Thứ Năm, tháng 10 17, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc sống mãi với non sông Việt Nam

Hoa người dân kính viếng trong khuôn viên 30 HD
  Thế là chúng tôi đã trở về Hà nội, sau gần một tuần lễ rong ruổi trên đường về Quảng Bình dự lễ an táng người mà chúng ta vẫn gọi thân mật là Bác Văn. Đối với chúng tôi, bác Văn trước hết là vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội, nhưng cũng là người bác thân thiết, người đồng hương vĩ đại. Tin Bác mất đối với chúng tôi không thật đột ngột vì đã được biết thời điểm ra đi của Bác qua điện thoại của bạn HP, dù vậy nỗi đau vô hình vẫn ào ạt tuôn trào, và dù là đàn ông, những giọt nước mắt vẫn âm thầm thấm ướt hàng mi của những người lính đã dạn dày chinh chiến. Tuy nhiên chúng tôi đã gìm nén nỗi đau để cùng nâng cốc kính chúc Hương hồn Bác Văn được thanh thản, an lành bay về cõi của các Thánh nhân và mau chóng trở lại để cứu rỗi con dân nước Việt.
  Những ngày đã qua, chứng kiến người dân Việt nam khắp mọi miền đất nước thành kính tưởng nhớ Bác Văn mới thấy hết tấm lòng dân ta. Tận trong thẳm sâu tâm hồn người Việt đều ẩn chứa những đức tính cao đẹp, đối với một sự ra đi của một con người hết lòng vì dân vì nước, bằng rất nhiều cách thể hiện khác nhau, các tầng lớp người dân đều thể hiện một sự tiếc thương sâu sắc, nó chứng tỏ một điều rằng nhân dân không hề quay lưng với những người lãnh đạo hết lòng vì nước vì dân. Những hình ảnh ngưỡng mộ Đại tướng được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng chính là bài học cho các vị lãnh đạo hiện tại và tương lai, sức dân là nước, mềm mại và quyến rũ, nhưng khi bão nổi, sức nước có thể quét sạch tất cả. Bài học về tính giản dị, uyên bác và gần dân cuả Bác Văn rất cần cho các tầng lớp quan chức hiện tại là vậy. XEM TIẾP


Người Quảng Bình chờ đón Bác Văn về với
quê hương
  Sáng ngày 12, chúng tôi trong thành phần đoàn mở rộng thân nhân Bác Văn khởi hành từ nhà riêng Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu về Quảng bình dự lễ an táng bác Văn, sáu giờ sáng tập trung vẫn thấy rất nhiều các cháu thanh thiếu niên, các cựu chiến binh, các ông các bà về hưu đứng trước cổng vái vọng và dâng hoa trước cửa nhà, họ yên lặng và thành kính, dù biết rằng hôm đó đã hết thời hạn viếng để chuẩn bị làm lễ truy điệu, những bó hoa tươi, những ngọn nến vẫn được cài vào hàng rào và thắp lên để tưởng nhớ bác Văn.
 Đoàn chúng tôi được bộ tổng tham mưu tổ chức và lo chu đáo suốt dọc hành trình vào và trở về, đoàn được tổ chức chặt chẽ theo điều lệnh quân đội, có xe dẫn đường, chỉ cần nghe tiếng còi hú là các xe tham gia giao thông đều tự giác nhường đường cho đoàn. Việc ăn nghỉ đều được các địa phương lo lắng chu đáo, rất muốn gửi lời cám ơn đến họ, những tấm lòng người Việt.
Dòng người đội nắng về khu vực an táng
   Trên đường từ Đồng Hới ra Vũng Chùa - Đảo Yến, chúng tôi được chứng kiến gần như hầu hết người dân Quảng Bình đổ ra đường, bằng đủ các phương tiện hướng về nơi an táng Đại tướng, họ hy vọng được trực tiếp tham dự sự kiện trọng đại này.
 Trời Quảng bình sau bão trở nên oi bức và nắng như đổ lửa, trên đường có những đoạn các cháu học sinh bé nhỏ vẫn đội nắng xếp hàng chờ đón Linh xa đi qua, chúng tôi không thể gìm nổi lòng xúc động trước những người Cựu chiến binh già nua, mặc quân phục cũ đeo đủ loại huân huy chương, tay giơ ảnh Đại tướng lên quá đầu, và những người dân, các cháu thanh thiếu niên vì lòng ngưỡng mộ với Đại tướng mà chịu khó đứng dưới nắng cả ngày trời để chờ đón linh cữu đi qua.


 Tại Vũng Chùa, từng đoàn người bất chấp thời tiết nóng gay gắt, già trẻ, trai gái lũ lượt đi bộ từ quốc lộ vào vị trí an táng, chúng tôi hòa vào dòng người đó để được cảm nhận không khí tràn đầy sự ngưỡng mộ, và để cùng chung sự tiếc thương sâu sắc mà người Việt chúng ta dành cho Đại tướng.
Một phần khu vực dành cho nhân dân
 Đài truyền hình đã truyền đi những hình ảnh chi tiết lễ an táng Bác Văn, điều tôi muốn nói ở đây chính là tấm lòng của người dân mà không một phương tiện thông tin nào có thể truyền đạt được, hàng vạn người chen chúc dưới bãi trống phía dưới, rất nhiều người dân leo lên núi cao, rất nhiều các cháu vắt vẻo trên cây cối, rất nhiều những bà mẹ già đếm từng bước chân về khu an táng, rất nhiều những thiếu nữ vứt bỏ giày cao gót để đi chân đất, rất nhiều những đoàn người lội qua những cánh rừng, rất nhiều những đoàn người chạy suốt dọc bờ biển tìm đến Vũng chùa.
Tháp chuông,
 Không thể kể hết những tấm lòng người dân với một người con vĩ đại của dân tộc, mọi lời nói ở đây có vẻ như bất lực trước thực tế. Có lẽ hàng trăm năm sau mới lại có thể có một sự vinh danh lớn lao như vậy của nhân dân với một vĩ nhân của dân tộc.
 Lế an táng khép lại muộn hơn rất nhiều so với kế hoạch, hơi lộn xộn do người dân quá đông và quá hâm mộ, cứ hàng hàng lớp lớp tiến lên khu đất nhỏ hẹp của phần mộ Bác Văn. Đến khuy vẫn còn những hàng người tiến lên chỉ để được thắp một nén hương trước ban thờ người anh hùng dân tộc. Chúng tôi thắp hương, bái lạy và  quay xuống nhường chỗ cho nhân dân, sẽ còn nhiều dịp quay trở lại với Bác, chắc chắn như vậy.

Khối Hải Lục Không quân
Từ Tháp chuông nhìn ra
Đảo Yến, tấm bình phong trấn giữ cho Vũng Chùa
Xe chở Linh cữu Đại tướng vào vị trí


Ba ảnh: đưa Linh cữu Bác Văn lên vị trí an táng
Đại tướng đã về với lòng đất Mẹ  (ảnh cuối copyright by Vinhnq)



Không có nhận xét nào: