Bài viết được treo trên báo Dân trí, nhận thấy có giá trị đạo đức và cũng khá hay, nó có thể làm gương cho con cháu chúng ta suy ngẫm nên tôi đưa về, hy vọng góp phần tuyên truyền cho lối sống lành mạnh của người Việt, điều mà như chúng ta thấy, dường như ngày càng mai một trong đời sống quay cuồng hiện tại.( Các bạn lưu ý rằng không cần bốc thơm tính nhân văn 'nếu có' ở bài này :))
Các diễn đàn và mạng xã hội tại Việt Nam đang lan truyền mạnh mẽ câu chuyện đáng suy ngẫm về một bà lão bán rau. Và không ít bạn trẻ đã phải rơi lệ trước kết cục đáng thương của câu chuyện.
Chỉ gói gọn trong hơn 600 chữ, câu chuyện kể về một một chàng thanh niên, vì lòng trắc ẩn đối với một cụ già bán rau muống khi bị một cô gái quát nạt, đã quyết định mua hết số rau nhưng chỉ đưa tiền trước cùng lời hẹn “bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy”.
Nhưng công việc bộn bề đã khiến chàng trai quên luôn sự việc trên và vài tuần sau đó khi trở lại, anh cay đắng biết được thông tin chỉ vì đợi anh trong cơn mưa suốt buổi chiều hôm đó, bà lão đã bị cảm và vĩnh viễn ra đi…
Câu chuyện không quá dài nhưng với giọng kể đầy ân hận của chính chàng thanh niên kia, dường như lại tạo nên những suy tư nhất định trong lòng các bạn trẻ.
Được biết, dù câu chuyện đầy xúc động này được cho là xuất hiện trên cộng đồng mạng cách đây chừng 4,5 năm nhưng các cư dân mạng và đặc biệt các bạn trẻ hiện vẫn hăng say lan truyền câu chuyện này cũng như có những bình luận khâm phục dành cho bà cụ có tấm lòng “đói cho sạch, rách cho thơm”. Xem thêm
Bên cạnh những hoài nghi về tính xác thực của câu chuyện nhưng theo một comment trên diễn đàn tin học của thành viên Hbek…, “thực hay không thực, đó không phải là vấn đề. Điều quan trọng trong xã hội này, chúng ta cần nhiều lắm những tấm lòng trắc ẩn như chàng trai và lòng tự trọng bà lão, Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Một thành viên khác suy ngẫm: “Xã hội cũng không ít kẻ vô tâm như cô gái kia. Cũng đừng trách chàng trai vô tình không thực hiện trọn vẹn hành động cao cả của mình. Lòng tự trọng, sự nhẫn nại nơi cụ bà mới đáng để mọi người cùng suy ngẫm”.
Thậm chí một số thành viên mạng từ câu chuyện này mạnh dạn kêu gọi hoạt động thiết thực giúp đỡ những cụ già “không có số phận may mắn giữa đời thường nên không thể có được niềm vui thú dưỡng già bên con cháu”, nguyennv27…chia sẻ.
Câu chuyện về bà lão bán rau đang lan truyền trên cộng đồng mạng
“- Ăn rau không chú ơi?
Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.
- Ăn hộ tôi mớ rau...!
Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. "Mình thương người thì ai thương mình" cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.
- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.
- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!
Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.
Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:
- Rau này bà bán bao nhiêu?
- Hai nghìn một mớ. Bà cụ mừng rỡ.
Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.
- Sao chú mua nhiều thế?
- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!
Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.
Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ...
- Nghỉ thế đủ rồi đấy!
Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.
Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.
Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế.
Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.
Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:
- Bà bán rau chết rồi.
Bức ảnh đăng cùng câu chuyện trên các diễn đàn, mạng xã hội. |
3 nhận xét:
Lại cái anhQt đầy tính nhân văn đăng tin về tình hình đồng loại.
Nhưng bài này chẳng có chút tính nhân văn nào thì bảo khen sao nổi.
cái con bé gái vô cảm nó nói đúng đấy, rau già héo úa thì chỉ nuôi lợn chứ ai ăn. Nói phải lại bị cái anh kẻ sỹ nọ tức bực, tuy nhiên anh này chả được cái tích sự gì, chỉ tổ gây thêm rắc rối cho xã hội thôi, bằng cớ là nhờ có sự hảo tâm của anh ta mà một con người tốt bụng, khg tham lam đã ra đi.
Vậy rút ra bài học là:
Đã khg biết gì hoặc kg giúp gì thì thôi, một khi đã giúp thì hãy hãy hết mình, đừng lơ tơ mơ mà người đời chê trách.
À, anh Tk5 nói giống lời khuyên của y tế: nếu thấy người bị tai nạn nghi là chấn thương cột sống, sọ não,... thì để nguyên cho người có chuyên môn xử lý. Mình không biết mà xốc nách khiêng đi là đứt luôn tủy sống cho nhanh luôn :-)
Năm nào có bác chính thức vào bộ chính trị sau khi đã... từ trần chỉ vì 115 nhiệt tình cấp cứu khi đáng lý phải bất động :-(
Hehehe! thế mới gọi là cuộc đời. Lòng tốt như cậu thanh niên đúng là phải xem xét lại, chỉ một lời hứa suông cũng làm khổ người khác, làm phúc phải tội là thế!
Bà cụ ngồi dầm mưa đến chết để giữ rau cho người mua thì hơi quá cực đoan, nhưng người nghèo thường thế, họ thấm nhuần câu lành sạch rách thơm, khổ thế!
Cô gái đại diện cho sự vô cảm, dửng dưng trước hoàn cảnh của người khác, người ta thường trông chờ vào sự báo ứng- cho người ác như cô gái ấy.
Nhưng câu chuyện chỉ là một cổ tích hiện đại. Nhắm đến một cái gì đó vô vọng- ở cái thời tân kinh tế này.
Đăng nhận xét