Chủ Nhật, tháng 1 03, 2010

ANH CẢI

(Truyện ngắn)


Anh mang một cái tên thật dân dã mà thoạt kỳ thuỷ, khi mới gặp và biết tên anh lần đầu thì tôi đã lấy làm lạ, sao tên gì như một loại rau hay dùng trong những bữa ăn thường nhật. Mà ở chiến trường thì rau rất hiếm nên nghe tên anh là chỉ muốn khạp một miếng. Cài có vóc người to lớn, lừng lững như con trâu quê anh. Đặc biệt là cái dáng đi hai chân khuỳnh khuỳnh, hai cái tay cũng có hình dáng tương tự. Mới nhìn trông tướng cũng dữ, nhưng thực ra anh khá hiền lành. Khi được biệt phái về cùng khẩu đội với anh tôi cũng hơi hoảng. Thằng cha này nó thổi một cái chắc mình bắn ra tám thước. Vậy mà khi hai thằng nằm chung một hầm thì chính tôi lại là thằng đành hanh mỏ đỏ, bắt nạt anh chứ không phải anh bắt nạt tôi. Sướng quá, công việc nặng nhọc của một pháo thủ anh đều thương thằng nhóc con ông to mà làm giúp cả.( Lạ thật ,tất cả họ đều nghĩ rằng hễ thằng nào có bố là xếp của đơn vị đều được ưu ái , không phải chui vào những nơi gian khổ) nhất là khi nó lại không ngại vào thẳng chiến trường cùng anh em mà không tìm cách tháo lui. Những người nông dân chất phác mặc áo lính thì suy nghĩ của họ cũng đơn giản như vậy. Nhiều khi tôi cứ phải baỏ với họ, có khối thằng bạn con ông to gấp mấy bố tôi mà vẫn xung phong vào chiến trường đấy. Họ cứ tròn mắt bảo : “thật không?” lạ thế, họ không tin! Trong những lúc đêm về, nằm gác chân lên nhau tâm sự chuyện gia đình, anh kể về làng quê yêu dấu của mình không hoa hoè hoa sói mà đơn giản chỉ là mảnh ruộng phần trăm, mớ rơm phơi đầu làng với đàn gà tranh nhau những hạt thóc lép, hay những đêm thức khuy câu cá, đặt nơm. Hay chuyện tếu táo về máu me cưa gái làng bên bị chó đuổi chạy mất guốc. Đối với tôi, cái gì anh kể cũng đều lạ lẫm. Khi anh kể về hoàn cảnh gia đình, anh chỉ còn có mẹ già ở quê, chị lấy chồng xa nên bà sống thật khó khăn. Nhiều khi anh đã đấu tranh với bản thân rất nhiều để không đào ngũ ,bỏ trốn. Tôi bảo, sao anh không về mà trông cụ. Anh bảo tại mày. Lạ quá! Sao lại tại tôi. Anh nói: Hôm cuối cùng chuẩn bị lên xe. Có mấy thằng trốn trước, C trưởng phân công mày với một thằng nữa đi bắt chúng nó về. Bọn tao biết thừa các ông ấy tạo điều kiện cho mày kiếm cớ về muộn, khỏi phải đi chiến đấu. Đến phút cuối thì thấy mày tò tò vác mặt về, tao đã nghĩ lại. Trông mày như con nhái bén thế kia, lại là con trai ông thủ trưởng trên bộ tư lệnh mà mày vẫn đi thì tao là cái đinh gì. Nếu mày không về thì tao đã chui vào rừng, chờ đơn vị đi xa rồi mới tìm đường phắn về quê. Chắc anh nịnh tôi thôi, chuyện tếu táo của lính ấy mà, tôi nghĩ vậy.
Khi anh kể về sự tích cái tên của mình thì tôi cứ bò lăn bò càng ra mà cười. Bằng cái giọng hóm hỉnh anh bảo. Mẹ tao chửa gần mười tháng mà vẫn ra vườn cuốc đất. Đang cuốc chẳng may bà thở mạnh quá, bắn cả thằng tao ra luống cải, khóc oe oe thì bà mới biết là tao đã hêlô cuộc đời. Vì vậy bố tao mới đặt tên là Cải để kỷ niệm cái ngày vui ấy. Tôi biết là anh tào lao cho vui thôi, nhưng mà phải công nhận các bà ở quê khoẻ lắm, chuyện đẻ són như thế cũng dễ có lắm!
Vào mùa mưa thì chúng tôi bắt đầu chiến dịch. Không phải chiến dịch giải phóng này kia mà là chiến dịch gùi thồ, bây giờ người ta quen gọi là cửu vạn. Mưa mà vào mùa thì kinh lắm, lép nhép suốt ngày, quần áo lúc nào cũng bốc mùi ẩm mốc. Đường sá thì khỏi nói, cánh ôtô vận tải gân cổ lên gào: “ Phanh ăn, còi kêu, bốn bánh quay đều . Cả ngày không đi được ba trăm mét…”. Mà thế là còn giỏi. Đường hỏng, patinê thì chỉ có nước nằm đường mấy ngày chờ xe tăng cứu giúp. Đến khi có xe tăng đi qua thì thành sắt vụn vì ăn bom từ bao giờ rồi.
Mấy anh lính pháo binh như bọn tôi mùa mưa thường nằm khàn. Rách việc nên được ưu ái đi gùi hàng. Khoán mỗi thằng một ngày một bao gạo năm chục cân. Khoảng cách không xa lắm, chỉ chừng chục cây số nhưng đi đường giao liên. Dốc thì thôi rồi, tối về thằng nào cũng kì cọ cái mũi thật sạch. Leo dốc gót giày thằng này hất vào mũi thằng kia, không cọ thì thối hoắc. Ai biết gót giày thằng đi trước mình đạp phải cái gì. Có phải thằng nào cũng tìm chỗ kín đáo mà dốc bầu tâm sự đâu! Lại nói chuyện gùi gạo. Số lượng như vậy thường đi ba chuyến là hết. Với ông voi Cải thì chỉ là chuyện vặt. Với cái thằng còi như mình thì lại là vấn đề to đùng. Mấy hôm đầu không theo nổi, ì ạch gần nửa đêm mới về đến hậu cứ. May quá, anh thấy vậy liền bảo, thôi mày để tao mang đỡ. Vậy là anh gánh cho gần nửa, sướng quá. Vài hôm sau lên tiểu đoàn nhiệt liệt xung phong làm chân giữ kho trung chuyển. Thấy tinh thần hăng say của mình lên cao quá nên ông D trưởng đồng ý. Cũng may cho anh khỏi phải gánh đỡ cho mình. Nói thế thôi chứ vác thêm hai chục cân cho thằng ất ơ này cũng mệt lắm chứ có phải đùa đâu.
Cái màn gùi thồ chấm dứt vào một ngày hửng nắng. Mùa mưa mấy ông Bắc Việt sẽ gặp nhiều khó khăn trong chuẩn bị hậu cần, các đơn vị cơ giới rất khó hoạt động nên địch tổ chức tấn công ra cánh đồng Chum, một loạt các cao điểm mạn Tây Nam bị lấn chiếm,trực thăng vè vè đổ quân chỉ nhoáng cái là có chốt địch trên đầu mình rồi. Bọn tôi thoát cái nạn gùi thồ về lo xe pháo chuẩn bị chiến đấu. Hai khẩu đội còn nghiêm chỉnh nhất được lệnh hành quân, phút cuối cùng, anh pháo thủ số một của khẩu đội bạn bị ốm đột xuất nên tôi đựơc ưu ái cử đi thay, tức là lại về cùng khẩu với anh Cải.
Đêm hành quân vào trận địa dưới ánh trăng suông, xe pháo rì rầm chạy trong đêm thảo nguyên mờ ảo, xe xích chạy qua những ổ gà ổ voi nước bắn tung toé ra hai bên đường nhuộm đỏ những bụi cây lúp xúp. Phía mặt trận cách chừng hơn chục kilo mét đường chim bay đang gầm gào tiếng đạn hai mươi ly được vãi ra từ chiếc c130. Pháo sáng từ những chiếc dù trắng toát làm bầu trời phía đó sáng rực như ban ngày. Thứ ánh sáng ma quái đó chiếu về đoàn xe của chúng tôi cứ chập chờn như ánh lân tinh trong nghĩa địa vào mùa vũ hội của loài Ma trơi. Mặt mũi thằng nào trông cũng xanh lét, cả vì ánh sáng của pháo sáng lẫn nỗi lo từ những chiếc máy bay săn đêm đang rình rập trên bầu trời. Gần hết đêm thì vào đến vị trí trú quân. Từ đường lớn vào đến trận địa là những bãi cỏ mênh mông, thỉnh thoảng mới có những lùm cây cao quá đầu người. Người ta cho xe chạy men theo bờ suối để hy vọng cái vệt bánh xe không quá lộ. Trận địa nằm trong một cái bản cũ chỉ có vài nóc nhà cháy trụi và những bụi tre lèo tèo. Xe xích dấu vào một khe suối cạn. Sáng ra, nhìn hai vệt bánh xích đè nát cây cỏ dẫn đến chỗ ẩn náu, tôi nghĩ: Chỉ có thằng mù mới không nhận ra dấu vết của loại xe cơ giới đặc biệt này, vậy là lỏn đi tìm một chỗ trú ẩn khác cách đó chừng ba trăm mét có đủ hầm hào của ai đó để lại. Bỗng nhiên thông minh đột xuất, tôi bảo với tay khẩu đội trưởng: Ông chia khẩu đội làm hai, theo đúng khẩu hiệu “Hoả lực tập trung, nhân mạng phân tán” . Âý là tôi phịa chứ thực ra là “hoả lực tập trung, hoả khí phân tán”. Khi nào có lệnh chiến đấu, bắn ba phát báo hiệu là anh em có mặt đầy đủ. Vậy là hắn nghe lời, có sáu thằng chia ra. Tôi dẫn ba ông theo mình chạy ra cái chỗ vừa tìm được. Một lúc sau thì thằng Trinh sát L19 vè vè bay đến bắn một quả pháo khói vào đúng chỗ hai vệt xe xích chấm dứt. Sau đó là một trận oanh tạc dữ dội, hai chiếc F4 thay nhau bổ nhào vào vị trí chiếc xe, nơi có mấy cái hầm nông choẹt chứa hai ông lái xe, hai ông pháo thủ và một ông chính trị viên đang tranh thủ phổ biến nghị quyết mới. Lúc nghe thấy tiếng đạn để trên xe nổ ùng oàng thì tôi thấy ông khẩu đội trưởng lóp ngóp bò từ dưới suối lên. Mặt mũi tái mét không còn hột máu. Tay này quá dũng cảm. Bom rơi trên đầu nhưng vì quý trọng sinh mạng nên từ trong hầm tuông ra chạy trối chết về hướng mà hắn thấy tôi dẫn anh em đi đến. ( Số phận anh này cũng thật bi thương. Tuy thoát được trận ấy nhưng sau này, trong một trận bom khác, anh đã hy sinh vì một cây cọc tre bị hơi bom bắn xuyên qua người. Mặc dù là một người dũng cảm có thừa. Cầu mong cho linh hồn anh được siêu thoát ! )
Trận bom ấy kéo dài từ đó đến chiều tối. Cứ hai thằng một. Hết F4 lại đến T28 thay nhau quần liên tục. Chúng tôi ngồi trong hầm lo lắng cho đồng đội đang kẹt lại. Mà hy vọng có người đủ máu me dám chạy để bảo vệ mạng sống cứ tan dần theo khói bom. Khi Mặt trời lặn thì quả bom cuối cùng được thả xuống. Tôi với Cải lao như tên bắn về phía chiếc xe, lúc này số đạn 12li7 trên xe vẫn còn nổ đôm đốp. Đầu đạn bắn ra cheo chéo bên tai. Tôi dừng chân khi nhìn thấy chiếc xe to lớn đã cháy đen xì, khói bốc lên những cụm đặc quánh. Trên đầu mình, tôi há hốc mồm nhìn một khúc ruột trắng lèo phèo dính đầy máu treo lủng lẳng trên cành cây. Cách đó một đoạn, chiếc giầy lính khoét mõm còn dính một khúc chân nằm chỏng chơ trên đám cỏ cháy xém. Viên đạn cuối cùng nổ cũng là lúc tôi nhận ra cái hầm trú ẩn của mọi người chỉ còn là một hố bom sâu hoắm. Qủa bom oan nghiệt nổ đúng giữa hầm. Bốn nhân mạng chỉ còn là những mảnh thịt văng tung toé khắp mặt đất. Trong bóng tối, chúng tôi bóp từng nắm đất để tìm những mảnh xương thịt còn sót lại. Tất cả chỉ còn chừng một xách tay. Không có hương khói, chúng tôi ngậm ngùi chia chỗ còn lại làm bốn phần. Riêng người lái xe có cái cẳng chân là có phần to nhất vì ai cũng biết anh ấy có bàn chân cực to, đi giầy cỡ 42 vẫn còn phải khoét mõm. Đơn vị tổ chức an táng cho họ trong lúc chúng tôi được lệnh bổ sung xe pháo, hành quân ngay trong đêm đó vào vị trí mới .
Vừa trải qua một cú sốc nặng nề, tinh thần chiến đấu của đám lính nghe chừng hơi rệu rã. Sợ thì vẫn sợ nhưng lệnh trên vẫn cứ phải làm. Điều động qua lại thế nào đó cho tạm đủ quân rồi chúng tôi móc pháo lên hành quân tiếp vào trận địa mới. Đêm thức trắng đào công sự, làm dàn chống bom bi, chuẩn bị đạn dược xong thì trời sáng. Mặt người chưa nhìn rõ đã có một tốp F4 lao đến, rốc két phóng xuống như mưa rào mùa hạ. Rõ ràng là có thám báo địch biết rõ mọi động thái của đơn vị, người ta tranh luận và thậm chí còn đặt ra cả khả năng có nội gián,hoảng quá mà nói vậy thôi chứ điều đó thật khó. Sau trận oanh kích ,một quả tên lửa phóng đúng hầm đạn, may mà trong đó chỉ mới có một hộp ngòi nổ,nó bị phồng lên như để trong lò nướng. Sở dĩ tôi phải đề cập đến chi tiết này là vì rất có khả năng đó chính là nguyên nhân của một tai nạn hy hữu xẩy ra trong pháo binh Việt nam mà tôi sẽ kể tiếp dưới đây.
Mọi động tác chuẩn bị chiến đấu xong xuôi, chỉ chờ giờ G là nổ súng. Anh pháo thủ số một của khẩu đội bị ốm nằm hậu cứ nay đã khỏi và trở về. Vậy là tôi thất nghiệp, tạm biệt khẩu đội, tạm biệt anh Cải. Tôi trở về đơn vị cũ lúc này đang nhận một khẩu mười hai ly bảy nằm cách đó chừng ba trăm mét. Tự nhiên biến thành một thằng lính phòng không bất đắc dĩ. Tôi quẳng ba lô vào góc hầm rồi nằm vật xuống đất thở dốc, vắt tay lên trán tức mình vì không được tham gia một trận đánh lớn. Sức trẻ, vẫn còn hăng hái lắm. Tiếc vì không được tự tay trả thù cho đồng đội vừa hy sinh, vừa tức vì caí không gian chật hẹp trong căn hầm bé tẹo. Đang suy tư triết gia nửa mùa như vậy thì tôi nghe tiếng đạn nổ, vậy là chiến dịch đã bắt đầu. Quả đạn bắn thử đầu tiên đã được phóng đi. Trong pháo binh, người ta dùng một khẩu bắn trước để lấy phần tử bắn chính xác cho cả đơn vị, đó gọi là bắn thử. Khẩu đội mà tôi vừa rời đi đang làm động tác đó. Mấy phút sau khi sửa phần tử, quả đạn thứ hai được bắn tiếp . Qủa thứ ba tiếp theo thường là quả bắn thử cuối cùng rồi sau đó toàn đơn vị sẽ đồng loạt bắn cấp tập. Dĩ nhiên cũng có ông chỉ huy bắn kém thì phải bắn thêm vài quả nữa mới có đạn trúng.Trong huấn luyện, như thế là lãng phí đạn, bị trừ điểm.
Khi quả đạn thứ ba nổ. Đó là một tiếng nổ khác thường, không giống tiếng nổ của liều phóng mà là tiếng nổ của đầu đạn. Ai đã bị pháo kích thì sẽ có cảm nhận đầy đủ với thứ tiếng nổ này, nó đanh và choáng ,nghe kinh dị hơn tiếng đề pa. Tôi đang ngẩn ngơ lấy làm lạ vì sao lại có tiếng nổ đặc biệt như vậy thì trông thấy cái anh khẩu đội trưởng nọ hớt hải chạy như ma đuổi về phía chúng tôi. Khi đến nơi ,bộ mặt anh ta thể hiện một nỗi kinh hoàng tột độ, hai cái chân run lẩy bẩy rồi ngã lăn xuống đất. Miệng la oai oái: “Hừ hừ! chết hết rồi, chết hết rồi, hừ hừ…” Tôi cúi xuống hỏi: “Ai chết, bình tĩnh nói cho bọn tôi biết có chuyện gì nào! “ Anh ta vừa thở vừa bảo :” Không biết, chết hết rồi, vào mà xem”
Tôi với một thằng nữa co giò chạy một mạch về hướng khẩu pháo. Đập vào mắt chúng tôi là một cảnh tượng kinh hoàng. Hầm pháo tan hoang như vừa trúng một quả bom. Những cụm tre xung quanh trận địa xơ xác tơi tả. Tay B trưởng vừa từ trường sỹ quan pháo binh điều về đang ngồi cách hầm pháo hai chục mét, hai tay ôm đầu. Đôi mắt mở to nhưng không còn thần sắc. Nỗi sợ hãi đè chặt anh ta xuống cái hòm đạn mà anh đang ngồi. Hỏi gì không nói,rõ ràng là bị chấn động thần kinh nặng. Tôi tìm chỗ chui vào hầm pháo. Trước mắt tôi, một cảnh tượng rùng rợn làm tôi bất ngờ đứng lặng. Khẩu lựu pháo 122ly lúc này chỉ còn có hai cái càng, toàn bộ nòng pháo và bệ pháo bắn ra đám ruộng phía trước chừng hai trăm mét. Khúc nòng pháo toẻ ra như ống rau muống chẻ ra ăn sống. Ở vị trí pháo thủ số một mà trước đó là chỗ tôi đứng, người vào thay tôi đang nằm gục đầu vào càng pháo. Một bên đầu bị chém bay để lộ bộ óc lúc này chỉ là một mớ bùng nhùng trắng hếu. Đôi chỗ bị ám thuốc pháo đen nhẻm. Anh nằm như người say ngủ. Phía càng pháo bên kia là vị trí số hai. Anh này nằm trên mặt đất, từ cổ họng phát ra thứ tiếng kêu ồ ồ. Aó xống bị hơi nổ xé toang để lộ bộ ngực đẫm máu. Tôi cúi xuống xem xét vết thương để băng bó nhưng khi nhấc tay anh ấy lên thì cả một khoang ngực được nâng lên cùng cánh tay, để lộ hai lá phổi đang sùi ra một lô bọt khí màu hồng nhạt. Qủa tim vẫn đang còn đập một cách yếu ớt. Tôi thở dài ngán ngẩm vì biết chắc là không thể làm gì cho anh được nữa. Người thứ ba chính là Cải, anh đang nằm im lặng chính giữa hầm pháo. Thái độ cực kì bình tĩnh, anh vẫn còn sống nhưng xung quanh chỗ anh nằm máu đọng thành vũng. Anh không hề kêu ca làm tôi vững lòng xem xét vết thương để tìm cách cứu anh. Cải là pháo thủ số ba, nạp đạn và kéo lẫy cò. Một tảng khoá nòng của khẩu pháo bị nổ đã bắn vào người anh, bóc một mảng thịt lớn từ bụng xuống đến tận mông. Bộ phận sinh dục treo lủng lẳng và chỉ còn dính với thân thể bằng một vạt da lỏng lẻo. Máu vẫn còn rỉ ra nên tôi gạt nước mắt đưa cái phần đó úp trở lại cơ thể anh rồi quấn băng lại. Tất cả những điều đó xẩy ra với tôi, một thằng lính mới hai chục tuổi đầu. Sau này khi kiểm điểm lại thì tôi rất lấy làm lạ là tại sao mình lại có thể bình tĩnh xử trí tình huống trong một điều kiện như vậy được. Hay là tôi đã bị chai sạn trong bom đạn. Hay là tôi đã đánh mất cảm giác và thần kinh bị tê liệt khi đối mặt với những tình huống rùng rợn như vậy. Chắc có lẽ không phải, vì lúc đó trong niềm đau xót trước tình cảnh của bạn, tôi đã không thể ngăn được dòng nước mắt mà Cải trong một phút tỉnh táo đã cố ngăn nó lại bằng lời động viên mạnh mẽ. Thằng sắp chết động viên thằng sống đừng có mủi lòng. Đó là tính cách của một anh hùng chăng?
Anh em trong đơn vị bắt đầu lao đến. Họ tổ chức một nhóm cứu thương cáng Cải ra bệnh viện ngay trong đêm hôm đó. Trận chiến đấu vẫn tiếp tục. Khẩu đội tôi nhận pháo bổ sung rồi lao vào trận đánh kế tiếp. Các điểm chốt lấn chiếm của địch lui dần về phía Longchẹng. Toàn bộ đơn vị lại chuẩn bị vào một chiến dịch mới nhằm vào sào huyệt của trùm phỉ Vàng Pao. Khi rút kinh nghiệm trận đánh, người ta tìm nguyên nhân vụ tai nạn hy hữu pháo nổ trong nòng ấy. Cũng chẳng có một kết luận chính xác nào, người thì cho đó là do thám báo địch nhân sơ hở gài bom vào liều phóng, người thì cho rằng có loại đạn tự huỷ. Tôi cho rằng khả năng lớn nhất là chiếc ngòi nổ đã bị tác động nhiệt của quả rocket gây nổ sớm. Dù gì thì vụ việc đã xẩy ra. Từ đó mỗi khi bắn ,chúng tôi đều dòng dây ra xa rồi giật cò. Chả thằng nào dám đứng gần pháo, sợ vãi cả ra quần.
Một tháng sau đó, chúng tôi nhận được thông báo của Bộ tư lệnh mặt trận. Nội dung thông báo biểu dương tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm của chiến sỹ pháo binh Nguyễn văn Cải. Phát động phong trào học tập gương chiến đấu quả cảm của anh, nhất là tinh thần hy sinh vì đồng đội. Trong bệnh viện, khi lên bàn mổ chỉ còn lượng thuốc mê cuối cùng, anh đã động viên bác sỹ dùng số thuốc đó cho đồng đội và cứ mổ không thuốc mê cho anh. Người chiến sỹ đó đã hy sinh trên bàn mổ dã chiến. Anh nằm xuống, thanh thản ngủ một giấc vĩnh hằng.
Đáng lẽ tôi đã kết thúc bài viết tại đây nhưng vẫn còn một điều cuối cùng muốn nói. Sau chiến tranh. Mộ phần các anh đã được quy tập về một nghĩa trang trên đất bạn. Sau đó lại moi lên một lần nữa để đưa về nước. Các bọc hài cốt liệt sỹ được một đám người vô trách nhiệm cho xuống bè thả trôi về Việt Nam cho nhanh và đỡ tốn. Ghềnh thác cuốn phăng các chiếc bè và hài cốt liệt sỹ xuống đáy các dòng sông. Kết thúc những số phận. Chưa bao giờ trong tâm trí mình, tôi chấm dứt lời cầu nguyện cho họ. Đồng đội của tôi. Bạn bè của tôi. Chúc cho họ bằng an trong cõi giới mới!


( Lựu pháo 122ly do Liên xô sản xuất, khoảng 1936. Hình minh hoạ)

15 nhận xét:

tranbachai nói...

Doc chay nuoc mat Trung oi.

OngNgai nói...

Trước cái chết ai cũng sợ nhưng biểu hiện có lẽ là ở thời điểm khác nhau. Có anh lúc ấy thất thần mất khả năng hành động nhưng khi về hậu cứ thì anh ấy bảo : Không sợ gì. Còn những anh quên mình lao vào cứu đồng đội, tỉnh táo trong hành động để tự cứu mình khi về hậu cứ lại nói: lúc đó sợ thật. Chuyện bác trung đội trưởng của bác QT giống tiểu đội trưởng của em lắm.

VinhNQ nói...

Soi bác Tt:
"Truyện ngắn - Chuyện ngắn"

TQtrung nói...

Vnq: tôi viết thế để phân biệt "truyện ngắn" để đăng báo, có nhuận bút, điều mà mình không với tới. Đây là một câu chyện kể trên blog, hơi dài nên báo động trước để mọi người khỏi chê dài bằng cách nói nó ngắn, yên tâm mà đọc.8-)

Nặc danh nói...

Truyện thời bình": Một cơ sở KH của Quân đội (Xin không nêu tên) chế tạo súng cối. Các bạn biết rồi đấy , súng cối thì phải tống quả đạn vào rồi nó tự nổ và phóng đi. Nhưng trong một lần thử nghiệm, quả đạn nằm im trong ống phóng không chịu phóng ra. Một kỹ sư trẻ bồng bột xông lên loay hoay rút quả đạn ra. Không hiểu trời xui, đất khiến thế nào mà quả đạn lại nổ. May mà hậu quả không như trong câu truyện này, chỉ là mât mấy ngón tay. Và từ đó người ta mới nghĩ ra cách rút quả đạn cối ra sau khi nó không nổ. Nhưng đây cũng là một sáng kiến không đơn giản.
GM.

Nặc danh nói...

Hình như QT đưa nhầm hình chụp lựu pháo 122li ngòng ngắn (PL122) thì phải. Theo tôi nhớ thì D30-122li có càng 3 chân hình sao, còn 2 bánh thì to hơn.
HCQuang

Lê Tự Thành nói...

Chuyện của Q.T không thể có lời bình. Nhưng đó là một vốn quí của cuộc đời bạn bà cả của đám bạn chúng ta. Để con cái chúng ta cùng đọc và biết thêm môt chút về đất nước vag những người đã gìn giữ nó.
TT

Quế Lâm nói...

Chắc anh QT vừa viết vừa khóc .Hôm qua ,em về ĐỒNG THÁP dự lễ kỷ niệm 49 năm thành lập tiểu đoàn 261 - QK8 ( cũ ). Gặp rất nhiều đồng đội của ba em . Nhưng lần đầu tiên , em được nghe kể vì sao ba hy sinh . Người cựu chiến binh gần 80 tuổi vừa nói vừa khóc khi kể lại câu chuyện . Em không dám tin , sao mà lại đau thương thế này . Đến giờ , em vẫn không tin . Nhưng đọc xong chuyện kể của anh , có lẽ em ...

Quế Lâm nói...

lẽ ra em chưa nên vào blog lúc này , nhưng lỡ rồi ... vừa đọc , vừa khóc

TQtrung nói...

To: Quế!
Em phải cứng rắn lên, không nên nghĩ nhiều quá, đó chỉ là những kỷ niệm,anh viết ra chỉ để chia sẻ và không muốn vì nó mà làm cho mọi người đau buồn,cám ơn mọi người vì đã đồng cảm!

4 SG nói...

Tám môt chút! Mặc dù tôi chưa ko đi bộ đội, nên cũng ko phải là lính PKKQ, nhưng vì quen nhiều lính SAM 2 nên hóng hớt khá nhiều!

Để đạn bay lên phải thực hiện lần lượt 22 thao tác, có vài thao tác do hai người đồng thời thực hiện. Thế mà có lúc (ko chỉ vài lần trong toàn QC), hai pháo thủ (lính bệ) đang cưởi đạn lau sương sớm, thì "rầm", cùng ôm đạn bay mất tiêu!
Chuyện khó tưởng tượng được! Mà ko chỉ ở VN, mà ngay ở bên "người anh cả" luôn!

4 SG

Nặc danh nói...

Gía của chiến thắng.
MK

dathb136 nói...

Nỗi buồn chiến tranh,hay sự khủng khiếp của chiến tranh.Chẳng ai muốn!

Nặc danh nói...

Chiến tranh nó có thứ ngôn ngữ tàn khốc riêng của nó, các nhà văn khó mà diễn đạt được.
Các thầy súng pháo ở ĐHQS nói (họ được nghe người khác nói) về " viên đạn hy sinh "của pháo binh Nga khi bị bộ binh địch chiếm lĩnh trận địa giống trường hợp này. Còn người Mĩ thì hạ ngang nòng để bắn loại đạn ghém bi sắt vào bộ binh địch và làm hỏng luôn nòng pháo. Cũng là nghe nói , chẳng biết thực hư.
TM

Tấn Định K9 nói...

Đọc xong ngồi lặng mất một lúc. Câu chuyện rất thật, quá cảm động bởi do chính người trong cuộc kể lại, lại kể bằng chính con tim đa cảm chan chưa tình người tình đồng đội nên càng đọc càng thấm, càng thấm càng xót thương...
Những năm tháng đó mình đang học ở Liên Xô, vì vậy khi được nghe những chuyên chiến đấu như thế này mình vô cùng cảm phục và trào dâng một thứ cảm xúc khó tả. Có lẽ đó là cảm xúc mang nặng ân tình đồng đội...