền thông tp HCM cấm vì cho rằng nội dung đồi trụy, nhưng NXB Hội nhà văn VN đã kết luận không có chuyện dâm ô đồi trụy, ở đây rõ ràng địa phương đã lạm quyền vì nhiều lý do vô lý. Xem ra sự đổi mới cũng còn gian nan lắm lắm.