Bạn biết gì về nhân vật M. trong nhật kí của chị Đặng Thuỳ Trâm? anh chính là người yêu trong mộng của chị và thiên tình sử của họ làm cho chúng ta phải suy nghĩ thật nhiều, tôi vẫn thường tự hỏi có đáng để anh M phải xử sự như vậy không? chiến tranh giải phóng đâu có đến nỗi phải gò ép tình yêu đến như vậy nhỉ?
Khương Thế Hưng
NGƯỜI YÊU CỦA ĐẶNG THÙY TRÂM
Bộ đội sinh 1934 tại Hội An, Quảng Nam – Mất 1999 ở Hà Nội (66 tuổi).
Chính là người yêu của nữ liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm tác giả cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được phát hiện nổi tiếng từ Mỹ chuyển về VN năm 2005, là nhân vật M. trong cuốn nhật ký (viết tắt bút danh làm thơ của anh, Đỗ Mộc hoặc Nguyên Mộc).
Mới 16 tuổi đã tham gia đánh Pháp, sau tập kết ra Bắc. Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ trí thức (con trai nhà thơ tiền bối Khương Hữu Dụng) nên nhanh chóng nổi tiếng là một mẫu thanh thanh niên lý tưởng thời này: Đẹp trai, “cái gì cũng giỏi” từ học hành, ca hát, đánh đàn, thổi sáo (tác giả bản nhạc múa “Chàm Rông” nổi tiếng thời anh chiến đấu trên chiến trường miền Trung sau này), làm thơ, chơi thể thao….
Mối tình đôi bên chớm nở từ mối giao tình hai gia đình trí thức cùng gốc gác miền Trung tập kết (bố ĐT Trâm là bác sĩ quê Huế và ĐT Trâm cũng sinh tại Huế). Nhưng năm 1962 từ khước vào đại học và chia tay người yêu để xin vào Nam lại chiến đấu trên chiến trường máu lửa Quảng Ngãi, trong đoàn chiến sĩ vào Nam chiến đấu sớm nhất. Từ đó nhanh chóng trở thành một lãnh đạo cuộc chiến chống Mỹ ở địa phương, lăn lộn gần 100 trận đánh chịu khoảng 20 vết thương trên mình. Ngoài ra còn thành lập Đoàn Văn công Quảng Ngãi, sáng tác nhiều hành khúc chiến đấu và bản nhạc múa “Chàm Rông” (năm 2006 thân hữu đã ghi lại một đĩa CD kỷ niệm).
Từ hậu phương miền Bắc, năm 1966 ĐT Trâm tốt nghiệp bác sĩ cũng tình nguyện vào Nam phục vụ và tìm đến Quảng Ngãi với hy vọng gặp lại cố nhân mối tình đầu cũng là mối tình vĩnh cửu. Nhưng hờn tủi thay khi gặp lại thì anh tỏ vẻ xa cách, trốn tránh không chịu nối lại đường tơ. Không phải vì anh đã có “người khác” mà vì một lý do thầm kín không bao giờ bày tỏ mà mãi đến khi hy sinh năm 1970 – lúc mới 28 tuổi - có lẽ cô cũng chưa kịp hiểu thấu tại sao. Mà anh cũng chưa kịp hé lộ cho ai khi cùng thời điểm đó bị thương nặng đưa về Bắc chữa trị (sau đó chuyển qua làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân, tham gia Ban Liên hợp quân sự bốn bên rồi về làm việc ở Tổng cục Chính trị quân đội).
Lý do đó mãi đến hàng chục năm sau khi anh qua đời năm 1999 người thân mới phát hiện trong những dòng nhật ký úa vàng của riêng anh còn kẹp ở giữa những lá thư của ĐT Trâm – một “Nhật ký Khương Thế Hưng”. Nhật ký của một mẫu hình chàng trai lý tưởng chủ nghĩa cực kỳ sẵn sàng cống hiến hy sinh tất cả bản thân kể cả chuyện tình yêu vì lý tưởng chiến đấu cho quê hương đất nước.
Trong nhật ký anh đã giải thích lý do sở dĩ “đoạn tình” với Đặng Thuỳ Trâm vì một ý hướng cao thượng không muốn làm cho người yêu sau này phải đau khổ vì mình: “Tình hình này chắc chắn anh sẽ hy sinh trước ngày toàn thắng. Nên giữa đôi ta chỉ là tình bạn, tình anh em mà thôi… Anh sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của riêng mình để Thùy tìm một hạnh phúc đảm bảo hơn, trọn vẹn hơn.”
Nhưng đau đớn và oái oăm thay chính người yêu lại ra đi trước anh, khi đó bom mới nổ trong lòng anh: “…Thùy ơi sẽ không có người con gái nào giống Thùy đâu, trong cuộc sống và trong trái tim mình… Em chết đi biến thành ngọn gió lượn trên đầu anh. Trên đời anh. Thành tiếng gọi đằng trước để anh đi tới. Anh đã nghĩ đó là tình yêu của người lính… Có phải vậy đâu mà lòng anh hôm nay thì trống rỗng… Bây giờ thì như bao giờ anh cũng cần sống xứng đáng hơn. Bao giờ cũng phải phủ định mình để khẳng định mình. Sống như vậy cực lắm Thùy ơi. Anh đuối sức. Và anh đau khổ…”
Nỗi đau đó được giấu kín trong đáy sâu tâm hồn, câm nín đến chết. Nó được ghim chặt trong đời thường cũng như cuộc sống của một người luôn sống vì người khác, không muốn làm phiền đến người khác nên tự mình chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Thậm chí còn không chịu làm thẻ thương binh để hưởng chế độ dù người đầy thương tích và nhiễm chất độc da cam, mỗi khi lên cơn từ vết thương đầu nhũn não có thể gây loạn trí chỉ ôm đầu lăn lộn chịu đựng một mình!
Trong lời tưởng niệm đọc tại lễ tang, nhà văn Nguyên Ngọc đã ngậm ngùi ghi nhận một người anh hùng thầm lặng của thế hệ, của thời đại: “Anh đã sống một cuộc đời xứng đáng. Đã có một con người trọn vẹn đi qua thế gian này. Một con người cao đẹp, tài năng, đức độ nhưng luôn luôn lẩn khuất giấu mình mà có lẽ chúng ta đã không thật sự biết rõ, thấu hiểu…”
Một “Paven Việt Nam” với thiên tình sử lãng mạn bi tráng vào hàng bậc nhất trong chiến tranh chống Mỹ nói riêng, trong lịch sử chiến tranh nói chung.
Thứ Ba, tháng 2 23, 2010
Về Khương Thế Hưng, người yêu của Đặng Thuỳ Trâm
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Ba, tháng 2 23, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
8 nhận xét:
Chúng ta có điểm xuất phát giống như họ. Gần như tất cả chúng ta đi theo con đường họ đã từng đi. Họ đi xa, qua lửa chiến tranh và cháy.
Chúng ta, đa số loanh quanh trong "khói lửa bếp", chỉ có thể xét lại mình chứ có lẽ không thể xét lại họ.
Gia đình thôi chơi thân với gia đình họ Khương. Khương Tú Anh (nay là TBT tạp chí Trang bị Kỹ thuật, TCKT) chơi với em gái tôi.
Anh Hưng ngày còn sống hay qua lại, đàm đạo với Trung em tôi. Do ảnh hưởng những ngày ở chiến trường mà anh bị chất độc da cam ngấm vào máu. Anh là còn người tài năng, đức độ, xông pha vào nơi khó khăn nhất.
Trên anh Hưng còn có anh Khương Thế Xương là học viên Lục quân Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, hy sinh năm 1951 ở miền Trung.
Cụ Dụng cũng là nhà thơ, nhà dịch thuật thơ tài năng. Cụ mất năm 2005, thọ 95 tuổi.
Day la mot ket cuc buon ,bi trang !La lop dan Anh, anh KTHung co nhung suy nghi cua lua tuoi ay!Con nguoi trai qua cuoc chien tan khoc va ac liet co nhung suy nghi khac!Toi tham cam on anh Hung va chi Thuy da viet nen mot thien tinh su cua the he thanh nien CMCN!Noi nhu TQ minh lam gi co quyen phe phan,Trong khi cac Anh cac Chi ra chien truong ,thi minh van ngoi ghe nha truong ma!Ho chap nhan hy sinh trong chien tranh ,de anh em ta xay lai dat nuoc "TO DEP HON,DANG HOANG HON".Kinh can nghieng minh nhung dong doi toi da hy sinh o moi mien dat nuoc cho Tu Do -Doc Lap hom nay!
Có một thế hệ cắp "THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY" ngang hông đi vào cuộc chiến, dĩ nhiên chúng ta cảm phục họ, cũng như chúng ta đâu có quyền phán xét họ, là thế hệ đàn em gần gũi với những mẫu người như chị Trâm , anh Hưng. Chúng ta hiểu họ và thông cảm với những suy nghĩ của họ, nếu có điều gì muốn nói ở đây thì chính là một niềm nuối tiếc cho một tình yêu đẹp không đi được đến đích của nó, hay là niềm ái ngại cho những suy nghĩ hơi cứng mà chỉ đại diện cho một khoảng thời gian ngắn trong lí tưởng của thanh niên thời đại đó, chính chúng ta cũng là những người đọc vanh vách "Ra đi chỉ một lời thề, chưa thắng giặc Mĩ chưa về quê hương" . Tôi đã được chứng kiến rất nhiều đôi lứa yêu nhau vì những câu đại loại như vậy mà kiên quyết ra đi, đến khi thấy dân số hụt hẫng ,không có nguồn bổ sung cho mặt trận chắc mới tỉnh ra, chỉ béo mấy ông đui què mẻ sứt ở lại địa phương thôi. là nói vui vậy thôi, chứ tôi đưa lên chỉ với mục đích duy nhất là giới thiệu với mọi người về anh Hưng, tấm gương của anh cũng ngang ngửa với chị Trâm vậy.
Đây có vẻ là một mảng đề tài mới mang chất Hổ trong Blog của TQ đây.Ngẫm ra, dù chỉ loanh quanh ở khói bếp điện và bếp gas, nhưng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và cái hồn lãng mạng cách mạng vẫn còn ngấm đậm trong máu của mấy chú lính Trỗi được nuôi dạy và rèn luyện trong thời đi sơ tán. Vừa mới gặp gỡ vui xuân đấy mà đã hồi tưởng ngay đến các anh các chị đã sống chiến đấu oanh liệt gần nửa thế kỷ trước. Cảm ơn QT đã sưu tầm!
Các anh các chị hy sinh oanh liệt là thế. Nhưng thật là buồn! Những gì tồn tại trong xã hội hôm nay, thật không xứng đáng với sự hy sinh đó.
HQK
Một thời như vậy, như T.Q nói thì đúng là chúng ta chẳng có quyền phán xét. Nhưng tự nhiên mình có cùng cảm nhận với họ. Khi mong muốn hiến dâng bản thân mình chắc không ai muốn người khác vướng bận với mình. Mình không cho đó là buồn, là có gì xót xa mà chỉ là ta chưa sống qua những giây phút khắc nghiệt nhất. Chưa được sống với cái nghĩa cao đẹp nhất nên cứ lấy những điều bình thường ra mà so sánh. Bản thân họ hạnh phúc vì những gì họ cống hiến. đâu còn băn khoăn đời sau có xứng đáng hay không?
Có thể bây giờ nhiều người sống chưa thật đẹp, nhưng cái đẹp thì ai cũng tôn trọng. Đó là qui luật muôn đời. Ta làm được chút gì thì cố gắng làm thôi.
TT
Tự Thành nói đúng.
Đăng nhận xét