Hồi mới lên trường, tôi được trang bị một cái bát sắt tráng men, một đôi đũa tre ngon lành để phục vụ cho cuộc sống. Hồi đó, mỗi nhà (2 tiểu đội) đều phải làm một cái giàn bằng tre để bát đũa ngay hàng thẳng lối theo từng tiểu đội. Lúc này mới thấy, thằng nào cũng có bát như nhau (hồi này chưa có loại bát B52), tất cả đều là sắt tráng men, bên trong màu trắng, bên ngoài màu xanh lá đậm hoặc bông bông như vải ngụy trang. Thật là bất tiện. Còn may là dưới chân bát có một cái lỗ nhỏ đủ để xỏ vào đó một cái vòng như vòng chìa khóa hoặc buộc một cái gì đó đánh dấu bát của mình. Có đứa còn lấy sơn viết tên vào dưới đáy bát bằng mọi thứ chữ. Có một lần cô Tâm còn đến lớp tôi viết chữ Hà mèo bằng tiếng Tàu vào bát của tôi. Nhưng rồi từ từ, chữ nghĩa, dấu má cũng mất hết. Có một lần vì đánh rơi, bát của tôi có mẻ thành một vết tròn hình xoáy trôn ốc. Thế là có dấu chắc nhất. Nhưng không chỉ mình tôi, mấy đứa khác cũng vậy, có đứa còn bị vết mẻ phía trong lòng bát, thế là “toi”.
Hình : Giàn để bát đũa (lấy từ SRTKL1)
Hồi đó không hiểu vì sao, các thầy cứ bắt phải ăn đũa 2 đầu, khó muốn chết. Đứa nào cũng loay hoay quay qua quay lại múa đũa lung tung văng cơm canh tùm lum cả. Có thằng kia còn vót một đôi đũa rất đẹp dài tới hơn 2 gang tay, múa may tùm lum cả, chẳng làm thế nào ăn được 2 đầu. Thế là chuyển qua ăn thìa. Tôi mua ở Gốc đa một cái thìa nhôm cán ngắn vô cùng tiện lợi. Từ đó các “sáng kiến” bắt đầu được phát huy. Mỗi đứa một cái thìa bỏ túi quần, đi học, đi chơi hay bất cứ đâu, tới giờ ăn là tấp vô nhà bếp “xực” liền không việc gì phải chạy về nhà lấy bát đũa. Không có bát, tất cả cơm canh, đồ ăn đều được đổ chung vào một nồi, trộn đều lên và … thi nhau múc cho tới hết. Tính “linh hoạt” là vậy!
Vì chỉ có mỗi cái thìa nên ăn xong không việc gì phải rửa ráy, chỉ cần thọc cái thìa xuống suối ngoáy ngoáy, để cho nước sạch của rừng núi chảy qua thế là xong. Nhất là vào mùa đông thì mới thấy “sáng kiến” này thực là “đại tiện”. Máy rửa bát đĩa ngày nay của các nước tiên tiến chắc cũng được hình thành từ ý tưởng này của trường ta chăng (?).
Hình : mâm 6 - lính thời nay
Có mấy mâm lại mang tính “thực dụng” hơn nhiều. Tụi nó không cần bất cứ thìa bát gì hết. Vô ăn, “Quản ca mâm” là người cầm chịch, trộn đều mọi thức ăn với cơm bằng cái muôi nhà bếp. Nó cũng là người được ưu tiên dùng muôi múc đầu tiên rồi chuyền muôi cho đứa bên cạnh. Cứ thế, từng thằng lần lượt dùng muôi ăn cơm theo nguyên tắc “xoay tua” mà bây giờ người ta vẫn dùng trong bữa nhậu. Nói vậy, nhưng múc cơm cũng phải có nguyên tắc của nó. Mỗi người đều có thể túy ý lực chọn miếng thịt, miếng rau … bằng mắt trước khi múc. Khi đã cầm muôi rồi thì chỉ được phép múc cái một chớ không được đào bới lộn xộn gây “mất vệ sinh” (?). Nếu vi phạm sẽ bị “nhẩy tua” liền. Ngay từ lúc đó, AE đã rèn luyện được ý thức “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” rồi !!
Qua Quế Lâm, mỗi thằng được phát cho một cái tô sắt tráng men, một cái thìa to, đồng đều hết. Lúc này trường mình bắt đầu tiến lên “hiện đại hóa”, nên mỗi khi đi ăn đều phải xếp hàng đi đều theo đội hình Trung đội.
Hồi này trường mình ăn theo mâm 8 chứ không phải mâm 6 như ở VN. Cơm hấp trong khay hình vuông vừa đủ cho 2 mâm (16 suất). Khay lấy ra, cứ dùng thìa kẻ chia đôi, chia đôi, rồi lại chia đôi … vừa đúng 16 cục vuông vức. Mấy cái tô TQ đúng là đã được “tiêu chuẩn hóa”. Bỏ cục cơm vào vừa khít một hình vuông nội tiếp cái tô (hèn nào lính Trỗi giỏi môn Hình học), các góc thừa vừa đủ để cho đồ ăn vào. Thế là mỗi thằng một tô, lang thang vỉa hè, lề đường ăn đúng suất chẳng phải tranh giành, ăn nhanh, ăn chậm gì cả. Một suất “bao cấp” không có “cạnh tranh” được quen ngay từ nhỏ nên sau này AE ta chẳng khá được là phải.
Hình : Nhà ăn Hưng Hóa ngày nay
Rồi về Hưng Hóa. Thời gian đầu, nhà ăn chưa có bàn ghế, tới bữa cơm, mỗi mâm cứ tự động tìm một chỗ đặt nồi đĩa xuông đất rồi bu lại mà ăn. Buổi chiều thì kéo nhau ra sân cho mát và sáng trời. Có bữa mưa đột ngột, mỗi đứa ôm một thứ chạy chối chết vào. Đã vậy lại phải canh chừng thằng bạn mình bê đĩa thịt có tranh thủ “lủm” thêm miếng nào thì có đứa phải “nghỉ” là chắc. Lúc này đũa lại có “hiệu quả” cao hơn vì không hiểu sao nhà bếp rất hay cho ăn canh rau muống, mà canh ít khi chia ra các mâm mà để chung một nồi lớn cho toàn Trung đội. Trong nồi thì nước nhiều, rau ít và đều chìm nghỉm dưới đáy. Đũa là dụng cụ tiện lợi nhất để ngoáy vô vớt rau lên. Đứa nào cũng thọc đũa vô ngoáy ngoáy, nước canh xoáy tròn, rau cũng xoáy theo, chẳng ai vớt được cái gì cả. Bực mình, một đứa bất chợt ngoáy ngược lại, vớt liền được một mớ lớn. Cả bọn tức thì làm theo, thế là nước xoáy lung tung, đũa thìa đụng nhau lạch cạch. Chẳng may mà tuột tay rớt thìa xuống là chìm luôn, nhưng đũa tre thì nổi lên, đúng là “thực dụng” (dụng cụ để thực!). Không những thế, đũa còn là cây chĩa để chĩa mấy cục bột luộc. Chĩa một cái, mấy cục liền và bỏ chạy mất.
Hồi đó tôi nhớ có một anh Trung sĩ, nghe nói là tốt nghiệp Trung cấp nấu ăn được điều tới hướng dẫn các chị nuôi mấy tháng liền về cách làm bánh mỳ và bánh bao cho lính ăn. Bánh bao thì khỏi bàn rồi, vì nếu so sánh với bánh bao QL mà AE ta đã quen thì đây chỉ là cục bột luộc có xốp hơn một chút. Còn bánh mỳ, thì tôi chẳng hiểu sao cũng chỉ là cục bột nướng, khô còng. Mãi sau này mới biết vì không có bột nở thì bánh gì cũng chỉ là cục bột mà thôi. Chỉ khác chút ít là một cái lò bánh mỳ to tướng được xây lên sau bếp, lúc nào cũng đỏ rực than hồng cực kỳ tiện lợi cho mấy “chú” ăn cắp gà nhà bếp khỏi phải đắp đất, chất củi nướng như hồi ở QL !
Thời này, cơm gạo khan hiếm, với sức ăn của tuổi mới lớn, bao nhiêu cũng không đủ. Ăn không nhanh là đói tới ngày hôm sau. Ngoài trang bị tốt hơn là bát B52, đứa nào cũng nhanh tay, lẹ mắt, gắp liên tục, nuốt chửng mọi thứ theo đúng chiến thuật “đầy – vơi – đầy” rồi từng bước tiến tới “đầy – đầy – đầy”. Đúng là sức mạnh “tổng tiến công”! Sau này làm việc ở xí nghiệp, anh em công nhân khen tôi hoài : Ổng là kỹ sư mà ăn như thợ, nhanh - nhiều, chứ như đám văn phòng thì làm sao mà làm việc. Đấy, cái tính bình dân gần gũi giai cấp đã được tạo nên từ các bữa ở trường Trỗi còn mãi tới giờ !
Nhớ lại một thời mới thấy AE ta vốn từ nhỏ đã có nhiều “sáng kiến” táo bạo “đi tắt đón đầu” trong hồi gian khó. Tinh thần này truyền lại cho lớp hậu thế e khó mà thành công !!!
5 nhận xét:
Về chuyện ăn đũa hai đầu ở đơn vị tôi có thơ thế này:
Yêu nhau ta nhớ lời nhau dặn dò,
Nhớ rằng đầu nhỏ đầu to
Đầu gắp công cộng, đầu cho vào mồm .
Hồi ở Đại Từ bữa trưa thì không nói, bữa chiều thường còn đủ thời gian đi lùng quanh để kiếm ớt chỉ thiên. Có hôm kiếm được mỗi quả, sợ bạn xin nên tôi phải dầm cho nát toét ra trong bát. Bát đầu cơm có mầu hồng, cay đến hết bữa.
Lớp 10 ở Hưng Hóa, tuổi ăn, hôm nào cơm ngô, cá khô là sung sướng. Cuối bữa đổ dồn nối cơm quân dụng từ đầu tới cuối dãy, gom đầu cá khô bỏ lại trên đĩa, chừng đấy cũng đủ no.
Tôi còn nhớ hồi ở Dại Từ, đầu nhà là giàn phơi quần áo, phía trên có lá ngụy trang cho máy bay không nhìn thấy. Chả hiểu ông tướng nào mót ị, lại sợ ma nên làm một đống to tổ bố. Sáng ra phơi quần áo anh em phát hiện mách thầy Chương. Thầy họp lớp, chả tay nào chịu nhận. Cuối cùng thầy nói: em nào dũng cảm giải quyết hậu quả sẽ được tính điểm kết nạp vào ( đoàn hay đội, tôi chả nhớ). Thế là một cánh tay giơ phắt lên. Hắn nhắm mắt bịt mũi hai chuyến xẻng công binh mới hết.Bây giờ tôi vẫn nhớ tên hắn nhưng không dám nói. Sau đó một thời gian hắn được " vào" thật.dđk6
Về cái ăn của lính Trỗi thì tôi cũng có chuyện vui:
_ Chuyện " lồng bàn nhấp nhô " kể về một anh trong trung đội tôi lúc còn ở Đại từ khi vào ăn thường nhấc lồng bàn chọn miếng ngon nhét mồm rồi tiếp tục nhấc các lồng bàn tiếp theo để chọn và ăn cho đã. Anh em vì sợ nên không dám ho he .
- Chiến thuật " hai nhanh một chậm", bát thứ nhất ăn nhanh, bát thứ hai ăn cũng nhanh và bát thứ ba thì xúc cho đầy cơm và đồ ăn rồi từ từ mà chén. Như thế sẽ bảo đảm về lượng cũng như chất.
-Chuyện " ăn gì bổ nấy " : khi ăn anh em thường nhường nhau miếng thịt cuối cùng còn gọi là " miếng thịt mất đoàn kết" . Trung đội tôi có một bạn hay xà đến các mâm giải quyết miếng thịt đó. Để trêu lại bạn này, một hôm chúng tôi bàn nhau để lại một miếng thịt lợn ( miếng này thuộc về bộ phận quan trọng của con lợn ), như thường lệ, anh bạn xà lại , miệng thì nói :" chúng mày lại nhường nhau thì để tao giải quyết cho." tay đũa thì đã nhón nhanh miếng thịt nhét vào mồm. Chuyện coi như cho qua. Hôm sau cử một bạn đến vén quần anh kia lên nhìn rồi lẩm bẩm : " sao bảo ăn gì bổ nấy mà tới hôm nay vẫn chưa mọc" , bạn kia có hơi chút ngạc nhiên nhưng bỏ qua. Tới chiều cử bạn nữa tới diễn lại động tác lúc sáng. Lần này thì bạn kia chột dạ tóm anh này mà hỏi thì bạn này kể là " chúng nó bảo với tao là hôm qua mày ăn miếng thịt mất đoàn kết ở mâm chúng nó là miếng thịt ở chỗ quan trọng của con lợn nên hôm nay mày lại kéo quần của nó lên xem có mọc nhiều lông không. " Ăn gì bổ nấy " mà.
Anh kia chưng hửng và từ đấy chừa thói.
-Các bạn đã bao giờ thấy có giấy ở trong đĩa rau muống luộc chưa ?!!!
-Viết cho vui , văn vẻ chả ra sao , hy vọng Tôn tiên sinh mấy bữa nay mệt vì cạo tuyết cho xe nên chắc cũng cho chữ đại xá.
Tạ Vinh
Đúng rồi ở đại từ còn nhiều kỷ niệm lắm , nhà ở b2 trên đồi lấy lá làm thạch , chiều tối ngắm thùng dầu máy bay rơi, rồi con lũ suối về bất chợt cuốn phăng đi chảo tắm ghẻ, đồ dùng nấu ăn và có đêm biệt kích mò vào giường...Còn ở quế lâm đi ăn cơm bụng đói vẫn xếp hàng ,tay đeo găng trắng vung đi đều miệng thì hát đến cửa nhà ăn thì ko hát được nữa...ở Hưng hoá chiều thứ bẩy mổ lợn liên hoan nén ai cũng ăn thật no bù những ngày ăn cơm bột ớt nén khi ăn xong ko đứng dậy nổi vì quá no..
Đăng nhận xét