***
Bỗng dưng, không biết vì sao trong tâm trí tôi cứ vang lên âm hưởng của một ca khúc từ xa xưa lắm rồi. Thực ra nói cho đúng giai điệu và ca từ của bài hát đó là sản phẩm của một thời bao cấp, người viết theo hợp đồng, mục đích để đáp ứng mục tiêu động viên lao động sản xuất thời đó. Nó là sản phẩm của kiểu thông tin tuyên truyền có định hướng. Vậy mà nay không biết làm sao một đoạn của bài hát cứ lặp đi lặp lại trong tôi không sao dứt đi được: " Leng keng lạch cạch... Leng keng lạch cạch đường ray xe goòng, có cô thiếu nữ ứ ứ ,tay đẩy xe goòng, hò dô hò ... hò dô tay đẩy xe gòong......".
Và hôm nay, tôi bước ra đường trong một chiều Hà nội loáng nhoáng người đi,loáng nhoáng mưa,loáng nhoáng nắng, hối hả và bát nháo, đường phố vẫn còn chút náo động của những ngày vui mừng chiến thắng cách đây 35 năm mà ý nghĩa của nó không chắc là còn nhiều người thực sự biết đến. Bước chân tôi đi qua nơi mà trước kia có hai vệt đường ray chạy thẳng về Bờ Hồ ,và cái tiếng leng keng lạch cạch kia lại vang lên, nhưng lần này không phải tiếng lạch cạch của chiếc xe chở than vùng mỏ mà là âm hưởng quen thuộc: Leng keng! Leng keng của chiếc xe điện, chiếc xe của một thời tuổi thơ đã đi vào dĩ vãng xa xưa, không bao giờ còn gặp lại được nữa.
Rồi chợt nhận ra một điều buồn cười là trong ngôn ngữ Việt, cái từ leng keng rất ít gặp, người ta dùng nó để chỉ tiếng kêu của chuông xe điện nhưng không hiểu vì sao xe gòong không có chuông mà cũng kêu leng keng( hay có chuông mà mình không biết). Trong tiếng Việt hiện đại, người ta không bằng lòng với việc chỉ dùng từ đó trong phạm vi hạn hẹp như vậy, thế là người ta chế thêm cho nó một ám chỉ nữa, khi ai đó có hiện tượng bất bình thường, ngoài việc nói người đó hâm, hấp, chập, mát, điên, khùng, dở hơi, hây hấy, tay nhặt lá chân đá ống bơ v.v...người ta còn gọi thằng ấy, con ấy Leng keng, ở mức độ leng keng chắc chưa đến nỗi nặng phải sang Châu quỳ, âu đấy cũng là cách gọi nhân đạo, người đó chưa điên lắm, còn cứu vãn được!
Cái xe điện của tuổi thơ vẫn chạy trong một miền ký ức của những con người hoài cổ, mà có đúng là hoài cổ không ? hay là chỉ nuối tiếc một giá trị đẹp đã đánh mất dưới những toà cao ốc chọc trời. Cái tiếng leng keng ngày xưa ấy nó mang giá trị nhân văn nhiều lắm, con người có tình nhiều lắm, hàng xóm láng giềng ăn ở như bát nước đầy, người đi ngoài phố cũng hình như hiền lành hơn, mấy khi nghe thấy nói đến hối lộ, tham nhũng, thành phố chỉ gói gọn trong gần chục km vuông, chưa đi đã hết, cán bộ đích thực là công bộc của dân, hễ làm việc gì cũng lo nghĩ sao cho vì dân vì nước, cái tư lợi dẫu ai đó có trót làm thì xấu hổ lắm, nói gì đến chuyện phần trăm này nọ.
Những chuyến tầu điện ngày xưa ấy gắn với bao ký ức tuổi thơ của tôi và chắc là của nhiều bạn nữa. Còn nhớ ngày xưa đó, tuyến đường Yên phụ, Đồng xuân, Bờ hồ có lẽ là tuyến gần gũi hơn cả, trẻ con mà , đi lậu được vé thì thích lắm, ngồi lên hàng ghế gỗ cứng quèo mà cái sung sướng lâng lâng cứ âm ỉ mãi, tầu chạy chậm lắm so với tốc độ bây giờ, chắc nó cũng đại diện cho nhịp sống thư thả của Hà nội xưa, sao hồi đó không thấy ai sốt ruột như bây giờ, tầu điện cứ thong thả đi qua những con phố yên bình, cứ đi mãi rồi cũng đến, Bưởi, chợ Mơ, Yên phụ, Hà đông hay Cầu Giấy, tất cả rồi sẽ quy về Bờ Hồ, cứ trung tâm là Bờ Hồ, không bao giờ lạc.
Mấy ông thực dân Pháp qua nước Nam đô hộ, cướp bóc cũng lắm( các cụ ta bảo thế) nhưng họ cũng làm được khối điều mà dân còn nhớ mãi, có lần tôi được nghe các bậc cao tuổi hứng chí đọc mấy câu thơ, lõm bõm thế này:
““Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn điện thắp hoài năm canh
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
La ga thì ở Thụy Chương
Dây đồng, cột sắt thì đường cái quan
Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền ký cược đi làm sơ vơ (người bán và soát vé)
Xưa nay có thế bao giờ
Có chiếc tàu điện đứng chờ ngã ba
Đàn ông cho chí đàn bà
Hễ tàu vừa đến lấy đà nhảy lên
Ba xu ghế gỗ rẻ tiền
Toa sau thì để xếp riêng gánh gồng
Năm xu ngồi ghế đệm bông
Hỏi mình có sướng hay không hỡi mình.”
Gì thì gì nhưng phải nói quy hoạch của họ thì rất tuyệt, nhìn Hà nội cũ, nhất là khu phố Tây mới thấy các kiến trúc sư người Pháp rất giỏi, có bao giờ thấy bị ngập nước, ngay cái nhà về mùa Nồm nam cũng không bị ẩm ướt như những ngôi nhà thiết kế, xây dựng hiện đại bây giờ. Hồi đó mà nghe đến tắc đường, chắc không ai hình dung ra nó thế nào, có phải cũng một phẩn là do lợi ích từ chiếc tầu điện mang lại?
Hà nội mới đang có nhiều quy hoạch, dự án rồi đề án, nghe nói nhiều lắm. Thủ đô còn sắp phi về chân núi Ba vì. Hà nội mở rộng to đùng ngã ngửa, ừ mà có gì lạ, phát triển là chiều hướng chung, thế mới oai, mới tầm cỡ với thế giới, đâu đó trên các phương tiện thông tin báo chí có bài ì xèo, cái tốt ít nói đến, cái không tốt cứ ầm ĩ. Khu phố mới, to, đẹp ,hiện đại, chưa xong đã ngập, tắc đường vẫn hoàn tắc đường. Những điều đó người ta kêu đâu có sai!
Vừa rồi nghe quy hoạch giao thông, vẽ ra đẹp lắm, các đường vành đai, các đường trục ra vào thành phố, nào tầu trên cao nào tầu dưới đất, bao nhiêu cầu vượt sông bao nhiêu đường cao tốc nghe sướng, nhưng sướng chưa được bao nhiêu lại chợt giật mình, không biết vì sao kế hoạch làm hầm, làm cầu qua Hồ Tây, đã được đưa ra, dư luận phản đối, tưởng yên rồi lại được âm mưu đưa ra tiếp, cái sự hứng thú đào khoét Hồ Tây làm sao lại đem đến sự hào hứng cho người ta vậy nhỉ, chắc không phải là chuyện bìnhthường, chợt nghe tiếng leng keng, leng keng nhưng lần này không phải từ tầu điện.
Thứ Năm, tháng 5 06, 2010
Tiếng Leng keng
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Năm, tháng 5 06, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
26 nhận xét:
Nhớ khi xưa cái đường tàu điện ấy còn là chỗ gia công đồng cái đánh xèng. Cứ để đồng sắt lên đường tàu để nó cán dẹt ra làm đồng cái, may mà nó không trượt đường ray ...
TTXVH
Ô, hình tàu điện có chú bé ngồi ké ở ba-đờ-sốc hay thiệt, làm tui nhớ thời bé của anh em mình. Xin phép copy.
Hồi đó có 1 bài thơ chê trách cái anh nhảy tàu điện:
... (không nhớ) ...
Leng keng, tàu điện leng keng,
Có ai mang võng mà đưa anh về.
Hỏi rằng khi tỉnh cơn mê,
Nhảy tàu điện nữa hay lê quanh giường.
Cái ảnh tàu điện có các bạn "vi phạm an toàn giao thông" có vẻ như vào những năm 60, thế nhưng trên nóc tòa nhà lại có quảng cáo như thể là chữ Tây. Không hiểu là ở đâu, quảng cáo cái gì, sao trước kia không bao giừo thấy nhỉ
Em gái leng leng à, bên phải ảnh 2 có hàng chữ Ruộm hấp tẩy bật bông... còn trên mái nhà là hàng chữ mậu dịch quốc doanh viết tắt, hàng mẫu không bán, vào đấy chỉ để xem thôi, khg phải quảng cáo mô.
ĐN.
Đây là chỗ đầu Hàng Đào. Cũng là thời bao cấp, nhưng chắc phải năm 7 mấy vì trẻ con đã đi giầy (hồi năm 6 mấy toàn đi dép thôi) và có mấy người lớn (chú đi xe đạp bên phải) bận áo lạnh trông có vẻ mang từ nước ngoài về.
Nhìn thấy đúng kiểu của mình trốn vé tầu điện (hình như là 5 xu?).
HMK6
Thêm : cái hình trên chắc là xưa hơn vì thấy toàn áo bông thôi.
HMK6
Ảnh1 : Thử đọc khẩu hiệu trên tòa nhà :
A.Bên trái :
- dòng chữ trên :
'Không có gì quí hơn độc lập tự do'
- dòng dưới :
'Tất cả cho tiền tuyến,tất cả để (?)toàn thắng'
B.Bên phải :
'Mỗi công dân Thủ đô là một
ch(iến sỹ)
kiên cường chống Mỹ,cứu n(ước)'
Đúng là mắt kém (chả muốn công nhận là leng keng), chữ D và chữ Q nhìn cứ như hai chữ O. Dưng mà ngày xưa cũng có "quảng cáo" cao thế à? Chắc mình toàn nhìn dưới đất, chả bao giờ nhìn lên cao thế nên không biết. Xem lại ảnh cũ thấy ngày xưa mình bỏ qua bao nhiêu thứ
Em gái K9 ơi, xin chớ hiểu lầm, leng leng chớ khg phải leng keng. Leng leng nghĩa là xinh đẹp ấy chớ, hì hì.
ĐN.
Cái mà EGK9 nhìn thấy đúng là chữ MẬU DỊCH QUỐC DOANH , được xây hẳn hoi chứ không phải biển quảng cáo,sau này đập đi rồi, ít ai ngước mắt lên nhìn cho xứng tầm với các ông bà mậu dịch quốc doanh thời đó, họ là vua mà,hẳn các bạn còn nhớ đoạn đường ray xe điện đó, con tầu đang rẽ về Hàng Đào, chợ Đồng xuân để lên Yên phụ, đường ray bên trái đi lên Hàng Gai rồi lên Cầu Giấy, nhũng chú nhỏ đó có hình bóng chúng ta trong đó, thật nhiều kỷ niệm, hồi đó không có khái niệm vi phạm an toàn giao thông nhỉ, thực ra tai nạn chỉ xẩy ra với những chú không có nghề nhảy tầu, có những tên bé tý nhảy tầu như điên mà chẳng hề hấn gì nhất là mấy vị "lơ xanh lơ tẩy hồng"
Ko hiểu Ông,Bà nào ra cái lệnh dẹp bỏ hết đường xe điện , thật là ng...hết chỗ nói .
HH
BÀI HÁT NÀY có tàu điện, thời bao cấp, chiến tranh...như mấy bài viết và góp ý vừa qua đề cập.
LƯU Ý: bài này nghe rất TÊ - đ/c nào có tiền sử bệnh Tim coi chừng lăn quay ra tui k chịu trách nhiệm đâu nhá.
Anh Zdai Hoàng Hiệp tập kết ra Bắc, yêu đương lăng nhăng chi đó, lúc quay về SG thì bỗng thấy Yêu HN wá...
HN tất nhiên là rất đáng yêu, bằng chứng là a QT đã cho ra đời 1 siêu fẩm VĂN XUÔI "Tiếng Leng keng" có fa tí VĂN NGƯỢC (Thơ) với ảnh minh họa rất giá trị - tui khoái nhất cảnh 2 chú ngồi sau, 1 chú đứng, chục chú treo tòn teng bậc cửa...rất TÀU ĐIỆN HN
@Quang Trung: Hồi tháng 6 năm ngoái rong chơi bên Vienna (Áo), là một trong những thành phố có hệ thống giao thông công cộng tiên tiến nhất châu Âu, muội thấy xe điện, hơi ngỡ ngàng rồi tự hỏi: sao Hà Nội lại bỏ xe điện hè?
@EGK9: Muội cũng đọc thành chữ "moon" nên trong lòng théc méc lém!
@TK8: Trong lịch sử tiếng Việt, ai nghĩ ra cái từ "văn xuôi" cũng lạ đại ca ha?
Q.MF
HN bỏ xe điện để thay bằng xe điện bánh hơi. Mỗi lần đến chỗ cua trước sau có hai người nhảy xuống dẹp chỗ cho an toàn, một người cầm dây chão buộc cái tiếp điện đề phòng nó tuột ra thì kéo vào,... :-)
Nói đùa vậy chứ chỉ gần giống thế thôi. Được đâu một hai năm thì bỏ? Có ai nhớ không?
Đúng như TQ nói. Nói vậy thôi, với nạn tác đường, bây giờ mà còn xe điện bánh hơi thì ko biết chạy vào đâu.
Chuyện xe điện như xưa trong điều kiện giao thông hiện nay thì có thể không còn phù hợp nữa, tuy nhiên ở khu vực phố cổ, có ý kiến rất hay là nên bảo tồn các giá trị xưa ,các ngôi nhà cổ nên phục dựng lại theo phong cách cũ, không sơn phết loè loẹt, làm một số đoạn đường có xe điện chạy, hạn chế giao thông để có chỗ cho người đi bộ tham quan, may ra lúc đó HN mới có thể được công nhận là di sản văn hoá
EGK9 cũng thật sự không hiểu tại sao phải bỏ tàu điện. Ở Brussel tàu điện vẫn hoạt động như "ngày xưa", khắp nơi, tấp nập, là phương tiện giao thông quan trọng của thành phố. Trước cửa nhà của EGK9 ở là đường tàu điện, tuyến chạy qua hai trường Đại học của Brussel nên lúc nào cũng đông. Có một bến ngay gần nhà, sát đầu ngữ tư, mỗi khi đèn xanh, tàu điện lăn bánh nó lại keng một tiếng. Tuy bây giờ tàu điện không leng keng nhiều như xưa, nhưng với EGK9 thì tiếng leng keng của tàu điện chưa phải là thứ nằm trong "bảo tàng"
QT à,thời đánh Mỹ có câu chuyện khi phi công Mỹ bị bịt mắt dẫn về trại nay "Ngã tư Khổ" nghe tiếng tàu điện leng keng ,nó sổ ra một tràng... nói đây là Hà Nội,mấy ông lính nhà mình phục lăn,hóa ra ở MB VN chỉ ở HN mới có tàu điện nhỉ,dễ ợt mà hồi đó sao không nhận ra nhỉ?
À quên mất ,xin cho một ý kiến nhé:hình 1 cái nhà có chữ"MDQD"nay là nhà "Hàm CÁ MẬP",ảnh này chụp từ đầu hàng ngang,hàng Đào,tàu chạy về hướng chợ Đồng Xuân?Ảnh 2 là ngay trước Nhà "Hàm CÁ MẬP"tại ga Bờ Hồ,cạnh nhà hàng Thủy Tạ!,Mắt ông Tuấn Linh hơi bị siêu nhỉ,mình phóng to lên mà đọc chữ được chữ mất
Xin lỗi các bạn ,tôi nói lộn ảnh 2 thành 1,già rồi hay lẫn.../TBK4
TB ơi, cả 2 ảnh không có cái nào là "hàm cá mập" cả. "Hàm cá mập" là một góc bên tay phải cái ảnh trên, chỗ cái bách hoá tổng hợp trước ga xe điện Bờ Hồ. Còn chính diện cái nhà ấy là kem Hồng Vân. Đi lên một tí nữa, chĩa ống kính sang phải một chút thì có ảnh 2, khuất bên tay trái là kem Hồng Vân thì bên tay phải là cái nhà MDQD. Bây giờ mới biết mình chưa bao giờ vào cái MDQD này, không biết nó bán hàng gì. Tiếc quá! :-)
Ngay xua ban vai voc quan ao, bay gio chia ra, moi nguoi mot goc, cung ban do may mac. xin loi. chua cai TIENG VIET
Hữu Thành ơi,ông xem lại kỹ hình đi:Nhà có chữ MDQD trong ảnh 2 là nhà Hàm Cá Mập đấy,trước nhà là Bờ Hồ,phía sau là phố CẦU GỖ,ngày trước ở dó có cái chợ Cóc,bán hoa và trái cây,có một quán phở nữa...ảnh 1 cái nhà có khẩu hiệu thì dúng là KEM HỒNG VÂN,cạnh nó có cửa hàng tạp hóa,bán dây thắt lưng ,bút máy Hồng Hà,Kim Tinh...vì ngày ở Hàng Trống xuống có tí tẹo/TBK4
Đúng là "Hàm cá mập" chỉ có một tý góc ảnh thôi, phía tay phải ảnh 1.
TTXVH
Ông TBk4 ơi, cái nhà ấy là "hàm cá mập" thì tầu điện chạy vào phố Cầu Gỗ à? Bọ đi xa HN lâu quá rồi, lung tung hết cả.
Đăng nhận xét