Thứ Ba, tháng 12 20, 2011

Độc đáo món ăn Huế:" Cơm Âm phủ"

Nghe nói đến "cơm Âm phủ" đã lâu, nhưng không rõ nguồn gốc và vì sao lại gọi là "cơm Âm phủ", xin giới thiệu bài viết này để biết thêm một món ẩm thực độc đáo của người Việt.
(ĐVO) Ngày nay, trở thành một trong những món ngon, độc đáo có mặt trong nhiều nhà hàng sang trọng xứ Huế, ít ai biết rằng cơm Âm phủ có một nguồn gốc khá lâu đời và hết sức dân dã.
Cơm âm phủ là bữa ăn chính, nhiều sắc màu ngon mắt, gồm một dĩa cơm trắng, rắc thêm ít tôm chấy hồng ngon ngọt, một vài lát thịt nướng mặn mà thơm nức lòng, dưa gang bóp chua ngọt, nước mắm ớt chanh tỏi cay cay... trộn đều, ăn "ngậm mà nghe" theo kiểu nói của các mệ Huế thì ngon không kể xiết.
Tương truyền, món này xưa là cơm bán về đêm, chuyên phục vụ cho những người lao động tay chân, làm việc khuya tại đất Cố Đô. Cơm được kết hợp bởi nhiều món ăn còn lại trong ngày từ các tiệm cơm. Cũng chính vì món được phục vụ trong đêm khuya, dưới những ngọn đèn mờ ảo nên dần dần tên gọi Âm Phủ ra đời.


Món cơm Âm phủ giờ có mặt trong nhiều nhà hàng sang trọng. Ảnh: gocbep.com.

Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, cái tên Âm phủ của món cơm này xuất phát từ giai thoại liên quan tới một vị vua nhà Nguyễn. Chuyện kể rằng, một ngày vị vua này đi vi hành. Luật lệ khi đó cấm trong lúc nhà vua đi vi hành người nào được thấy mặt ngài, vì thế, nhà nhà thường phải đóng cửa và tắt bớt đèn.
Buổi chiều tối hôm đó, sau chuyến đi dài và mệt, nhà vua ghé nhà một bà góa hỏi xin cơm ăn. Bà góa không biết vua tới nên không chuẩn bị gì mà trong nhà có gì thì đem hết ra thết đãi. Bà nấu cơm, xung quanh xếp dưa leo, rau cải bình thường. Vua sau một ngày vi hành vừa đói vừa mệt nên dù ăn thứ đơn giản vẫn thấy ngon và nhớ mãi. Về sau, ngày cho gọi bà góa vào cung nấu lại cho ăn món đó. Nhớ lúc ăn ngồi trong ánh đèn leo loét tù mù, nhà bà góa lại trên 1 bãi đất bị sụp xuống, giống dưới âm phủ nên vua mới gọi món đó là cơm Âm Phủ.
Không biết thực hư các giai thoại và câu chuyện trên thế nào, chỉ biết, món cơm Âm phủ đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu của đất Cố đô. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, món cơm Âm phủ cũng được nâng cấp lên khá nhiều. Món ăn này giờ không phải chỉ là món cơm làm từ những đồ ăn thừa, còn lại trong ngày của tiệm nữa mà được lựa chọn chế biến tươi ngon, kỹ càng.
Để làm nên một tô cơm Âm phủ, các nhà hàng Huế thường chuẩn bị nguyên liệu bao gồm: cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua... Trong đó, cơm là thành phần chính nên việc chọn gạo để nấu là rất quan trọng. Để cơm ngon phải chọn gạo thơm, có chất lượng tốt. Món cơm có thể dùng nồi cơm điện nấu từng ít một. Nhưng để có món cơm mềm, để được lâu mà không bị khô thì nên ngâm gạo trong nước lạnh qua 2 giờ rồi dùng vỉ để hong thành cơm.
Trứng chỉ dùng thuần trứng vịt không nêm nếm gia vị, đánh tan, rồi bắc lên chảo tráng. Tôm hấp chín, lột vỏ, lấy nạc tôm để ráo giã nhỏ bằng chày cối làm tơi nạc tôm. Cho vào chảo không láng dầu, canh lửa vừa nóng ấm, cho tôm vào, dùng đũa tre đảo đều và liên tục cho đến khi tôm tơi ra và khô hẳn là có thể dùng được.
Có thể dùng tay bốc từng nhúm tôm vừa làm xong, chà nhẹ lên một mặt nhám như rây kim loại, rá tre... tôm sẽ tơi ra như bông sợi.
Thịt tùy khẩu vị mà có thể chọn các loại thịt như: thịt heo nạc lưng, nạc mông..., cắt thành miếng mỏng cỡ ba ngón tay. Tẩm ướp thịt với các gia vị như: muối tiêu, nước mắm, đường, tỏi băm. Sắp thịt vào vỉ kẹp để nướng trên lửa than.
Ngoài các nguyên liệu chính trên thì khi ăn còn có thêm các thành phần khác nữa như: chả, rau dưa, đồ chua (kiệu, cà rốt, giấm đường...), tất cả đều cắt thành dạng sợi nhỏ, trải đẹp mắt thành hoa văn trên mặt đĩa cơm. Khi ăn dọn kèm với chén nước mắm chua ngọt do người ăn tự pha, chén hành mỡ, ớt tươi...

3 nhận xét:

Thắng k5 nói...

Giá hồi 1992 được đọc qua GT về món cơm này thì tôi đã xực rồi.
Hỏi xe ôm quán cơm nào ngon, hắn bảo: tôi đưa các anh đi quán âm phủ. Nghe mà hình dung ra cơm ăn trong bóng tối, ở dưới hầm tối tăm, vãi cả linh hồn, bèn từ chối rồi vào quán phở gần đại học Huế cho nó lành.

HữuThành.Nguyễn nói...

Hơn chục năm trước, khi đời sống đô thị đã trở nên xa xỉ hào nhoáng hơn nhiều, tôi đã định lập ra một doanh nghiệp từ thiện chuyên đi mua lại đồ ăn còn của các đám cưới (đám việc nói chung) của dân "nhà giầu" để đưa về các bệnh viện cho những người từ nông thôn ở chăm bệnh nhân nằm viện.
Bây giờ tôi vẫn thấy việc ấy nên làm nhưng chả bao giờ có ai ủng hộ.

VNQ nói...

Các lão Trỗi thì già rồi, ăn được bao nhiêu mà bác Tt cứ bầy nhiều món ra cho mất công lau mép.