Thứ Năm, tháng 6 18, 2009

VIỄN GIANG

PHẦN CUỐI : NGƯỢC MÊ KÔNG

...Tàu từ từ tiến vào cửa khẩu Vĩnh Xương để qua đất bạn. Thuyền trưởng ra lệnh, dỡ hết bạt che súng ra, lắp vào những dây đạn vàng chóe... Nguy rồi! Đánh nhau chăng? À không. Thì ra đây chỉ là động tác hù dọa mấy anh biên phòng Miên ưa mãi lộ. Rất hiệu quả. Trên chòi, chú lính Miên đen chũi, răng sáng lóa, cười tươi như hoa nở giơ tay vẫy chào.

Từ Tân Châu đến Niếc Lương, bờ sông hai bên dựng đứng , tầm nhìn bị hạn chế . Đoạn này nghe đâu hồi đánh Mỹ, khi ta cô lập Nông pênh bọn ngụy phải tổ chức cả một giang đoàn chở nhiên liệu , thực phẩm, vũ khí lên tiếp cứu ( chính quyền Nông pênh). Ở đây đã xảy ra những trận đánh ác liệt. Ta ở trên bờ cao và địch dưới sông …
Tàu chạy ngược nước mùa lũ có lúc chậm như đi bộ, nhất là lúc nước ròng. Tất nhiên việc canh con nước để chạy là chuyện của các thuyền trưởng . Tôi ngước nhìn lên trời, từng đàn le le bay vùn vụt qua đầu, hướng về nơi phương trời xa vắng . Tàu chạy khá lâu bờ sông mới thấp dần xuống . Dân Miên có tập quán là lạ là tắm vào sáng sớm. Họ cứ quấn xà rông và tắm thoải mái rất vui. Trời còn mù sương, các bà mẹ bế cả những đứa trẻ sơ sinh màu đất thó nhúng xuống sông lạnh ngắt kỳ cọ. Sau này tìm hiểu mình mới biết đó là “quá trình chọn lọc tự nhiên”, đứa trẻ nào tồn tại nó sẻ sống rất dai và khỏe mạnh.
Dân Miên sống chủ yếu trong nhà sàn , nhà sàn của họ rất đẹp, thóang mát, sáng sủa và khá rộng rãi. Đồng ruộng thì mênh mông chẳng sức đâu mà làm. Bên bờ sông có những đoạn dài trồng toàn cây gòn, chắc không đủ nhân lực thu hoạch nên trái gòn gì nứt vỏ bông bay đầy trời.

Qua Niếc Lương tàu tiếp tục chạy đến Nông Pênh. Tiện đây tôi “nhặt” ít tư liệu từ Wikipedia về một vùng đất lạ mà quen xin được hầu các bạn.

“ Nhìn vào bản đồ, ta chú ý rằng, sông Mekong khi chảy đến Phnom Penh thì chia thành 4 nhánh - nên Phnom Penh còn có tên là thành phố có dòng sông 4 mặt - một nhánh chảy vào biển Hồ gọi là sông Tonle Sap, một nhánh nhỏ chảy thẳng về VN qua Châu Đốc gọi là sông Bassac - khi vào lãnh thổ VN thì đổi tên thành sông Hậu, và nhánh Mekong chính to lớn đổ về VN qua vị trí của hai huyện Tân Châu và Hồng Ngự để trở thành sông Tiền của ta.
Nền văn minh đầu tiên được biết tại Campuchia xuất hiện vào khoảng thiên niên kỷ thứ nhất; từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13, nền văn minh Khmer đã phát triển rực rỡ ở đây.
Và các ngôi đền hoặc các con đường có những bao lơn tạc hình con rắn chín đầu, vươn cao 2-3 m, xòe rộng phủ bóng xuống mặt đường. Còn hình thức chung của các ngôi đền là có đỉnh chóp nhọn, bốn mặt đền được chạm trổ các bức phù điêu miêu tả cuộc sống con người ở thế giới bên kia, hoặc cuộc sống hiện tại của người dân Campuchia bấy giờ, hay cuộc chiến với nước láng giềng vũ nữ dân gian (Ápsara) với thân hành mềm mại, cân đối đang múa khá uyển chuyển, và sự tham gia của cả những con khỉ, con ngựa trong sử thi Ramanaya của Ấn Độ.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Phù Nam (Funan) là vương quốc cổ, tồn tại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7, thời thịnh trị có lãnh thổ rộng lớn ở phía nam bán đảo Đông Nam Á, bao gồm Campuchia, nam Việt Nam, nam Thái Lan ngày nay. Lúc này ở khu vực Bắc Campuchia và Nam Lào có một thuộc quốc là Chân Lạp (Chenla) được hình thành từ thế kỷ 5 của tộc người Môn-Khmer. Vào thế kỷ 7, Chân Lạp thoát khỏi sự lệ thuộc vào Phù Nam rồi chiếm toàn bộ lãnh thổ Phù Nam.
Triều đại cầm quyền của Chân Lạp có nguồn gốc từ nhân vật thần thoại Campu, lấy nàng Naga (con gái thần nước, biến từ rắn thành thiếu nữ). Tên gọi "Campuchia", xuất hiện vào khoảng thế kỷ 10, gắn với tên nhân vật này. Sau năm 707, Chân Lạp tách thành hai quốc gia Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp.
Sau hàng thế kỷ (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18) bị mất đất đai và dân số cho các quốc gia Thái Lan và Việt Nam thì Campuchia lại bị bảo hộ bởi Pháp vào năm 1863. Sau sự xâm chiếm của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai thì Pháp lại quay lại. Campuchia tuyên bố độc lập vào năm 1953, trở thành một vương quốc. Năm 1960, Thái tử Norodom..." .

Sông Tônglêsáp là con sông duy nhất thế giới nước chảy 2 chiều. Mùa lũ nước chảy từ MK vào Biển Hồ, mùa khô nước lại chảy từ BH ra. BH là vựa cá nước ngọt tầm cỡ thế giới. Mùa nước diện tích BH có thể “nở” ra gấp 3 lần. Dân Việt kiều các tỉnh Tây nam của ta đến mùa cá lại cho ghe thuyền qua BH làm ăn . Bạn xót ruột lắm , lâu lâu bạn lại dùng tàu kéo lôi cả đoàn ghe về VN trả, nhưng chỉ như bắt cóc bỏ dĩa. Quân khu 7 sau cũng cho một số tàu qua đánh bắt ở bển gọi là “kết hợp Kinh tế với Quốc phòng”. Nhìn dân Miên đi chợ, xách cái đầu cá tra to như cái thủ lợn mình rất nể, cá tra sông MK thật vĩ đại toàn cả chục ký một con...
Tới Nông pênh, tàu neo ở Cầu sập( một cây cầu bêtông bị đánh gãy), ngay gần đoạn sông Bốn mặt trước Hoàng cung. Trong ánh bình minh huy hoàng, mặt sông sáng lấp lánh nổi bật những ngôi chùa mái cong vút, trên là rắn Naga 7 đầu trong thần thoại tuyệt đẹp. Tôi còn nhớ lần đó, chiều chiều gió mát , quân ta buồn tình lôi mấy cái thùng gỗ bao bì ra , nậy đinh đóng thành những cài ghế dỏm, có tựa ngồi chơi , ai dè các bạn Miên đánh cá gần đó rất thích thú với mặt hàng này . Cứ mỗi cái ghế đóng từ vài mảnh gỗ tạp vứt đi, lính ta lại đổi được 2kg khô cá lóc xịn. Tay nghề cỡ tôi, chỉ cần mươi phút là sản xuất được một sản phẩm, chả trách từ ca bin đến buồng ngủ, chỗ nào cũng treo đầy khô lủng lẳng. Về nước đơn vị tôi phải tốn biết bao nhiêu là đế , hàng tháng trời mới “dọn” hết đống cá này.
Rời Nông Pênh chúng tôi tiếp tục ngược lên Côngpôngchàm để xuống hàng . Ở dây quân ta có một cụm kho và một tiểu đoàn công bình. Hồi ấy tàu bè qua lại đoạn sông này rất ít. Campuchia đang trong “thời chiến”, dân tình tứ tán ít ai nghĩ tới chuyện làm ăn, dân rất nghèo khổ, lâu lâu mới thấy một chiếc tàu hàng cứu trợ của LHQ chạy qua. Hoạt động kinh tế của bạn lúc này tê liệt cả, chỉ có dân buôn lậu hàng Thái về họp thành các chợ nhỏ khắp nơi.
Bến phà Congpongcham hồi ấy có một chiếc bắc( Madein Đan mạch) mới tinh, sơn màu trắng toát do LHQ viện trợ để chở xe cộ qua sông, nhưng họ chỉ chạy nửa buổi là neo nghỉ. Hóa ra mấy anh công binh nhà mình đang luyện khoa mục “ghép cầu phao vượt sông”, mấy ảnh có sáng kiến là dùng phà công binh để chở dân. Bạn rất sướng vì được nghỉ mà lại tiết kiệm được ối dầu( dầu lúc ấy có giá lắm). Cứ chiều đến, bạn lại thả một phuy dầu xuống sông trôi đến bến đơn vị, quân ta chỉ việc lăn lên bờ , ấy cũng là cách người ta “san sẻ hanh phúc” với nhau. Thấy bọn tôi tới anh em mừng lắm, vừa tình đồng hương , đồng chí lại khao khát tin tức quê nhà , thôi thì đủ chuyện. Mấy anh trên kho kéo xuống với cái can rượu tắc kè, Công binh góp mồi , còn bọn tôi góp chủ yếu là… thông tin bên nước. Về sau tôi mới biết Ban chỉ huy đai đội kho nay có một cái hũ rất to, ngâm cỡ 150 con tắc kè trong đó. Họ đem hạ thổ , tứơi nước cẩn thận , chỉ hiềm nỗi quân ta mỗi ngày đào lên lấp xuống đến mấy lần. Tôi gọi bôi bác là “tắc kè nilon” sau thành chết tên luôn. Tại nơi chôn rượu này có sẵn một cái cuốc, chú nào cứ múc ra bao nhiêu thì tự giác đổ đế vào bấy nhiêu, nên hũ lúc nào cũng đầy.
Sáng nay là ngày đầu tiên dỡ gạo. Chừng hơn hai chục “công nhân bốc vác” của bạn được vời đến. Họ đều quấn khăn càma ( giống khăn rằn Nam Bộ nhưng sọc màu đỏ), có chú còn đội cả mũ phớt như tay chơi thứ thiệt. Cánh này hăng hái chui ngay xuống hầm hàng, thoăn thoắt vác gạo đi trên đòn dài chuyển vào kho. Cứ mỗi lần vác xong một chuyến, họ lại chạy ra góc bờ sông trút mấy ký gạo vào cái bao đễ sẵn . Hóa ra mỗi chú đều có cây xăm gạo giấu trong người. Họ vừa vác gạo , vừa chích vào bao cho gạo chảy vào các túi chứa trong quấn áo, túm vào khăn càma, rồi thì lấy cả mũ phớt múc gạo chụp lên đầu... nên người anh nào cũng cứng đơ như rôbô. Máu “ chống tiêu cực “ nổi lên, tôi khều cậu Trưởng kho ra góp ý . Hắn trợn mắt ngạc nhiên “ Ông làm cứ như ở bên mình ấy. Tôi vận động rã bọt nép cả chiều qua mới được chưng này người , giờ ông lại đòi thay ? Người lấy đâu ra ? Mai ông ra vác gạo nhé” ! Ừ nhỉ . Mình đói , dân họ còn đói hơn mình …
Chưa hết, đến trưa, bọn tôi ra sau tàu. Hỡi ôi! Không chỉ nồi cơm mà cả nồi cá kho , mấy xâu lạp xưởng, cá khô... đã bị mấy chú Miên ăn vụng sạch. Hai phuy nước mới đánh phèn giờ chỉ còn một nửa. Quân này gỏi! Chén lạp xưởng sống , uống nước sông mà vẫn mạnh khỏe như thường. Nhìn bọn tôi lôi lương khô ra gặm , mấy ông bạn mình mép bóng nhẫy cười tủm tỉm. “ Xamaki” ( hữu nghị) đến thế là cùng!
Bây giờ xinđề cập chuyện chuyên môn một chút. Phải nói việc cấm vận của “các thế lực thù địch” lúc ấy gây cho ta khó khăn ghê gớm, phụ tùng vật tư cứ tận dụng , dồn lắp riết rồi cũng phải hết, xe máy, tàu bè nằm đống là chuyện thường. Nhiều khi các loại phương tiện đều thiếu cùng một loại chi tiết, chẳng biết kiếm đâu ra. Các kho của quân khu đã cạn kiệt. Nguồn phụ tùng lúc này ( sau đánh tư sản) chỉ còn có rất ít ở chợ trời, bán chui bán nhủi với giá cắt cổ...
Tôi còn nhớ ngày ấy, các tàu của mình từ động cơ chính cho đến cái máy bơm nước Zanma cỏn con, bộ hơi đều hở cả. Bơm cao áp ,vòi phun bị rơ mòn muốn tụt áp đến nơi. Máy móc quá tàn tạ. Đề mấy nhát không nổ, hết khí nén chỉ thiếu điều phát khóc. Trên các tàu chúng tôi “ biên chế” cả một số sĩ quan kỹ thuật ngụy, được tuyển sau “học tập” trở về. Họ có những “ chiêu” rất lạ như chêm su - páp, cho tàu đâu đít vào nhau dùng lực đạp nước chân vịt chiếc này để khởi động chiếc kia … tôi chưa từng biết.
Trong suốt quá trình đi, anh em tôi rất vất vả, quần áo , tay chân lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ. Đây, lần đầu tiên, tôi được nghe câu châm ngôn rất buồn cười của mấy anh kỹ thuật ngụy : “ đít con bán dầu, còn hơn cái đầu thằng thợ máy” ( dầu ở đây là dầu thơm). Nếu tàu đậu tại bến , ta hàng ngày vẫn phải nổ máy mấy chục phút để nạp bình và bơm nước ra ( rò rỉ), nhưng bình đều cũ, chẳng cầm hơi được bao lâu nên anh em lại phải bê lên bờ đi thuê nạp rất cực nhọc. Khổ, bình ăcquy tàu nào có nhỏ như bình ôtô!
… Nói về cái sướng , cái cực của dân tàu với nhau tôi chả dám phân bì .Vụ này chắc dân viễn dương chưa gặp bao giờ. Tàu của mấy ảnh như cái xưởng với đủ máy chính , máy phụ, phụ tùng, vật tư , dụng cụ sữa chữa đầy đủ, còn tàu bọn tôi chắp vá , thiếu đủ thứ. Tàu gỗ thì khỏi nói, ở nhà đã xảm trét , lấp dò khá kỹ nhưng hành trình nước vẫn rò vào liên tục. Tối phải phân người trực để xả dây neo, dây buộc khi triều lên xuống, bơm nước ra ... Chỉ cần quên xiết trết trục chân vịt là có chuyện ngay, có hôm nước vào sệ cả đuôi tàu ...
Sau khi tìm hiểu, tôi thấy vấn đề cũng đơn giản, bèn nghĩ kế gắn một chiếc đũa dài vào đáy la can để định hướng, xỏ vào đó miếng mút, trên có gắn tiếp điểm rồi nối vàò ắc quy và còi hụ. Mấy tay lính cười khẩy chả tin “máy “ lại hoạt động được. Đến gần sáng, các chú tối qua nhậu xỉn ngủ quên, nước rò vào tàu khá nhiều, miếng phao mút nổi lên đóng tiếp điểm thế là còi hú váng cả sông , lính tráng bật hết dậy. Chiều, “chúng” cử đại diện đến hậu tạ tôi cây thuốc “Sơ mít”, kèm theo lời cám ơn: “ nhờ có thủ trưởng , từ nay chúng em có thể yên tâm nhậu nhẹt mà vưỡn hoàn thành nhiệm vụ”. Thế có chết tôi không! Thật khó phân biệt giữa một câu xỏ ngọt với một lời khen thật lòng! Lính ta có câu “Ông tham mưu- Anh chính trị - Cậu hậu cần - Thằng kỹ thuật”. Dù sao lần này “thằng kỹ thuật” vét đĩa được tôn vinh , đánh gía đúng vai trò “then chốt” như vậy hắn cũng thấy ấm lòng.

Thấm thoát đã gần tháng trời trên đất bạn, ngày mai “hạm đội” sẽ trở về. Phía sau tôi, còn bao anh em đang ôm súng nơi tuyến trước! Lòng ai bỗng thấy nao nao...Dòng sông hay dòng đời đang chảy?
Chiều tôi ra boong tàu, lặng ngắm dòng sông nước chảy miên man, tay vô tình ném xuống dòng Mêkong mảnh gỗ, bỗng dưng chợt cảm thấy con người sao quá nhỏ nhoi trước sự hùng vĩ của thiên nhiên . Miếng gỗ nổi bềnh lên, trôi xuôi, xa dần rồi mất dạng. Ai mà biết được nó sẽ đi đâu, về đâu, một trong chín cửa của dòng sông Cửu ?

HẾT

13 nhận xét:

N.TV nói...

Viết hay hơn nhà văn .

Nặc danh nói...

Bài viết kết thúc nhưng tôi vẫn thấy tiếc. Hay thật! Giọng văn này thì khối em chết. dđk6

ĐN.K7 nói...

Bài viết quá hay và đoạn kết của anh thật tuyệt vời.

dathb136 nói...

Chuyện bơm la can thì sông hay biển như rứa cả!Tàu biển thì luôn có thợ máy trực ca 4 tiếng,xuống ca là phải bơm Can ngay để bàn giao cho ca sau.Có một lần thợ máy đi ca nhưng mải nhậu trên boong .Nước dò từ trực chân vịt ngập lút carte máy chính,xâm xấp sàn máy.Báo hại cả đêm hôm đó tất cả nghành máy tập trung thay nhớt máy ,nhớt hộp số.Cho nên tàu sông sướng hơn tàu biển vì có anh TM áp dụng KHKT nghĩ ra phương pháp báo động từ xa.Tàu biển cũng có rơle báo nước lacan nhưng do quá cũ,hay chập mạch nên bỏ không xài.

Nặc danh nói...

Hồi xưa tàu QS (ví dụ anh "Bàn là") có cái "cầu" vuông vuông xinh xắn nhô ra ở đuôi tàu, khi bụng đau đau ra ngồi, 4 bề quang đãng, trên trời dưới nước, cảnh thiên nhiên thật là hữu tình. Chắc tàu của TM cũng dzậy?
HCQuang

Nặc danh nói...

- Cánh hàng giang bên Út khá đông, lại có bề dày sông nước đáng nể (như AK7 đã từng theo Tonglesap lên Xiemrep vào tuốt Biển hồ). Tiếc quá ! Những tay ấy thì ti tỉ chuyện. "Rái cá" bây giờ chỉ khoái nằm gặm móng chân và vuốt râu bạc là nghĩa làm sao?

-TQ chỉ giáo:
+ Tại sao các chữ nghiêng viết bên Word , khi past qua blog đều đứng lên cả ? Khi xuống hàng, các các chữ đầu không thụt vào được ?

TM

Nặc danh nói...

Tụi nó toàn khen "Phò Mã tốt áo" TM nhỉ
HH

Nặc danh nói...

Giá như có được vài tấm ảnh minh họa, nhất là đoạn sông nước bên CPC thì hay "mọi nhẽ"!
dachoaK7

Nặc danh nói...

Tôi nghe loáng thoáng Trung Quốc định làm đập lớn ở thượng nguồn sông MK. Chặn Hoàng Hà để bơm nước lên bắc Trung Hoa, chặn MK để bơm cho lưỡng Quảng và Vân Nam. Họ ( China ) mà làm thật thì...!
TV

Nặc danh nói...

Bọn Tàu tính chặn sông Mêkông có thể tạo đk cho vùng Tứ xuyên sụt lở thêm cũng nên...
HQK

Nặc danh nói...

Bachai: Hay thật. Đọc văn mà cứ như được sống trong đời thực.

Nặc danh nói...

Mình ở đoạn cuối nên chả đê đập gì được nên mạnh miệng gào to. Thử hỏi ông VN ở đoạn giữa Mekong xem. Ngay mấy cái sông ở miền trung dài chỉ bằng cái chân "phụ" mà các bố đã tính làm vài cái thủy điện rồi "đới".
Tôi biết tay AK ,hắn có cả một bồ chuyện. Nghe hắn kể tôi cứ mê mẩn. Chả trách đàn bà con gái?. Dạo này hắn đi đâu ấy nhỉ, Thấy im hơi kín tiếng quá. Hắt xì hơi cho anh em nghe một cái. dđk6

Nặc danh nói...

- Tôi theo dõi chuyện này liên tục đã hơn năm nay.Rất cú!
Các bạn vào google, gõ "nguy cơ từ các con đập ở thượng nguồn sông Mêkong"sẽ rõ vấn đề. Đây thực sự là thảm họa, một dã tâm, một tội ác hủy diệt đối với con người sống ở hạ nguồn sông Mekong.

TM