Trưa 30/04, khi đoàn cán bô Viện Kỹ thuật quân sự tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đang chờ lấy xăng tại quân cảng Qui Nhơn thì anh Liêu đột ngột vui mừng thông báo Đài phát thanh Sài Gòn vừa phát Tuyên bố đầu hàng của chính quyền Dương Văn Minh. Chúng tôi như rơi vào một cảm giác khó nói nên lời, vui mừng hay hân hoan? Có lẽ không phải. Phải chăng đó là cảm giác được cất đi một gánh nặng dai dẳng, nặng nề, cái cảm giác haonf tất một công viêc, một sự nghiệp đã tốn bao tâm huyết?
Đoàn trưởng quyết định không vòng lên Tây Nguyên theo kế hoạch nữa mà đi thẳng vào Sài Gòn rồi tìm cách bắt liên lạc sau. Với niềm hân hoan, các xe đua nhau chạy, tới tối 30 chúng tôi tới Tuy Hòa thì chỉ còn có ... 1 xe. Rẽ vào một đơn vị đóng ở đầu cầu Tuy Hòa ngủ nhờ. Cậu chỉ huy bảo các anh cứ thoải mái chọn chỗ ngủ, nhưng cẩn thận vì tối hôm qua bọn em vừa bị tấn công. Nhưng đêm đó là đêm bình yên.
Trưa hôm sau dừng ở Phan Rang nấu cơm trưa tại một đơn vị bộ đội địa phương. Bọn mình ngạc nhiên thấy lính ở đây nói rặt tiếng nam mà lại đều là ... lính bắc. "Chắc các anh chỉ tối là tới Sài Gòn, xe đò chạy thì còn tới sớm hơn". Nhưng đêm 1/5 chúng tôi ngủ ở Xuân Lộc. Lái xe miền bắc không quen chạy nhanh, đành vậy. Xuân Lộc hầu như không còn một nóc nhà ... có mái. Mùi khét của bom đạn hòa với mùi hôi thối của xác chết ngưng đọng trong không gian. Đêm đó thật khó ngủ vì tiếng chân đi rầm rập ngoài đường. Quân ngụy đi bộ về quê từ Sài Gòn ra đông như đi hội. Mọi người quyết định dậy sớm hành quân tiếp.
Sáng ra mới thật kinh ngạc khi thấy quân ngụy đi ra chật đường quốc lộ. Đôi chiếc xe hàng chạy phía Sài Gòn ra đông nghịt người bám trên nóc và xung quanh xe. Còn lại đều đi bộ. Nhìn thì biết ngay ngụy quân vì dù đã cởi áo lính, có người vẫn mặc nguyên quần lính, đôi người kiếm được thường phục, nhưng ai thì cũng vẫn mang giày lính. Xe chúng tôi có cảm tưởng như một miếng bánh đi ngược ... đoàn kiến vậy. May mà lúc đó không ai còn nghĩ tới bắn nhau. Nhưng cũng không may là chúng tôi chẳng có gì để ghi lại những hình ảnh đáng nhớ này. Sau này xem các phim cũng không có cảnh này. Các đoàn làm phim chiến trường đều bám sát lực lượng chiến đấu nên đã vào thành phố hết thì phải.
Càng vào gần Sài Gòn càng thấy nhiều dấu tích chiến tranh. Nhiều chiếc xe tăng cháy nằm dọc theo quốc lộ 1 cả địch và ta. Ngay đầu cầu Thị Nghè còn có 1 T54 cháy dở và những cây cầu thì đầy bao cát xếp thành công sự xám màu thuốc súng. Ngay trước cổng Bộ tổng tham mưu ngạy cũng có 1 chiếc T54 chấy mà gần cả tháng sau mới được kéo vào vệ đường. Quân ta tiến vào thành phố không phải không tổn thất. Có vậy mới hiểu đối với lính ta, xe nào vào dinh Độc Lập đầu tiên không có gì là quan trọng. Vinh quang, họ dành cho nhứng người đã hy sinh. Phần mình, đó chỉ là nhiệm vụ.
Sáng sớm mùng 2/5 chúng tôi đã vào thành phố. Dừng lại hỏi thăm đường một chút đã thấy nhân dân vây quanh. Không phải thật hồ hởi, không phải tay bắt mặt mừng. Chỉ những câu hỏi và trả lời bình thường, chỉ có anh mắt là hân hoan, là vui sướng. Niềm vui đó chẳng phân biệt bên nào. Chiến tranh chấm dứt rồi. Ta như muốn hét lên thật to điều đó, nhưng hét lên thật vô nghĩa khi ta thấy nỗi vui sướng long lanh trong mọi ánh mắt. Chấm dứt chiến tranh cho một dân tộc, làm sao mà nói ai vui sướng hơn ai?
Trong đoàn chúng tôi có Thế Nam và Thanh Nhân. Nghe Mạnh Dũng nói cũng tham gia đoàn này, nhưng chắc là ngồi xe tải khác. Kỷ niệm 30/4 chắc mỗi người một vẻ. Tôi chỉ muốn viết đôi dòng về những điều mà tôi cảm nhận.
Chủ Nhật, tháng 5 03, 2009
Nhớ ngày 30/04/1975
Gửi bởi Lê Tự Thành lúc Chủ Nhật, tháng 5 03, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
4 nhận xét:
Viết hay thế mà tham gia ít nhỉ?
Tự Thành, đừng giận, có cậu khi bị A-zây-mơ rồi (thấy bảo là sẽ quên). Lung tung hết cả. Làm cho tôi đọc vừa thấy chuyện của mình vừa thấy khác.
Chuyến đi ấy không có Mạnh Dũng, vì nó đi đoàn lên Đà Lạt sờ lò hạt nhân, trong đoàn của anh Liêu (vật lý kĩ thuật).
Đoàn vào SG chuyến ấy bạn Trỗi có Thanh Nhân, Thế Nam, Tự Thành (máy tính), HT (điện tử-tự động), Kiên beo k3, Kỳ Trung k2 (vũ khí), không biết hết chưa.
Nhận tin giải phóng SG không phải buổi trưa mà chính là chiều tối khi tới Tuy Hòa. Trưởng xe Viện KTQS là Đặng Minh Ngạc.
Tuy nhiên các chi tiết khác thì không sai.
HT nói đúng, có những tên cán bộ phụ trách mình nhớ mang máng anh Liêu, anh Khương hay anh Ngạc thôi. Nhưng đúng là mình biết tin đúng 30/04 ở Qui Nhơn nên mứoi đi thẳng vào SG mà không qua BMT. Hình như sau đó chỉ có 1 xe (của lãnh đạo) lên BMT thôi.
Kế hoạch hồi đó là tập kết tại Đồng Xoài, chờ giải phóng SG thì vào tiếp quản. Đường rẽ tôi không nhớ trong kế hoạch là đường nào, nhưng sau Tuy Hòa chứ sau Quy Nhơn cũng không có đường nào. Bởi thế buổi tối ở Tuy Hòa đoàn của TCKT, trong đó có xe của Viện, mới quyết định đi thẳng không rẽ. Nói chung các xe đi không xa nhau nên trưa 2/5 vào đến Trường Cao đẳng Quốc phòng (số 2 đường Thống Nhất, nhìn sang Thảo Cầm Viên) tập hợp đủ mà.
Anh Khương sau này mới vào làm thủ trưởng Viện KTQS phía Nam chứ không đi đoàn tiếp quản SG trước giải phóng.
Viện KTQS tham gia khá nhiều đoàn tiếp quản kỹ thuật, trong đó có nhiều Trỗi. ĐTThành k2, Trung Việt k3 tham gia tiếp quản thông tin liên lạc, MDũng theo đoàn tiếp quản hạt nhât Đà Lạt (cùng anh Liêu, Thành Công anh của Thanh Nhân). Có đoàn đi trước, có đoàn đi sau. Bọn mình thì đi trong đoàn của TCKT, riêng Viện KTQS một xe do cậu Ngân lái, rời HN sớm ngày 24/4/1975 tại Trạm 66 (đường Hoàng Diệu).
Tuy nhiên chuyện cũ mà ai cũng nói giống ai như chép từ ổ đĩa cứng ra thì làm gì còn môn lịch sử học.
Mỗi người là một thế giới mà.
Đăng nhận xét