Chủ Nhật, tháng 5 17, 2009

NGÔN NGỮ VÀ CUỘC SỐNG


Khoảng năm 1978, trong đợt đi công tác ở chiến tranh biên giới Tây Nam (An Giang), đang nằm võng, nghe một bà cụ la con cháu “chèn đét ơi!...”, rồi sau đó là một lọat từ ngữ và âm điệu nghe rất sướng tai tuy chẳng hiểu gì cả. Hay! Lạ! đó là cảm nhận ập ngay vào tôi lúc đó.
Từ đó, bắt đầu có một chút quan sát và để ý về ngôn ngữ .
Không biết từ bao giờ và lý do gì mà hai miền tự chia, dùng từ trong từ ghép. Có khi ở miền Bắc dùng chữ đầu, miền Nam dùng chữ sau như: điên-khùng, say-xỉn, bơi-lội…, ngược lại, có khi miền Nam dùng chữ trước, miền Bắc dùng chữ sau như: leo-trèo, đường-phố, sinh-đẻ, ghe thuyền…
Kiểu nói lái của hai miền cũng khác nhau, ví dụ chữ con gà thì miền Bắc nói lái là ga còn và miền Nam là ca gòn, từ cái tăm được miền Bắc nói lái là tái căm còn ở miền là cắm tai (tuy nhiên, những tỉnh miền Trung ở phía Bắc cũng nói như kiểu miền Nam).
Sau giải phóng, người miền Nam tiếp cận cách xưng hô, ngôn ngữ, của miền Bắc với những từ như đồng chí, công tác, cán bộ…. Ở cuộc họp, thấy cán bộ miền Bắc đứng trên bục phát biểu, thỉnh thoảng lại tự vỗ tay (!!!), mọi người bên dưới vỗ tay theo. Thấy kỳ kỳ.
Người miền Bắc vào, thấy giọng nói âm hưởng của người miền Nam rất khoái, thường hay bắt chước nhại theo. Thấy các cháu nhỏ vòng tay và cúi đầu chào người lớn thật ấn tượng. Gọi các cháu nhỏ bằng “con” nghe thật gần gũi và dễ thương. Từ ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại được bỏ đi, đơn giản bằng “nội”, “ngoại” nghe thật tình cảm, thân thiết.
Vào miền Nam, bỗng nhiên nghe giọng Nam gọi mình là “bố”, thấy thật mắc cười (buồn cười) và khoái khoái.
Sau đó nhiều năm, cuộc xâm lấn, giao thoa, thay thế từ ngữ bắt đầu xảy ra. Trong đời sống xã hội, báo chí, hội họp… ở miền Nam, dần dần dùng phổ biến những từ chính trị của miền Bắc XHCN, ngược lại, rất nhiều từ ngữ ở miền Nam đã thay thế từ ngữ trước nay được dùng của miền Bắc: “có bầu” thay cho “có chửa”,…vì nó hay hơn. Tuy nhiên, có những từ không hay hơn nhưng cũng được sử dụng rộng rãi: ví dụ “rủ nhau đi làm vài cốc bia” hay ly rượu thì bây giờ thay bằng “đi nhậu”, “say” thay bằng “xỉn” từ “mừng tuổi” đẹp đẽ và rất Việt Nam, bị thay bằng “lì xì”, từ “có người yêu” thì thay bằng “có bồ”, …mà không hiểu được lý do.
Đầu những năm 1980, thấy xuất hiện từ “mì ăn liền” để nói việc gì cần làm liền, nghe thấy thật vô duyên. Tưởng nó chết yểu ấy vậy mà nó cứ tồn tại dai dẳng và sống khỏe tới nay, không những vậy mà nó càng ngày càng phát triển, đại lọai như: “campuchia” tức chia tiền khi đi ăn chung, “ô mai sấu” để chỉ sự xấu xí… Sau đó là một loạt các kiểu phóng tác tương tự như “óc to như quả nho”, “chuyện nhỏ như con thỏ’... Thế mới thấy không cứ cái gì cũng phải quy phạm, chỉn chu mới sống. Cuộc đời lại dễ chấp nhận sự ngô nghê, vô duyên nhưng lại hài hước, thú vị.
Những năm thập niên 80, sự sáng tạo từ ngữ có vẻ không nhiều. những năm này, cuộc sống kinh tế khó khăn nên nảy sinh rất nhiều chuyện tiếu lâm chính trị, đời sống.
Sang thập niên 90, và 00 bùng nổ về sự sáng tạo từ ngữ. “Nhòe”, “nghiêng”, “mờ” khá hay thay thế cho “say”; thay thế cho thắng thua, được mất là “lồi, lõm”. Khi phản đối, làm ngược lại… thì chỉ một chữ “ngược” (ví dụ: chào bác em ngược!)
Có từ ngữ bắt chước kiểu nói của trẻ con khi dùng sai từ như khi nói “nhiều” thì dùng “đông” (ví dụ: tiền đông lắm) cũng khá ấn tượng. Những kiểu sáng tạo trong ngôn ngữ kiểu này thì khá nhiều như “đau răng”, “vuông” … dùng trong từng ngữ cảnh cũng rất đắt.Những dạng sáng tạo kiểu này thì vô số.Mà hình như kẻ sĩ Bắc Hà có nhiều năng khiếu trong việc này
Có lẽ ấn tượng mạnh nhất là khi sử dụng những từ để dùng khi chê bai, mắng mỏ nhưng lại thành khen như “chỉ được cái giỏi”, “chỉ được cái đúng”…, thật là một sự sáng tạo. Nhưng với tôi, đến nay chưa có một từ ngữ nào hay, xứng đáng hơn có thể vượt qua từ “bị” (ví dụ: hơi bị đẹp, hơi bị hay…) thật thông minh, tạo một cảm xúc bất ngờ và thú vị.
Riêng ngôn ngữ viết cũng có nhiều điều thú vị. Ví dụ như: mỗi gia đình chỉ có hai con, vợ chồng hạnh phúc. Chỉ cần lỗi dấu phẩy: mỗi gia đình chỉ có hai con vợ, chồng hạnh phúc. Đã thấy vui tếu. Những kiểu lỗi dấu phẩy này cũng rất nhiều. Ngôn ngữ viết trên điện thọai di động (không dấu) mhiều lúc gây ra hiểu lầm khóc dở mếu dở. Ví dụ: em dang o truong muon lam anh den ngay…
Thế kỷ 21, ngôn ngữ số thì vô cùng phong phú, bản thân tôi không dám đề cập tới. Tuy nhiên, tôi có ấn tượng người nào đó thật thông minh đã dùng những ký tự đặc biệt để thể hiện những icon về cảm xúc như cười :-) hoặc ^_^, ~_~; nháy mắt ;-) họăc *_^; khóc :-( hoặc T_T, ngạc nhiên @_@, …
Riêng Trỗi mình có hai từ tôi cũng khá thích: “bạn xấu” và “k9” (không biết ai là tác giả???). Cũng mong thỉnh thoảng có nhiều từ hay như vậy.
Sáng tạo trong ngôn ngữ là điều tất yếu của cuộc sống. Thật chán làm sao nếu ngôn ngữ luôn nghiêm túc và chỉn chu.

19 nhận xét:

NhatTrung nói...

Hồi mới vào MN nghe 1 số từ hơi kỳ kỳ nhưng khi ra MB thấy thay đổi nhiều quá.VD như nhờ người trông hộ xe nói "mày lườm cho tao cái xe",hay gọi các đồ dùng bằng "con":con tủ lạnh,con xe...,giải tán thì gọi là chuột rút,đông quá thì gọi là quân Nguyên...Hay,quá hay và thật hóm.Nên 1 số ng nước ngoài đến VN học tiếng Việt cũng phải học các từ lóng này.

HữuThành.Nguyễn nói...

Bạn xấu là từ của tôi gọi khi tự nhìn mình bằng con mắt của "bà thị xã" bạn Trỗi.
Cái từ "bà thị xã" này hình như do ĐN sáng tác?

Nặc danh nói...

Minh ở xa, thỉnh thoảng về gặp “bạn xấu” lại “hạt điều” thêm các “bạn xấu” khác tới, “campuchia” rồi mãi vẫn chẳng “chuột rút” được. KQ K5 rất thông thạo lọai ngôn ngữ này.
Đ/c NT nhắc làm tui nhớ hồi nẳm có đ/c “Mai Văn Joe” , không phải đ/c thứ trưởng Mai Văn Dâu” mà là một anh từ nước Gia Nã Đại, đến Đại Việt ta học tiếng. Tiếng Việt của y hơi bị hay, có viết sách bán hẳn hoi. Bachai

Nặc danh nói...

Ngôn ngữ nghiêm túc và chỉn chu cũng không chán đâu . VD:
-" được cử đi học" còn có nghĩa là mất ghế.
-" Được thăng chức" cũng còn có nghĩa là mất ghế, hay bị đá hất lên.
-"vì lý do sức khỏe" cũng nghĩa là mất ghế.
-" lần sau không nên làm như thế" là mắng yêu, là có thể tiếp tục.
-" vừa là đồng chí vừa là anh em " có nghĩa là có thể nện nhau được. 16.5.09 ông anh vừa cấm em đánh cá trên lãnh hải của em.
...
TV

Nặc danh nói...

Tôi nghe lỏm ở chợ một cô tây nói với bạn gái Việt : Mặc cái quần trong này nó cứ "trịn " vào mông , khó chịu lắm.
Nghĩ mà hãi .Tụi mình trong đời đã mấy ai dùng được chữ này. ( trịn )!
TV

TK8 nói...

Khoái nhất cái “TrungLiêmAirline”, TRÌNH và KHẢ của bác rất Anh-Xờ-TANH.

Khỏi cần Bình Luận bài của bác - viết như vậy chứng tỏ cháu đã THẤM NHUẦN

Nặc danh nói...

Từ K9 là do Dương Cự Hà em ruột anh Dương Thanh sáng tác.Cách đây khoảng 20 năm khi ra bắc ngồi nhậu với đội k8,có 1 vài người hỏi Ô.K mấy,Cự trả lời k9 làm cho đội k8 tức điên nói Trỗi làm đ.. gì có k9,từ k9 xuất phát từ đấy cho đến nay.

Gtl

TranKienQuoc nói...

Chúng em ở hơi bị "Natasa" nên các bác "lý thông" cho!

Nặc danh nói...

Hay, nói tiếng Lào ra tiếng Ý.
HCQuang

Nặc danh nói...

Em thì máu mua lắm rồi vì ở "số 1 Đội Cấn" nhưng bác cứ quát "nam cao" thế thì đến bố em cũng chịu. Đành phải "hà huy tự" đi tìm. Thế, bác có "chia xim" không, nếu không thì em chuột rút?

AK7 nói...

Dạ thưa các pác cháu mới đi học ở trường "Đảng" về nên cũng k hiểu cho lắm.

ĐN.K7 nói...

Cám ơn anh giai có bài viết tinh tế quá.

Hồng Hải nói...

Cách nói kiểu "mới" này ,hay hoặc ko hay ,tôi nghĩ cũng tùy .V/d :chắc tại tính nết hơi bảo thủ nên tôi chưa thấy cách nói như vậy là hay .

Nặc danh nói...

Tôi cũng giống Hồng Hải, vào loại bảo thủ.
HCQuang

Nặc danh nói...

Ngày bé khi còn ở Hải Phòng tôi thấy có một cách nóicủa các tay chơi choi choi( chíp hôi).Kiểu nói thêm đuôi thay các dấu trong tiếng Việt, nghe qua cứ như tiêng "TIẾNGTÂY".Đại khái là "công phác xông",sơ mi...nhiều lắm tôi không thể nhớ chính xác được,Đ.Cương chắc cũng biết. Chiến tranh phá hoại xảy ra thì cái tiếng dở hơi kia nó cũng chết luôn.( mấy cậu choi nói tiếng này venh vang lắm, cứ cho mình ở đẳng cấp trên kia đấy,cứ như "Quí xờ tộc" chính cống vậy)
Ngôn ngữ thời hiện đại tất nhiên sẽ có sự phát triển, có thể tích cực và tiêu cực. Ngôn ngữ @ chỉ để vui chơi, giao tiếp ảo,hoac ngôn ngữ tạm gọi là Bantroi,trong một diện hẹp nó mang tích tích cực phục vụ nhu cầu tinh thần. Chỗ nguy hiểm của nó là sự xâm lấn trên thông tin đại chúng, làm méo mó tiếng Việt.Ngay cách viết tiếng việt có một nhóm người rất cổ vũ cho phương pháp kí âm mới, mà theo họ rất thuận lợi về mọi mặt nhất là thể hiên trên phương diện tin học, nhưng không được mấy ai hưởng ứng.( Tôi định vào xem thế nào nhưng phải đăng nhập nên thôi).Chữ Việt tuy có Khiếm khuyết nhưng nó đã ăn sâu vào tâm thức rồi.Nếu sửa lại phải có một cuộc cách mạng như các tiền bối đã làm, không dễ gì mà còn khó hơn nhiều.
Những đều chúng ta biết,cỗ vũ như là giải trí không bao giờ trở thành Tiếng Việt chính thức nên cũng chẳng lo. Việc vui thì cứ vui.
DS

NhatTrung nói...

Đúng đây là vui chơi giải trí kô hơn kô kém.Nhưmg kô thể cấm cản được vì đó là từ ngữ dân gian,lại được rất nhiều ng dùng...Ai mà kô tức khi bị gọi là BẠN XẤU,nhưng lại vui vì mìmh là BẠN TỐT-BANTROI!

HữuThành.Nguyễn nói...

Văn sạch dùng chỗ sạch, văn bụi dùng chỗ bụi, là biết dùng.
Chớ đi đâu cũng trỏ mấy anh bạn tốt mà rằng "mấy thằng bạn xấu của tôi". Mặt mày ra bộ "hình sự" nữa thì thành xấu thật.

Nặc danh nói...

Văn "sạch" đã đành, nhưng ngay cả văn "bụi" cũng nên hạn chế dùng chữ "bụi" (chỉ nên dùng nó trong trường hợp "bất khả kháng").

Vả lại, mỗi giai đoạn có một "kiểu ngôn ngữ" riêng, chúng ta nên hạn chế xài ngôn ngữ của "giai đoạn khác" khi nói cho những người, những chuyện thuộc "giai đoạn này".
Tôi nghĩ là thế.
HCQuang

VNQ nói...

Tham khảo thêm TẠI ĐÂY