Rất may gần đây Google tăng độ phân giải ảnh vệ tinh nhiều vùng của Việt Nam. Soi đến Lý Sơn trên GoogleMaps thì biết nó là tàn tích của ba miệng núi lửa phân bố theo hướng Đông Tây. Dân cư tập trung ở bờ biển các phía Đông, Nam và Tây. Các điểm thu hút khách du lịch lại tập trung ở hướng Bắc như chùa Đục (núi Giếng Tiên, phía Tây), chùa Hang và vách Hang Câu (núi Thới Lới phía Đông). Âm Linh Tự và Mộ lính Hoàng Sa ở thôn Tây xã An Vĩnh, phía Tây đảo. Nhà Trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải ở thôn Tây xã An Hải, cực Nam của đảo. Cầu tầu chính của đảo ở thôn Tây xã An Hải. Thường tầu khách cặp bến này, vì thế ở đây dịch vụ sầm uất hơn. Đợt chúng tôi đi vì có sửa sang gì đó cầu tầu mà tầu khách vào bến tránh bão (có kè) ở phía Đông, thôn Đông xã An Vĩnh. Phía này chỉ có một nhà nghỉ Hoa Biển trong xóm vắng, nhưng chúng tôi thấy thích hợp hơn, không ồn ào chen chúc dịch vụ như bên kia.
Lý Sơn gắn liền với Hải đội Hoàng Sa. Thông tin đã có rất nhiều trên mạng nên tôi không định kể gì ở đây. Mà là những điều biết riêng của mình về đảo. Nhưng cũng nên kể về bờ, có những điều biết khác.
Rời Tam Kỳ không sớm lắm nhưng tính còn thời gian đi theo hứng nên tôi "hoa tiêu" đến Châu Ô qua cầu rẽ trái vào TL621 đi Châu Thuận. "Phi công" KV chấp hành rúc ngay vào một con đê lát bê tông chật không chạy nổi 1 ô tô với 1 xe máy. He he, nhầm rùi. Gây hậu quả nghiêm trọng nên tôi phải khắc phục hậu quả, chơi màn lùi trên đê hẹp với đội cảnh giới bộ trước sau như xe nguyên thủ.
Ra có hai cái cầu, tiếp cái cầu sau mới là chỗ rẽ TL621. Nhưng mà dân nói đường đang sửa khó đi lắm, nếu về Châu Thuận thì quay lui 10km đi vào Dung Quất rồi xuôi là được. Đành theo. Sau mới biết nếu nghiên cứu thêm chút nữa thì thay vì quay lại đi vòng thúng gần 50km thì có thể đi tới 10km là được. Là cái giá phải trả khi đi theo hứng mà lại ít đọc bản đồ (duy nhất có tôi chơi bản đồ/GPS nhưng khi đó lại đang lái).
Mất cái lọ thì được cái chai. Mất mấy chục cây số chạy vòng thì lại ngó qua được mặt tiền của khu công nghiệp Dung Quất. Chúng tôi đi lướt qua khu nhà máy đóng tầu và cảng, ghé lối vào nhà máy lọc dầu. Có ngọn lửa trên đỉnh cột sau đầu ĐN mà máy ảnh không ghi lại được.
Đường Võ Văn Kiệt đoạn khu CN, phía trước thắt lại là con phố của Tp.Vạn Tường chưa được xây dựng.
So với Hà Nội 2 thì ở đây chưa phát triển bằng, nhưng cái biển tên đường thì oai-xờ hơn :-)
Theo đường Võ Văn Kiệt cuối cùng chúng tôi cũng gặp TL621 để đi ra phía biển, cảng Sa Kỳ mà ngày mai chúng tôi sẽ đi Lý Sơn từ đấy.
Vừa lái xe vừa động viên đồng bọn, yên chí cứ theo đường này ra Sa Kỳ rồi về Quảng Ngỡi, không phải quay lại đâu. Đến một ngã tư nho nhỏ thì tôi nhận ra 4 năm trước đã đi theo hướng ngược lại và nếu đi thẳng (theo đường tôi vẽ thêm) thì tới đèn biển Ba Làng An, chấm trắng cuối con đường.
Đèn biển Ba Làng An, nó kia, xa sau lưng. Mấy cậu thanh niên trông coi đèn biển người Bắc cho chúng tôi leo lên nóc nhà, nếu thích thì có thể đứng ngang ngọn đèn để chụp ảnh, nhưng không ai nghĩ ra chuyện ấy. Không gian thoáng đãng với biển rộng vực sâu làm mọi người ai nấy lo ngắm.
Có hai đèn, một chính và một dự phòng. Những người trực đèn chắc phải thức hoặc có cách nào tin cậy canh chừng cho đèn luôn sáng.
Trình diễn song mẫu
và đơn mẫu. Cũng bõ công lặn lội cho tới được đây.
Rời trạm chúng tôi chạy thẳng về thành phố Quảng Ngãi, HT.Lợi đang giục. Thế là biết lối ra Sa Kỳ rồi, yên tâm về đường, còn thời gian cứ ra sớm là được.
Phải nói thêm rằng các tọa độ tìm thấy trên mạng, chấm theo chả cái nào đúng. Nhờ có máy GPS của mình ghi tại chỗ tôi mới chấm đúng vị trí và vẽ lại được con đường đến Trạm.
Còn cái chỗ tôi muốn đến, nó nằm ở chót cái sừng bên trái đầu con bọ hung mầu nâu nâu phía trên bên trái Trạm đèn. Giữa hai cái sừng là một bãi đá ngập theo thủy triều, hồi đó có một xác máy bay UH-1, chắc di tản hết xăng?
(còn nữa, nhưng hơi bị dài, bấm vào đây để xem tiếp)
Buổi tối HT.Lợi đãi tại nhà. Nói chuyện đi Lý Sơn được em gái T.Lợi hỏi giúp, biết sóng mấy ngày nay hơi lớn nhưng tầu vẫn ra vô, giờ chạy bình thường, ra trước 7h là được. Để chủ động, khỏi "kinh động" gia đình T.Lợi buổi sớm chúng tôi nghỉ tại KS Vu Gia gần đấy vừa mới khai trương.
Sớm 6h rời KS cho chắc ăn, thời gian đã lên kế hoạch cứng, không thể trượt chuyến tầu duy nhất trong ngày. Tới bến Sa Kỳ mới gần 6h30, khách vắng, cửa bán vé chưa mở. Gần 7h mua những chiếc vé gần như đầu tiên nên sẽ ngồi đuôi tầu. Em T.Lợi khuyên không quen đi tầu biển thì nên ngồi phía đuôi và ghế phía trong sẽ ít bị lắc hơn.
Chuyến này chạy tầu An Vĩnh, nhỏ có 6 ghế một hàng, 7h30 khởi hành, chậm 30' theo vé ghi. Có lẽ vì tầu nhỏ, lại sóng khá lớn cấp 4-5 theo đánh giá của ĐN nên mãi 8h50 mới cập bến Lý Sơn. KV bị sóng nhồi đờ đẫn hết cả người, điện thoại không nghe, lấy được phòng xong là nghỉ.
Phía Đông Lý Sơn có núi Thới Lới, quanh đấy là các điểm:
- nhà nghỉ Hoa Biển, ở ngay bến tránh bão có:
- kè ngăn sóng
- bến tầu
Phía trên nhà nghỉ có khu đất làm nhà máy nhiệt điện gần sát ngay ngọn hải đăng.
Một con đường thẳng tắp được gọi là sân bay, có lẽ dùng cho máy bay lên thẳng và máy bay cánh cố định vận tải nhẹ.
Chùa Hang ở chân núi phía Tây Bắc, trong một cái hang có nền thấp hơn cửa vào, ăn khá sâu vào phía trong.
Vách phía ngoài cho thấy núi có lẽ do phần bùn trào ra khi núi lửa đã tắt, đất lẫn với các hòn nham thạch chảy tràn rồi đóng thành lớp.
Hang Câu giống như hang "Chùa", do sóng biển xâm thực vào chân lớp phún nham núi lửa mà thành. Cùng là chân núi phía Bắc của núi Thới Lới nhưng đường đi tiện nhất đến hai hang theo hai đường khác nhau, kiểu như hai gọng kìm bọc lấy ngọn núi.
Hang Câu không đủ lớn để làm một công trình gì. Nhờ thế nó giữ được vẻ hoang sơ như vốn có, làm thành một nơi có nhiều góc chụp đẹp. Như hai anh bạn này đang lấy hang Câu làm "hậu cảnh" (ra vẻ có tí nhiếp ảnh nghệ thuật).
Một mình hay hai mình cũng đòi lấy vách núi cao làm nền. Phía xa nhìn kỹ sẽ thấy tháp cao của ngọn hải đăng. Cạnh đó là khu đất xây dựng nhà máy nhiệt điện. Cái nhà máy này anh T.Lợi mình cản mà không được. Nghe T.Lợi nói chúng tôi thấy bạn mình có lý. Ra đảo nghe người dân nói ngành môi trường phản đối, nhân dân phản đối và cả bộ đội đảo cũng phản đối. Vậy mà vẫn quyết theo đề xuất... mua hàng Tầu! Ngày khởi công động thổ T.Lợi không ra dự. Tất nhiên là phải như thế. Giờ, công trình xây dựng theo tiến độ rùa bò. Ghét!
Chụp xong ảnh này mới nhớ đáng lý phải nhắc KV tựa tay vào hòn nham thạch nhẹ nhẹ thôi. Nó mà rơi xuống thì chân lõm nặng, theo nghĩa đen.
Cũng khu vực hang Câu nhưng trên cao mấy chục mét, tất nhiên theo đường khác lên núi là như thế này.
Nghệ thuật, ai bảo không nguy hiểm và cảm giác mạnh?
Cũng nghệ thuật với ít nguy hiểm hơn.
ĐN nói đưa những ảnh này lên chắc thế nào bác TM cũng phải ra đây cho bằng được. Ờ, thì mình chờ ảnh nghệ thuật của bác TM, sau khi bác ấy đã xem được những "thông tấn" này :-)
Điểm dấu chót Nam trên bản đồ Lý Sơn Đông là Nhà Trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải. Đã có nhiều thông tin về nơi này, tôi chỉ đưa chút chút cho hoàn chỉnh chuyến đi.
Những hiện vật làm nên cảm xúc thành nhạc của Bắc Hải k5.
Miệng núi lửa Thới Lới được tôi và ĐN phi nhanh xe ôm lên trong khe thời gian chờ tới giờ tầu xuất bến. Mà cái giờ này thì co giãn theo khách đủ hay chưa nên mới quay lưng đi là đã bắt đầu lo.
Lên đến miệng núi lửa thật thích. Một thung lũng lòng chảo rộng lớn. Ông chủ Hoa Biển nói trước 1975 là cả một rừng nguyên sinh cây cổ thụ mấy người ôm. Mỗi lần quân cảnh theo hàng chục trực thăng đổ xuống đảo để bắt lính là một lần thanh niên trốn vào đấy và nói chung là thoát. Thật tiếc cho cánh rừng ấy, nó đã được thay thế bằng rẫy mì, nương khoai những ngày đầu giải phóng. Có hai điểm dấu trên miệng núi lửa: đập bê tông ngăn nước và hòn đá cảnh.
Trên ảnh vệ tinh chưa có đập, nhưng có thể thấy rõ khe nước chảy ra khỏi thung lũng. Ngày xưa miệng núi lửa đã từng tích nước đến khi xuất hiện lối dò và dòng nước phá từ đó ra thành chỗ "mẻ miệng" như bây giờ. Ngược dòng lịch sử bây giờ người ta đang "hàn miệng" với hi vọng giữ được hồ nước ngọt dùng cho sinh hoạt.
Hòn đá cảnh nguyên thủy của miệng núi lửa ở ngay cạnh đường mở xuống công trình. Chắc đã nhiều tay máy có tác phẩm ở đây. Cậu chủ Hoa Biển nói ông bác sĩ, tình cờ lại là bạn thân ĐN, đã từng mê mẩn sáng tác trên miệng núi lửa này. Bọn tôi không có thời gian, sợ tầu chạy mất nên hối hả tạo dáng và bấm máy.
Trông có vẻ vững chãi vậy thôi, chứ nếu trượt một cái thì độ dốc với bề mặt đầy những viên sỏi nhỏ sườn núi này có thể cho ta về theo con đường ngắn nhất :-)
Về bến tiếc rẻ chụp lên hòn đá cảnh, biết rằng ta đã từng đến nếu không còn dịp nữa. Nó là cái mấu nhỏ trồi lên ở đoạn miệng núi ngang bằng.
Có lúc tự hỏi "ai muốn đọc con kà con kê này?" He he, chẳng qua là ghi lại để sau này khỏi nhớ lại thôi mà, không ai đọc cũng được :-)
Phía Tây Lý Sơn
Lý Sơn Tây không có nhiều điểm dấu: bến tầu, KS Lý Sơn, Âm Linh Tự và mộ lính Hoàng Sa và cuối cùng là chùa Đục.
Bến tầu không phải là bến chúng tôi đến và đi, không có ảnh, chỉ ghi vào cho nhớ
Khách sạn Lý Sơn, hiện là KS duy nhất trên đảo. Cũng ghi vào để biết. Xung quanh đấy còn khối nhà nghỉ, kiểu như nhà cho sinh viên thuê ở các thành phố.
Âm Linh Tự, đã có nhiều thông tin về nó, "chúng tôi đã đến, đã thấy và đã... chụp ảnh". Hôm này không có hoạt động gì ở đây nên chúng tôi chỉ đứng ngoài ngó vào.
Mọi thứ của chùa Đục có vẻ như đều khác với chùa Hang trừ việc thờ Phật. Chùa Hang là một cái hang to, còn chùa Đục có vẻ một cái hốc người ta đục vào vách núi. Mà vách núi ở đây có vẻ là nham thạch vì chúng trông như xỉ than.
Với chúng tôi, hóa ra hấp dẫn hơn lại là leo hết những bậc thang để lên miệng núi lửa Giếng Tiên. Đây mới là lần đầu tôi thấy miệng núi lửa đã tắt.
Và được ĐN cho một tấm ảnh tạo dáng chinh phục điểm cao :-)
Đó là tất cả những điểm đến du ngoạn. Hết?
Chưa! Điều cuối đáng biết lại là tập quán canh tác của người Lý Sơn. Người ta luôn trồng các cây hoa mầu theo cách mà tôi đã tưởng là chỉ để trồng tỏi, là bí quyết của sự nổi tiếng của tỏi ở đây. Hóa ra trồng tỏi, hành, đậu đỗ, ngô,... đều trên đất nền phủ một lớp đất đỏ và cát san hô ở trên cùng. Ruộng đỗ đang xanh bên ruộng ngô đã thu từ lâu và đống cát sẵn sàng bổ sung cho vụ mới.
Ruộng hành
Làm đất
Trỉa giống
và tưới.
Lý Sơn đến đây là hết :-)
Thứ Năm, tháng 7 07, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
11 nhận xét:
Hoa Biển thoáng mà yên, sân sau có gốc bàng vuông rợp mát, phòng ngủ trên lầu hướng bình minh. Mỗi tội nước tắm lạnh quá.
@BaChai: đúng như thế, Hoa Biển vắng vẻ thích hợp cho các chàng thủy thủ quen bến lạ nhà.
Với bọn tôi thì nước không lạnh mà đêm không điện, giường đệm mút trải valide thật nóng :-)
mịa, cái thằng cha cao mét tám, lừng lững phi công, làm nền mất kiểng.
Sớm đến cơ quan lão Hợp chỉ ngay chỗ sai "ông lùi là vụ vào tháp Bánh Ít chứ". He he, lẫn rồi...
@ĐN: Đại ca đừng lo, mái tóc "xì tin" của đại ca ăn đứt vụ làm kiểng! :):)
"Xì tin" cái gì? Mặt ấy tóc ấy mà đóng Hồng Thất Công thì khỏi cần makeup :-)
@HT: Hic, muội hổng dám cười, sợ anh ĐN giận!
He he... không giận mô, trưởng cái bang được đi xế hộp du lịch, sướng.
Bữa trước ngồi tiếp chiện phó bí thư huyện ủy Lý Sơn, thấy bảo tuyệt đối không cho phép đầu tư TQ tại đảo. Sao hổng thấy ảnh động tĩnh gì vụ mua máy nhiệt điện Tàu này nhỉ?
Ta đầu tư nhưng là mua nhà máy Tầu thì thành của ta rồi còn gì.
Nếu cái nhà máy nhiệt điện hết đát mà Vinashin rước về theo dạng đầu tư nước ngoài thì họ đâu có mang "của nợ" là nó về nhà và họ cũng đâu trở thành "của nợ" của nhân dân VN? :-)
Dở dang công trình cấp điện cho đảo Lý Sơn
Ý kiến độc giả: Thực ra dự án điện than Lý Sơn không hiệu quả về mặt kinh tế, ngay từ đầu các chuyên gia điện của TKV đã khẳng định điều đó. Nhưng vì ông Đoàn Văn Kiển là Chủ tịch HĐQT của TKV là con rể của Quảng Ngãi, ông Trần Xuân Hòa Tổng giám đốc TKV quê ở Quảng Ngãi nên họ quyết lấy được. Nay thì Đoàn Văn Kiển đã về vườn, nên Hòa bị HĐTV của TKV chi phối nên không dám quyết gì cả. Mặt khác dự án này lại giao cho 1 Viện nghiên cứu cơ khí làm tổng thầu (NARIME) với chiêu bài nội địa hóa thiết bị, họ không có kinh nghiệm thực hiện các dự án điện than. Vì vậy khởi công chỉ là hình thức thôi. Theo tôi biết, TKV sẽ dừng dự án này vì phi kinh tế, nhất là trong tương lai với công suất 6 MW cũng không thể đáp ứng cho huyện đảo Lý Sơn. Vì vậy, tôi ủng hộ phương án kéo cáp điện cao thế từ đất liền ra đảo mới giải quyết vấn đề cấp điện lâu dài và ổn định cho Lý Sơn.
Đăng nhận xét