Thứ Ba, tháng 7 28, 2009

Tổ quốc ghi công

EGK9

Các dân tộc trên Trái đất có thể rất khác nhau về văn hóa, lịch sử, chính kiến, nhưng đều có chung một hành vi: Luôn tôn vinh những người con của mình đã hy sinh để bảo vệ danh dự và tự do cho Tổ quốc. Sự tôn vinh ấy nằm trong những bài ca, những áng thơ văn, những tượng đài ….Những năm tháng học tập ở Liên bang Xô viết, những sinh viên ra đi từ đất nước Việt nam còn đang chiến tranh, nơi có cha mẹ, anh chị bạn bè đang ngày đêm chiến đấu và rất có thể đã hy sinh, chắc chắn không thể nào không dừng chân trước những «Ngọn lửa vĩnh cửu» ở mỗi thành phố. Và rất nhiều những « Ngọn lửa Vĩnh cửu » đó thật sự là những tượng đài nghệ thuật rất ấn tượng. Suốt đời tôi không thể quên đôi bàn tay che ngọn lửa trong địa đạo Odetxa, hay bàn tay cầm bó đuốc soi từng dòng tên những người đã ngã xuống ở chiến trường Xtalingrat. Khi đứng ở Thành cổ Quảng trị, trước bức tường tưởng niệm tôi lại chợt nhớ tới ngọn đuốc vĩnh cửu ấy.
Nhân dịp 27/7 gửi các bạn một số hình ảnh về Tượng đài Tổ quốc ghi công ở một số nơi mà tôi đã có dịp đến thăm. Vẫn biết những tượng đài dù đơn sơ hay tráng lệ cũng nhằm mục đích tri ân những người con ưu tú của dân tộc, nhưng tôi rất tâm đắc với những dòng thơ sau của nhà thơ Xô viết Robert Rotdexvenxky:


« Tôi biết :
Trong hố mắt sọ dừa
mặt trời không long lanh !
Tôi biết :
Cửa nấm mồ không mở trước bài ca-
cả bài ca hay nhất.
Nhưng nhân danh trái tim
Nhân danh cuộc sống yên lành
Tôi xin nhắc :
Vinh quang,
Đời đời vinh quang
các anh hùng đã khuất !...

Cứ để những bài ca bất diệt
Cứ để những bài ca vĩnh biệt
Bay trên hành tinh không ngủ của chúng ta !
Có thể những người
Đã ngã xuống
Hôm qua
Không phải ai cũng anh hùng
Nhưng tôi sẵn sàng nhắc mãi :
Vinh quang,
Đời đời vinh quang
Những người hy sinh
vì Nhân loại !

Ta sẽ nhớ mỗi người theo tên
Bằng nỗi đau của chính mình,
ta nhớ hết…
Điều đó chỉ cần cho chúng ta
Điều đó không cần
Cho người chết !..... »
(Trích : Trường ca Requiem- Thái Bá Tân dịch)

Hình 1 : Ngọn lửa vĩnh cửu tại khu tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Xtalingrad (ảnh sưu tầm)

Hình 2 : Trước Bức tường tưởng niệm – Thành cổ Quảng trị


Hình3 : Tượng đài Bất khuất khu di tích Chín hầm – Thừa thiên Huế



Hình 4: Đài Tổ quốc ghi công- Nghĩa trang liệt sĩ Phú bài


Hình 5 : Khu tưởng niệm các chiến sĩ hồng quân hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ hai tại khu vực Tây Beclin (khu tưởng niệm này là khu vực của Liên xô nằm cô lập tại lãnh địa Tây Đức)

Hình 6 : Đài Tổ quốc ghi công cấp quốc gia tráng lệ ở Roma


Hình 7 : Đài Tổ quốc ghi công cấp quận khiêm tốn ở Brussel. Tượng đài này nằm đối diện với cửa sổ phòng khách căn hộ tôi thuê. Tuy rất nhỏ nhưng luôn được chăm sóc, và ngày lễ nào cũng có treo cờ (có thể nhìn thấy bóng cột cờ trong ảnh)

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đã vào thành cổ QTrị 2 lần rồi mà mình không thấy cái tường tưởng niệm này (H2) đặt ở chỗ nào?
TTXVH

Nặc danh nói...

Vào thành cổ riêng tôi thấy tiếc là người ta đã dọn quá sạch sẽ những tàn tích của chiến tranh, đáng ra nên để lại một góc thành đổ nát, nếu không có bức ảnh trong phòng bảo tàng thì không hình dung ra được mức độ ác liệt ở đó, vào thành cổ tôi có cảm giác vào công viên nhiều hơn... Không biết con cháu chúng ta sau này có hình dung được đúng mức độ tàn phá... không?
TTXVH

Nặc danh nói...

Tại bãi biển, nơi đổ bộ của quân đồng minh trong thế chiến II( Phía tây nước Pháp ), ta có thể nhìn thấy hai khu nghĩa trang lớn chôn cất binh sĩ đồng minh và binh sĩ Đức trận vong . Họ nằm im lặng bên nhau ! Nghĩa trang được xây cất rất trang nghiêm .
TV