Thứ Ba, tháng 7 21, 2009

Kỉ vật của bạn

Đăng lại bài của Tô Thắng K6 trên bantroik6 http://nvtk6.multiply.com/journal/item/539

Nhân ngày 27/7

ột bữa, hồi còn ở trường Y Trung, tranh thủ có nắng, tôi đem chiếc quần duy nhất còn lại ra gột giặt để kịp chiều còn sinh hoạt lớp. Cẩn thận, tôi đã chọn chỗ phơi ngoài sân sao cho có thể quan sát được từ giường của mình. Yên chí lớn, tôi... nằm, vừa trông quần, vừa đọc sách.

Thế rồi gió mát hiu hiu... đến khi giật mình tỉnh nhìn ra thì đã không thấy bóng quần đâu nữa. Lật đật chạy ra sân phơi, dòm trước ngó sau thấy trên dây phơi bên cạnh có một cái quần y như của tôi, phải cái hơi cũ hơn tí. Tôi tự nhủ một cách "ngây thơ" rằng "chắc thằng này lại rút nhầm quần mình vào rồi, cứ mang vào đã, sau sẽ đổi". Dật vội khỏi dây phơi, tôi cầm quần biến vào trong nhà. Đến khi ngồi trên giường giở ra nhìn kĩ, tôi mới thấy chữ "Bá Kim" thêu chỉ mầu nhảy múa trên cạp. Nhìn sang bên, tôi thấy Kim vẫn còn đang ngon giấc. Thế này thì không có cái sự nhầm rồi. Hết giờ ngủ trưa, tôi trả Kim cái quần và kể chuyện “rút hộ”. Dù còn ngái ngủ, tôi vẫn đọc được trong ánh mắt bạn cái cười tinh quái "Chà chà, thằng này thế mà cũng ...”.

Mọi người trong phòng biết chuyện xúm lại tán, ầm như chợ vỡ. Tôi còn đang chưa biết nghĩ sao thì nghe một giọng dứt khoát nói như ra lệnh: "Thôi thằng Thắng bận cái này vào lên lớp, hạ hồi phân giải sau". Linh cố, hồi đó là tiểu đội trưởng tiểu đội tôi, chẳng biết đứng sau lưng tôi từ bao giờ, vừa nói vừa dúi vào tay tôi chiếc quần của mình. Quần Linh đưa vải mềm, sợi bông bông, nhạt màu xanh sắc tím chứ không như cái cũ của tôi, vải cứng mặt trơn, xanh màu lá cây. Hồi đó Linh vào loại cao, ít ra cũng hơn tôi một đầu nên phải nói là tôi bơi trong cái quần của bạn. Linh giúp tôi kéo thắt lưng, xắn gấu quần, rồi lùi lại vài bước ngắm nhìn, ôm miệng cười: "Không sao! Trông kẻng ra phết".

Và từ đó tôi diện cái quần của bạn. Vải mềm nên gấu quần hay tụt xuống, mà chẳng hiểu sao ống bên phải bao giờ cũng thấp hơn bên trái.

Sau ngày trường giải tán, bọn tôi lại trở thành hàng xóm của nhau. Một hôm dọn đồ tôi lại thấy cái quần của Linh vẫn còn nằm trong ba-lô. Mang sang nhà, tôi đùa trả lại bạn để làm kỉ niệm trường Trỗi. Linh cười hiền: "Thôi đi cha nội, cho vào bảo tàng được rồi!"

Vâng, giờ thì cái quần ấy của Linh cố đã mãi mãi nằm trong cái bảo tàng riêng bé nhỏ của tôi. Cứ mỗi lần nghĩ đến “cái thằng tôi” hồi đó, trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh một chú nhóc ống thấp ống cao trong cái quần vải mềm, sợi bông bông với màu xanh tim tím.

Tô Thắng
Bp., tháng 7/2009

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đọc bài của Thắng tự niên nước mắt muốn rơi. Tấm hình Linh hiền lành, trẻ trung tuổi 17 in mãi trong tâm trí tôi. Linh cao ít nói hơi gù. Còn Thắng nhỏ con, thư sinh hiền lành giống Linh nhưng học giỏi không làng nhàng mải chơi như bọn tôi. Bao nhiêu năm rồi không gặpThắng cũng như Triều. Nhìn hai bạn qua hình không thể nào nhận ra.
Đây là một kỷ niệm đẹp, nhẹ nhàng của tuổi thơ về một người bạn đã đi xa cho chúng ta, những người được ở lại. Bài viết như một nén nhang thơm kính viếng hương hồn bạn.
Duy Đảo k6, bạn cùng lớp với Triều và Thắng.

VNQ nói...

Bác Thắng này hồi đó phơi quần "liều" thế, nên bị mất là fải rồi. K8 bọn tôi khi về Trung hà rất ít chiến sĩ "liều" như thế, vì còn một bộ độc nhất có ông cả mùa không dám giặt quần áo, đến nỗi cổ và tay áo như "đánh si", quần thì cứng như mo.

HữuThành.Nguyễn nói...

Hơi lạ chuyện chỉ có một quần? k4 có lẽ ai cũng có ít nhất là 2 cái chứ nhỉ?

Nặc danh nói...

Chuyện bị "mượn" hết chỉ còn 1 bộ quần áo duy nhất ko có gì là lạ. Nhiều đứa "bần cùng sinh đạo tặc" cũng là từ đây.

HMK6

dathb136 nói...

Chuyện chỉ có 1 bộ trên người là không mất hình như chỉ có từ k6 trở xuống.Ở khóa 8 hồi đó có trò chẵn lẻ.Đầu tiên dùng một loại hại để chơi.Sau đó ai nghĩ ra lấu nút áo chơi?Thế là cứ hở ra bộ quần ,áo nào là bị cắt lấy hết nút.Lúc này thì quần ,áo có cũng không.Thử tưởng tượng mặc quần áo mà không có tí nút nào sẽ ra sao nhỉ?Sau này cao cấp hơn thì đập bom bi lấy bi chơi thay cho nút.

HữuThành.Nguyễn nói...

Chuyện lấy nút áo quần của k8 có thể sánh với chuyện lấy chóp mũ của k4 năm học 65-66. Không biết ai bị mất chóp mũ, gây ra tình trạng lấy cắp dây chuyền của nhau. Biết thân phải tháo chóp mũ giấu vào... ba-lô. Đến khi lên xe về nghỉ Tết mới lắp vào.
Đến năm lớp 10 còn có trò bắn súng cao su vào bát sắt treo trên giá. Phải tội thằng nào bát bị bắn nứt khi ăn canh phải dùng... ngón tay bịt lại.