Thứ Hai, tháng 12 19, 2011

Những phát minh Quang-Điện nổi bật

Có một thời gian dài quan tâm tới máy ảnh kỹ thuật số, có 3 sự kiện mà tôi ghi nhớ. Tuy nhiên sự ghi nhớ này cũng ở mức nghiệp dư nên chả thèm "ghi" lại để mà "nhớ" một cách chính xác.
1. Cảm biến CMOS thay cho CCD. Những máy ảnh số thời kỳ đầu dùng cảm biến CCD, do loại cảm biến này được phát minh ra trước. Giá cả của các thiết bị này đắt thôi rồi. Không phải chỉ đắt vì giá của mình con cảm biến mà còn vì nhiều thứ khác. Nhưng rõ ràng nó là linh kiện quan trọng nhất, biến đổi quang-điện, các linh kiện khác chỉ là hậu kỳ mà thôi.
Đến khi người ta chế ra cảm biến quang-điện với công nghiệp sản xuất CMOS đã được thử thách hàng chục năm thì giá của bộ cảm biến này sụt giảm tạo ra cơ hội chế ra máy ảnh với giá thấp hơn.
So sánh hai loại cảm biến này, có lẽ, cho đến bây giờ người ta vẫn để CCD ở vị trí cao hơn về chất lượng ra hình và tốn năng lượng hơn. Bởi thế nó vẫn được dùng trong các máy quay hình động là thứ đáng bỏ tiền nhiều hơn.
Cảm biến CMOS vẫn rẻ trong chế tạo mà chất lượng ra hình (kể cả các xử lý sau nó) đã đạt gần với CCD hơn, tiêu tốn ít năng lượng,... thích hợp cho các máy chụp ảnh cá nhân. Nếu không có cảm biến CMOS này chắc có lẽ phong trào chơi ảnh số không phổ thông được như bây giờ.
Xu hướng có lẽ là CMOS sẽ "chén" hết thị phần của CCD trong vài năm tới, khi công nghệ cho nó ngày càng tốt hơn.
2. Cảm biến xếp chồng mầu Foveon. Khác với các cảm biến bố trí ba điểm cảm mầu cơ bản cạnh nhau để tạo thành một điểm ảnh (giống với cấu trúc điểm ảnh màn TV mầu hay màn hình máy tính) thì cảm biến Foveon có ba lớp mầu cơ bản chồng lên nhau để tạo thành một điểm ảnh. Rõ ràng là bằng suy luận cảm biến này thực hơn.
Foveon đã được hãng máy ảnh và ống kính Sigma thu gom thành một phần của hãng. Nếu tôi không nhầm thì hiện chỉ có Sigma sản xuất máy ảnh dùng cảm biến Foveon. Tất nhiên các hãng khác (Canon, Nikon, Sony,...) sẽ không muốn dùng cảm biến này khi họ còn trên thế thượng phong.
Ưu điểm lớn nhất của cảm biến Foveon là dải động lớn (thể hiện từ đen đến trắng) và độ sâu mầu. Ngoài ra ảnh của Sigma còn "ma mị" đến mức được gán cho hiệu ứng 3D.
Từ khi biết về cảm biến Foveon tôi đã tính sẽ dùng máy ảnh loại này. Nhưng đến khi Sigma "chiếm độc quyền" Foveon thì tôi đành thỉnh thoảng xem ảnh của nó để mà thèm. Lý do vì dân ta chỉ hay chơi bầy đàn, thì ta cứ Canon/Nikon mà chơi cho lành :-)
3. Máy ảnh chụp trước lấy nét sau Lytro. Đã được nói đến nhiều trên báo chí mạng gần đây, chỉ cần google là được. Thử xem ảnh của nó và thử hiệu ứng ở đây. Chú ý: bấm chuột vào điểm muốn nét và bấm đúp để phóng to.
Gợi ý cho tôi để viết mấy ấn tượng trong lĩnh vực biến đổi quang điện là bài của Tuổi Trẻ. Hi vọng thứ cảm biến này sẽ kết hợp được với các kỹ thuật máy ảnh truyền thống để "nâng nhiếp ảnh lên tầm cao mới". Cuộc sống sẽ phong phú lên nhiều.

Không có nhận xét nào: