Thứ Hai, tháng 8 25, 2008

Việc đạo, việc đời - chuyện mà TM đã đưa ra

Quê tôi
Cha tôi sinh năm 1907 trong 1 gia đình công giáo tòan tòng vùng chiêm trũng Hà Nam. Cả thôn Đồng Chuối đều là giáo dân. Có lẽ do vùng quê Hà Nam không xa cửa biển Nam Định nên các nhà truyền giáo khi mới lên bờ có điều kiện tiếp xúc ngay dân chúng; nên có về đây bạn sẽ thấy làng nọ làng kia đâu cũng có tháp chuông nhà thờ.
Bất kể giàu nghèo khi sinh ra ai cũng được làm lễ rửa tội và đặt tên Thánh ở nhà thờ. Cha tôi có tên Thánh là Phê-rô. Phê-rô Phạm Văn Phu! Chúng tôi gọi bố là “cha” cũng vì lí do này. Và đến nay khi cần tra cứu, mở lại sổ sách rửa tội của nhà thờ từ đầu thế kỷ XX vẫn còn lưu giữ thông tin chi tiết. (Dịp vừa rồi, chúng tôi lấy được thông tin về 1 ông chú sinh ngày 20/8/1911, được đặt tên Thánh là Giu-se (lúc đăng kí vào sổ chưa có “tên gọi”) tại nhà thờ Tiêu Thượng và có cha đỡ đầu là ông trùm Thêm). Thế mới biết nhà thờ quản lí nhân sự còn hơn cả bộ máy hành chính của ta ngày nay(!).

Niềm tin của giáo dân
Bất kể theo đạo nào, Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo… con người ta đều phải có niềm tin.
Ông bà nội tôi rất nghèo, tòan phải đi làm thuê, thậm chí phải đi nhặt phân bán cho nhà có ruộng. Các cụ sinh được 4 trai, 2 gái. Đến đời chúng tôi chỉ biết có bác Pho, khi ông mất (năm 1948), cả trung đội Vệ Quốc đòan về đưa tang (chắc là vì là anh của ông tướng?); và bà cô tên Phạm Thị Hiền sống với ông bà nội ở Hưng Yên đến mãi sau này.
Nhà nghèo nên nay đây mai đó. Cũng may trong họ có 2 ông chú của cha là cha Phạm Khắc Dinh trông coi nhà thờ Phát Diệm và cha Phạm Khắc Thảo trông coi nhà thờ Hưng Hóa nên còn “có cửa” đi làm thuê mỗi khi ngày ba tháng tám, quá đói.
Dù giàu hay nghèo, mỗi khi đến bữa cơm, trước khi ăn dân công giáo đều làm dấu cảm ơn Chúa đã cho miếng ăn, manh áo. Năm 1926, sau vụ làm lọan ở Trường dòng Hoàng Nguyên, Phê-rô Phạm Văn Phu bị đuổi khỏi trường và gia đình bị “rút phép thông công”. Đây là 1 nỗi nhục lớn, ông bà nội tôi phải bỏ làng, tay bị tay gậy lang thang kiếm sống, hết Hưng Yên lại lên Hưng Hóa (Phú Thọ)… Vậy mà đến đâu mỗi khi nghe tiếng chuông nhà thờ lại xốn xang trong lòng, hướng về nhà thờ mà lầm rầm cầu Kinh.
Ngày mới hòa bình được vài năm, nhà tôi về ở ngã tư Hoàng Diệu-Cột Cờ. Chủ nhật nào ông tôi cũng chống gậy lững thững theo đường Hoàng Diệu lên nhà thờ Cửa Bắc. Thấy lạ, các chú bảo vệ liền đi theo. Tới nơi thấy ông đứng bên ngòai hàng rào làm dấu Thánh và nghe giảng đạo. Hết giờ lễ, ông lại lầm lũi đi về. Vậy là sau đến 30 năm mà cụ vẫn coi mình bị rút phép thông công, không là con chiên ngoan đạo nên không dám vào bên trong nhà thờ nghe giảng đạo.

Từ giáo dân trở thành kẻ vô thần
Năm 3 tuổi, cha tôi theo ông bà vào xứ Thanh. Suốt ngày ông bà đi làm thuê cho nhà thờ, còn cha tôi thì lêu lổng khắp nơi nên biết nhiều, nào là cầu Hàm Rồng, là tầu hỏa, tầu lu, là đèn khí đá, nào cá sông, cá biển… Năm lên 8, Thanh Hóa đại hạn hán nên ông bà lại bìu ríu đưa cả nhà về quê. Nhà nghèo cha tôi không đuợc đi học nhưng vì sáng dạ nên cứ học mót chúng bạn. Vậy là biết chữ quốc ngữ. Năm 1917, ông tôi phải đăng lính sang Pháp nên có chút tiền mà bà xin cho cha tôi được đi học. Học giỏi nên cha tôi được thầy giữ lại hầu hạ và “làm martketing” cho các nhà có tiền thấy thầy giỏi mà gửi con tới học.
Nhà thờ nào cũng có lớp dạy giáo lý cho con cái giáo dân. Cha tôi được học giáo lý, rồi vì tinh ranh mà được chọn làm chú bé phục vụ lễ chầu. Ngay từ bé đã tỏ ra nghịch ngợm, cha tôi từng lấy trộm khóa, mở tủ lấy bánh Thánh ăn thử; thấy chả khác gì bánh bán ở chợ. Còn nước Thánh có khác gì nước giếng có pha thêm tí muối cho có vị là lạ. Vậy mà để có miếng bánh và lọ nước Thánh giáo dân phải xì tiền cho cha.
Lớn lên khi được đi theo hầu các cha nhưng sự tinh nghịch không mất đi. Thậm chí hễ muốn ăn thịt chó là cha tôi tìm cách lấy ớt sát vào đít chó. Ớt nóng gây rát bỏng, chú chó kêu ăng ẳng rồi kéo đít lết khắp sân cho hết rát. Cha tôi báo cho ông trùm (người trông coi nhà thờ) là chó điên, phải thịt đi kẻo cắn chết người lại phải tội. Ông trùm sai người đập chết rồi làm thịt. Còn nếu muốn ăn thịt lợn trong chuồng thì nhét hạt đỗ vào tai lợn. Khó chịu chú lợn cứ lúc lắc cái đầu chả khác lợn ốm. Và thế là… Dần dần cha tôi còn biết nhiều cha ban ngày giảng đạo rất hay nhưng đêm đến không có gái là không ngủ nổi.
Năm 1925, cha tôi được gửi đi học Trường dòng la-tinh Hoàng Nguyên (địa phận Hà Đông), ra trường sẽ làm đến “thầy tư”, đi giảng đạo và có thể kiếm cơm sinh nhai. Tại đây, ông tổ chức cho anh em giáo sinh đêm đêm tập võ. Các cha phát hiện nhưng không cấm được vì luyện tập cho khỏe mạnh sau này còn ra làm thầy đi giảng đạo khắp nơi. Thấy cảnh bất công trong đối xử giữa các cha Việt và cha Tây, dịp lễ tết cha Tây được uống rượu sâm-panh, thịt cá ê hề thì cha ta ngược lại. Lại được tiếp xúc với “tân thư” - sách báo tiến bộ của Lương Khải Siêu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh hay của nhóm Đông Kinh Nghĩa thục… được bí mật truyền tay nhau trong giáo sinh - mà trong ông nảy sinh tư tưởng phản kháng. Nhân dịp Noel năm 1926, ông đứng ra tổ chức cho 200 giáo sinh chống sự đối xử khác biệt này và đấu tranh thắng lợi. Dĩ nhiên tên ông bị ghi vào sổ đen.
Rồi tin cụ Phan Chu Trinh mất lan tới nhà trường. Sau khi dự lễ truy điệu cho cụ ở Thành Nam, cha tôi về tổ chức ở Hòang Nguyên. Chả khác gì nước đã tràn ly, đây chính là cái cớ cho nhà trường đuổi học. Cuối năm ấy, cha tôi lang thang giữa ngã ba đường, không thể về nhà vì tội “gia đình có con làm trái ý Chúa”. Nhưng đi đâu bây giờ?
Phải cầm Kinh Thánh đi dạy mà ông không hề còn niềm tin. Cũng qua sự giới thiệu của hương sư Vĩnh Trị mà cha tôi gặp Tống Văn Trân. Chính ông đã giác ngộ cha tôi và khuyên nên vào Nam bộ.
Từ tò mò, nghịch ngợm nhưng thông minh nên được tin dùng mà cha tôi đã tìm thấy những mặt trái, những bất công của đạo lý. Từ đó ông có tư tưởng làm phản. Cái mà Thanh Minh nói “ông đã chuyển từ duy tâm sang duy vật” bắt đầu từ ngày ấy...
Chuyện cha tôi theo cách mạng cũng được ghi nhận trong sách vở của nhà thờ. Đã từ lâu dân đạo quê tôi tự hào vì có ông làm việc đại nghĩa. Khi nói chuyện họ gọi cha tôi là “Ngài”. Đến nay các cha khi tâm sự cũng nói: “Cuộc đời của Ngài ghê lắm! Với nhà thờ có thể cũng có lúc ra những quyết định sai nên chuyện “rút phép thông công” của Ngài có thể sửa”. Nói vậy thôi sửa mà làm gì vì ông đã thành người thiên cổ hơn 40 năm; hơn nữa, người ta đã nhận biết việc làm đó là sai!

7 nhận xét:

dathb136 nói...

Những người tài là người có cá tính mạnh!Ba anh Quốc là 1 trong những người như thế!Cám ơn anh đã cho thấy hình ảnh các phụ huynh chúng ta đã từng trải như thế nào để có ngày hôm nay.

TranKienQuoc nói...

Rất muốn viết lại hình ảnh của ba mẹ lính Trỗi. Chỉ những con người táo bạo mới dám làm cách mạng!

Nặc danh nói...

Bài viết về người cha một nhà cách mạng thật dản dị mà xúc động cách viết ở dạng hồi ký rất chân thực càng đọc càng cuốn hút. Bài viết cho chúng hiểu và thêm cảm phục các bậc cha ông chúng ta ngày xưa đi làm cách mạng.
Còn các nhà "c/m" bây giờ!!!
Nghĩ buồn và tiếc cho công lao xương máu của bao thế hệ.dđ

Nặc danh nói...

Cám ơn KQ đã cho ae một bài viết hay, chân thật và đầy xúc động . Thế ra đa số giáo dân cũng bị giáo hội “đì sói trán” chứ chẳng sung sướng gì . Đúng như cụ Hồ nhận xét (trong quá trình tìm đường cứu nước), đại ý : Thế giới dù khác màu da, khác dân tộc, khác tín ngưỡng nhưng cuối cùng cũng chỉ phân biệt thành hai loại người “ Bóc lột” và “bị bóc lột”.
Trong cuộc sàng lọc khốc liệt của lịch sử, những “hạt vàng” đã được tuyển ra, đó chính là những chiền sĩ CM ưu tú...
TM

Nặc danh nói...

"Tới nơi thấy ông đứng bên ngòai hàng rào làm dấu Thánh và nghe giảng đạo. Hết giờ lễ, ông lại lầm lũi đi về. Vậy là sau đến 30 năm mà cụ vẫn coi mình bị rút phép thông công, không là con chiên ngoan đạo nên không dám vào bên trong nhà thờ nghe giảng đạo". Đoạn văn này thực sự ấn tượng, đọc xong tôi cứ thấy tui tủi, xót xa cho thân phận con người.Ôi đức tin!
TM

Nặc danh nói...

Sự Hy Sinh Cao Cả




Tôi là một cậu bé sinh ra và lớn lên ở thành phố nên không biết nhiều về cây chuối. Có một lần nhìn thấy một cây chuối có buồng, tôi hỏi Cha tôi:

“ Thưa cha, trong cuộc đời của một cây chuối nó sinh ra được bao nhiều buồng?”

“Chỉ một buồng duy nhất.” Cha tôi trả lời.

Tôi ngạc nhiên về câu trả lời của cha. Tôi cứ đinh ninh trong cuộc đời của mình một cây chuối ít nhất cũng phải cho vài buồng quả.

“Khi buồng chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ chết đi.” Cha tôi nói thêm.

Về sau, tôi có dịp được nhìn một cây chuối mang một buồng quả chín. Lá của cây chuối mẹ héo rũ và xác xơ, và thân của nó oằn xuống như sắp gãy vì nó phải mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu quả. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống.

Trong quá trình nuôi buồng chuối, cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhất của mình, chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá, để dồn cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt.

Hóa ra lâu nay hàng ngày tôi vẫn ăn chuối và thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy một bụi chuối mà không hề hay biết cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh đẹp về sự hy sinh.

Và bạn có biết không, dưới gốc cây chuối mẹ sắp chết đi, tôi nhìn thấy chồi non của một cây chuối mới. Một cuộc sống mới, một sự hy sinh mới lại bắt đầu...

Nặc danh nói...

Ôi : "NẬY" Chúa ,xin đặt "MÌN" dưới chân Chúa.