Trần Hiếu có nhà rồi!
Đó là câu chào đón chúng tôi khi đến mừng căn hộ mới của NSND Trần Hiếu, thầy Trần Hiếu, anh Trần Hiếu của lính Trỗi. Vợ chồng Chí Quang, Hòai Nam (em Trà) và tôi là những vị khách đầu tiên được gia chủ mời tới căn hộ 503, cao ốc Biên phòng ngay sau chợ Tân Sơn Nhất.
16 năm qua "chiến đấu" ở thành phố nhưng thầy tòan phải đi thuê nhà để ở. "Về đây hơn 1 tuần thấy mình hát hay hơn hẳn, ông ạ!". Nhà 2 mặt tiền, trên cao lộng gió, không mất tiền mua máy lạnh. Từ đây có thể nhìn thấy ga Hàng không mới và có thể nhìn thấy máy bay hạ cánh xuống sân băng. Phải nói căn hộ có view tuyệt vời, nhất là khi đêm xuống hàng vạn ngôi nhà cùng lên đèn.
Cũng nâng lên hạ xuống và bốc phét đủ chuyện. Là ca sĩ được học thầy Tây, tưởng giọng opera đã là nhất, nhưng khi lăn lộn vào cuộc sống, khi đi quét sân, cắp tráp, hầu nước... cho các sư tổ về văn hóa nghệ dân gian thì NSND Trần Hiếu đã tìm ra được những giá trị tuyệt vời của dân ca Quan họ, của hát Mèo, của cải lương Nam bộ... mà không phải đất nước nào cũng có.
Từng đi học, đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, khi đến Pháp được con trai Giáo sư Trần Văn Khê dẫn đi thăm Bảo tàng Nhân chủng học, được xem bộ sưu tập khổng lồ về các lọai nhạc cụ của mỗi dân tộc (ví dụ: sáo trúc có đến hàng ngàn kiểu...), nhưng họ đã trân trọng dành riêng cho đàn bầu Việt Nam trong 1 gian. Phải nói Trần Hiếu cũng xứng đáng là một pho tự điển sống về văn hóa văn nghệ dân gian.
Xin chúc cho thầy với niềm vui mới sẽ hát hay hơn, hát lâu hơn nữa!
Giờ mới hiểu bạn
Cũng trong tiệc, Chí Quang rút ví đưa tôi 200.000đ "nộp" quỹ Trại Nhi đồng. Rồi hắn quay sang với vợ: "Nghe nãy giờ đừng nghĩ là anh hay nói xấu bạn. Chính bạn anh lúc nào cũng đưa chuyện anh chưa nộp tiền lên blog, làm ảnh hưởng danh dự, mất uy tín trong giới... làm ăn". Rồi hắn đưa tờ 10000đ (hình như là tiền đểu vì thiếu dấu "." ở giữa?!) nhờ chuyển 5.000đ cho Đạt "bột" thanh tóan tiền mua dao hải tặc. Tôi thắc mắc: "Thấy Đạt bảo 5,000USD cơ mà? Dao chuyên dụng mua tận Mỹ đấy." thì hắn cười trừ và chêm vào: "Trong đó có thêm 5.000đ tiền xăng xe đấy!".
Sáng nay đi tập qua nhà Đạt. Đứng dưới đường tán chuyện với lên trên thì biết Chí Quang đã alô báo rằng đã trả tiền dao. Vừa nghe xong tôi thoáng buồn. Vậy ra hắn ta không tin mình, đã nhờ chuyển tiền lại còn alô "vu hồi", nghĩ là mình xơi chỗ ấy chắc?
Đúng là "tưởng hắn là đểu giả, hóa ra là đểu thật"! Đến giờ mới hiểu bạn mình!
Thứ Tư, tháng 10 10, 2007
CHUYỆN THẦY, BẠN
Gửi bởi TranKienQuoc lúc Thứ Tư, tháng 10 10, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
17 nhận xét:
CQuang nhắn Nam gửi mấy ảnh chụp hôm qua để post vào bài.
Tầng 50 nhìn xa trông rộng nhỉ.
Căn hộ số 3, tầng 5, chứ không phải 50. Mỗi tầng đến 20 căn hộ, đi vòng quanh, nhìn xuống 1 sân vườn.
Lầu 5 chứ không phải tầng 5. Chúng cư đó có tầng trệt và tầng hầm.
Căn hộ xinh xắn, nội thất khá thẩm mỹ.
HoàiNam K9 đã đưa tôi 3 hình chụp, tôi đã bỏ vào máy VT rồi nhưng do chưa post lên blog bao giờ nên tôi quên mất cách thực hiện rồi. Các anh xem chay vậy.
NSND Trần Hiếu nay 71 tuổi, cái tuổi mà chúng ta gọi là anh cũng không bị chê là hỗn, gọi là chú cũng không bị coi là lố.
Thời kì a.THiếu mới du học bên tây về, đi địa phương biểu, hát theo kiểu ôpêra, ồ ố ô, ô ố ồ, đầy hãnh diện. Hát xong đi xuống, ngang qua 1 thính giả, bị anh này phán 1 câu "anh Hiếu to con thế này thì tập võ chắc tốt lắm". Kể từ khi bị dội nước lạnh, a.TH không còn nghĩ ôpêra là đỉnh cao duy nhất. Anh lăn lộn các vùng, vừa là biểu diễn, vừa để học dân ca các vùng, miền. Anh phát hiện ra rằng, không thể dùng âm đồ rê mi để lột tả âm điệu của xàng xừ xê. Anh đã đi lên như vậy, mất 30 năm.
Chia bài ra nhiều phần để phù hợp với KQuốc.
Đưa KQ 200.000 vnd, chả thấy nó giao biên nhận, cũng không thấy nó mở sổ sách cân đối thu chi, thì phải báo ngay cho anh em, kẻo nó biển thủ thì bỏ mẹ. Tiền chứ vỏ hến đâu.
Còn khoản 10.000 vnd thì rõ rồi, 5.000 vnd thanh toán cho Đạt bột về chuyện bán con dao thợ lặn, 5.000 vnd rước KQ, uống chén nước, ăn điếu thuốc, xài mệt nghỉ.
Chia bài ra nhiều phần để phù hợp với KQuốc.
Trên hành tinh này thì sáo có 1.600 loại (KQuốc nói là hàng ngàn nghe chừng chưa chuẩn). Trống có 100 loại. Đàn bầu có nhõn 1 (một) loại.
Ở SG mà nhìn hàng vạn ngôi nhà đèn sáng về đêm, cứ nghĩ tầng 50 mới có view đấy. K.Quốc làm tôi quê quá!
Có ai đánh thuế thằng nói phét?
Nhân ngày 10-10, xin gửi tới "Bán Trời" một bài:
Hà Nội và những hồi ức tuổi thơ...
01/11/2004 09:29
Có lẽ với Hà Nội bây giờ tôi đã là người lạ. " Đã là người lạ" cũng có nghĩa rằng có một thời tôi đã từng quen thuộc, đã từng thuộc về nơi ấy. 10 năm, thời gian đủ làm nên khoảng cách mà người ta chỉ biết lấp đầy bằng một chữ "lạ". Nhưng tôi đã sống với Hà Nội bằng những hồi ức, những kỉ niệm qua năm tháng không bị bào mòn ....
Tình cờ một người bạn đã đến và bỏ quên lại trên bàn một cuốn băng catset cũ, cuốn băng có nhiều chỗ bị rè, nhoè tiếng. Nhưng thật may trong đó còn một bài hát gần như nguyên vẹn. Và lần đã tiên tôi đã thẫn thờ lắng nghe bài hát ấy. Bài hát không vui, cũng không buồn, nhưng lại như một sự gợi nhớ, một sự gợi nhớ cho những vô tình quên lãng.
" Những con đường rất xanh của Hà Nội ....." bài hát bắt đầu như thế... Và tôi đã miên man nhớ lại những con đường xanh um cây lá. Những con đường mà bước chân tuổi thơ đầu tiên tôi đã đi qua , từ ngập ngừng chập chững cho đến khi vững chãi, để rồi có ngày rời xa Hà Nội .... Với trẻ con , những con đường bao giờ cũng là quá dài cho những chuyến đi nhưng lại thật ngắn cho những trò nô nghịch. Tôi đã lê la qua từng con phố, với những trò chơi cùng những người bạn không chỉ biết tranh giành, cấu chí nhau, mà còn biết yêu thương và san sẻ.
Những trò đùa tuổi thơ qua năm tháng dường như chẳng hề vơi cạn, vẫn mải mê cuốn hút chúng tôi trên từng con phố. Mà mỗi con phố, mỗi góc phố lại là một loại cây. Cho đến bây giờ tôi vẫn có thể hình dung ra gốc cây sấu già với cả những nét sần sùi gân guốc của thân cây và sự xanh om của vòm lá. Sấu Hà Nội như một vẻ đẹp mà thời gian không thể làm thay đổi. Cũng như hoa sữa vậy. Dẫu Hà Nội có trồng biết bao loại cây thì khi nhớ lại, những cây sấu và mùi hương hoa sữa vẫn là những điều đầu tiên hiện hữu. Trẻ con bao giờ cũng vô tâm.
Chúng tôi đã từng mong chờ đến háo hức khi nhìn thấy trái sấu đầu tiên trên vòm lá xanh mướt, nhưng rồi lại đá phóc những trái sấu vàng ruộm cuối mùa rơi lăn lóc trên vỉa hè...Chỉ đến khi xa Hà Nội, khi thoảng nghe nhắc đến trái sấu mới thấy tiếc nuối khi vị chua dường như còn đọng mãi trên môi ....Và hoa sữa .... Quả thực, khi lớn lên tôi mới hay nghe người ta gắn mùa thu hoa sữa với những mối tình, với những tình yêu thời tuổi trẻ. Khi xa Hà Nội , tôi chưa biết đến điều đó, nên với tôi hoa sữa là những hình ảnh đẹp và buồn thuần khiết về mùa thu Hà Nội....
Ngày đó, có lần tôi đã hít thử cả một chùm hoa sữa để rồi tự hứa với mình sẽ không bao giờ thèm động đến loài hoa có mùi hương nồng đến thế!Nhưng mỗi mùa thu đến, khi đi dưới những vòm cây hoa sữa vừa thoang thoảng vừa nồng nàn, tôi đã gặp một sự thanh thản và nhẹ lòng chỉ có ở lứa tuổi chưa biết đến lo toan.... Lúc ấy có lẽ tôi còn quá nhỏ để biết rằng có những điều tưởng như vô cùng bình thường và đơn giản cũng có thể trở thành những hồi ức nhói lòng khi đã xa xôi, và khi nhớ lại...
Tôi thực sự đã ngạc nhiên với chính mình rằng không hiểu tại sao, qua 10 năm, một khoảng thời gian không phải là ngắn ngủi, nhưng những hình ảnh của một thời xa xưa vẫn không hề mất đi, cũng không nhạt nhoà, nó vẫn sống động và vẹn nguyên đến nỗi tôi thấy mình như chưa bao giờ xa Hà Nội....
Những con đường, những hàng cây và bên cạnh đó còn là những hình ảnh mà tôi biết sẽ chẳng có thể tìm thấy ở đâu , ngoài Hà Nội, dẫu chỉ là một Hà Nội trong kí ức của riêng tôi. Một trong những hình ảnh ấy là hình ảnh những bà lão già cầm giỏ đi quanh Hồ Gươm, gắp những que kem mà những đứa trẻ như tôi bỏ vương vãi bên đường. Hồi đó kem Tràng Tiền đã nổi tiếng lắm rồi, tôi ăn kem không hề biết chán, đến khi đôi môi lạnh cóng giữa mùa hè mà vẫn muốn ăn tiếp. Có lẽ vì thế, dù bỏ đi một cái que không còn một chút kem nào trên đó, tôi vẫn thấy nuối tiếc, nuối tiếc cho đến khi thấy dáng bà lão gắp cái que một cách cẩn thận rồi cho vào giỏ.
Đến bây giờ chắc chẳng còn kiểu tận dụng tiết kiệm như thế nữa, nhưng dáng bà lão lầm lụi đi dưới đưòng trưa gắp từng chiếc que bao giờ cũng làm lòng tôi nôn nao khó tả. Cho đến bây giờ cũng vậy, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thấy gợn lên trong lòng một chút gì xa vắng, bởi không biết thời gian hay Hà Nội đã vô tình đánh mất nó trong dòng chảy không ngừng của mình...
Và những gánh hàng hoa, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những ngày đầu tháng, trên phố tấp nập những quang gánh đầy hoa đựơc đặt trên đôi vai của những người phụ nữ... Những bông hoa bé nhỏ và nguyên sơ như chính những người gánh chúng. Hoa được bó lại từng bó hoặc để rời , người ta có thể mua để cắm, cũng có thể để đi chùa. Ngày ấy chưa có nhiều những cửa hàng bán hoa, nên những gánh hàng hoa quả là quen thuộc trên từng con phố. Trong cái dáng gánh hoa của những người phụ nữ, già có, trẻ có nhưng cái vẻ tần tảo thì ai cũng như nhau. Gánh hàng hoa rồi những hàng bán cốm dạo nữa. Cốm xanh, non gói trong những chiếc lá sen thơm thảo...
Với tôi, cốm ngon nhất là vào lúc hoa sen vào độ cuối mùa. Hương cốm và hương lá sen ngan ngát đủ làm cho người ta hoài nhớ một đời . Gói cốm được buộc bằng những cọng rơm vàng ruộm trên những đường vân xanh của lá sen như đem đến một chút thôn quê giữa lòng Hà Nội.... Tiếng rao của hàng hoa, hàng cốm cùng với tiếng tàu điện leng keng mỗi sớm mỗi chiều, tiếng xe cộ lại qua, tiếng cười đùa cho đến bây giờ như vẫn còn vang vọng .Những âm thanh ngắn gọn và mộc mạc ấy đã đi vào lòng Hà Nội một cách đầy tự nhiên và thuần hậu.. Hình như những điều tưởng như thật mơ hồ ấy đã trở thành một cái gì đó vững bền của tuổi thơ, của Hà Nội một thời ...
Đến bây giờ tôi vẫn chưa có dịp trở về Hà Nội, người ta nói Hà Nội giờ thay đổi nhiều lắm, cả người, cả cảnh ...Thật kì lạ, qua thời gian có biết bao thứ đã đổi thay, thế nhưng những hình ảnh, những kỉ niệm, hồi ức... những khái niệm đầy vẻ không thực và mơ hồ ấy cuối cùng lại là những thứ bền chặt nhất. Và cả những bài hát, như bài hát mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết tên là gì, của ai, luôn vang lên trong những buổi chiều dài tôi nhớ thương Hà Nội lại là những gì gần gũi nhất, ngọt ngào nhất ...." Tôi mong về Hà Nội, để nghe gió sông Hồng thổi, để thương áo len cài vội , một chiều dông rét mướt ..Tôi mong về Hà Nội, tìm lại tiếng ve ngày trẻ dại, gịot sương rớm trên cành đào phai, mùi hương ngát Nghi Tàm thuở ấy ... Vâng, tôi mong về Hà Nội biết bao, dẫu chỉ là để tìm lại những mảnh giấc mơ của một thời thơ ấu ...
Nguyễn Thị Thu Thuỷ
Gắn với tiếng leng keng của tầu điện, kí ức tuổi thơ, còn gắn với giọng xẩm tầu điện. Gắn với giọng xẩm tầu điện, lại liên tưởng xẩm rạp ci-nê-ma Kim Đồng. Gắn với rạp Kim Đồng, lại liên tưởng thịt bò khô. Cứ thế, cứ thế ...
Nguyễn Thị thu Thuỷ là ai mà "bút lực" ghê gớm quá vậy? Viết cứ như "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng.
Lối cảm thụ cái đẹp của kẻ tha hương, man mác buồn , nhớ, như nỗi lòng người hoài cổ " bao giờ cho đến ngày xưa"...
TM
Và cứ thế,cứ thế... Cảm ơn Thu Thủy đã gợi lại những kỉ niêm về Hà Nội đúng cái ngày 10/10 năm nay!
Và cách đây đúng 4 năm, tôi, HThành khi đặt chân tới đất Quế Lâm thì nhớ ngay về HN. Lúc ấy Hà Nội của chúng ta đang mùa thu với mùi hoa sữa nồng nàn. Tại sao ư? Mùa ấy Quế Lâm khắp nơi ngào ngạt mùi hoa quế. Thơm và ngọt như mùi táo chín.
Ngẫm cho cùng thì đi bất cứ đâu, gặp bất cứ điều gì mới lạ lại quay quắt liên tưởng về thủ đô thân yêu.
Nhớ lời khuyên" chia làm nhiều phần", tôi có thêm lời góp cho Bác Chí- Nhà nghiên cứu văn hoá:
"Có 1600 loại sáo, 100 loại trống" nhưng không phải chỉ có "nhõn 1 loại đàn bầu". Còn một loại "đàn" có bầu mà bác quên đấy. Dân gian thường gọi là đàn..bà có bầu,nói tắt là Bà bầu!
Phàm đã làm nghiên cứu thì phải cho tường tận bác ạ.
TM
Ngày 10/10 là ngày hysinh của bạn Ngọc,9/10 Tấn Mĩ lặng lẽ làm giỗ bạn.Hôm qua 10/10 gọi điện mời Tấn Mĩ dự họp truyền thống khóa 4.Nghe Mĩ kể,lòng thấy rưng rưng...
DS
Em xin lỗi các bác, ngày hôm qua em lướt web Báo hà nội mới điện tử thấy bài "Hà Nội và những hồi ức tuổi thơ... " hợp với tâm trạng mình nên gửi cho các bác cung xem. Vì "tâm trạng" nên không nghi đầy đủ nguồn gốc của bài viết, mong các bác thông cảm.
Một Út Trỗi.
THÔNG BÁO MUỘN:
Hôm nay Phục Quốc nhắn tin : thầy Hoàng Văn bí tiểu do u xơ tiền liệt tuyến nằm viện 175, thầy đã ra viện về nhà 46 Phan Liêm (bên hông Đài Hoa sen_ đường nối thông giữa Điện biên phủ và Võ thị Sáu)>Các bạn có thể ghé thăm thầy ởđịa chỉ trên.( Vào hẻm đi hết nhà bên trái đến nhà có rào sắt thụt vô, đó là nhà thầy).
DS
Thộn báo số nhà chính xác của thầy H.Văn là số 44 bis Phan Liêm (đi vào hẻm 46 ,số 44 bis bên trái như mô tả ở trên)
DS
Đăng nhận xét