Thứ Hai, tháng 12 19, 2011

Ngày mai tăng giá điện: Kết quả kiểm toán EVN: Lỗ to vì quản lý kém

Kết quả kiểm toán cũng đã cho thấy, với số lỗ lớn như năm 2010 trên 8.400 tỉ đồng đã khiến EVN không bảo toàn được vốn đầu tư của chủ sở hữu. Xem thêm

Phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, giá thành sản xuất, kinh doanh điện của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cao, cộng thêm tình trạng thua lỗ kéo dài ở tập đoàn này nên thời gian tới, giá điện sẽ cần phải điều chỉnh tăng.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 tại tập đoàn này do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới hoàn thành, có thể thấy một bức tranh hoàn toàn khác.
Hiệu quả đầu tư tài chính quá thấp
Theo kết quả kiểm toán, tính đến 31.12.2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỉ đồng (chưa bao gồm các khoản đầu tư cho vay lại hàng chục ngàn tỉ đồng khác), trong đó chủ yếu là đầu tư vào các công ty; số đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết chỉ trên 5.000 tỉ đồng chiếm trên 10% vốn đầu tư.
Tuy nhiên, lợi nhuận đầu tư của khoản tiền gần 50.000 tỉ đồng đó rất thấp. Số lợi nhuận thu được chỉ đạt trên 540 tỉ đồng với tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư chỉ hơn 1%.
Lợi nhuận của EVN được chia từ sản xuất, kinh doanh điện là trên 360 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ trên 67,7% với tổng lợi nhuận được chia. Nhưng tỷ lệ trên vốn đầu tư rất thấp, chỉ đạt khoảng 0,8% so với giá trị đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh điện.
Chênh lệch về lương quá lớn Tổng giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh tại một cuộc họp báo về giá thành sản xuất điện cho biết, thu nhập bình quân lao động trong hệ thống EVN là 7,3 triệu đồng/tháng – là mức lương ông này thấy “đau lòng” vì khó sống ở đô thị. Kết quả kiểm toán cho thấy, lương ở một số bộ phận của EVN cao hơn nhiều mức bình quân này. Cụ thể, thu nhập bình quân ở công ty mẹ – EVN là 13,7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng. Theo KTNN, việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị thuộc công ty mẹ tập đoàn EVN như vậy là chưa đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các đơn vị. Vì thu nhập bình quân ở cơ quan văn phòng công ty mẹ EVN đã cao gấp hơn hai lần thu nhập bình quân chung của cả công ty mẹ.
Việc phê phán EVN trong khi đang thiếu vốn đầu tư cho sản xuất điện thì lại đem vốn đầu tư ngoài ngành càng có cơ sở nếu nhìn vào số liệu kiểm toán. Theo KTNN, lợi nhuận mà EVN được chia từ các khoản đầu tư bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính trong năm 2010 chỉ hơn 160 tỉ đồng, chiếm trên 30% so với tổng lợi nhuận được chia, đạt hơn 7,8% so với giá trị đầu tư vốn vào các lĩnh vực này (trên 2.100 tỉ đồng). Vốn EVN đầu tư ra ngoài dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng vốn chủ sở hữu (3,27%) nhưng nó đã cho thấy sự phiêu lưu của lãnh đạo EVN trong bối cảnh các thị trường này có những khó khăn làm hiệu quả đầu tư đồng vốn xuống thấp.
Hay trong lĩnh vực viễn thông, mặc dù rót tới 2.442 tỉ đồng vào công ty EVN Telecom nhưng kết quả kinh doanh của công ty này liên tục đi xuống từ năm 2008 – 2010 mà cao điểm là khoản thua lỗ trên 1.000 tỉ đồng năm 2010. Đây là một nguyên nhân buộc EVN phải thoái vốn, chuyển sở hữu cho tập đoàn Viettel vừa qua. Qua cuộc kiểm toán này, người ta phát hiện một việc làm bất minh của lãnh đạo EVN khi điều chuyển một khoản chi phí trên 1.000 tỉ đồng cho một số tổng công ty điện trực thuộc EVN. Việc này được đánh giá thực chất là chuyển lỗ từ trách nhiệm của EVN Telecom cho các tổng công ty điện lực, trái với quy định về quản lý tài chính trong điều lệ tổ chức và hoạt động do chính EVN xây dựng từ năm 2007.
Thua lỗ, nợ nần chất chồng
Với một tập đoàn lớn như EVN, việc vay nợ lớn lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng có thể hiểu nhưng nhìn vào các chỉ tiêu vay, trả nợ cho thấy tình trạng mất cân bằng trong tài chính của tập đoàn này: tỷ lệ nợ phải trả cao hơn bốn lần nguồn vốn chủ sở hữu, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu trông chờ bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng (hơn 70%).
Tình trạng kéo dài nợ, chiếm dụng vốn của EVN, như riêng tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tập đoàn Than khoáng sản đã hơn 10.000 tỉ đồng tính đến 30.6.2011. Mà không chỉ ở EVN, ở một số công ty thành viên như công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng, công ty TNHH một thành viên nhiệt điện Uông Bí… tình trạng hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao, thường trên ba lần đã vượt quá mức giới hạn quy định trong nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ là rất đáng báo động.
Ngoài ra, việc để tình trạng thua lỗ kéo dài, cho dù có những nguyên nhân khách quan nhưng với số lỗ luỹ kế đến hết năm 2011 lên tới trên 35.000 tỉ đồng như bộ Tài chính đã công bố trước Quốc hội càng đẩy tài chính của EVN vào khó khăn. Kết quả kiểm toán cũng đã cho thấy, với số lỗ lớn như năm 2010 trên 8.400 tỉ đồng đã khiến EVN không bảo toàn được vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Theo Mạnh Quân
SGTT

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thực chất của hiện tượng "bong bóng".
Buồn !

TQtrung nói...

Đây là hậu quả của nền kinh tế độc quyền thì đúng hơn, mà cũng là đặc trưng của lòng lam của bọn "lợi ích nhóm"
Duy trì chế độ bằng những cách trái lòng dân như vậy rất không an toàn.

Thắng k5 nói...

Tổng GĐ Phạm Lê thanh ăn gian nói dối, lương 13,7 triệu hạ còn 7,3 tr cho thiên hạ đỡ chửi trong khi đầu tư ra ngoài cái ngành chả dính đến điện 100 tỷ lãi 1tỷ, chả bằng cái thằng tôi bỏ một đồng đầu tư vào uống Cafe, lãi được đồng tiền hiểu biết.
Mà anh Qt là người nhà cái điện lực này hay sao mà khi gặp LĐ gian dối, làm ăn thua lỗ không đuổi mẹ nó đi tây cho khuất mắt người dân, cứ để nó ăn trên ngồi chốc là sao ?

HữuThành.Nguyễn nói...

Hèn nào nhà đèn đi đọc số sớm hơn mấy ngày. Thắc mắc hỏi thì được cậu thu tiền đèn nói "bây giờ cuối năm có nhiều việc, "luật" cho phép du di mấy ngày thí dụ mưa bão".
Bây giờ thì em đã hiểu! Nó lại ăn gian thêm 5% của mấy ngày tiền đèn ấy rồi anh Tk5 ơi.