Thứ Tư, tháng 2 12, 2014

Ghi chép một câu chuyện về bạn làm từ thiện

Một ngày đầu năm Giáp Ngọ gặp lại chị tại một quán café. - Mấy ngày Tết vui vẻ chứ? - Chán chết, chẳng buồn làm gì – chị trả lời – tớ chỉ bận rộn trước Tết thôi. - Chị có việc gì mà bận? – tôi lấy làm ngạc nhiên. - Đi làm từ thiện. Chị kể tối 28 Tết, chị cùng 5 người nữa lang thang trong đêm, dự định đem khoảng ba chục phần quà tặng cho những người nghèo không về quê ăn Tết. Đoàn của chị đi vòng quanh, qua vườn hoa Hàng Đậu, vòng ra cầu Long Biên rồi ngược lên vườn hoa Lý Tự Trọng mà không tìm thấy ai. Cả đoàn đi không biết bao lâu, có đến hàng giờ. Mãi gần sáng khi qua ga Hàng cỏ mới gặp hơn chục cụ già 60 -70 ngủ trên vỉa hè. Ban ngày họ là những người bán quán nước ở khu vực này. Ngoài ra có một số người đồng nát đi nhặt rác đêm nhóm chị cũng tặng quà. - Nhóm này gồm những ai thế? - Có quen nhau đâu, tự dưng rủ thôi. Đầu tiên chị liên lạc với một cô gái hình như làm ở công ty phần mềm nào đó mà chị đã gặp ở Lào Cai. Cô ấy rủ thêm một anh bạn. Tình cờ chiều 28 cô nhân viên Chi cục thuế Đống Đa gọi hỏi chị đã nộp thuế môn bài chưa? Chị trả lời nộp rồi nhưng không nhớ hôm nào vì chị đang bận lắm. Khi biết chị chuẩn bị để tối đi đưa quà từ thiện, cô ấy bảo cho đi cùng và rủ luôn anh chồng cũng đi. - Thế còn người nữa? - Đó là thằng con rể, nó chở tớ. Gần sáng cả nhóm về nhà chị ngồi uống nước chị mới biết anh bạn đi cùng là công an. Hèn gì anh chàng luôn dẫn đường đi trước bởi có lẽ anh ta biết nhiều điểm tụ tập của những người lên thành phố hay tụ tập. Tôi thực sự ngạc nhiên vì người ta làm việc tốt mà lặng lẽ thế, không vì bất cứ gì khác ngoài đem lại niềm vui cho những người còn vất vả hơn mình. Sáng 29, còn một số xuất quà bọn tớ đem đến “làng chạy thận”. Những người phải chạy thận tuần 3 lần thì đều phải ở lại cả Tết, có người đã chạy thận tới 9 năm rồi. Ở đây có khoảng hơn hai chục người. Không đủ phần quà nên nhóm chị tặng quà bằng tiền. - Cậu đừng nghĩ là họ buồn đâu nhá. Phần nhiều là vất vả nhưng họ vẫn rất vui vẻ. Mình chỉ đem thêm sự đầm ấm và niềm vui đến cho họ thôi. Chứ họ chẳng cần ai thương thay cho họ đâu. Ngày 28 có người bạn hỏi chị chiều 30 cùng đi đến Bệnh viên Nhi tặng quà Tết cho các cháu không? Bạn chị lo chiều 30 sẽ không có nhiều người cùng đi. Chị nhận lời và chiều 30 cả chị và người bạn khá bất ngờ khi có tới hơn ba chục bạn tham gia tặng quà. Viện Nhi ngày Tết đông trẻ em nằm lại lắm. Đoàn của chị chỉ có thể tặng cho một vài phòng bệnh là hết quà. Nhưng điều đó cũng đã làm các bệnh nhân vui và các chị cũng vui cùng. Rồi chị kể lại chuyện quen cô gái làm ở công ty phần mềm. Lần đó chị ra ga Lao Cai đón một đoàn từ thiện khoảng 20 người từ Hải Phòng. Khi thấy những người vác các bao tải đi ra thì chị gọi người ở ga mở cổn hàng hóa để cho họ ra. Chị bảo đây là những người đi làm từ thiện đã hẹn trước. Khi đó thì có 6 cô cậu ở Hà Nội vội nói “chúng em cũng đi làm từ thiện đây”, chị đón họ ra và hỏi định đi đâu. Họ bảo định đến tận bản Lũng Chài. Đoàn Hải Phòng cũng định đi lên đó nên các bạn Hà Nội cùng nhập vào. Thì ra tự mỗi bạn đem đồ nhà mình lên tàu, rồi sau đó mới gặp nhau và nhận ra cũng đi chung mục đích chứ có ai quen ai trước đâu?

Con tặng cô :''NGƯỜI MẸ NIỀM TIN" cô ạ con chỉ mới đi tình nguyện với cô có một lần thôi ,nhưng kể từ lúc gặp cô và thấy những việc làm của cô ,con lại có thêm sức mạnh ,niềm tin để đi tiếp khi về hà nội con muốn buông xuôi bỏ cuộc và con nghĩ tới cô "người mẹ niềm tin"của con ,con đã không từ bỏ cô ạ.con xin chân thành cảm ơn cô "NGƯỜI MẸ NIỀM TIN "của chúng con. Đường đi lên bản vùng cao thực sự gian nan. Đường nhỏ men theo dốc núi, lại mưa, tuyết nên rất khó đi và nguy hiểm hơn những ngày khô ráo nhiều. Có những cô gái Hà Nội sợ … nhắm cả mắt. Nhưng có một chị những 65 tuổi dẫn đầu đoàn thì cớ gì mà mình lại có thể bỏ cuộc. Các cô cậu thanh niên có đi mới thấy hết nỗi vất vả của đi làm từ thiện. Có bạn đã bảo qua chuyến đi này em thấy mình trưởng thành lên nhiều lắm. Tất nhiên là vậy, khi tự mình vượt qua được ranh giới của nỗi sợ hãi lúc ngồi sau xe máy của những tay lái người H/mông trên những con đường rộng 40 – 50cm bên miệng vực, con người ta đã đổi thay nhiều lắm chứ. Trẻ em H’mông vẫn thích thú với tuyết rơi. Mùa màng chắc chắn là thiệt hại nhưng người dân vùng cao không phải vì thế mới khổ. Họ khổ cả ngàn đời nay rồi. Họ còn khổ nhiều hơn vì mất đất canh tác màu mỡ cho thủy điện nhỏ. Cả huyện Sapa có tới hơn 30 cái thủy điện và đã có 5 cái đang làm. Người dân phải nhường đất cho thủy điện để lên những vùng núi cao hơn và cũng khổ hơn. Các chị đến với họ là tình người, chứ chẳng thể giúp họ bớt khổ.

2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Quá hay. Rất con người!

Lê Tự Thành nói...

Mình thật sự ngạc nhiên khi nghe những nỗi vất vả khi đi tới vùng cao. Có khi vất vả hơn anh em ta đi rừng ngày trước. Xem tv nhiều thấy các đoàn từ thiện đi ô tô, tới phát quà rồi về ... khách sạn.
TT