Thứ Hai, tháng 1 25, 2010

KHOẢNH KHẮC YÊN LẶNG

(tiếp theo và hết)

*
* *

Tôi với em ngày càng thân thiết hơn, em kể tôi nghe chuyện gia đình, chuyện đi học, nỗi sợ hãi đạn bom, chuyện nhớ nhung quê nhà. Tôi bày đặt an ủi em bằng lời lẽ của kẻ từng trải, mặc dù chính mình. Tận sâu trong đáy lòng, tôi vẫn là kẻ đa mang nỗi niềm thương nhớ quê nhà, bởi đã gần năm năm, tôi vẫn là kẻ tha hương, chưa một lần được bước chân qua biên giới! Em lo lắng, chăm sóc tôi những điều nhỏ nhặt như cơm nước, giặt dũ, Tôi tưởng bở nghĩ chắc mẻng này yêu mình chăng, chờ đấy rồi biết!
Chúng tôi cố gắng hoàn thành trận địa thứ nhất sớm được vài ngày theo kế hoạch. Tôi cho đơn vị hành quân về hậu cứ nghỉ ngơi lấy sức chuẩn bị đợt tiếp theo. Có thời gian rỗi rãi cũng chẳng hay ho lắm, nhàn cư vi bất thiện, chả có việc gì làm các nàng quay ra ôm nhau khóc ty tỷ, mình phải làm công tác động viên tư tưởng, nêu cao phong trào văn hoá văn nghệ, chả ai ngu như thằng tôi, chiều về vác cây đàn ghita gẩy pừng pừng, chỉ độc có ba giây trầm là còn trụ lại được, Hết "làng tôi" quay ra nhạc sến, cứ rống “ Ai đến xứ hoa đào…” rồi đến nhạc Liên xô “ Từ trên đỉnh núi Chi ta xa vời, mùa tuyết vẫn rơi phủ đầy trời….không may gẫy tay rồi….” v…v. Cứ ba dây mà chơi, hết pựng pừng pứng lại pứng pừng pựng, Âý thế mà các em khoái, bá vai bá cổ, đeo cứng sau lưng, thằng bé tưởng bở cứ ra sức gào, một lúc sau quay lại nhìn chả còn em nào, quái đi đâu hết cả, quẳng đàn đi tìm hiểu thực hư, nhìn vào trong hầm cứ há hốc cả mồm, cả trai cả gái lẫn lộn nằm úp thìa vào nhau khóc như cha chết, lạ cái mấy thằng ôn con nằm trong đó không bị cháy đũng quần như mình, đã định bảo dịch ra cho tao nằm với xem cảm giác kiểu bầy đàn ấy nó ra làm sao nhưng nghĩ lại lời chính trị viên dặn dò nên tặc lưỡi hét, các bạn làm cái gì thế này, dậy dậy, dậy ra nấu cơm ăn. Nó lại càng khóc tợn, thôi kệ mẹ cho chúng mày khóc, làm sao được, nó khóc mãi phải chán mà ngủ cho yên chuyện.
Cái cảm giác ngày nào trong căn hầm nhỏ thấy nó hay hay mà không biết làm cách nào tái diễn, một hôm phát hiện ra các em nghe tiếng bom nổ ở đâu đó là sợ rúm vó, ôm cứng lấy nhau, thế là tôi ranh mãnh làm một phép thử. Một hôm lờ vờ làm gì đó, chờ xem máy bay địch chuẩn bị oanh tạc một nơi gần gần, khi chiếc ép bốn bổ nhào thì lò dò ra đứng cạnh em, mình thông minh thật, oàng một cái là bị ôm cứng, gỡ mãi không ra, quen rồi, tiếng bom nổ từ xa coi như chẳng có, cứ thế mà thưởng thức hương vị nồng ấm, mềm mại, chỉ tiếc lần nào cũng vậy, chỉ cảm nhận được từ phía sau lưng, mấy lần xoay đằng trước ra đều hỏng cả!
Nghỉ ngơi mấy hôm rồi đưa cả đoàn đi làm tiếp. Lần này ở gần hậu cứ chứ không phải đi xa, đã dặn đi dặn lại phải nguỵ trang cẩn thận, Dân công mà, cực kì lộn xộn, đi lại, cười nói oang oang, đào cái hầm pháo to tướng, đất đỏ hắt tung toé, bảo chặt cây nguỵ trang thì chặt cây to đổ ầm ầm, thằng trinh sát L19 vè vè bay đến, nó quay hai vòng thì bắt đầu bổ nhào bắn pháo khói. Tôi vội vàng hét gọi tất cả chạy theo mình xuống con suối phía dưới, chạy được chừng hơn năm chục mét thì trận địa bị hai thằng T28 lao xuống ném bom dữ dội. Rúc đầu vào bìa đất tôi hốt hoảng nghĩ bụng, còn đứa nào ngu không chịu chạy thì chết là cái chắc, điệu này dễ bị kỉ luật lắm đây. Vậy là lò dò đi dọc theo dòng suối kiểm tra quân số. Phía trên trận địa, bom vẫn nổ, khói lửa mù mịt, cứ yên tâm khom lưng mà đi, khói thế làm sao nó nhìn thấy mình mà sợ.
Khi đợt oanh tạc chấm dứt thì tôi gào thu quân. Đám người nhếch nhác, đầu tóc bơ phờ, mặt mũi tái xám lục tục chui ra từ đủ mọi ngóc ngách. Tôi lắc đầu ngán ngẩm, vừa thương vừa giận, họ đã có một bài học đáng sợ về kỉ luật chiến trường. Sau trận này, chắc chẳng đứa nào dám không nghe lời.
Về hậu cứ, các trung tiểu đội kiểm tra quân số lần nữa thấy thiếu mất ba người. Tôi vội vàng quay lại trận địa kiểm tra, cùng một vài cô gan dạ nhất, chúng tôi bới từng lá cây ngọn cỏ tìm mà không thấy ai cả, suy đoán đúng nhất lúc này là họ đã bỏ chạy xa quá và bị lạc. Tôi bảo mọi người, lấy tinh thần xung phong, hai người đi theo tôi để đi tìm. Bé Giâm lấy cớ cán bộ gương mẫu, giơ tay xung phong, em chỉ định một người nữa rồi chúng tôi lên đường.
Sự sợ hãi đôi lúc làm cho con người ta có những hành động mà khi bình thường bố bảo cũng không làm được. Ba người kia đã tuông gai góc bụi bờ, chạy ngược dòng suối đúng như tôi dự đoán, tìm mãi đến gần nửa đêm mới thấy các con giời đang rúc vào một khe đá, sợ đến nỗi không dám thở mạnh, thở to quá sợ máy bay nghe thấy!
Đúng lúc đưa quân trở về thì trời mưa như thác, trong phút chốc, con suối ngập nước, dòng lũ quét ào ào đổ xuống như vỡ đê, vậy là đêm nay không thể trở về được nữa, chúng tôi tìm tạm một cái hang nhỏ ẩn náu, chờ nước rút.
Ngoài trời vẫn mưa, không gian ảm đạm trong cái lạnh tê tái. Tôi và em lại ngồi bên nhau trong một đêm không ngủ, nói đủ thứ chuyện. Lần này không có chỗ để nằm và cũng không còn thời cơ tù mù ngái ngủ như lần trước, chúng tôi trở về là một đôi quân dân tình nghĩa. Tôi hỏi em hôm đó, tôi có hành động gì trong sự mơ ngủ làm tổn thương đến em không,nếu có thì anh cực kì xin lỗi. Em thủ thỉ những lời ngọt như mật ong Sơn tây rằng nếu có gì thì cũng không phải lỗi tại anh, rằng em mới là người có lỗi vì chính em mới là người chủ động, em rất quý tôi và một trăm những lời có cánh khác mà thằng tôi trong một lúc phổng mũi đã không còn nhớ được nữa, tôi tưởng bở mới ngiêng đầu qua hỏi, thế em yêu anh à, rồi hí hửng chờ một lời xác nhận. Em nhìn tôi như nhìn thấy thằng dở hơi rồi bảo, em có chồng rồi, chưa cưới nhưng bố mẹ đã nhận trầu cau, đợt này về thì cưới, anh ấy làm trên huyện, không phải đi bộ đội, em mới gặp anh ấy vài lần, em chỉ quý anh thôi không yêu theo kiểu trên phim đâu, tôi hỏi vậy chứ sau đợt này, anh trở về đơn vị, em có nhớ anh không, không cần rào đón gì em bảo có chứ, nói rồi em bảo em sẽ ôm anh một lần cuối, về sau chắc không còn cơ hội nào nữa, khi nào hoà bình, anh nhớ về thăm vợ chồng em, quê em ở Ngọc lặc anh đi đường ấy đường ấy, hỏi thăm nhà ấy nhà ấy là tới, nói rồi em vòng tay qua ôm, tôi cũng vòng tay ôm em thật chặt như hai anh em vậy.
Chúng tôi ngồi như vậy cho đến khi trời sáng, nước đã rút bớt và chúng tôi lên đường trở lại trước khi chết đói, tôi sực nhớ là cả ngày chưa được ăn gì và đã đói meo. Trận địa đã không còn sử dụng được. Tôi về đơn vị báo cáo và nhận lệnh trả quân. Tôi đưa đội quân láo nháo ấy trả lại cho đơn vị công binh chủ quản, cuộc chia tay khá cảm động, họ bày tỏ tình cảm theo kiểu cách khá mộc mạc nhưng vì thế mà thật đáng quý. Tôi trở về đơn vị, mang theo những cảm xúc tốt đẹp về họ, những cô gái dân công hoả tuyến. Họ chỉ là những người dân, là những cô gái chân yếu tay mềm vậy mà trong lửa đạn chiến tranh, họ đã dũng cảm vượt qua được, điều đó thật đáng quý. Trong những tình huống của cuộc chiến, mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng điều đó chỉ là dư vị cho chiến tranh thêm phần lãng mạn, nó góp phần làm chúng tôi đứng vững và trở thành những kỷ niệm, góp thêm giấm ớt cho món lẩu thập cẩm của cuộc đời. Năm một chín bảy ba, hiệp định hoà bình tại Lào được kí kết, trên đường ra Bắc công tác, tôi có dịp gặp em lần nữa, em đã vá cái chỗ cháy trên chiếc quần quân phục của tôi bằng một miếng vải cắt ra từ ống quần con gái và nói, anh hãy cầm lấy nó, mặc được thì mặc, nếu không thì giữ lấy làm kỉ niệm. ỐI giời ơi!!!

3 nhận xét:

tranbachai nói...

Ối giời ơi!!!!!!!!!!!!

HữuThành.Nguyễn nói...

Đi đường HCM bây giờ qua Cẩm Thủy là đến Ngọc Lặc, gần xịt. Thuận tiện lắm rồi, ối giời ơi, đi thôi...

Nặc danh nói...

Xin đinh chính đoạn: ... nhạc Liên xô “ Từ trên đỉnh núi Chi ta xa vời, mùa tuyết vẫn rơi phủ đầy trời… , bài này là dân ca Hung.
TTh