Thứ Sáu, tháng 7 17, 2009

Rõ ràng châu chấu đá xe...

Có một bài báo mạng tiêu đề rất oách "Những kỹ sư Việt "thách đấu" Microsoft". Ngay trong diễn đàn thư ICT-VN chuyên về công nghệ thông tin truyền thông một bác hốt hoảng hỏi "không rõ thực hư thế nào, xin anh/chị nào có thông tin thì cho mọi người cùng biết".
Từ trước chuyến đi Đà Nẵng thì TL và HH đã thấy tôi nhận cuộc gọi mời tiếp cận sản phẩm Phượng Hoàng Việt từ một người của công ty Rồng Việt Nam. Mãi mươi ngày trước, sau một vài trao đổi ban đầu tôi mới có dịp đến Rồng để xem Phượng Hoàng. Hôm qua thì được đọc bài nói trên.
Là người ủng hộ nhiệt thành cho phần mềm mã nguồn mở với những lý do xã hội (chứ không phải kỹ thuật, vì có biết gì đâu) tôi đã nói chuyện với các bạn trẻ về cái sản phẩm đó.
Tôi ủng hộ sản phẩm như một thử thách trí tuệ, như một khẳng định tài năng, dù chưa biết bao nhiêu về nó. Bởi vì trò chơi trí tuệ thì luôn tốt.
Nhưng cũng chính vì ủng hộ các bạn trẻ mà tôi thành thực nói ra những lo lắng của mình. Bởi vì các bạn trẻ không chỉ muốn chứng minh trí tuệ mà còn muốn khởi nghiệp từ đó, cất cánh cuộc đời và doanh nghiệp với Phượng Hoàng.
Điểm xuất phát của Phượng Hoàng là một bản phân phối Linux, nếu tôi không nhận xét nhầm thì là Kubuntu (Ubuntu giao diện KDE). Đích đến là một phân phối Linux "khoác áo Việt" khắc phục được tình trạng vi phạm bản quyền Windows và các ứng dụng trên đó, đồng thời khắc phục được các khuyết điểm được xem là nghiêm trọng của thế giới Linux: ít ứng dụng, thiếu trình điều khiển cho các thiết bị và khó sử dụng. Một quan niệm về sức cạnh tranh của sản phẩm trên cơ sở kỹ thuật vượt trội.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi thì đa số người dùng, nếu có phải từ giã thế giới Windows, sẽ nhanh chóng chấp nhận những bản phân phối Linux hiện đã phổ biến rất rộng rãi như Ubuntu chẳng hạn. Ở chúng có vừa đủ cho người dùng phổ thông:
- một hệ thống chắc chắn, đáng tin cậy
- một tập hợp các ứng dụng thông thường nhất: văn phòng, xem phim ảnh, dùng mạng internet.
- cập nhật thường xuyên bởi cộng đồng qua trung tâm thẩm định và phân phối toàn cầu.
- ứng dụng ngày càng được viết nhiều hơn bởi cộng đồng
- trình điều khiển thiết bị ngày càng được hỗ trợ bởi các nhà sản xuất.
- tùy ý sử dụng, kể cả việc bán nếu có thể.
Tôi cho rằng thậm chí dù cho Phượng Hoàng có phát không thì cũng ít người chấp nhận bởi nó có cái mà người ta không cần (dung nạp cả nguồn đóng và mở) trong khi cái người ta cần (hỗ trợ cộng đồng) thì lại không có. Trong khi triết lý về ứng dụng tin học đang thay đổi rất nhanh, theo hướng sở hữu sản phẩm trí tuệ đang dần nhường chỗ cho sở hữu dịch vụ. Giống như người ta không trả tiền cho người chế ra ký tự mà chỉ trả tiền cho câu chuyện được viết ra.
Bởi thế, sợ "tưởng rằng chấu nát, ai dè... chấu gãy chân".
Thiết nghĩ cứ "nói thầm" với nhau thế này có ích hơn "vứt chấu ra khích xe" như cái bài viết kia.

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

TQ ơi, cho dù chưa thấy "thằng bé" đó
ra răng,song 30 ông bố nhí này rất đáng trân trọng. Về cái CNTT này tôi chẳng biết tí mô,song nếu nó xài dễ và không phải thay đổi thói quen(thao tác) sử dụng máy tính thì cũng OK lắm.Nếu hệ điều hành Phượng hoàng Xây dựng trên một nền tảng mới hoàn toàn thì đúng là rất xịn .Tôi cũng từng đã đọc một thông tin về việc tương tự, một Việt kiều Mỹ đã về Việt Nam và cũng mang hoài bão xây dựng một hệ điều hành hoàn toàn Việt .
Những "châu chấu đá xe" cuộc sống phải có và nên có!
Cái hệ ĐH Phựơng hoàng này hạt dẻ hơn Bkav pro,sao ta không thử nhỉ?nếu nó miễn nhiễm virus .
DS

HữuThành.Nguyễn nói...

Dù có là phiêu lưu lãng mạn... tâm thần như Đông Ki Sốt vẫn còn được người đời hâm mộ. Nhưng giá như bọn chúng thoát khỏi cảnh tả tơi của Đông Ki Sốt mà bóng mượt như Bill Gate thì mới là câu chuyện đáng mong mỏi.
Tôi đã có lời khuyên bọn chúng: nếu có thể hãy bán cả công trình này cho ai đó, như cuộc chạy tiếp sức. Sản phẩm sẽ được đầu tư tốt hơn và các cậu có vốn để đi tiếp con đường dài.
Ý tưởng cho cái sản phẩm này không mới, thậm chí mô hình kinh doanh đã chậm một nhịp. Thời gian sống của sản phẩm này không dài trong khi muốn theo đuổi thì tài chính đạt đầu tư tới hạn hoàn toàn không nhỏ. Sợ rằng chúng không vượt qua được. Hay là mình già rồi?
Còn chuyện thói quen, không có cách nào ngoài việc phải làm mới lại mình. Cuộc sống bây giờ là phải thế. Chả phải thế giới đã nhỏ bé hơn trước nhiều sao?

Nặc danh nói...

-Ta cứ cho một lời động viên vì Phượng Hoàng cũng gặp đủ khó khăn rồi.

-" Còn chuyện thói quen, không có cách nào ngoài việc phải làm mới lại mình ." Hữu Thành

-"Con người cũng vậy, một khi không lùi cũng không tiến kịp thời gian, đành nhận ra mình đã là tàn dư." ( " Cổng làng " Hoàng Đạo Kính )
TV

AMk3 nói...

Bản thân cách tiếp cận (phát triển một hệ điều hành Việt trên nền linux để có thể cung cấp cho thị trường - như một kế hoạch kinh doanh)đã là sai lầm cơ bản. Chưa nói tới trình độ công nghệ. Ngay cả ông trùm Microsoft cũng xuất phát từ 1 hệ điểu hành mua lại của người khác.

Nặc danh nói...

BKIS non tay nhảy vào nhà người ta ( máy chủ )lục soát khi không có phép bị một tổ chức quốc tế cho là phạm luật. ( vnn.vn 20.7.09 )
tv

HữuThành.Nguyễn nói...

Nói sâu hơn một chút thì các bạn trẻ cũng đã phát triển Phượng Hoàng trên cơ sở "gia tăng" một bản Linux có sẵn mà tôi cho là Kubuntu. Thế nên chắc chắn cái bản ấy nó làm việc tốt thôi.
Vấn đề là cái phần "gia tăng" ấy có đạt được như dự định hay không? Có thỏa mãn người dùng với thói quen cũ, có nhanh chóng có được nhiều ứng dụng, có ổn định với các trình điều khiển vốn chạy trên Windows?
Và điều quan trọng là các nền Linux khác người ta không dùng để kiếm tiền trực tiếp, được cộng đồng xúm vào hỗ trợ toàn cầu, thỏa mãn số đông "người dùng thầm lặng",... thế thì "cạnh tranh" với nó thế nào đây, hiểu theo nghĩa được chấp nhận rộng rãi?