Thứ Hai, tháng 10 05, 2009

18 vị La hán chùa Tây Phương

Nguồn gốc 18 vị La hán thì thật là phức tạp. Có truyền thuyết nói rằng các vị vốn là tướng cướp cải tà quy chính làm “lực lượng vũ trang” cho nhà Phật. Lại có thuyết cho rằng đó chính là các vị Tổ nối giõi nhau thay mặt cho Phất tổ ở thế gian (có năm sinh năm mất đàng hoàng?). Có người coi La hán chỉ là loại “công chức quèn” trong thế giới cực lạc, lại có người nói La hán là hiện thân cao siêu của Phật .... Nhưng nói chung La hán được hiểu là người đã đạt cấp "vô học" (không cần phải học gì nữa, vì cái gì trên đời cũng biết) của Thánh đạo và được xem là người đã từ bỏ ô nhiễm, bỏ các gánh nặng, đã đạt mục đích và tâm thức đã được giải thoát.

Mỗi nơi một cách, song nếu ta đến chùa Tây phương thì sẽ thấy 18 bức tượng La hán thể hiện tất cả tính cách (tốt) mà mỗi người chúng ta đều có thể có. Các vị đều là người gốc Ấn Độ (xem hình nhỏ tương ứng), song ở chùa Tây Phương tượng các vị đã được các nghệ nhân Việt Nam sáng tạo mang phong cách riêng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

1. Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa)

Thể hiện một người tuổi cao, ăn mặc nghiêm chỉnh, ánh mắt tinh tường,






2. A Nan Đà (Aananda)

Thể hiện một người có hình dáng và nội tâm đều sáng láng






3. Thương Na Hòa Tu (Sanakavasa)

Tượng tạo nên một ông già khắc khổ, sống bằng nội tâm






4. Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta)

Đây là một người độ lượng, ham học hỏi, ham giúp đời.





5. Đề Đa Ca (Dhritaka)

Tất cả như gợi lại điềm lành khi sinh, nhưng khuôn mặt đăm chiêu như có sự vướng mắc chờ đợi người xứng đáng nối nghiệp, do đó gợi khoảng không mênh mông tuyệt đối.



6. Di Giá Ca (Michakha)

Tượng đang trong sự ngỡ ngàng tìm hiểu điều gì đó, có dáng vẻ bình tĩnh song nội tâm lại động rộn.





7. Bà Tu Mật (Vasumatra)

Tượng bộc lộ rõ tính cách lịch thiệp, trang trọng, ngoại hình gắn bó chặt chẽ với nội tâm.





8. Phật Đà Nan Đề (Bouđhanandi)

Bộ mặt thể hiện sự căng nẩy, óng ả, mặt hỉ hả, toát lên sự thông minh, mềm mỏng, nói khéo, dễ gần, ngoài sự kích thích còn biểu hiện sự giao tiếp và ứng xử văn hoá uyên bác.



9. Phục Đà Mật Đa (Bouđhamitra)

Thể hiện sự già dặn từng trải pha chút hóm hỉnh và phát hiện những tư tưởng mới





10. Hiệp tôn giả (Parsva)

Biểu hiện người hay quan sát, ít nói, không nằm nghỉ và là người tinh tấn có chí, rất giàu nghị lực.





11. Mã Minh (Asvagosha)

Thể biện vẻ đầy tự tin, thông minh, điềm tĩnh, rất chan hoà với mọi người




12. Ca Tỳ Ma La (Capimala)

Tượng tả cảnh đang bị mãng xã quấn quanh, nhưng vẫn điềm tĩnh. Sự đàng hoàng khiến rắn biết gặp đối thủ cao cường phải bái phục. Đây cũng là một cách tranh đấu có nội lực mạnh,





13. Long Thụ (Nagarjuna)

Tượng thể hiện một nhà hiền triết uyên bác, ngồi tĩnh lặng nhưng nội tâm sôi động, là người từng trải, khắc khổ, xem nhẹ đời thường để suy tư.



14. La Hầu La Đa (Rahulata)

Là một trưởng giả ăn chơi, biểu hiện tài nói năng trơn tru, quyền quý oai vệ





15. Tăng Già Nan Đề (Samghanandi)

Tượng thể hiện toàn thể chững chạc, thu lại hình để khơi mở tư tưởng lớn






16. Già Da Xá Đa (Samghayacas)

Là người đang đi vân du giáo hoá, vẻ mặt có phần ngơ ngác luôn gặp những cảnh mới lạ, Ngắm nhìn tượng đơn nhưng ta có thể thả sức tưởng tượng nhiều tình huống xảy ra phía trước.




17. Cưu Ma La Đa (Kumarata)

Thể hiện tính cách lãng mạn, yêu đời, sống thật thoải mái, biểu hiện sự mãn nguyện đầy tràn sức xuân, gắn với kiếp trước ở tầng trời cao nhiều hơn là khi xuống hạ giới.



18. Xà Dạ Đa (Jayata)

Đây là người khi tranh biện có thể phán quyết đầy đủ đối phương, biểu hiện những suy tư, sự dằn vặt về sinh lý và sự sâu sắc về trí tuệ.




Tại chùa Tây phương, trừ 2 vị đầu bày ở Phật điện chính (vì đó là 2 trong 10 đại đệ tử của Phật tổ), các vị khác đều được bày ở gian bên của toà chùa trong. Thì ra trong các vị cũng cũng chia nhau ghế. Mô Phật!

11 nhận xét:

N.TV nói...

Không chia nhau ghế có lẽ chỉ có ở nơi không có ghế . Mô Phật !

HữuThành.Nguyễn nói...

Hay lắm, chưa đọc, nhưng vẫn thấy hay.

Nặc danh nói...

Tôi nhớ ( chỉ là nhớ thôi ) , trong chùa có hai ông đối nghịch nhau, một ông nhịn ăn để mặc còn ông kia nhịn mặc để ăn. Ông nhịn ăn để mặc thì gầy dơ xương nhưng lại quấn đầy vải, ông nhịn mặc để ăn thì béo trục béo tròn trên mình chỉ có mảnh vải vắt ngang đùi. Âm sao dương vậy.
TV

Nặc danh nói...

Chia ghế đâu có xấu,thậm chí là cần , nếu không thì loạn à. Nó chỉ xấu khi dành nhau thôi và sẽ thêm một chút đáng thương khi ngồi nhầm ghế vì đã làm hại dân mà không biết và rồi hại đến cả mình mà vẫn không biết. Thực ra xã hội rất cần chia ghế nhưng phải cho đúng. Ngưòi nhẽ ra phải ngồi vào ghế đó nhưng không chịu ngồi lại còn bỏ chạy một khía cạnh nào đó vẫn bị coi và cũng nên tự coi là xấu. Đương nhiên không xáu bằng kẻ đi dành ghế. Thiện tai..Thiện tai

4 SG nói...

Chỉ toàn là hình tướng cả mà thôi!

4 SG

Nặc danh nói...

Anh Chí bé,hình số 2 và số 3 hình như là một?
DS

TQtrung nói...

Ở Việt nam chúng ta cái gì cũng khác đời,cả mấy cái ông La hán này cũng vậy, có ghế hay không ghế đều chơi ngược, người ta ngồi thì mình đứng ,người ta đứng thì mình ngồi,các nghệ nhân Ấn độ sáng tạo mấy ông LH chỉ với mục đích tôn giáo, sang ta không biết các cụ có ý gì không mà để con cháu cứ vừa nhìn vừa lo.

HữuThành.Nguyễn nói...

À mà cái hình lớn là La Hán chùa Tây Phương à. Còn hình nhỏ, phong cách miền Nam (xanh đỏ) lắm?

Nặc danh nói...

Cám ơn aDS. Đã sửa. Tới 36 ông, nên hơi lẫn!
aHT : hình lớn là chùa Tây Phương, hình nhỏ là Ấn Độ (nhưng hình là do TQ làm)

HMK6

Nặc danh nói...

aQT : năm 1960, ông Huy Cận đến chùa Tây Phương cũng đã nghi như anh nên đã có bài thơ sau :
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe từa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn....

Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân ?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu ?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khô hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau ?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng, cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.

27-12-1960
Huy Cận

HMK6

AMk3 nói...

Ông Huy Cận làm bài thơ này đúng thời điểm "Đỉnh cao muôn trượng..." của đất nước.